Báo chí Việt Nam năm nay được phép công bố 'những trang sử đen tối' nhân dịp 40 năm Chiến tranh Biên giới Việt - Trung, một nhà báo tự do, cựu chiến binh nói với BBC.
Nhìn từ góc độ lịch sử, cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng nói hôm 12/02 rằng "nhân dân sẽ không tha thứ cho những người lãnh đạo 'hèn nhát' với ngoại bang vì bất cứ mục tiêu nào".
Thế nhưng, nhìn từ bình diện giao lưu con người, ông Đăng cho BBC biết từ Gò Công, tỉnh Tiền Giang rằng ông từng sang Trung Quốc để gặp gỡ cựu chiến binh và người dân phía bên kia biên giới và biết họ nghĩ gì.
"Tuy thời gian không dài, được gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc, các bạn trẻ, những người dân thường tôi rất vui mừng nhận thấy không ai muốn chiến tranh Việt- Trung xảy ra một lần nữa."
Trả lời BBC News Tiếng Việt, cựu trinh sát cấp tiểu đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở mặt trận tỉnh Cao Bằng năm xưa bình luận về câu hỏi liệu có phải năm nay báo chí Việt Nam được 'bật đèn xanh' viết nhiều hơn về Chiến tranh Biên giới 1979.
Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng, đúng là có hiện tượng này, nhưng như chúng tôi thường nói với nhau là "báo chí được thở khe khẽ" nếu xét theo mức độ thông tin được báo chí chính thống đưa ra. Theo tôi có mấy lý do.
Thứ nhất là Nhà nước đã không thể làm ngơ trước dư luận nhân dân mỗi khi những ngày này tới, nhất là năm nay lại là năm chẵn tròn 40 năm.
Thứ hai là mối quan hệ của Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1990 khi "bình thường hóa quan hệ" đến nay nếu nhìn trên bề mặt thì ta thấy càng ngày càng nồng ấm đến mức "Hợp tác toàn diện" nhưng thực chất đằng sau là một mối quan hệ không bình đẳng và càng ngày Việt Nam càng bị lấn lướt không chỉ trong ngoại giao, kinh tế mà còn cả về chủ quyền lãnh thổ.
Ít có một quốc gia nào nuốt nổi cái nhục nhã này và nhân dân sẽ không tha thứ cho những người lãnh đạo hèn nhát với ngoại bang vì bất cứ mục tiêu nào, do vậy báo chí được phép công bố những trang đen tối trong lịch sử quan hệ hai nước để xả bớt bức xúc của dân chúng (nếu điều này đúng thì thật tệ hại).
Thứ ba là chính sách mới của Mỹ với Trung Quốc, động thái gần đây của Hải quân Mỹ ở biển Đông, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều sắp diễn ra ở Hà Nội...một loạt động thái đáng chú ý ấy có thể cho ta thấy chính phủ Việt Nam có lẽ thấy tự tin hơn, có thể lựa chọn Mỹ là một đối tác đồng minh dù điều này sẽ làm phật lòng Trung Quốc.
Và, có thể đặt lại mối quan hệ với Trung Quốc bình đẳng hơn, là mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng có chung biên giới, chứ không phải là hai quốc gia cùng một ý thức hệ "vừa là đồng chí vừa là anh em" luôn luôn không đáng tin cậy như ta thấy trong lịch sử.
BBC: Tuyên truyền qua âm nhạc, phim ảnh của Việt Nam một thời chống Trung Quốc rất rầm rộ rồi im ắng qua nhiều năm, tình hình hiện nay ra sao?
Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng điều này cũng bình thường, khi hai nước xóa bỏ mối quan hệ thù địch bước vào một trang mới, nhưng nó không bình thường ở chỗ là bị nghiêm cấm không được nhắc tới, ngay cả sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường cũng không có. Lớp trẻ sinh ra sau không hề biết đến cuộc chiến này, tức là trong lịch sử có một khoảng trắng, điều này là vô cùng tai hại.
Ta cũng có thể so sánh với Trung Quốc, trong suốt 10 năm từ 1979-1989, truyền thông đại chúng Trung Quốc hàng ngày đều có thời lượng lớn về cuộc chiến với Việt Nam mà họ gọi là "Phản kích tự vệ". Phim ảnh, truyền hình đầy những hình ảnh các đoàn xe tăng, pháo binh, bộ binh xông lên như vũ bão "đè bẹp bọn tiểu bá VN".
Khi tôi phỏng vấn một số người Trung Quốc vào thời đó mới 15, 17 tuổi họ đều nói : "Ước sao chiến tranh kéo dài để họ được đi đánh bọn 'quỷ Việt Nam'". Nhưng đến cuối năm 1989, một mệnh lệnh từ Quân ủy trung ương quân giải phóng Trung Quốc ban ra: Cấm không nhắc tới cuộc chiến đó nữa, nó gây bàng hoàng trong dân chúng và nhất là quân đội.
Một cựu sỹ quan Trung Quốc nói với tôi: Khi nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là "khách mời danh dự đặc biệt" xuất hiện tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh) chúng tôi đã bị sốc. Một hệ quả đi kèm là một số trí thức, nhà báo, cựu quân nhân (nhất là những người từng tham chiến) đi tìm hiểu về cuộc chiến này để tìm sự thật, hy vọng không lâu nữa chúng ta sẽ được biết về những công trình đó.
BBC: Người dân, cựu chiến binh Việt Nam nhân dịp này nghĩ gì và họ muốn nói lên điều gì?
Ông Ngô Nhật Đăng: Là một cựu chiến binh tôi mong muốn sẽ không có chiến tranh xảy ra, tất nhiên nếu để tự vệ bảo vệ Tổ quốc thì sẵn sàng.
Điều này đòi hỏi từ nhiều phía, nhất là từ nhà nước, lịch sử phải được nhắc lại thật nhiều, thật trung thực để có thể rút ra điều gì trong hiện tại, lịch sử không được hiểu đúng sẽ dẫn đến dễ bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điều đó là nguy hiểm, đó không phải là yêu nước, chắc chắn không phải.
Đất nước phải phát triển giàu mạnh thì mới bảo vệ được chính mình không thể trông chờ bên ngoài. Điều duy nhất không thể khác là phải dân chủ hóa đất nước để động viên sức mạnh toàn dân tộc. Đây là điều không thể chần chừ câu giờ được nữa.
BBC: Với cá nhân ông, thì có phát hiện gì thêm và có gì muốn nói, sau 40 năm nhìn lại cuộc chiến này?
Ông Ngô Nhật Đăng: Cách đây 5 năm, một mơ ước từ lâu của tôi được thực hiện, đó là đi tìm những cựu binh phía bên kia để tìm hiểu những người một thời là "kẻ thù", những lý do trực tiếp gây ra chiến tranh, tìm những "Hoa kiều" bị trục xuất khỏi Việt Nam, một trong những lý do mà nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng để phát động cuộc chiến.
Quan trọng hơn là họ nghĩ gì lúc đó, nghĩ gì về hiện tại khi chiến tranh đã lùi xa và mong ước gì cho tương lai vv…
Tuy thời gian không dài, được gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc, các bạn trẻ, những người dân thường tôi rất vui mừng nhận thấy không ai muốn chiến tranh Việt- Trung xảy ra một lần nữa.
Nó cũng đã giải tỏa cho tôi nhiều băn khoăn trong suốt mấy chục năm và có thêm tin tưởng, như vậy nhân dân ở đâu cũng mong muốn hòa bình, họ cần phải được hiểu nhau, không cái gì làm tốt hơn điều đó là truyền thông lương thiện, trung thực.
Cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng nhập ngũ và là quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 5/1978 đến cuối năm 1982, ông tham gia 'Cuộc chiến 79' hay Cuộc chiến Biên giới ở mặt trận tỉnh Cao Bằng, khi đó ông thực hiện nhiệm vụ trinh sát tiểu đoàn "luồn sâu phá hoại" chuyên hoạt động sau lưng địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét