Khi nhận bó hoa tươi thắm từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2016, có lẽ ông Nguyễn Xuân Phúc đã không thể hình dung mình sẽ phải “đổ vỏ” khủng khiếp đến thế nào… Ảnh: Ba Sàm |
Những con số uốn lượn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đang cố tô vẽ bức tranh “bội chi ngân sách thấp nhất trong 6 năm trở lại” vào thời “chính phủ liêm khiết, kiến tạo và hành động” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau nửa đầu năm 2016, con số bội chi được các cơ quan trên công bố chỉ là 32 ngàn tỷ đồng. Còn tính đến thời điểm 15/8/2017, số bội chi chỉ là 40 ngàn tỷ đồng, đồng thời được hệ thống báo đảng tung hô như một thành tích lớn lao của thời “đổ vỏ”.
Công bằng mà xét, thủ tướng phải chịu gánh nặng quá lớn “đổ vỏ cho thời trước” là Nguyễn Xuân Phúc đã có một số cố gắng kéo giảm mức bội chi ngân sách bằng chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên (phần chi lương và phụ cấp cho đội ngũ công chức gần 3 triệu người), tiết giảm chi đầu tư phát triển, giảm biên chế…
Tuy thế, thực tế lại như ngược phản ông Phúc. Cho tới nay, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách vẫn chiếm đến 71% mà không hề thuyên giảm, bất kể số thu ngân sách đang có chiều hướng sụt giảm nhanh mà đã khiến đảng cầm quyền lẫn chính phủ cuống quýt tìm cách đè đầu dân tăng nhiều loại thuế như VAT (giá trị gia tăng), thuế sử dụng đất… Trong khi đó, đội ngũ công chức mà bị dư luận lên án “có đến 30% không làm gì cả mà vẫn lãnh lương” không những không giảm mà còn phình to hơn từ thời ông Phúc trở thành thủ tướng. Còn phần chi đầu tư phát triển, mà về thực chất là chi cho các công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, xây dựng cơ bản, trụ sở hành chính, bảo tàng, tượng đài… có bị cắt giảm phần nào, nhưng không phải là do “thành ý” của chính phủ mà bởi ngân sách đã khốn đốn đến mức chính giới quan chức chính phủ và quốc hội đã phải thừa nhận không còn biết tìm đâu ra tiền cho đầu tư phát triển nữa.
Một số chuyên gia kinh tế cũng phân tích theo một chiều kích phản ngược: bội chi 8 tháng đầu năm 2017 “giảm hẳn” là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước…
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia – một cơ quan trực thuộc chính phủ nhưng có cái nhìn và một số đánh giá tài chính tương đối độc lập hơn là quan điểm nặng thành tích của Bộ Tài chính, trong một báo cáo gần đây đã nhận định sở dĩ bội chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/8 chỉ có 40 ngàn tỷ đồng một phần do giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, chỉ được 127.460 tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán; cùng kỳ 2016 bằng 42,1% dự toán), và không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.
Từ những con số và nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, người ta sẽ không khó nhận ra rằng nếu thực tế giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ, bội chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2017 sẽ là con số bằng với số bội chi hiện hữu 40.000 tỷ đồng cộng với số chi đầu tư phát triển khoảng 120.000 tỷ đồng, tức khoảng 160.000 tỷ đồng, tương đương bội chi 8 tháng đầu năm 2016 mà chẳng hề giảm đi chút nào.
Đó là chưa tính đến việc bội chi ngân sách năm 2017 không bao gồm chi trả nợ gốc.
Kế hoạch của chính phủ chi trả nợ gốc và lãi năm 2017 là khoảng 260 ngàn tỷ đồng, trong đó phần nợ gốc có thể chiếm khoảng 2/3 trong số đó, tức khoảng 170 ngàn tỷ đồng.
Với dự toán bội chi ngân sách năm 2017 là khoảng 250 ngàn tỷ đồng, nếu tính cả phần chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách năm 2017, con số bội chi thực sự sẽ lên đến khoảng 420 ngàn tỷ đồng, chiếm đến khoảng 9% GDP, tức còn cao hơn hẳn mức bội chi kỷ lục “thời Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2013 là 6,6% GDP.
Cần nhắc lại, mức bội chi giới hạn trên – bị xem là nguy hiểm theo quy định của Liên hiệp quốc – là 5% GDP.
Hẳn đó là lý do tại sao từ năm tài khóa 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định không đưa phần chi trả nợ gốc vào mục bội chi ngân sách, cố “ép” tỷ lệ bội chi/GDP giảm xuống.
Đó cũng là nguồn cơn chính yếu để gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực chính phủ Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017: “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và đặc biệt là ông cảnh báo tương lai “Sụp đổ tài khóa quốc gia.”
Kể từ cơn khủng hoảng giá – lương – tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Gần đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
Thiền Lâm
(Calitoday News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét