Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Luật phòng chống tham nhũng giới hạn “người thân” thua xa luật Hồi tỵ ngày xưa

(Bạn đọc) - Trong khi lãnh đạo công ty VN Pharma xác nhận em chồng Bộ trưởng bộ Y Tế – Nguyễn Thị Kim Tiến là phó giám đốc của công ty này. Thì trong cuộc trả lời báo chí ngày 28/8 vừa qua, Bộ trưởng lại khẳng định không có người thân làm việc trong công ty này? Vậy đâu là “người thân” được quy định trong bộ Luật phòng chống tham nhũng.

Giới hạn về “người thân” theo luật hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Hùng – nguyên chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc VN Pharma, khẳng định với báo chí về việc ông Hoàng Quốc Dũng là em chồng của Bộ trưởng y tế. Ông Hoàng Quốc Dũng có vai trò trong công ty với cương vị Phó tổng giám đốc phụ trách về đầu tư xây dựng cho công ty.
Trong khi đó, Bộ trưởng bộ Y tế lại phủi bỏ vấn đề em chồng làm trong công ty là người thân. Bà khẳng định không có người thân nào của mình làm ở VN Pharma. Việc các trang mạng xã hội đưa thông tin là sai sự thật, có thể quy vào tội vu khống. Trả lời trên báo Vietnamnet bà Tiến nói:
“Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào đến khi vụ việc nhập thuốc có nhiều nghi vấn được Cục Quản lý dược báo cáo và Bộ đã chủ động đề nghị với cơ quan có thẩm quyền ở Bộ Công an làm rõ”.
Ông Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế trả lời báo chí, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 30/8 vừa qua, về việc công ty VN Pharma không phải là thuốc giả, đã gây phẫn nộ trong dư luận. Thêm đó, ông còn khẳng định về việc người thân của bộ trưởng Tiến, làm việc trong công ty VN Pharma rằng: “Bộ trưởng không nói, chứ không phải nói không có”.
Nếu không xác định được người thân thì đâu là trách nhiệm của người đứng đầu?
Nếu không xác định được người thân thì đâu là trách nhiệm của người đứng đầu?
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định trong cuộc họp báo: “Theo luật Phòng chống tham nhũng, liên quan các lĩnh vực mà người thân của người đứng đầu không được tham gia thì người thân bị hạn chế gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con. Em chồng không phải là đối tượng bị cấm theo luật.”
Vậy đâu là “không nói” và đâu là “nói không có”. Phải chăng có sự mâu thuẫn vê “nghĩa của từ”? Hiện nay cũng không có một từ điển Hàn – Việt nào nói người thân bao gồm những ai? Vì vậy, sự mâu thuẫn này rất khó để có thể xác định.
Còn quy định trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng 2016, mà chúng ta đang lấy dự thảo về sửa đổi, bổ xung cũng không quy định em chồng của bộ trưởng Tiến có phải người thân không.
Tại các các khoản 3, 4, 5, 6, Điều 24, của mục Liêm chính (mới) quy định Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
5. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
6. Người là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Xét về mặt thực tế, thì đây sẽ chính là lỗ hổng lớn của Luật phòng chống tham nhũng ở nước ta, tạo ra cơ hội cho khởi nguyên của vấn đề “dòng họ trị” trên cả nước. Tức là các dòng họ cùng nhau nắm quyền điều hành bộ máy nhà nước.
Điều này rất thực tế vì nước ta đang có nhiều trường hợp như: Dòng họ, gia đình Nguyễn Nhân Chiến – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh – vì có tới 24 người thuộc mối quan hệ gia đình ở bộ máy của cấp huyện, cấp tỉnh Bắc Ninh. Ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có tới 2 trường hợp họ hàng được “hậu thuẫn” bởi người đứng đầu là Bí thư Huyện ủy Kim Thành là ông Nguyễn Hữu Tiến. Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kim Thành Lê Ngọc Sang cũng có những người thân làm việc trong gia đình.
Nếu xét như luật hiện nay, thì chúng ta khó mà có cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Dễ dẫn đến các trường hợp “làm vua một địa phương”, rồi bao che, thâu tóm hỗ trợ nhau. Cũng có thể, trường hợp gia đình nhà bà Tiến là một minh chứng như thế.
Luật Hồi tỵ còn hoàn thiện và có giá trị hơn Luật phòng chống tham nhũng
Tình trạng cả nhà làm quan, mô hình “dòng họ trị” không phải là đến bây giờ mới có. Mà thực tế nó đã có ở rất lâu và nhiều nước phong kiến trên thế giới. Vì vậy, một số vị vua, vị hoàng đế đã tiến hành xây dựng và ban hành luật Hồi tỵ, nhằm ngăn chặn các tình trạng này.
Ở nhà nước phong kiến Việt Nam, luật Hồi tỵ đã được quy định bằng chính sách dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Với các nội dung như: quan lại không được bổ nhiệm về cai trị ở huyện, tỉnh nơi người đó sinh ra hoặc có người thân, họ hàng. Không được lấy vợ hoặc thế, thiếp là người dân địa phương – nơi quan lại đang tại nhiệm, cũng không được ở quá lâu một địa phương với một chức vụ.
Đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng (1820 – 1841) đã cho ban hành thành văn bản luật cụ thể vào năm 1836. Nội dung của luật Hồi tỵ dưới thời vua Minh Mạng được cụ thể, mở rộng như sau:
– Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản.
– Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc.
– Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở.
– Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác.
– Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi.
– Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình.
– Các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác.
– Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song khi trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự.
– Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái.
– Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân…) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay. ¹
Như các nội dung nêu trên của luật hồi tỵ chúng ta đều thấy rõ, văn bản luật dưới thời phong kiến này đã quy định cụ thể rõ ràng về vấn đề người thân trong gia đình, đó là: con, anh em ruột, anh em con chú, con bác, nhà vợ, nhà mẹ, “người thân quen”. Thậm chí, người thân còn được quy định mở rộng tới mức đó là: “người cùng quê”; “thầy trò – bạn bè”; “người cùng làng”.
Nếu để gia đình nắm quyền lực nhà nước sẽ dẫn đến các hành vi tiêu cực
Nếu để gia đình nắm quyền lực nhà nước sẽ dẫn đến các hành vi tiêu cực
Một “lỗ hổng” quá lớn về quy định người thân hiện nay sẽ dẫn đến các tình trạng bao che, hỗ trợ nhau để trở thành các trường hợp kiểu “liên kết bền vững”. Rất khó để có thể giải quyết được tình trạng xử lý tham nhũng trên cả nước. Như vậy càng làm mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, dư luận xã hội sẽ mất dần niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Điều này chính là một cảnh báo ở mức “báo động đỏ” từ lâu, không chỉ đối mặt với nhóm chính trị, mà tình trạng “dòng họ trị” sẽ làm “tổn thương sâu sắc” niềm tin từ nhân dân. Vì vậy, chấp nhận sửa đổi cụ thể hóa luật pháp, đặc biệt là luật Phòng chống tham nhũng để có thể tìm được một cơ chế phù hợp “cắt đứt” tình trạng này.
CTV Đinh Lực

Không có nhận xét nào: