Dân trí Trong số 99 đỉnh núi ở dãy Hồng Lĩnh từng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa, ngọn Sư Tử (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được xem là một công trình thiên nhiên kỳ thú. Thế nhưng, thật xót xa, ngọn núi này đã và đang bị băm nát không thương tiếc!
Băm nát ngọn núi thiêng
Trong nhiều cuốn dư địa chí, nhiều câu chuyện truyền miệng dân gian đều viết, đều nhắc đến ngọn Sư Tử (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ), ngọn núi linh thiêng trong số 99 đỉnh núi Hồng từng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa và được coi là biểu tượng thiên nhiên của Việt Nam từ đời Minh Mệnh thứ 17.
Trong cuốn “An - Tĩnh cổ lục”, tác giả Hipplolyte Le Breton (người Pháp) đã nhắc đến ngọn núi này một cách đầy linh thiêng: “Ngọn Sư Tử là một ngọn núi có hình dáng con sư tử trong thần thoại Hán Việt(?). Đặc biệt ai cũng biết đến ngọn núi này vì đó là một công trình của thiên nhiên, là chiếc cầu mà các nàng tiên tắm ở đó” Và ngay tại ngọn núi này hiện còn có một am thờ được người dân địa phương lưu giữ thờ cúng từ xa xưa.
Quả thật, đứng từ bên kia bờ của dòng Lam phóng mắt nhìn về dãy núi Hồng Lĩnh, người quan sát sẽ hình dung rõ một phần của rặng núi kỳ thú này như đầu con sư tử, hay kéo dài ra là một con rồng uốn lượn, mõm đầu chầu, hướng về TP Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi mà vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) cho xây dựng kinh thành Trung Đô hơn 300 năm trước.
Ngọn Sư Tử nhìn từ hướng quốc lộ 1A đã bị khoét nát một phần. Ảnh: Tiến Hiệp.
Buồn thay, ngọn núi linh thiêng, tuyệt tác thiên nhiên này đã, đang bị băm nát không thương tiếc do tình trạng khai thác đá ồ ạt tại đây. Nhìn từ quốc lộ 1A, đầu của “con sư tử” này đã bị khoét sâu, loang lổ và hoàn toàn biến dạng. Tiến sâu vào bên trong ngọn núi có thể thấy nơi đây đang được bóc phong hóa để mở rộng công trường khai thác đá.
Hình ảnh ngọn núi bị bóc nham nhở. Ảnh: Tiến Hiệp.
Một số người dân địa phương hết sức đau xót khi núi Sư Tử bị "thương tích", biến dạng. "Dẫu có bồi hoàn đi chăng nữa thì nó không bao giờ trở lại được hình ảnh ngọn núi Sư Tử uy nghi, linh thiêng thuở nào. Thật xót xa!" - anh Cảnh, một người dân trú tại xóm 3, xã Xuân Hồng buồn bã nói.
Một phần đầu của núi Sư Tử chưa bị khai thác là do nơi đây còn một am thờ lâu đời của người dân. “Nếu không có am thờ này thì họ đã khoét sâu, ủi bay mất rồi. Người dân chúng tôi xót xa lắm!”- một cụ ông ở xã Xuân Hồng bất bình.
Một phần đầu của núi sư tử chưa bị khai thác, là do nơi đây còn một am thờ lâu đời được người dân bảo vệ, thờ cúng.
Hiện tình trạng khai thác đá vật liệu xây dựng tại đây vẫn đang tiếp diễn với quy mô rất lớn. Máy móc, xe cộ ra vào “xẻ thịt” ngọn núi này hết sức rầm rộ. Trên đỉnh "đầu sư tử", nhiều máy xúc cỡ lớn vẫn đang bạt núi, bóc phong hóa mở rộng phạm vi khai thác; những tiếng nổ mìn quật đá chát chúa vẫn vang lên...
Vì sao vẫn chưa dừng bức tử ngọn Sư Tử?
Việc khai thác khoáng sản tại ngọn Sư Tử khiến những người làm văn hóa, bảo tồn di tích thắng cảnh hết sức xót xa.
“Ngọn Sư Tử từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của nền văn hóa Hồng Lam, rất linh thiêng, được các nhà nghiên cứu văn hóa hết sức đề cao. Mất đi ngọn Sư Tử đã thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng cả quần thể 99 đỉnh núi Hồng Lĩnh vốn đã đi vào thi ca của dân tộc”- ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh nhận định.
Ông Lĩnh nói thêm, thực tế UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quy hoạch về khai mỏ tại địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã có nhiều đề nghị đóng cửa mỏ, hoàn thổ trả lại phần nào mĩ quan cho ngọn núi thiêng. Tuy nhiên, không hiểu sao ngành Tài nguyên - Môi trường không xem xét, đề xuất đóng cửa mỏ, dừng mọi hoạt động khai thác đá tại đây để cứu ngọn Sư Tử?
Ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi một ngọn núi đẹp, mang ý nghĩa lịch sử như vậy lại đang bị khai thác quá mức, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. "Nếu không dừng lại thì mãi mãi chúng ta sẽ mất đi tuyệt tác này, và ngọn Sư Tử linh thiêng chỉ còn lại trong tiềm thức", ông Hùng băn khoăn.
Trao đổi với PV Dân trí vào chiều ngày 5/6, một cán bộ chuyên trách về lĩnh vực khoáng sản tại Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh xác nhận, đã có nhiều đề xuất từ cơ sở và ngành văn hóa trong việc đóng cửa mỏ đá tại ngọn Sư Tử, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, việc đóng cửa mỏ tại ngọn núi này không dễ khi vướng giấy phép cấp mỏ.
Việc ngăn chặn ngọn núi linh thiêng bị bức tử gặp khó do tỉnh đã "lỡ" cấp phép cho doanh nghiệp?. Ảnh: Tiến Hiệp.
"Đơn vị được tỉnh Hà Tĩnh cấp quyền khai thác đá tại núi Đầu Rồng là Tổng công ty hợp tác kinh tế QK4. Mỏ được cấp phép từ năm 2001, diện tích cấp phép 5ha, thời hạn khai thác kéo dài đến năm 2021. Việc rút giấy phép, đóng cửa mỏ để bào tồn văn hóa là rất khó khăn, chủ yếu là do vướng đến chuyện đền bù cho doanh nghiệp” - vị này cho biết.
Khi được đề cập đến vấn đề, vì sao là một danh thắng có bề dày lịch sử, văn hóa, hiện diện ngay những vị trí gây mất mỹ quan mà ngành Tài nguyên - Môi trường vẫn tham mưu cho tỉnh cấp phép khai thác mỏ tại ngọn Sư Tử, vị cán bộ này trả lời: Đó là vấn đề lịch sử để lại, của đội ngũ cán bộ đi trước.
PV Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin về vụ việc này.
Văn Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét