01/06/2017 01:13 GMT+7
TTO - Ngày 31-5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đến Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lịch làm việc dày đặc bắt đầu từ 7h15 phút sáng.
Thủ tướng dành thời gian để tiếp và lắng nghe các doanh nhân Mỹ tại Washington D.C ngày 31-5 - Ảnh: Lê Kiên
|
Sự kiện đáng chú ý là Thủ tướng tham dự lễ trao các văn bản thỏa thuận về thương mại và đầu tư.
Trong chuyến thăm này, có khoảng 20 hợp đồng và văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai nước được trao đổi với tổng giá trị khoảng 10 tỉ USD. Trong số đó, nổi bật nhất là các hợp đồng của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.
Công ty CFM International - một liên doanh giữa General Electrics (G.E) và Safran - đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ máy bay kèm theo dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho Vietjet Air, trị giá 3,6 tỉ USD, thực hiện trong vòng 12 năm.
Vietjet Air và Công ty GECAS thuộc tập đoàn GE đã ký bản ghi nhớ hợp đồng cung cấp tài chính thuê mua máy bay trị giá 1 tỉ USD cho 10 máy bay mà Vietjet Air đặt hàng từ các nhà sản xuất.
Chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo nói: “Dòng động cơ chúng tôi lựa chọn theo hợp đồng này giúp tiết kiệm tới 15% lượng nhiên liệu tiêu hao.
Vietjet Air rất hân hạnh được hợp tác với GE và CFM International. Với sự hợp tác này, đội máy bay Vietjet Air sẽ có những bước đột phá về công nghệ thế hệ mới, giảm các chi phí vận hành”.
Thủ tướng (thứ 5 từ phải sang) chứng kiến lễ ký kết, trao đổi thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp VN và đối tác Hoa Kỳ - Ảnh: Lê Kiên |
Một thỏa thuận tỉ USD khác là giữa tập đoàn Phú Cường và tập đoàn G.E về nhập thiết bị turbin điện gió và dịch vụ bảo dưỡng cho dự án phát triển 800 MW điện gió tại Sóc Trăng.
Ngoài ra, thỏa thuận nhập một số thiết bị cho nhà máy điện turbin sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh trị giá hàng trăm triệu USD cũng được tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và GE trao đổi…
Cùng ngày, tại Washington D.C, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp chủ tịch Công ty ASG Carlos Gutierrez, lãnh đạo các tập đoàn Boeing, Murphy Oil, General Electrics, thảo luận với công ty McKinsey và một số tập đoàn kinh tế của Mỹ.
Tại các cuộc làm việc này, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam, trả lời những câu hỏi và đề xuất cụ thể của các doanh nhân Mỹ.
Thủ tướng cũng dành thời gian tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trước khi đến Bộ Ngoại giao để dự tiệc chiêu đãi của Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao những sự tăng trưởng vượt bậc, tích cực trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm qua; khẳng định Việt Nam luôn thực hịện nghiêm túc các cam kết Hiệp định thương mại song phương và trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thủ tướng cho rằng quan hệ kinh tế thương mại hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển do hai nước có nền kinh tế bổ sung cho nhau.
Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hoá công nghệ cao, dịch vụ từ Hoa Kỳ cũng như các nguyên vật liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ… Trên cơ sở quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư cùng có lợi, tạo việc làm và tăng trưởng cho cả hai bên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đánh giá khách quan phản ánh đúng bản chất của vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước, xử lý các vấn đề thương mại giưa hai nước trên cơ sở cơ chế Hiệp định khung về Thương mại Đầu tư (TIFA) cũng như các quy định của WTO, đồng thời mong muốn phía Mỹ xem xét tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như trái cây, thuỷ sản... tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Thời điểm này đang là kỳ nghỉ của các nghị sĩ Mỹ, tuy vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện các cuộc điện đàm trao đổi với hạ nghị sĩ Ted Yoho - Chủ tịch tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, các thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, Bob Corker - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và Orrin Hatch - Chủ tịch thường trực Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện.
Khoảng 15h ngày 31-5 theo giờ Mỹ (tức là 2h sáng 1-6 giờ VN) Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp đón và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng.
LÊ KIÊN (từ Washington D.C)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét