Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Bài 1: BOT Cai Lậy, Không hề quan tâm ý kiến người dân khi chuẩn bị dự án

Kính Hòa RFA

Cảnh sát cơ động được huy động trong ngày 30/11 tại trạm BOT Cai Lậy.
Cảnh sát cơ động được huy động trong ngày 30/11 tại trạm BOT Cai Lậy.
Courtesy of Facebook Ban hữu đường xa.
Ngày 4 tháng 12/2017, sau cuộc họp giữa người có trách nhiệm cao nhất của Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với những giới chức có trách nhiệm, trạm thu phí BOT Cai Lậy bị dừng hoạt động trong 30 ngày để chờ quyết định mới.
Trạm này bị giới lái xe và dân chúng cho rằng đã đặt sai chỗ để chận tất cả xe cộ đi ngang quốc lộ 1A đoạn Cai Lậy, và giá thu phí quá đắt.
Tất cả những điều này người dân đều không biết trong thời gian dự án này được thiết kế và xây dựng.
Điều này dẫn đến việc lái xe qua trạm này đã đồng tình phản kháng bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài tròn bốn tháng.
Mời độc giả theo dõi loạt bài 4 kỳ về BOT Cai Lậy sau đây.
Bài một: Ý kiến của các cộng đồng dân cư có liên quan được nhìn nhận như thế nào trong các dự án kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Tỉnh An Giang nói với chúng tôi về trạm BOT Cai Lậy:
Chuyện này trước hết là người dân tại chỗ phải biết, chính quyền tại chỗ phải thông, thứ ba là đại biểu của dân, tức là Hội đồng nhân dân và Quốc hội phải được biết mấy chuyện này, chứ bây giờ mù tịt hết trơn. Biết ở đây là biết cái cách làm, rồi biết giá cả của nó.”
Thông tin về cách làm trạm BOT Cai Lậy chỉ được báo chí Việt Nam đưa ra vào đầu tháng 12/2017 sau nhiều lần căng thẳng, kẹt xe kéo dài do phản kháng của giới lái xe.
Theo Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4 tháng 12 thì Bộ giao thông vận tải đã không đặt trạm thu phí trên tuyến đường tránh được chủ đầu tư xây dựng, mà lại đặt ngay trên quốc lộ số 1 băng ngang thị xã Cai Lậy là một con đường cũ, lại được trải thêm nhựa để hợp thức hóa việc đặt trạm ở đây.
Việc đặt trạm sai vị trí, cũng như giá cả qua trạm đều chỉ được công bố khi trạm bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng Tám, năm 2017, lúc ấy người dân mới vỡ lẽ ra rằng trạm đặt sai vị trí, và giá thu phí quá mắc.
Theo những người chúng tôi hỏi ý kiến, nếu như trong quá trình thiết kế và xây dựng dự án, các thành phần dân chúng được lắng nghe, và họ được bàn bạc để đi đến quyết định dự án phải được thực hiện như thế nào thì cuộc khủng hoảng Cai Lậy hẳn đã không xảy ra.
Vậy việc lấy ý kiến của dân chúng trong các dự án kinh tế xã hội có được pháp luật Việt Nam qui định hay không?
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho chúng tôi biết:
Chuyện này trước hết là người dân tại chỗ phải biết, chính quyền tại chỗ phải thông, thứ ba là đại biểu của dân, tức là Hội đồng nhân dân và Quốc hội phải được biết mấy chuyện này, chứ bây giờ mù tịt hết trơn. Biết ở đây là biết cái cách làm, rồi biết giá cả của nó.
-Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang.
Các dự án dân sinh tự làm ở nông thôn thì có sự tham gia ý kiến của người dân, còn những cái do nhà nước làm thì có tham vấn nhưng không phải là qui định bắt buộc, cho nên đó cũng là qui định của pháp luật. Còn chuyện thiếu tham khảo thì đó là điều rất là đáng tiếc, rất là đáng trách, vừa qua trên thực tế thì họ có hỏi chính quyền nhân dân, hỏi chính quyền địa phương, nhưng các vị đó làm không hết trách nhiệm của mình, dễ dãi thông qua.”
Như vậy các dự án như dự án BOT Cai Lậy cũng được khuyến nghị là có phần tham vấn ý kiến dân chúng, mặc dầu không bắt buộc.
Việc tham vấn này được thực hiện như thế nào?
Theo thông tin của Báo Tuổi Trẻ, thì vào ngày 28 tháng 10, năm 2013, Bộ Giao thông vận tải, nơi phụ trách các dự án BOT, đã gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan của tỉnh Tiền Giang, đề nghị đặt trạm tại quốc lộ 1 chứ không đặt đúng trên đường tránh. Ngày 4 tháng 11 năm 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trả lời là đồng ý với đề nghị của Bộ giao thông vận tải.
Ông Nguyễn Văn Hùng, trước đây làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải của tỉnh Tiền Giang nói với báo chí rằng khi quyết định như vậy các vị có trách nhiệm tại tỉnh Tiền Giang đã không ngờ đến sự phản kháng của dân chúng.
Các viên chức của tỉnh Tiền Giang không hề đề cập đến việc tham vấn ý kiến người dân trong thời gian gần 1 tuần lễ trước khi ra quyết định đồng ý với Bộ Giao thông vận tải.
Một chuyên gia về văn hóa xã hội là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói với chúng tôi:
Việc tham vấn người dân thì thực ra những dự án đụng chạm đến cộng đồng lớn như vậy là phải có, như là qui hoạch đô thị, di dời,… nhưng hầu như không có đơn vị nào làm, hoặc làm cũng không nghiêm túc, tức là làm thực sự và khoa học. Trong chuyện BOT này thì theo những thông tin tôi biết thì không có BOT nào tham vấn cộng đồng đâu, cộng đồng địa phương, cũng như cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp vận tải trên những con đường có BOT.”
Việc một dự án kinh tế xã hội có tác động xấu hay tốt tới các cộng đồng dân cư được gọi là tác động xã hội của một dự án, được đề cập đến trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của một dự án, bên cạnh tác động đến thiên nhiên của nó.
Tại Việt Nam tất cả các dự án đều được qui định là phải có báo cáo đánh gia tác động môi trường xã hội, tức là có phần tìm hiểu xem dự án đó ảnh hưởng lên đời sống dân chúng như thế nào. Trong trường hợp dự án BOT Cai Lậy, việc thực hiện dự án này của Bộ giao thông vận tải và nhà đầu tư đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của một cộng đồng dân cư là các tài xế lái xe, kéo theo đó là ảnh hưởng đến các doanh nghiệp giao thông vận tải. Nhưng điều này đã không được nghiên cứu trước, vì giới lái xe, cũng như các doanh nghiệp giao thông vận tải đã không được hỏi ý kiến.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, từng làm việc cho Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, và hiện đang điều hành một khu du lịch sinh thái cạnh Vườn quốc gia nhận xét về thực tế việc lấy ý kiến dân chúng trong các dự án tại Việt Nam:
Trong cái bản đánh giá tác động môi trường thì người ta vẽ lên là có ý kiến của người dân, nhưng thật sự là không phải, hoặc người ta lấy ý kiến của những người ủng hộ họ do thiếu hiểu biết.”
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật là người góp phần thúc đẩy việc đình chỉ các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai vì tác động tai hại về lâu dài của nó. Ông cho biết là sở dĩ cuộc vận động dừng các dự án thủy điện của ông thành công vì có sức ép của các cơ quan nước ngoài, cũng như ý kiến đó đưa được đến Quốc hội Việt Nam để trình bày. Ông cho biết thêm là ngay cả sau khi tác động của một công trình lên đời sống dân chúng đã thấy được sau khi dự án vận hành, việc phản đối của người dân vẫn còn bị xem nhẹ.
Ông Thuật hy vọng là việc lấy ý kiến của dân chúng trong các dự án phát triển kinh tế xã hội sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc hơn. Nếu dự án đó gây hại nhiều đến cuộc sống của dân chúng thì có thể bị dừng lại vì người dân không đồng ý, chứ không phải việc lấy ý kiến chỉ được làm có lệ như hiện nay, hoặc hoàn toàn không có ý kiến người dân như trường hợp BOT Cai Lậy, tạo nên những cuộc khủng hoảng khó giải quyết, vì khi dự án được đưa vào hoạt động mà dân chúng không hề biết chút gì về nó.
Mời quí vị theo dõi bài thứ 2 mang tựa đề: BOT Cai Lậy, câu chuyện bó đũa ngày nay.
_______________________________________________________________________

Không có nhận xét nào: