Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Trở lại trận 12/7/1984: Lính Trung Quốc sát hại thương binh VN; pháo binh ta bắn vào đội hình của D2, F 356...

Blog Phạm Viết Đào: Tôi là người đầu tiên đưa thông tin quân Trung Quốc sát hại thương binh Việt Nam trong trận đánh 12/7/1984 qua nguồn tin của Hà Minh Thành, Việt kiều tại Nhật cung cấp lên blog từ năm 2009...Trung Quốc dùng xăng chất thương binh VN lại đốt...
Sau thông tin của Hà Minh Thành, một CCB của Sư 313 là Đường Minh Tuấn quê ở Hương Canh cũng đã kể với tôi về việc Đường Minh Tuấn có nghe tiếng kêu la của thương binh ta: Đồng hương ơi cứu nhau với...trong trận Trung Quốc đánh chiếm Cao điểm 1509 ngày 28/4/1984
Sau khi đưa thông tin này lên; Phạm Ngọc Quyền có đến gặp tôi, bất ngờ nhà Quyền chỉ cách nhà tôi có 500 m, cùng trên trục đường Thụy Khuê và kể với tôi rằng: Trong trận 12/7/1984 mũi tấn công của tiểu đoàn Quyền gồm 12 chiến sĩ khi áp sát chiến hào 1 của quân Trung Quốc, cách 100 m thì dừng lại, chờ pháo ta bắn dọn đường...
Phạm Ngọc Quyền kể với tôi: Theo sơ đố tác chiến, pháo sẽ bắn vào chiến hào quân Trung Quốc; không ngờ, ngay loạt đầu tiên pháo ta đã bắn đúng vào đội hình quân ta ở mũi của Quyền, làm một số chiến sĩ hy sinh; Khi loạt đạn đầu đã không chính xác thì loạt đạn sau đều giã đúng vào đội hình nên Tiểu đoàn 2 của Quyền bị sát thương bởi pháo bắn từ hướng Cốc Nhè, nằm tuyến sau cách đó 5 km...
Những thông tin nhắn qua lại giữa tôi và Quyền về chuyện này hiện còn lưu trong điện thoại của tôi. 
Hồi đó khi đưa thông tin về chuyện pháo ta bắn nhầm, tôi không nêu đích danh Quyền lên mạng...
Sau đó tôi có trao đổi với CCB 356 là Đặng Việt Châu, quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An về chuyện pháo binh ta bắn nhầm trong trận 12/7/1984, Đặng Việt Châu cam đoan với tôi rằng, trong trận 12/7/1984, pháo của F 356 không tham chiến; Một trận đánh lớn như vậy mà Trung đoàn pháo binh của 356 lại không tham chiến là một dấu hỏi cần làm sáng tỏ. Đặng Việt Châu có tâm sự với tôi rằng, chỉ huy Trung đoàn pháo của 356 quê Hà Tĩnh sau này cũng tỏ ra ăn năn vì không đưa pháo vào tham gia chia lửa cùng đồng đội, để pháo Trung Quốc làm mưa làm gió...
Sau này tôi có hỏi một số CCB là pháo thủ của 313 lý do vì sao pháo của F 356 lại không tham gia? Là người trong cuộc, CCB Hà Giang cho biết: Để pháo binh có thể tham gia được đòi hỏi bộ phận quan trắc phải xác định tọa độ bắn trước dõ kỹ thì mới khai hỏa được...Chắc trận này gấp nên pháo 356 phải ngoài cuộc ?
 Vậy nếu pháo 356 không bắn thì ai bắn vào sườn của Tiểu đoàn 2 của Phạm Ngọc Quyền ? 
Một câu hỏi cuối cùng tôi đã tìm ra trong một lần đi điều tra dự án đất đai của một số CCB 313 quê ở Phúc Yên bị chính quyền thu giữ không đền bù. Anh em thấy tôi hay viết về các CCB Hà Giang thì mời tôi lên nhờ lên tiếng. Lên đây, tôi phát hiện ra một số CCB là pháo thủ của F 313, xác nhận chính họ đã tham gia bắn trận 12/7/1984 chi viện cho 356, đơn vị của họ có 4 khẩu 75 đặt ở Cốc Nghè...
Tôi lập tức gọi điện cho Trung đoàn trưởng 457 của F 313 là Trung tá Nguyễn Đình Hát quê ở Thường Tín để kiểm chứng ? Ông không chịu xác nhận và nói đấy là tin không báo chí nào đưa ?
Tháng 3/2016 vừa qua có dịp qua km 8, tình cơ gặp lang y Trần Anh Quân, gần 60 tuổi, quê ở xã Đạo Đức, Vị Xuyên, ông kể: hồi chiến tranh bộ đội ta đóng dọc tuyến đường này đông lắm. Ông cho biết: lính bị thương về đây kể với ông: họ bị thương vì bị pháo ta bắn nhầm trong trận 12/7/1984...
Sau thông tin trên, trang Quân sử Việt Nam đã mở một trận ném đá tơi bời blog Phạm Viết Đào; Một số CCB tự xưng là người tùng tham gia trận 12/7/1984 dùng nhiều lời bặm trợn thóa mạ blog Phạm Viết Đào...
Sau khi ra tù, tôi có gọi điện cho Phạm Ngọc Quyền, Quyền có vẻ ngại gặp tôi chắc sợ đám an ninh..
Rất vui, đọc loạt bài dưới đây của Phạm Ngọc Quyền-CCB 356-E 876, hy vọng Quyền sẽ bộc bạch tất cả những gì Quyền chứng kiến và đã kể với tôi...
Trước đây, có thể vì thông tin này mà tôi bị đi tù; còn bây giờ lực lượng an ninh thay đổi rồi, quay sang ủng hộ quân ta rồi ?!


Căm hờn nhìn quân Trung Quốc sát hại thương binh trên 'Đồi thịt băm'


(VTC News) - Ông nhận ra ngay là chúng đang hạ sát nốt những đồng đội của mình đang bị thương nằm dưới chiến hào, thỉnh thoảng có những tiếng la phát lên rồi tức khắc im bặt.



Kỳ 4: Ký ức tàn bạo của lính Trung Quốc
Nhắc đến trận chiến kinh hoàng trên “Đồi thịt băm”, điểm cao 772 trong ngày 12/7/1984, ký ức của cựu binh Phạm Ngọc Quyền (Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356) cùng các đồng đội của mình vẫn ghi nhớ từng khoảnh khắc. Đó là cảm giác căm hận khi trực tiếp nhìn thấy lính Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, liên tiếp hạ sát những chiến sĩ của Sư đoàn 356, khi họ đã bị thương, mất hết sức chiến đấu, nằm trên những sườn đồi, vách núi, mỏm đá, chiến hào của điểm cao 772.

“Quân Trung Quốc cũng hiểu biết luật pháp quốc tế, không được bắn thương binh. Nhưng chúng hành động ngược lại. Tôi nghe thấy có nhiều tiếng la, tiếng súng nổ. Đồng đội tôi bị thương không chạy thoát được, chúng nó tràn xuống bắn chết hết. Thật may mắn là tôi đã chạy thoát, giờ là thời điểm chúng tôi công bố sự thật này cho mọi người được biết”, ông Quyền ứa nước mắt.

Những ký ức kinh hoàng đó, cứ ảm ảnh cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng những người lính khác mãi tận hơn 30 năm sau, ám ảnh cả trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Mỗi lần gặp lại đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa, kể lại ký ức bi tráng ở mặt trận Vị Xuyên, họ lại ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Với họ, một khi những câu chuyện chiến tranh khốc liệt chưa được công bố để tất cả mọi người được biết, câu chuyện về sự hung tàn của quân xâm lược Trung Quốc, một khi những đồng đội của họ còn nằm lại trên những điểm cao chưa được quy tập về, một khi chưa xác định được thân nhân, danh tính của những chiến sĩ đã quên mình vì Tổ quốc trong cuộc chiến khốc liệt ở Vị Xuyên, cả đời họ không thể thanh thản được.

Hài cốt liệt sỹ  ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) được thu thập sau 30 năm kết thúc chiến tranh   Ảnh: Báo tuổi trẻ
Hài cốt liệt sỹ ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) được thu thập sau 30 năm kết thúc chiến tranh Ảnh: Báo tuổi trẻ 

Quay trở lại trận đánh trên “Đồi thịt băm”, đúng 4h sáng 12/7/1984, mặt đất rung chuyển, chớp lửa chói lòa, cỏ cây đất đá rơi ầm ầm. Quân Trung Quốc nhanh chóng phản pháo, trút đạn như mưa lên các sườn của cao điểm 772. Ông Quyền cùng đồng đội tai ù đặc vì tiếng pháo nổ, những cột lửa đỏ rực.

Lúc đầu lệnh nổ súng chưa phát ra, các chiến sĩ chỉ biết núp xuống trong những công sự vừa đào cách đấy ít phút, giữ cho thân mình khỏi bị những mảnh đạn văng phải. Nhưng pháo địch bắn càng lúc càng nhiều hơn, ta bắn một thì chúng bắn mười. Có vẻ như quân Trung Quốc đã phát hiện ra hướng tấn công của Sư đoàn 356, chúng căn chỉnh và dội pháo thẳng vào đội hình các chiến sĩ đang ẩn nấp bên những sườn dốc của cao điểm 772.
Video: Chiến tranh biên giới 1979 và kế sách ‘kết xa, đánh gần’ của Trung Quốc  


Tình hình có vẻ xấu đi, đã bắt đầu có thương vong và hi sinh, đâu đó có tiếng gọi cứu thương, những công sự được các chiến sĩ đào sẵn trước trận đánh cũng bị đạn pháo cày xới tung tóe.

Trời đã tờ mờ sáng, cùng với những ánh chớp lửa, sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ vài mét, nhưng cựu binh Phạm Ngọc Quyền vẫn kịp nhìn thấy xung quanh là những đoạn chiến hào vỡ nát, anh em đồng đội thương vong, bê bết máu. Bên phải của ông, một chiến sỹ tên Minh (pháo thủ số 2 của đội cối 60) bị thương vào bụng trái, chỉ kịp thều thào vài tiếng rồi lịm hẳn. Ông Quyền giật khẩu cối, nằm tựa lưng vào mé chiến hào bắn trả lên trên. Tuy nhiên, ông mới chỉ bắn được tầm 5 quả thì lập tức bị phản đạn hất tung, cả người và khẩu cối văng ra xa.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các chiến sĩ trên Mặt trận Vị Xuyên năm 1984    Ảnh tư liệu
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các chiến sĩ trên Mặt trận Vị Xuyên năm 1984 Ảnh tư liệu 

Chưa kịp nhận ra mình có bị thương hay không, chỉ thấy đau ê ẩm cả người, ông Quyền lồm cồm bò dậy, tiếp tục nhặt lấy khẩu súng AK gần đó bắn về phía trước. Trong một thoáng chốc, ông nghe thấy tiếng thét của đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Bùi Minh Đệ: “xung phong” phát ra ở gần đó, rồi liên tiếp những bóng đen nhảy ra khỏi chiến hào tiến lên đỉnh núi.

Cựu binh Phạm Ngọc Quyền không thể xông lên được, vì bên sườn phải bỗng có từng loạt đạn rít lên veo véo, bay ngang qua trước mặt. Ông nhận ra là từ lèn đá 685, những ánh chớp cứ hắt ra từ nơi đó dội thẳng xuống đội hình Tiểu đoàn 2. Phía dưới, rất nhiều đồng đội hy sinh nằm la liệt, và một trung đội của Sư đoàn 356 đang bắn trả kịch liệt lên lèn đá.

Lúc này, pháo Trung Quốc có vẻ như đã lắng xuống, nhưng đạn cối, và đủ các loại đạn khác của địch trên đỉnh 772 lại bắt đầu dội xuống ầm ầm, nhiều hơn hẳn trước. Quân địch bắn kiểu như không bao giờ sợ hết, đạn dược là vô tận. Tiến không được, lùi không xong, một suy nghĩ thoáng qua trong đầu cựu binh Phạm Ngọc Quyền: “Chả lẽ mình cứ nằm ở đây chờ chết hay sao?”.

Ngay tức khắc, ông nhặt lấy một quả lựu đạn đưa nhanh lên miệng giật chốt, tung về phía trước, rồi cầm khẩu AK lao nhanh về hướng bên phải, mấy đồng đội ở gần đấy cũng đang chĩa súng bắn xối xả lên đỉnh núi. Tuy nhiên, bỗng có một tiếng nổ đanh phát ra ngay bên cạnh mình, cùng quầng lửa đỏ rực bốc lên, ông Quyền tối sầm mặt mũi, đổ gục xuống và không còn nhận biết gì nữa. 

Cựu binh Phạm Ngọc Quyền: tôi thấy quân Trung Quốc bất chấp cả luật pháp quốc tế
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền: "Tôi thấy quân Trung Quốc bất chấp cả luật pháp quốc tế" 

“Tự dưng tôi thấy mẹ, mẹ hiện ra vỗ về an ủi, rồi cứ thế lùi xa dần. Tôi khóc, đưa tay định níu lấy, thì một cảm giác nhói đau trong người phát ra. Tôi tỉnh dậy, mới biết là chỉ gặp mẹ trong giấc mơ, còn bản thân đã bị một đống đất đá phủ lên trên, dấu mình xuống dưới đó, cũng chính vì thế mà tôi thoát chết ”, ông Quyền hồi tưởng lại.

Gạt được lớp đất đá phủ lên người, ông mới nhận ra trời đã về trưa, ánh nắng chói lòa, xung quanh im ắng. Bỗng chốc, có tiếng súng lẹt đẹt, rồi có tiếng người, ông Quyền nhìn thấy phía trên đỉnh 772 xuất hiện rất nhiều bóng đen, xì xào với nhau bằng tiếng Trung Quốc. Tiếp đó, chúng tỏa xuống, đi lại trên những đoạn giao thông hào, tay cầm súng, cứ chĩa thẳng xuống dưới chân mình và bắn.

Cựu binh Phạm Ngọc Quyền nhận ra ngay là chúng đang cố tình hạ sát nốt những đồng đội của mình đang bị thương nằm dưới chiến hào. Thỉnh thoảng có những tiếng la phát lên rồi tức khắc im bặt. Một cảm giác căm thù, khí uất bốc lên. Ông biết, nếu mình vẫn nằm yên một chỗ thì chỉ một lát nữa cũng sẽ chung một số phận thảm khốc. 

“Không, đằng nào cũng chết, trước khi chết thì cũng phải cho một vài đứa đi theo mình mới bõ”. Ngay tức khắc, ông Quyền nén đau vớ lấy khẩu AK ở gần đấy, nhặt vội một quả lựu đạn chày, một quả lựu đạn cầu duỗi thẳng chốt cài vào lỗ khuy áo ngực, dù tấm áo lúc đó đã rách tả tơi. Ông tính sẽ bất thình lình chồm dậy bắn trả khi chúng gần tới. 

Chưa chắc đã có thể thoát thân được trong tình cảnh thập tử nhất sinh ấy, nhưng nếu như không chạy thoát, ông nghĩ mình sẽ dùng miệng khẽ cúi xuống cổ áo, cắn, rút chốt quả lựu đạn cầu, thế là xong, mình sẽ chết chung với quân thù.


Còn tiếp…Hải Minh (Ghi theo lời kể của cựu binh Phạm Ngọc Quyền cùng các đồng đội)

Không có nhận xét nào: