11/09/2017 09:48 GMT+7
TTO - Khi những nhu cầu tối thiểu của đại đa số người dân còn chưa được thoả đáng thì những thiết chế văn hóa thượng tầng như bảo tàng nghìn tỉ sẽ dành cho ai?
Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỉ đồng, được xây dựng tại khu đô thị mới Tây hồ Tây với tổng diện tích sử dụng gần 10ha, bao gồm bốn hạng mục: tòa nhà chính, khu tưởng niệm danh nhân, khu trưng bày ngoài trời, hạng mục kỹ thuật phụ trợ - cây xanh - cảnh quan.
Dự án được khởi động xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay bị dừng do không bố trí được vốn.
Đề xuất đầu tư gần 11.300 tỉ đồng xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia ngay từ năm 2012 đã vấp phải nhiều ý kiến khuyến cáo của các chuyên gia và công luận. Đa phần các ý kiến cho rằng, việc xây dựng công trình hoành tráng nghìn tỉ này chưa đúng thời điểm.
Và bây giờ, câu chuyện ấy lại tiếp tục "nóng" lên khi Bộ Xây dựng "than" đến Thủ tướng vì thiếu vốn.
Cách đây ít ngày, nhóm PV Tuổi Trẻ đi làm phóng sự về những tân sinh viên nghèo vượt khó nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
Đây đều là những bạn trẻ đã vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống để thực hiện ước mơ vượt lên bằng con đường học tập.
Ở một làng quê huyện Nam Sách, Hải Dương, cậu học trò Đoàn Việt Anh đã thi đậu trường Đại học Văn hoá với 26,75 điểm.
Việt Anh cùng mẹ và em gái phải sống trong một căn nhà tạm bợ mà gần như không có đồ đạc gì đáng giá.
Hằng ngày đi học về, bất kể trời nắng hay mưa hay mùa đông giá rét, Việt Anh lại vội ra đồng cắt cỏ về cho cá ăn - đó là nguồn thu nhập chính của cả gia đình.
Từ năm lớp 8, Việt Anh đã tranh thủ đi rửa bát thuê, phục vụ bàn cho các nhà hàng, quán ăn, trông xe đạp, làm thợ phụ trong xưởng cơ khí… lấy vài nghìn hay vài chục nghìn đồng để để có tiền đi học và giúp mẹ trang trải cuộc sống.
Bữa cơm của ba mẹ con thường chỉ có rau luộc hái trong vườn nhà. Thời gian Việt Anh ôn thi đại học thì bữa ăn sang hơn chút là có miếng đậu phụ hoặc quả trứng cho hai anh em.
Khi Việt Anh đậu đại học, mẹ cậu chuẩn bị sẵn một lọ muối vừng, dặn con "cầm chừng" từng bữa khi lên Hà Nội học.
Còn em Ninh Thị Kim Cúc, quê Thái Bình, dù đậu Đại học Y Thái Bình với 27 điểm, nhưng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo làm sao để vừa học vừa kiếm tiền, vừa lo chữa bệnh ung thư cho mẹ.
Nhà Cúc nghèo đến nỗi khi mẹ Cúc ốm, bà con làng xóm vận động mỗi người một vài chục nghìn để gia đình em vượt qua cơn khốn khó.
Đầu năm học mới này, chắc chắn trên khắp dải đất hình chữ S, vẫn còn rất nhiều những tân sinh viên đang phải "cầm chừng" từng bữa ăn với lọ muối vừng, để cố gắng cho một tương lai tốt hơn bằng con đường học tập.
Mai này đất nước ra sao, một phần được quyết định bởi những "cánh cò" quyết vượt lên lam lũ để theo đuổi ước mơ ấy.
Câu chuyện xây Bảo tàng nghìn tỉ còn được cư dân mạng mang ra so sánh mang ý nghĩa tương phản với một công trình ý nghĩa khác.
Đó là điểm trường Lũng Luông (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) được các nhà thiện tâm chung tay cùng quỹ Trò nghèo vùng cao (Cơm có thịt) mà GS Ngô Bảo Châu là chủ tịch danh dự và nhà báo Trần Đăng Tuấn là người khởi xướng để xây dựng với mức đầu tư 6 tỉ đồng.
Ngôi trường đẹp như trong mơ giữa núi rừng ấy dù đã được khánh thành và khai giảng từ năm học trước, nhưng mỗi khi xem lại khiến không ít người xúc động.
Còn bao nhiêu nơi đang rất cần những công trình trong mơ như vậy nữa?
Nhưng không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều bạn đọc trên các tờ báo và cư dân mạng thường lấy những hình ảnh khốn khó trăm bề của cuộc sống hiện tại ra làm dẫn chứng phản đối những công trình nghìn tỉ mang tính biểu tượng vào thời điểm này.
Khi những nhu cầu tối thiểu của đại đa số người dân còn chưa được thoả đáng thì những thiết chế văn hóa thượng tầng như bảo tàng nghìn tỉ sẽ dành cho ai?
Việc xây bảo tàng không hề sai. Nhưng nếu dùng ngân sách nhà nước xây bảo tàng tử tế, khang trang, mà tốn nhiều tiền, trong khi đất nước vẫn đi vay nợ nước ngoài thì liệu có nên hay không? Việc xây bảo tàng đã đến mức cấp thiết như vậy chưa?
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức
Chắc hẳn mỗi người dân là những người có câu trả lời rõ ràng và xác đáng nhất cho những câu hỏi tu từ đó.
Một minh chứng nữa cho hoạt động kém hiệu quả của hệ thống bảo tàng hiện nay là mới đây, chính Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn có ý định đóng cửa vào ngày thứ hai hàng tuần để tiết kiệm chi phí vật chất và con người.
Trước khi xây bảo tàng mới, vì sao không nâng cao hiệu suất hoạt động của các bảo tàng đã có hoặc nếu cần thiết có thể nâng cấp các công trình này?
Bảo tàng là một thiết chế văn hoá của thế giới văn minh đại diện cho văn hoá quốc gia. Tuy nhiên, khi những nhu cầu về vật chất tối thiểu, an sinh xã hội của người dân vẫn chưa được đảm bảo thì việc xây bảo tàng nghìn tỉ rõ ràng là cách làm ngược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét