Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội

05/11/2014 15:29 GMT+7

TTO - Nhiều đại biểu Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã dành thời gian thảo luận việc khám sức khỏe đại biểu tại buổi thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội chiều 5-11.
Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội
Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng
"Tâm thần không ổn định sẽ khó lường"
Đại biểu Trần Du Lịch bắt đầu vấn đề này bằng đánh giá: “Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”.

Ngay lúc đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) xin cắt lời: “Tôi đề nghị ứng viên phải khám sức khỏe. Đặc biệt là sức khỏe tâm thần”.
Câu chuyện bàn về dự án luật này càng trở nên rôm rả khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải luật hóa về tiêu chuẩn sức khỏe và lý lịch tư pháp.
“Khám sức khỏe để ứng cử ĐBQH không phải như khám để thi bằng lái xe. Tôi để nghị phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Sau đó đạt chuẩn mới cho ứng cử” - đại biểu Nghĩa nói.
Lý giải cho quy định “ngặt nghèo” này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm là rất dài. Nếu thần kinh, tâm thần không ổn định thì sẽ rất khó lường.
Ngoài vấn đề này, các đại biểu TP.HCM cũng đề nghị loại bỏ việc đi bầu giùm. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị người đi bầu phải trình thẻ cử tri và giấy tờ tùy thân chứng minh đó là mình. Tránh việc, sắp hết giờ bầu cử đi gõ cửa từng nhà, một người bầu chung cho cả xóm.
“99, 100% chẳng để làm gì nếu bầu giùm, bầu kém chất lượng”, đại biểu Trần Du Lịch nói. 
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề xuất đối với đại biểu Quốc hội trước khi tham gia nghị trường phải có giấy khám sức khỏe, để làm sao chứng minh đại biểu đó có đủ điều kiện tham gia các hoạt động ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
“Anh phải có đủ sức khỏe để ngồi trường kỳ khi thực hiện nhiệm vụ của mình chứ” - ông Khanh nói.
Cần có Hội đồng bầu cử quốc gia
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội) cho biết một trong những điểm mới của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND là quy định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. 
Theo ông Mạnh, Hiến pháp cũng đã quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Đồng tình với việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, tuy nhiên ông Mạnh băn khoăn dự thảo Luật chưa quy định rõ Hội đồng này hoạt động thường xuyên hay kiêm nhiệm?
“Theo tôi đã đến lúc chúng ta cần có một cơ quan bầu cử chuyên môn, độc lập. Có ý kiến nói là 5 năm chỉ bầu cử một lần, nếu thành lập cơ quan chuyên trách thì lãng phí. Tuy nhiên việc tổ chức bầu cử 5 năm một lần chỉ là một trong những nhiệm vụ của Hội đồng, ngoài ra Hội đồng còn có các nhiệm vụ khác” - ông Mạnh nói.
Ông Mạnh giải thích Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ chính là tổ chức bầu cử 5 năm một lần, ngoài ra hàng năm xuất hiện những đơn vị bầu cử bị khuyết đại biểu do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như bị Quốc hội bãi miễn, không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu,… chính vì vậy cần có Hội đồng để đứng ra tổ chức bầu cử ở những đơn vị khuyết đại biểu. 
Việc bầu cử bổ sung đó sẽ giúp cử tri ở các đơn vị khuyết đại biểu tiếp tục có người đại diện cho mình ở cơ quan dân cử, tạo sự công bằng giữa các đơn vị bầu cử.
Một lý do cần thiết khác có Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động chuyên trách theo ông Mạnh là để tuyên truyền thường xuyên cho cử tri về quyền bầu cử của mình.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng dự thảo Luật quy định số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia từ 15-21 thành viên là hơi nhiều và khoảng cách rộng, chỉ nên từ 15-17 thành viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị tránh việc một ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải “gánh” quá nhiều cơ cấu, vì “gánh” quá nhiều cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu.
Bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) nói với đặc thù nước ta thì không thể không có việc cơ cấu đại biểu, nhưng phải quy định sao để cơ cấu chỉ là một trong những tiêu chí, trong cơ cấu đó phải lựa chọn người tốt nhất thì mới thỏa được yêu cầu của cử tri.
VIỄN SỰ - V.V.THÀNH

Không có nhận xét nào: