Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Nguồn gốc tết Nguyên đán cổ truyền của Trung Quốc

Posted on  by The Observer

Print Friendly
drag_2118324b
Tác giả: Duy Đạt
Tết âm lịch cuối năm (Xuất tiết), thời cổ gọi là “Nguyên nhật”, “Nguyên đán”, “Nguyên thần”, “Tuế đầu”, “Niên tiết”, v.v… “Quá xuân tiết” (Ăn tết), người Trung Quốc thường gọi là “Quá niên” hoặc “Quá đại niên”.
Tết Nguyên đán cổ truyền của Trung Quốc có nguồn gốc từ phong tục “Tế lễ tháng chạp” (lạp tế) từ thời thượng cổ, đến nay đã có lịch sử phát triển hơn 4000 năm. Ngay từ thời kỳ vua Nghiêu vua Thuấn, xã hội Trung Quốc đã xuất hiện hoạt động “Lạp tế”.
“Lạp tế” tức là hoạt động tế lễ bách thần diễn ra vào tháng cuối cùng trong năm (lạp nguyệt), nhằm cảm tạ thần linh đã phù hộ cho mọi người được no đủ, mùa màng bội thu. Nghi thức tế lễ này vô cùng trang trọng, mọi người phải chuẩn bị những loại thực phẩm ngon nhất để tế tự bách thần. Bởi thế, người ta phải đi săn (đả liệp), nhằm kiếm thịt thú rừng tươi, có mùi vị thơm ngon để làm tế phẩm. Thời cổ, chữ “liệp” đồng nghĩa với chữ “lạp”, bởi vậy “Lạp tế” còn có ý nghĩa là hoạt động “săn bắt, tế tự”.

Có điều, khi dịp Tết này mới xuất hiện thì tên gọi của nó có một số khác biệt với ngày nay. Thời Nghiêu Thuấn gọi là “Tải”, thời Hạ gọi là “Tuế”, thời Thương gọi là “Tự”, mãi đến thời Chu mới gọi là “Niên”. “Niên” là khái niệm thời gian, liên quan trực tiếp với nghề nông và lịch pháp, cũng là sự tổng kết của người xưa đối với chu kỳ sinh trưởng của cây trồng và sự đổi thay của mùa màng.[1] Theo sách Thuyết văn giải tự – Hòa bộ: “Niên, cốc thục dã” (Niên là lúc ngũ cốc chín vậy). Thời đại Hạ – Thương (khoảng thế kỷ XXI Tr.CN – thế kỷ X Tr.CN), Trung Quốc đã có lịch nhà Hạ (cũng gọi là Âm lịch hoặc Nông lịch), lấy chu kỳ trăng tròn làm tháng, 1 năm chia thành 12 tháng. Mỗi tháng, lại lấy ngày không nhìn thấy ánh trăng gọi là “Sóc nhật” (ngày mùng 1 mỗi tháng); Giờ tý (từ 11h đến 1h đêm) ngày 1 tháng giêng gọi là “Tuế đầu” (đầu năm), tức là bắt đầu của một năm mới. Thời Thương thì lấy tháng 12 làm tháng giêng (chính nguyệt).
Sau khi thống nhất 6 nước, Tần Thủy Hoàng lại lấy tháng 10 làm tháng giêng. Đến thời Hán vẫn dùng theo lịch nhà Tần, nhưng sau đó Hán Vũ đế Lưu Triệt cảm thấy cách ghi lịch quá rối loạn nên bèn ban bố tân pháp, quy định lấy tháng Giêng âm lịch là tháng đầu trong năm, và lấy ngày 1 tháng giêng là ngày đầu tiên của một năm, tức ngày “Nguyên đán” (ngày mùng 1 tết). Từ đó, thời gian của tết Nguyên đán cổ truyền mới chính thức được cố định. Như vậy, cách tính niên đại theo lịch nhà Hạ được người Trung Quốc dùng suốt từ thời Hán đến mãi những năm cuối cùng của triều Thanh.
Năm 1912, khi nhậm chức đại Tổng thống lâm thời Trung Hoa dân quốc ở Nam Kinh, Tôn Trung Sơn tuyên bố Trung Quốc sẽ dùng Công lịch (còn gọi là Dương lịch, Tân lịch) thông dụng trên thế giới. Đồng thời, ông cũng quyết định lấy ngày 1 tháng 1 năm 1912 (theo Dương lịch) làm ngày 1 tháng 1 năm Dân quốc nguyên niên; và ngày này gọi là “Tân niên”, chứ không gọi là “Nguyên đán”.
Về 2 chữ “Xuân tiết” thì thấy sớm nhất trong thiên Dương Chấn truyện – Hán thư của Phạm Diệp thời Nam Tống (1127-1279): “Hựu đông túc tuyết, xuân tiết vị vũ, bách liêu tiêu tâm” (Lại một mùa đông tuyết rơi, tiết xuân còn chưa mưa, bách quan thảy đều lo lắng). Song, nguồn gốc của từ “Xuân tiết” – với tư cách là danh từ, dùng để thay thế cho khái niệm “Niên tiết” thì mới chỉ có hơn 60 năm lịch sử.
Vốn dĩ, ngày 27 tháng 9 năm 1949, kỳ họp đầu tiên Hội nghị Hiệp thương chính trị của nhân dân Trung Quốc đã thông qua việc sử dụng kỷ nguyên công lịch thông dụng trên thế giới. Theo đó, gọi ngày 1 tháng 1 dương lịch là “Nguyên đán”, tục gọi là “Tết Dương lịch” (Dương lịch niên). Thông thường, sau tiết lập xuân mới đến ngày mùng 1 tháng giêng âm lịch, vì thế người Trung Quốc gọi ngày này là “Xuân tiết”, tục gọi là “tết Âm lịch” (Âm lịch niên).
Ở Trung Quốc, dù là thành phố, thị trấn hay làng quê thì mỗi năm, khi đến tháng chạp, không khí tết dần trở nên nhộn nhịp. Mọi người bắt đầu bận rộn mua sắm hàng tết; Các địa phương trên cả nước, người đi chợ đông như trảy hội. Cảnh tượng mua bán bánh tết, hương, nến, pháo, câu đối, hoa quả, tranh tết… vô cùng náo nhiệt. Phụ nữ mải mê chọn mua vải vóc, chuẩn bị may những bộ quần áo mới cho người già, con trẻ. Nam giới thì bận rộn đến chợ đồ gỗ, chọn mua đồ dùng cho gia đình hoặc đi chợ gốm sứ mua bát, đĩa, lư hương…
Đến tết, hầu như mọi nhà đều phải mua thêm một bộ bát đũa mới để dùng khi cúng lễ. Ngoài việc tỏ lòng thành kính đối với thần linh, tổ tiên, mọi người cũng cầu mong cho gia đình được thịnh vượng, đủ ăn đủ mặc. Đũa dùng để cúng phải là loại đũa sơn màu đỏ, với mong muốn sẽ gặp may mắn. Tết đến, những người buôn bán nhỏ đua nhau mang mã Thần tài, Táo quân rao bán khắp các thành phố, làng mạc, càng làm cho không khí tết thêm tưng bừng, nhộn nhịp.
Tập tục mua sắm hàng tết vào tháng chạp đã có từ rất lâu trong dân gian. Trong sách Đông Kinh mộng hoa lục của Mạnh Nguyên Lão thời Bắc Tống có nhiều đoạn ghi chép về tập tục ngày tết, trong đó có đoạn miêu tả cảnh chợ tháng Chạp ở Biện Kinh thời Tống: Khắp nơi đều thấy chủ hàng bày bán môn thần (tức “Thần Trà” và “Úc Lũy”), tranh Chung Quỳ và câu đối. Thực phẩm thì muôn màu muôn vẻ, vô cùng phong phú với đủ các loại thịt cá, rau quả như: Thịt gà, vịt, dê, lợn, hạt bí, rau răng ngựa, mì vằn thắn, rượu tiêu bách…, được người ta đua nhau mua sắm để chuẩn bị cho đêm trừ tịch. “Trừ tịch” là buổi tối cuối cùng của tháng Chạp âm lịch, tiếp liền với ngày 1 tháng Giêng năm mới (Xuân tiết). Chữ “trừ” trong từ “Trừ tịch” có nghĩa là “khứ” (đi qua), “dịch” (chuyển dịch), “giao thế” (thay thế nhau). Trừ tịch nghĩa là “Năm cùng tháng tận” (Nguyệt cùng tuế tận), là đêm cuối cùng trong năm, mọi người cần rũ bỏ chuyện buồn trong năm để đón mừng năm mới. Trong đêm trừ tịch, mọi hoạt động đều xoay quanh việc chuẩn bị đón giao thừa và các nghi thức tránh rủi cầu may.
Đến thời Thanh, cảnh chợ tết tháng Chạp ở Tô Châu cũng được nhà văn Cố Lộc miêu tả sinh động, chi tiết qua tác phẩm Thanh gia lục: Chợ tết vô cùng náo nhiệt, dường như ai ai cũng chỉ quan tâm đến việc mua bán hàng tết. Mãi đến nửa đêm, chợ vẫn chưa tan. Các cửa hàng tạp hóa và hiệu đồ ăn chín người ra kẻ vào tấp nập. Rất nhiều loại thịt, cá, rau, quả với số lượng nhiều, chủng loại phong phú được bày bán để người mua chọn lựa, tích trữ cho mấy ngày tết. Cửa hàng hương, nến, đồ hàng mã đã kịp in ấn các loại Thần tài, môn thần, Táo quân, tiền âm phủ… bày bán khắp nơi. Ngoài ra, còn có nến thỏi và hương thơm đủ loại.
Với mong muốn gặp nhiều may mắn trong năm mới, mọi người còn mua mới một số đồ dùng sinh hoạt, như chiếu cói, rèm cửa, chổi quét nhà, rổ rá, gáo múc nước, đồ sứ, v.v… Vì thế, tiếng rao bán hàng của những người buôn bán nhỏ cũng vang lên khắp nơi, từ phố này sang phố khác, từ làng này qua làng khác.
Một số ông chủ tiệm rượu và cửa hàng thuốc Đông y, cứ mỗi năm tết đến lại bận rộn chuẩn bị quà tết, rồi sai những người làm công mang rượu hoặc vài thang thuốc Đông y đi biếu những khách hàng của mình. Mục đích của việc làm này, trước hết là để chúc phúc khách hàng, sau nữa là có thể quảng cáo cho sản phẩm của mình. Có thể thấy, cách làm này của người xưa trong nghiệp buôn bán vẫn xứng đáng là tấm gương cho người thời nay.
Đương nhiên, vui nhất khi tết đến vẫn là con trẻ. Vốn đang ở tuổi hiếu động, chúng thường vòi vĩnh bố mẹ mua cho những bánh pháo tết, rồi rủ nhau đốt pháo ở những nơi đông người. Tiếng pháo nổ rải rác đó đây trong mấy ngày cuối tháng chạp càng đậm đà thêm không khí tết đang đến gần.
Những hoạt động chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán cổ truyền được nhân dân Trung Quốc đúc kết trong nhiều bài ca dao, xuất hiện ở hầu khắp các vùng miền trong cả nước. Nói chung, nội dung của những bài ca dao này là đại đồng tiểu dị, tùy theo điều kiện tự nhiên, xã hội của mỗi địa phương. Ở miền Bắc, từ lâu đã lưu truyền bài ca dao: “Ngày 23 tiễn ông công ông táo, ngày 24 dọn cửa dọn nhà, ngày 25 thì làm đậu phụ, ngày 26 giết mổ lợn dê, ngày 27 thịt mấy con gà, ngày 28 dán đôi câu đối, ngày 29 mua rượu về nhà, ngày 30 phải làm vằn thắn, tối 30 không ai được ngủ, sáng mồng một tiếng pháo vang nhà”.[2]
Ở tỉnh Sơn Tây – Trung Quốc thì có bài ca dao: “Ngày 23 tiễn ông công ông táo, ngày 24 dọn cửa dọn nhà, ngày 25 đun nồi bánh tết, ngày 26 giết mổ lợn dê, ngày 27 thịt mấy con gà, ngày 28 phải làm mứt táo, ngày 29 đun nồi nước tắm, ngày 30 câu đối dán xong”.
Những bài ca dao trên đã phản ánh một cách hình tượng và sinh động sự bận rộn, tất bật của người dân Trung Quốc vào những ngày đón tết cuối năm. Nhưng, đằng sau sự tất bật đó, chính là niềm hân hoan của họ trong không khí gia đình đoàn viên ấm cúng – một Không khí Tết chỉ đến vào dịp “Mỗi năm hoa đào nở” (Thơ Vũ Đình Liên)…
Tài liệu tham khảo:
  1. Kiểu Hữu Điền, Trung Quốc dân gian truyền thống tiết nhật, Hoa Đông sư phạm đại học xuất bản xã, Thượng Hải, 2010.
  2. Trình Dụ Trinh, Trung Quốc văn hóa yếu lược, Ngoại ngữ giáo dục dữ nghiên cứu xuất bản xã, Bắc Kinh, 1998.
  3. Vương Kiến Huy, Dịch Học Kim chủ biên, Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc (sách dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004.
—————
[1] Đào Duy Đạt: Tết Nguyên đán cổ truyền và một số ngày lễ tết ở Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 1-2011, trang 81.
[2] Xem Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 1-2001.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/08/nguon-goc-tet-nguyen-dan-co-truyen-cua-trung-quoc/#sthash.LluiUsLz.dpuf

Không có nhận xét nào: