Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

6 TRANG BIỆN MINH CHO CUỘC CHIẾN XÂM LƯỢC VIỆT NAM CỦA TRUNG QUỐC SAU 1975 TRONG BỘ CHÍNH SỬ VN (15 TẬP)?

Phạm Viết Đào.

Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa giới thiệu và phát hành các bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập) từ thời khởi thủy của Việt Nam đến năm 2.000, do tập thể các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học biên soạn.
Trong đó, đáng chú ý, tại tập 14, từ trang 351 – 356  đã biên niên một số sự kiện liên quan tới cuộc chiến tranh do Trung Quốc phát động, đưa 60 vạn quân xâm phạm biên giới 6 tỉnh phía bắc Việt Nam 2-1979.
Bộ sách được coi là “chính sử” 15 tập dành vỏn vẹn 6 trang nói về 1 sự kiện: đó là hành động quân sự do Trung Quốc gây ra với Việt Nam sau 2/1979 với một số sự kiện có liên quan…
FB Bùi Quang Minh đã tóm lược 6 trang đó như sau:
“Xem từ trang 351 đến trang 357, “Lịch sử Việt Nam”, tập 14, NXB Khoa học Xã hội) tôi tóm tắt kèm theo hình như sau:
“Trang 351: Ngay sau chiến tranh 1975 ta đã cảm ơn và coi trọng tình hữu nghị
Trang 352: TQ viện trợ giúp đỡ ta
Trang 353: Việt Nam gây xung đột do vấn đề người Hoa cư trú (thực ra TQ xuyên tạc tình hình)
Hai bên bắt đầu có xung đột biên giới
Trang 354: Trung Quốc khiêu khích và chuẩn bị chiến tranh
Trang 355: 60 vạn quân TQ xâm lược
Trang 356: 1-3: hòa đàm cấp thứ trưởng
5-3: ra lệnh tổng động viên, cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh, chiến thắng và bắt đầu rút quân.
7-3: Việt Nam ra tuyên bố thiện chí hòa bình, cho phép Trung Quốc rút quân về nước.
14-3: Trung Quốc chính thức rút quân về nước.”

Đọc kỹ 6 trang trên, người đọc không thấy có chỗ nào sách viết: đây là cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam như một số báo đưa tin; 6 trang trên, theo người viết bài này qua hình thức và nội dung cho thấy được trình bày theo dạng “biên niên sử”… Trong 6 trang trên, các tác giả ghi lại một số sự kiện xảy ra trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ sau 1975 tới tháng 3/1979…không đầy đủ và không tiêu biểu, không dẫn giải phân tích thấu đáo.

Khi sách lịch sử chính thống đề cập tới các hành động quân sự do phía Trung Quốc gây ra với Việt Nam sau 1975 mà chỉ đề cập tới cuộc chiến tháng 2/1979 là khiếm khuyết, khó chấp nhận. Bởi vì, sau 1975, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hành động quân sự, ngoại giao, kinh tế với quy mô và tầm mức cao gây hấn, chiếm đất và lãnh hải Việt Nam sau cuộc chiến 2/1979:

1-Trung Quốc mở mặt trận Vị Xuyên Hà Giang từ 1979-1990

“- Đây là cuộc chiến có quy mô lớn nhất, chỉ sau chiến tranh giải phóng miền Nam. Trung Quốc huy động 8/10 đại quân khu với hơn 50 vạn quân; phía Việt Nam huy động 9 sư đoàn với số lượng quân có lúc lên tới 15 vạn quân. Đây là cuộc chiến ác liệt nhất khi Trung Quốc cày nát Vị Xuyên, có ngày bắn tới 3 vạn quả đạn pháo, tấn công vào tất cả các điểm cao của ta. Tổn thất của địch trong trận chiến này rất lớn nhưng có những trận trong một ngày quân ta hy sinh khoảng 1.000 chiến sĩ…

- Cuộc chiến tranh Vị Xuyên đã khiến hơn 5.000 chiến sĩ của ta hy sinh, đến nay hơn 3.000 người chưa tìm thấy hài cốt; trong nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có hơn 1.700 mộ liệt sĩ nhưng tới 700 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Tôi kiến nghị phải tổ chức đội rà phá bom mìn, quy tập mộ và hài cốt liệt sĩ trong cuộc chiến Vị Xuyên để đưa về nghĩa trang...

(Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên ( Tướng Nguyễn Đức Huy) : Nhiều hài cốt đồng đội đang nằm lại ở khe núi, hốc đá-http://thanhnien.vn/thoi-su/tu-lenh-chien-truong-vi-xuyen-nhieu-hai-cot-dong-doi-dang-nam-lai-o-khe-nui-hoc-da-859333.html )

Về Mặt trận Vị Xuyên,  Hà Giang, TBT Đảng CS Trung Quốc Hồ Diệu Bang, các nguyên soái Từ Hướng Tiền, Điệp Kiếm Anh đã trực tiếp đến thị sát, úy lão quân TQ tại mặt trận này…

Mặt trận Vị Xuyên Trung Quốc đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Dương Đắc Chí và hàng chục tướng lĩnh nổi tiếng của Trung Quốc…

Tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, phía Trung Quốc đã tổn thất, tử thương 15.000 quân, gấp 3 số thương vong của Việt Nam…

Tại mặt trận này, 1 người lính Việt nam đã phải đương đầu với khoảng 10 lính Trung Cộng !

2/ 1988 Trung Quốc cho hải quân đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam; 64 chiến sĩ của ta đã hy sinh trong trận chiến chống Trung Quốc xâm lược…

3/ Từ sau năm 2000 Trung Quốc có nhiều hành động gây hấn trên Biển Đông, cho dàn khoan 981 vào vũng lãnh hải Việt nam thăm do dầu khí; Cho tàu hải cảnh gây hấn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam; cho bồi đắp Gạc Ma thành một căn cứ quân sự…

4/ Hội nghị Thành Đô với những “thỏa thuận lịch sử, ngầm” giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh, Đỗ Mười với các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm thắt chặt quan hệ 2 Đảng và bình thường hóa quan hệ 2 nước hiện vẫn còn chưa được bạch hóa ?

Với những cứ liệu trên cho thấy: 6 trang trên của bộ sách được mang tên Lịch sử Việt Nam là một thiếu sót đáng chê trách do cách biên niên một cách sơ sài, tắc trách về cuộc chiến 2/1979 và lảng tráng 3 sự kiện quan trọng đã nêu…
 “Lịch sử là bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người[1][2]. Đây là một thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này. Những học giả viết về lịch sử được gọi là nhà sử học…” ( WikiPedia)
Chiến tranh là một câu chuyện thảm khốc, đau đớn vì nó phải trả giá bằng sinh mạng của hàng vạn con người. Viết lịch sử về chiến tranh không thể làm như kẻ cưỡi ngựa xem hoa, hay viết kể lại những số liệu, sự kiện khô cứng, vô cảm, vô hồn… chất đầy trong các kho tư liệu quốc gia phủ đầy bụi bặm.
Các nhà  chép sử khi đụng bút viết về cuộc chiến tranh tranh xâm lấn biên giới Việt Nam do Trung Quốc phát động, họ phải có trách nhiệm giúp hậu thế, không sống giai đoạn đó và cả người không thuộc quốc tịch Việt Nam hiểu được bản chất thật của cuộc chiến tranh này ?
Là người ngoại đạo về bộ môn khoa học linh thiêng  này, người viết tạm nêu ra một số tiêu chí yêu cầu các nhà viết sử phải có trách nhiệm trả lời, giải đáp:
-Phải xác định mốc thời gian; Cuộc chiến tranh này xảy ra giai doạn nào từ năm nào tới năm nào ?
- Phải xác định những địa điểm, những địa bàn xảy ra cuộc chiến tranh, quy mô, tầm mức của cuộc chiến ?
-Phải đúc kết cho được những bài học gì rút ra từ cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược giai đoạn 1975-1988 ấy?
- Phải chỉ ra nguyên nhân vì sao xảy ra cuộc chiến tranh ấy ?
-Cuộc chiến tranh thua hay thắng, vì sao thua vì sao thắng ? Thua như thế nào, thắng những thế nào, được cái gì và mất cái gì ?
-Làm sao tránh chiến tranh và nếu có chiến tranh làm sao giảm tổn thất ?
-Cuộc chiến tranh Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược của Trung Quốc cả trên biên giới và hải đảo có ảnh hướng gì tới quan hệ Việt-Trung trong quá khứ, hiện tại và tương lai; Cuộc chiến tranh, hành động gây hấn bằng vũ lực của Trung Quốc có ảnh hưởng gì tới quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới thời điểm đó và sau này ?
Đó chính là những câu hỏi đòi người chép sử phải chịu trách nhiệm trả lời nếu họ đã nhận lương, đã nhận tiền thuế của dân thông qua các đề tài nghiên cứu?
Không rõ bấy lâu nay, các nhà nghiên cứu ở “Viện hàn lâm” được mệnh danh là “ lò ấp” GS và TS này không biết họ nhận lương, nhận tiền đề tài nghiên cứu cái gì, thu thập cái gì ?
Không nhẽ họ không biết một tý gì liên quan tới xương máu của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ ta đã đổ ra trên các chiến hào biên giới Việt-Trung ?  Chả nhẽ họ không biết gì về lãnh hải đang bị uy hiếp, co ngót, hàng trăm km2 đất biên cương đang rơi vào tay Trung Quốc ?
Trước sức ép của dư luân, của công luận buộc họ phải lên tiếng về những sự kiện đau lòng của đất nước đồng đại với thời điểm mà họ đang sống mà họ là viết một cách nguyệch ngoạc, sơ sài, thiếu sót, sai lệch, cẩu thả, vô cảm, vô hồn…Qua 6 trang sử cho thất họ kém xa kiến văn của cư dân mạng xã hội, kém xa kiến thức của nhiều nhà báo không chuyên về lịch sử về các sự kiện trong giai đoạn này…
Qua những trang viết về cuộc chiến tranh Trung Quốc phát động xâm lấn biên giới Việt Nam, người viết nhận ra nguyên nhân vì sao người đọc nhất là lớp trẻ chán sử, coi thường sử, không chịu đọc sử vì toàn là những loại sử nhảm, sử chính trị…sử đãi bôi, sử cốt hài lòng các nhóm lợi ích đang cánh hẩu với các nhà đương cục Bắc Kinh.
Với 6 trang của cái bộ sách được coi là chính sử do cái Viện hàn lâm biên soạn và xuất bản mới toanh, in dày và đẹp này, hậu thế và người ngoài dễ hiểu giai đoạn lịch sử này, cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của Trung Quốc có nguyên nhân và lỗi do phía Việt Nam gây ra.
Một nhà viết sử có trách nhiệm là người chịu trách nhiệm mô tả, kể lại khách quan sự kiện nào đó; để rồi bản thân cái sự kiện đó sẽ phát sáng các thông tin phản ảnh bản chất của sự kiện chứ nhà chép sử không phải làm theo cách của Mao Tôn Cương, thêm dấm ớt vào các điều có sẵn...
Có thể dẫn ra điều này theo lô gích hình thức và cách trình bày của các “quan” sử học nhà nước VN: Trung Quốc đã viện trợ giúp Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ; Sau 1975 do Trung Quốc ngừng cắt viện trợ cho Việt Nam nên Việt Nam đã tìm cách gây hấn với người Hoa nhiều đời sinh sống tại Việt Nam, tìm cách xua đuổi họ ra khỏi Việt Nam…Do cách ứng xử này của Đảng và nhà nước Việt Nam nên buộc lòng Trung Quốc phải cử binh ra để “ dạy cho Việt Nam một bài học” như lời của Đặng Tiểu Bình từng loa với thế giới?
Như vậy, mang danh chính sử của cơ quan nhà nước Việt Nam, nhưng 6 trang sách này đã phụ họa cho luận điệu đánh Việt Nam của Trung Quốc là để trả đũa hành vi vong ân bội nghĩa của Việt Nam; Biện minh cho Trung Quốc không có ý đồ xâm lược Việt Nam ?!
Do cách biên niên sự kiện không đầy đủ và không điển hình, nông nổi và nông cạn nên nếu căn cứ vào những gì viết ra nhất là người ngoài, hậu thế hiểu sai bản chất của cuộc chiến tranh do Trung Quốc chủ trương phát động nhằm thực thi chủ nghĩa bá quyền Đại Hán…
Với những sự kiện nhãn tiền, đồng đại, hàng triệu người biết, hiếu và thấy như vậy, đã được trình bày công khai cả trên báo và trên các mạng xã hội; Thế , các nhà chép sử nhà nước còn viết lách lôm côm như vậy; làm sao ngượi đọc tin được những điều họ viết ra về các sự kiện lịch sử của cha ông xảy ra cách đây hàng trăm, hàng ngàn năm ?
Thật đau lòng khi người viết bài này phải kết thúc bằng một câu, xin lỗi quý vị là rất khiếm nhã; 6 trang được coi là chính sử: ĐÚNG LÀ SẢN PHẨM CỦA MỘT LŨ VÔ LẠI, MỘT LŨ ĂN HẠI !

P.V.Đ.






Không có nhận xét nào: