Đào Thanh Tuy |
Tết, là quãng thời gian mọi người quây quần bên gia đình, người thân. Cô độc trong 4 bức tường lạnh lẽo, tử tù cũng có đón Tết theo cách riêng của mình.
LTS: Trong bốn bức tường của chốn biệt giam lạnh lẽo, nơi không có hoa mai cũng chẳng có hoa đào thì tử tù- những người đang đối diện với sự rình rập của thần chết nghênh xuân, đón Tết thế nào?
Những người không bao giờ sợ vấn nạn “thực phẩm bẩn”
Không có lịch nhưng các tử tù tính thời gian vô cùng chuẩn xác. Bởi thế, dù không được thông báo trước nhưng tử tù nào cũng biết rõ là khi nào thì Tết đến, xuân về.
Thậm chí, không có đồng hồ nhưng họ cũng biết rõ thời khắc năm mới gõ cửa. Khi đó, dù đang ở giờ “giới nghiêm” nhưng khu biệt giam huyên náo hẳn.
Mỗi người một buồng riêng biệt nhưng các tử tù cũng cố sức chúc tụng nhau bằng những lời lẽ tốt đẹp hệt như ở thế giới bên ngoài.
Kẻ hài hước còn chúc… làm ăn gặp nhiều may mắn, sớm mua nhà, tậu xe. Người thực tế hơn thì chỉ mong là được nghe tiếng nhau trong vài năm nữa.
Sau những lời chúc tụng ồn ã ấy thì là sự im ắng đến rợn người. Ấy là lúc những người thân mang tội chết ấy nhớ lại những giao thừa xưa, khi còn quây quần bên những người thân thích.
“Khi đó thì kẻ khóc người cười, rồi gọi tên những người trong gia đình mình, nghĩ cũng thương lắm”, thiếu tá Hoàng Sỹ Huynh, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa xúc động.
Cũng theo thiếu tá Huynh, tuy bị tước đi quyền sống, tuy không gian sống chỉ là bốn bức tường lạnh lẽo, đánh bạn với gông cùm nhưng tử tùcũng được hưởng đầy đủ chế độ dinh dưỡng như những tù nhân bình thường.
Thực phẩm dành cho phạm nhân luôn phải đảm bảo vệ sinh.
Ngày Tết thì chế độ đó tăng gấp 5 lần. Bánh chưng, bánh kẹo, thịt cá được phục vụ tận buồng giam. Người tù chỉ được ăn 2 bữa vào gần trưa và chiều tối. Tuy nhiên, 3 ngày Tết thì có thêm cả bữa sáng.
“Nói thật với nhà báo chứ ở ngoài thì lo Tết như thế nào cũng được nhưng với anh em tù thì phải cực kỳ chu đáo, nhất là công đoạn chuẩn bị thực phẩm”, thượng tá Bùi Xuân Trường, Phó giám thị trại cho biết.
Theo thượng tá Trường thì năm nào cũng vậy, cứ khi xuân sắp tới, Tết sắp sang là cán bộ trại phải lặn lội ngược xuôi để tìm nguồn thực phẩm đảm bảo để phục vụ những tội nhân đang thi hành án tại trại.
“Mình có ăn phải đồ kém chất lượng cũng không sao, nhưng để tù nhân, nhất là tử tù ăn phải những thứ đó ngộ nhỡ họ làm sao thì nguy lắm”, thượng tá Trường chia sẻ.
“Món quà” vô giá
Nhớ nhà, thèm được thấy những người thân thích ấy là chuyện đương nhiên của bất cứ người tù nào. Và, với tử tù thì nỗi khát khao, da diết ấy lớn gấp bội phần.
Thế mới có chuyện có tử tù dù chân trong cùm, dù xung quanh chỉ toàn bê tông, sắt lạnh nhưng vẫn “thả hồn” thực hiện những nghi lễ quen thuộc trong ba ngày Tết như khi còn ở quê nhà.
Chắp tay cúng gia tiên rồi lẩm lẩm chúc người nọ người kia bằng những lời lẽ trang trọng hệt như đang sống giữa ấm áp tình thân.
“Tâm trạng của tử tù vốn bất định, trong mấy ngày Tết còn thất thường hơn. Những hành động, lời nói của họ là do cảm xúc chi phối hết”, thiếu tá Huynh tâm sự.
Cũng theo thiếu tá Huynh, trong mấy ngày Tết, ngoài những lời thăm hỏi, động viên từ gia đình, người thân thì “món quà” mà tử tù thích nhất là… giấc ngủ. Trong chốn biệt giam, rảnh rỗi cả ngày lẫn đêm nhưng tử tù thường thiếu ngủ.
Ám ảnh tội lỗi cùng sự sợ hãi tột cùng bởi thần chết rình rập khiến nhiều tử tù chẳng khi nào có giấc ngủ sâu. Theo các cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa, ở trại, tử tù thường ngủ sớm và thức dậy cũng rất sớm.
Tết đến, ngoài được tăng chế độ về chế độ thực phẩm thì đời sống tinh thần của phạm nhân cũng được cải thiện.
Thói quen này đến với họ cũng do vị thần cầm lưỡi hái đem lại.
Theo đó, những phạm nhân mang tội chết thường bị đưa đi thi hành án vào lúc 2-3 giờ sáng. Những khi ấy, chỉ cần một tiếng động rất nhẹ cũng khiến cả khu biệt giam tỉnh giấc rồi khóc cười nhốn nháo. Ai cũng tưởng hôm nay đến phiên mình giã biệt cõi đời.
Khi ấy, họ cuống quýt chào nhau rồi gửi lại nhau muôn lời chúc tụng. Và, chỉ khi nào thấy ánh sáng hắt qua ô thoáng của buồng giam thì cả khu mới yên ắng trở lại. Khi đó tử tù mới dám chắc rằng sự sống của mình còn được đảm bảo.
Bởi không phải thấp thỏm canh thần chết nữa nên những ngày Tết, tử tù ngủ rất sâu. Họ yên tâm rằng mình không bị đưa đi thi hành án trong những ngày trọng đại ấy.
Cái Tết đầu tiên của tử tù cuồng yêu
Trong số 11 tử tù đang thấp thỏm chờ ngày ra pháp trường ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa thì Lê Văn Hảo là người trẻ nhất. Hảo sinh năm 1992, phải “xuống bến đò chờ về bên kia thế giới” bởi tội giết người.
Tuy còn trẻ nhưng Hảo nổi tiếng máu lạnh và ngay từ tấm bé, thanh niên tên Hảo này cũng đã có nhiều “thành tích”… bất hảo.
Quê ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), sau khi trở về từ cơ sở giáo dục dành cho trẻ vị thành niên hư hỏng, Hảo đã yêu đơn phương chị N. (SN 1993 ở TP. Thanh Hóa) là sinh viên năm thứ 3 của Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
Khi biết chị N. đã có người yêu, cuồng ghen ngày 22/9/2014, Hảo đã dụ người yêu tới quán karaoke rồi dùng dao dã man sát hại.
Ít tháng sau đó, với tội ác của mình cộng nhiều tình tiết tăng nặng khác, Hảo đã bị tuyên án tử hình trong một phiên tòa lưu động. Tham gia phiên tòa, nhiều người đã phẫn uất bởi Hảo không hề tỏ ra ăn năn, hối hận về tội ác của mình.
Thậm chí, cũng tại phiên tòa ấy, Hảo đã dặn người thân của mình không được kháng cáo dù bản án phải nhận có thể là tử hình.
Tuy là năm thứ hai đón Tết sau song sắt nhưng là năm đầu tiên Hảo phải “nhìn xuân qua ô thoáng” của phòng biệt giam. Đại úy Nguyễn Xuân Tuấn, cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý phạm nhân này cho biết.
Lê Văn Hảo cố chào người thân sau khi bị tuyên án tử hình (Ảnh Internet)
Đại úy Tuấn bảo, những ngày Tết này cán bộ trại sẽ phải dành cho Hảo sự quan tâm đặc biệt hơn bởi sát nhân này lần đầu tiên “được” đón Tết trong trạng thái “thần chết” rập rình trước cửa.
Theo lời của cán bộ quản giáo, Tết năm ngoái, do chưa được đưa ra xét xử nên Hảo còn tỏ ra bình thản, lạc quan, thậm chí không quan tâm nhiều đến… chuyện ngày sau. Nhưng, từ khi biết mình đã nắm chắc trong tay vé tàu… về bên kia thế giới thì Hảo đã thay đổi hoàn toàn.
Trở lại trại sau phiên tòa, được đưa vào “khám tử tù”, Hảo bỗng trầm tư, thường hay cáu gắt. Trò chuyện với cán bộ quản giáo, Hảo bảo, lúc nào cũng nhớ tới mẹ mình bởi lúc ở ngoài chỉ làm mẹ buồn, mẹ khóc.
Gia đình Hảo cũng mới lên thăm nom vài hôm trước. Tuy gia cảnh chẳng dư dả gì nhưng mọi người cũng sắm sang cho Hảo nhiều quà.
Trò chuyện với cán bộ quản giáo, Hảo bảo hắn chẳng thiết gì, món quà ý nghĩa nhất mà hắn cần khi Tết đến là nụ cười của người đã mang nặng đẻ đau, đã sinh ra hắn.
Tuy nhiên, mong muốn đau đớn của tội nhân mang án tử này không thành bởi gặp con trong cảnh ngộ ấy thì mẹ nào có thể gượng cười.
Tử tù ngoại ăn tết Việt
Bây giờ, nhiều người nước ngoài đã du lịch sang Việt Nam để được hưởng không khí Tết cổ truyền. Được cùng dân Việt ăn Tết, những vị khách nước ngoài ấy tỏ ra vô cùng hào hứng.
Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa cũng có một vị khách nước ngoài. Hắn là Xay Nhạ Xúc Xa Vắt, sinh năm 1969, quốc tịch Lào. Tuy nhiên, khác với những vị khách ngoại quốc khác, Xa Vắt lại phải đón Tết ở nơi… có nằm mơ cũng chẳng ai nghĩ tới.
Nơi Xa Vắt đón 5 cái Tết ở Việt Nam chính là chốn biệt giam lạnh lẽo. Năm 2010, Xa Vắt bị tuyên án tử hình khi bị phát hiện vận chuyển hơn 40kg ma túy tổng hợp vào Việt Nam.
Theo các cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa thì trước đây, Xa Vắt cũng nhiều lần đến Việt Nam bởi nghề chạy xe khách đường dài. Tuy nhiều lần qua lại nhưng chưa bao giờ Xa Vắt được ăn Tết ở Việt Nam.
Nơi giam giữ tử tù Xa Vắt, "tử tù ngoại" mang quốc tịch Lào.
Nhà xa, Xa Vắt cũng ít được gia đình thăm nom. Có bận cũng dịp gần Tết, nói với cán bộ trại, Xa Vắt bảo, trước đây nhiều lần hắn muốn tận hưởng cái Tết của người Việt. Tuy nhiên, bởi bận rộn làm ăn, mong muốn ấy chưa thành.
Trò chuyện với chúng tôi, thượng tá Bùi Xuân Trường, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa bảo, khi Tết đến, trường hợp của Xa Vắt cũng được cán bộ trại đặc biệt quan tâm.
“Xa Vắt phạm tội thì đã bị pháp luật trừng phạt nghiêm minh. Sống ở đâu cũng vậy, tình người là thứ quan trọng nhất. Mấy Tết trước, khi được nhận quà và sự quan tâm của trại, Xa Vắt đã nước mắt nghẹn ngào”, một cán bộ quản giáo chia sẻ.
Trải lòng của những người không phạm tội cũng… “ở tù”
Nói vui về nghề của mình, các cán bộ quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa bảo, phạm nhân phạm tội thì bị tù còn cán bộ quản giáo chẳng tội tình gì thì cũng cả đời phải sống cảnh giam hãm.
Với những cán bộ phải phụ trách thêm việc coi tử tù thì còn… mất tự do hơn. Nhiều người bảo, nhiều khi cả tuần không được thấy mặt con. Khi về nhà thì con đã ngủ, khi đi làm thì con còn chưa dậy.
“Cán bộ ở lại, tôi đi”, đó là lời chào ngắn ngọn với của tử tù với cán bộ quản giáo, những người đã bầu bạn với họ suốt những ngày tháng cuối đời.
Cái chết, đó là “lối đi” không thể nào khác với những người phạm vào trọng tội, họ “đi” coi như cũng là trả xong món nợ đời mình.
Nhưng còn “người ở lại” thì vẫn phải tiếp tục với công việc lắm nguy nan và cũng nhiều thử thách, ấy là “nghề coi tử tù”.
“Là nghề nhưng cũng là nghiệp rồi, phải biết cách tìm niềm vui trong công việc thôi. Chỉ khi nghỉ hưu, chỉ khi chào nhau bằng câu “cán bộ ở lại tôi về” thì may ra mới được quây quần với gia đình trong đêm 30 Tết thôi”.
Lúc chia tay, thiếu tá Hoàng Sỹ Huynh đã nói với tôi như vậy.
(Còn nữa)
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét