Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Đinh Lầu

Bởi
 AdminTD
 -

2-1-2019
Từ trên tầng 49, toà nhà Bitexco, Đinh Lầu nhìn dòng xe cộ chui xuống đường hầm Thủ Thiêm, hỏi, “Sao họ rúc xuống đáy sông mà không ướt”. Đưa Đinh Lầu qua đường hầm, Đinh Lầu xuýt xoa, “Tài hè”. Đinh Lầu là Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, xã của 460 nhân khẩu người A Rem. Đây là lần đầu tiên Đinh Lầu vào Sài Gòn, lần đầu tiên Đinh Lầu đi máy bay. Đinh Lầu nói, “Mình thích rồi”.
Từ tầng 49 toà nhà Bitexco
Năm 2013, Đinh Lầu lần đầu ra Hà Nội, thấy Dinh Chủ tịch nước đẹp, Đinh Lầu phăm phăm đi vô, bảo vệ chặn lại; Đinh Lầu cãi lý, “Ở đây ghi Phủ Chủ tịch, mình cũng là chủ tịch”. Cảnh vệ không nghe cái lý của người A Rem, Đinh Lầu buồn lắm.

Đinh Lầu sinh 1955 trong hang So Đũa. Năm 1956, Biên Phòng mới bắt đầu vận động người A Rem lập bản. Lúc ấy cả tộc A Rem chỉ có 18 người. Bà con sống trong các hang đá; đóng khố vỏ cây; đôi lứa ái ân bên các dòng suối; sinh con đẻ cái ngoài rừng… Mãi tới năm 1978, gia đình Đinh Lầu mới trụ bản. Dân số A Rem lúc ấy đã tăng lên 35 người, 15 hộ. Giai đoạn này, hôn nhân chủ yếu vẫn giữa người A Rem với nhau. Từ cuối thập niên 1970s, người A Rem bắt đầu kết hôn với người Sách ở Minh Hoá, với người Ma Coong, thuộc nhóm Bru Vân Kiều… Hôn nhân cận huyết mất dần; con trai con gái chỉ lấy nhau ở tuổi 18 thay vì 15 như trước. Dân số người A Rem bây giờ là 460 nhân khẩu.
Định cư nhưng người A Rem vẫn nhớ hang động, nhớ rừng. Cặp vợ chồng già nhất, Đinh Nê – Y Rú, trên 80 tuổi, về bản rồi lại trốn vô hang. Gia đình vài ba thế hệ sống trong một căn nhà nhỏ, nên giờ đây vợ chồng muốn gần gũi lại rủ nhau ra suối. Làm Chủ tịch nhưng Đinh Lầu vẫn rất dị ứng với thế giới văn minh. Hôm các xã vùng Phong Nha giao lưu, sau khi làm vài li, vừa nhớ vợ, vừa thấy lạc lõng… ông lẳng lặng ra sau, chui qua cửa thông gió của nhà vệ sinh, cắt rừng, về.
Từ ngàn xưa, người A Rem đã đi giữa những cánh rừng đại ngàn. Cũng giống như “Colombus tìm ra châu Mỹ”, người Kinh nhận là họ tìm ra Sơn Đoòng. Đinh Lầu cười, “Bọn mình vô đó câu cá, bắt én… từ xưa rồi”. Xưa kia, những Sơn Đoòng, hang Én, hang Va… là giang san của người A Rem. Họ săn bắt, hái lượm, bao nhiêu sản vật của vùng này từng là của họ… Nhà nước vận động họ định cư, nhưng dựng nhà làm vườn là những việc với họ vô cùng xa lạ.
Từ khi Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên của Thế giới, vì Tân Trạch nằm trong vùng lõi của vườn quốc gia, người A Rem không còn quyền chặt một cây nứa để sửa nhà, bắt một con nai để làm thịt… Trong khoảng từ 2003 – 2010, Vườn cấp cho cả xã (53 hộ, 270 nhân khẩu) 170 triệu/năm; Từ 2012-2013, con số này là 400 triệu/năm nhưng xã đã có 85 hộ với hơn 400 nhân khẩu.
Rừng được bảo tồn rất tốt. Không chỉ có các thảm thực vật mà muông thú cũng sinh sôi. Gần đây, vọọc, khỉ liên tục cướp ngô đã thu hoạch và tấn công cả chó và người; nhiều nương rẫy của bà con bị lợn rừng đào bới. Căn cứ vào hiện tượng trâu bò bỏ rừng về bản và xem xét các dấu chân lạ, ông Nguyễn Soái Trắc, sinh năm 1948, nhận định, hổ đã xuất hiện ở vùng Sơn Đoòng. Theo cái lý của người A Rem thì Vườn Quốc gia sẽ phải bồi thường cho họ. Đinh Lầu từng chất vấn, “Mình hỏi Tỉnh nha, ở đồng bằng trâu ăn lúa của dân có phải đền không; giờ lợn của tỉnh, khỉ của tỉnh ăn lúa của mình, sao lại không đền”.
Các nhà lãnh đạo xã nhận thấy chỉ có giáo dục mới từng bước làm thay đổi tập quán lệ thuộc vào thiên nhiên của người A Rem. Trường bán trú của xã hiện đang nuôi ăn học 98 học sinh hai cấp. Có 4 học sinh A Rem đã học xong cấp 3; Nhưng cho đến nay, chỉ có một người A Rem có bằng y sỹ đa khoa; học được nhờ rèn dũa sau hai năm quân ngũ. Xã đã từng đưa 6 em vào trường trung cấp nghề Quảng Bình nhưng đứa trụ lại lâu nhất chỉ được một tháng. Cũng như Đinh Lầu, các em vẫn cảm thấy lạc lõng nơi kẻ chợ. Người A Rem chỉ tìm được chính mình khi đầu trần, chân đất đi suốt ngày đêm, xuyên qua đại ngàn.
Vẫn phải chờ thêm thế hệ mới, thế hệ bắt đầu đọc thông, viết thạo và biết dùng điện thoại tiếp cận với internet nhờ sóng của Viettel. Vì A Rem là một tộc người chưa từng tự mình làm nhà nên họ vẫn cần thời gian để thích nghi với không gian sống chật hẹp mà “người Kinh” làm cho họ đã và đang cũ nát.
Năm 2005, khi chỉ có U-oát ì ạch cả ngày mới bò vô tới Tân Trạch nhưng, Bí thư Sài Gòn là ông Nguyễn Minh Triết vẫn vào tới nơi. Thấy bà con khổ quá, ông Triết về quyết định giúp tiền dựng 53 căn nhà.
53 ngôi nhà ông Nguyễn Minh Triết dựng giúp người A Rem 2005 giờ đã rách nát.
Năm 2009, ông Lê Thanh Hải về tỉnh, và những người tháp tùng ông có hứa là sẽ hỗ trợ đồng bào A Rem 5 tỷ (TTXVN đưa tin hẳn hoi). Ông Hải vẫn là uỷ viên BCT cho tới 2016 nhưng người A Rem vẫn chưa nhận được đồng nào kể từ khi nghe hứa. Khi ông Nguyễn Thiện Nhân về thay, Đinh Lầu hai lần gửi thư nhắc. Ông Nhân cũng chưa từng hồi âm. Trong khi 53 căn nhà của ông Triết giờ đang rách nát.
Chúng tôi có đưa Đinh Lầu đi qua đường Trương Định; chúng tôi có đưa Đinh Lầu đi qua Lê Thánh Tôn; Đinh Lầu nhìn vô Thành uỷ; Đinh Lầu nhìn vô uỷ ban… Tuy rất ngậm ngùi, nhưng Đinh Lầu không có ý định vào nhắc nợ nữa.
Chúng tôi không để Đinh Lầu đọc nhiều tin tức. Chúng tôi không đưa ông đi xem những dinh thự của các nhà lãnh đạo thành phố, trung ương. Chúng tôi cũng không kể ông nghe chuyện con cái các quan sở hữu đất đai xe cộ… Chúng tôi không muốn làm tắt lửa của Đinh Lầu và những người đi cùng. Ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy vẫn đang có những nhà lãnh đạo biết rõ dân nhà ai no, nhà ai đói.
Cùng Đinh Lầu ở xã Tân Trạch
Cùng Đinh Lầu ở Sài Gòn
Không phải rừng đại ngàn của Đinh Lầu
Trong Dinh Độc Lập
Cuộc sống trong hang của người A Rem
Một lần lên A Rem

Không có nhận xét nào: