Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Chính phủ mới đã định hình con đường cải cách; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước chuyển mình đón vận hội mới“

09/01/2017  05:00 GMT+7

 “Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm Đổi Mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân...”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết tại lễ tuyên thệ.
LTS:Quốc hội Việt Nam đã thành lập nhiệm kỳ Chính phủ mới đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4/2016. Một trong những nhiệm vụ chính của ông và Chính phủ trong nhiệm kỳ này là tăng cường hiệu quả hoạt động kinh tế của Việt Nam, giám sát việc tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững và sáng tạo hơn.
Chín tháng qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo tích cực, có tư tưởng cải cách, và thân thiện với kinh doanh. Nhiều biện pháp giải quyết các nút thắt và cải thiện môi trường kinh doanh đã mang lại những thay đổi tích cực.
Miệt mài tháo gỡ những điểm nghẽn kinh tế
Trong những năm qua nền kinh tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng cũng nổi lên nhiều vấn đề lớn.
Chính phủ mới đã định hình con đường cải cách
Chín tháng qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo tích cực, có tư tưởng cải cách, và thân thiện với kinh doanh. Ảnh minh hoạ: nhandan
Cụ thể, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5,91% trong giai đoạn 2011–15. Cuối năm 2015, GDP của Việt Nam là 193,4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.109 USD. Lạm phát, giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; Một chính sách tiền tệ khá hiệu quả cũng giúp ổn định điều kiện vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Lãi suất dần được cắt giảm khiến tín dụng tăng trở lại và dễ tiếp cận hơn đối với doanh nghiệp.[1] Đáng chú ý nhất là thương mại nước ngoài đã tăng đáng kể khi kim ngạch xuất khẩu tăng 18,5% một năm, đạt 162 tỷ USD năm 2015.[2]
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn mong manh; các doanh nghiệp nhà nước vẫn thiếu hiệu quả và xảy ra tham nhũng; trong khi thâm hụt ngân sách và nợ công phình to.
Nếu những vấn đề này được giải quyết thành công sẽ mang lại tín nhiệm cho Chính phủ mới và mang lại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một nhiệm kỳ điều hành xuất sắc. Do đó, tiến hành cải cách để giải quyết những vấn đề này đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ của ông.
Cải cách hệ thống ngân hàng
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều bước đi táo bạo. Cụ thể, NHNN đã giám sát 5 cuộc sáp nhập được nhà nước bảo trợ giữa các ngân hàng trong nước, giảm số ngân hàng thương mại của Việt Nam từ 42 xuống còn 34.[3] Ba ngân hàng khác đã phá sản về mặt kỹ thuật cũng được quốc hữu hóa.[4] Nợ xấu giảm trong toàn hệ thống, được công bố ở mức 3,15% trong tháng 5/2015, chủ yếu bằng cách chuyển các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại sang cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thuộc sở hữu nhà nước.
Dưới nhiệm kỳ của Thống đốc mới Lê Minh Hưng, NHNN có kế hoạch tiếp tục sáp nhập các ngân hàng trong nước để đưa số lượng xuống còn khoảng 15–17 ngân hàng vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch sáp nhập mới nào được phê duyệt, và NHNN vẫn chưa công bố các kế hoạch sáp nhập trong tương lai.
Quá trình này cần có thời gian, và có thể NHNN đã thận trọng nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng trở nên mạnh hơn chứ không phải yếu đi trong quá trình này.
Trong khi một số chuyên gia kêu gọi Chính phủ sử dụng sử dụng ngân sách nhà nước để giải cứu một số ngân hàng gặp khó khăn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một tuyên bố táo bạo là Chính phủ sẽ xem xét “đóng cửa” một số ngân hàng yếu kém.
Thủ tướng hồi tháng 12/2016 cũng cho biết, Chính phủ đang làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng một đối tác tư nhân Việt Nam về kế hoạch bán những ngân hàng đã bị quốc hữu hóa cho các nhà đầu tư.[5] Nếu được thực hiện, các biện pháp như vậy sẽ phản ánh một sự thay đổi cơ bản trong tư duy và khuôn khổ pháp lý của Chính phủ đối với ngành ngân hàng.
Cải cách các doanh nghiệp nhà nước
Thực tế cải cách khu vực nhà nước thiếu hiệu quả và tham nhũng tràn lan cũng là một thách thức đối với Chính phủ mới. Một trong những yêu cầu quan trọng phải làm rốt ráo là đốc thúc cổ phần hóa các DNNN không thiết yếu và thoái vốn khỏi các DNNN đã cổ phần hóa.
Chính phủ mới đã định hình con đường cải cách
Nhiều biện pháp giải quyết các nút thắt và cải thiện môi trường kinh doanh đã mang lại những thay đổi tích cực. Ảnh minh hoạ: baoxaydung
10 tháng đầu năm 2016, chỉ có 51 DNNN được phê duyệt cổ phần hóa. Tốc độ cải cách do đó đã không đạt được kỳ vọng của Chính phủ. 
Tháng 6/2016, Thủ tướng đã thúc giục hoàn thành chương trình cải cách DNNN giai đoạn 2011–15 và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2016–20. Ngoài việc tìm cách đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, ông cũng nhấn mạnh về nhu cầu thoái vốn khỏi các doanh nghiệp không thiết yếu.
Ví dụ, Chính phủ đã quyết định bán toàn bộ cổ phần của mình tại Habeco và Sabeco, hai công ty bia lớn chiếm hơn 60% thị trường bia Việt Nam. Hai công ty này được cổ phần hóa vào năm 2008 nhưng việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đã bị trì hoãn và Chính phủ vẫn nắm cổ phần chi phối. Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đưa Habeco và Sabeco lên niêm yết trên sàn chứng khoán càng sớm càng tốt và tiến hành thoái vốn thông qua đấu giá công khai một cách minh bạch. Đến tháng 12/2016, quá trình niêm yết của hai công ty này hoàn thành, và việc thoái vốn dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017.
Nhờ những nỗ lực đó, cải cách DNNN của Việt Nam có khả năng sẽ tăng tốc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tiến hành làm sạch bộ máy, nhằm vào các “nhóm lợi ích”. Chiến dịch này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm sức ì chống lại các cải cách DNNN và khiến khu vực này trở nên minh bạch và hiệu quả hơn, đáp ứng mục tiêu kiến tạo, hành động như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết.
Đối phó với tăng thâm hụt ngân sách
Trong thập niên qua, thâm hụt ngân sách danh nghĩa của Việt Nam tăng liên tục, đạt mức 256 nghìn tỷ đồng (6,1% GDP) vào năm 2015.[6] Xem thâm hụt ngân sách là một nguy cơ lớn đối với sự ổn định kinh tế dài hạn của đất nước, Chính phủ mới đã đưa ra một số cải cách nhằm giảm thiểu vấn đề.
Chính phủ cũng quyết tâm thắt chặt chi tiêu công. Ví dụ như tổ chức hội nghị, cử cán bộ ra nước ngoài tham quan học tập, mua thiết bị văn phòng mới. Chính phủ cũng ban hành cơ chế cán bộ cấp bộ đi làm bằng taxi hoặc xe tư thay vì xe công. Quyết tâm “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ được triển khai quyết liệt bằng cách yêu cầu các bộ và chính quyền địa phương không được chi quá ngân sách được giao. Các dự án hạ tầng lớn và không khả thi về mặt kinh tế, như việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận cũng được hoãn lại.
Ngoài ra còn có những nỗ lực nhằm cắt giảm bộ máy quan liêu, và qua đó cắt giảm bảng lương của Chính phủ. Ví dụ, tháng 11/2016, Bộ Công Thương tuyên bố sẽ thực hiện một chương trình cải cách lớn nhằm giảm 7 đơn vị cơ quan trực thuộc.[7]
Chính phủ cũng cố gắng tối đa hóa thu ngân sách bằng cách ngăn chặn trốn thuế và các hành vi gian lận thuế. Chính phủ cũng cảnh báo không được đưa ra các chính sách có thể làm giảm thu ngân sách.
Để đối phó với thâm hụt, Chính phủ huy động nhiều nguồn tài chính khác nhau, đặc biệt là từ các thể chế tài chính quốc tế và thị trường trái phiếu trong nước.[8] Đồng thời, như đã đề cập ở trên, Chính phủ cũng đã cố gắng bán cổ phần của mình trong các doanh nghiệp cổ phần hoá nhằm bù lại phần nào thâm hụt.
Tuy nhiên, trong dài hạn, việc cải thiện môi trường kinh doanh và củng cố các doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì một cơ sở thu thuế rộng và mạnh là tối quan trọng đối với những nỗ lực củng cố tài khóa của Việt Nam. Do vậy, tiến hành cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ mới.
Cải cách môi trường kinh doanh
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm nỗ lực cải cách. Một trong những cuộc gặp gỡ công chúng đầu tiên của ông sau khi được bổ nhiệm là đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào 29/4/2016.
Chính phủ mới đã định hình con đường cải cách
Một trong những cuộc gặp gỡ công chúng đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhậm chức là đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào 29/4/2016. Ảnh: Diendandoanhnghiep
Trong cuộc đối thoại, ông đã lắng nghe những phản ánh cũng như đề xuất của các doanh nhân, và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn. Ông hứa sẽ duy trì các chính sách nhất quán và tạo ra một sân chơi bình đẳng và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp.[9] Một ngày trước đó, Thủ tướng đã ký một nghị quyết về những nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.[10]
Hai tuần sau đó, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã chỉ đạo bằng văn bản về kế hoạch phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.[11] Đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Chỉ đạo này cũng nhắm tới mục tiêu tăng cường tỷ lệ của khu vực tư nhân trong GPD lên 48–49%, và tỷ lệ đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư xã hội lên 49%. Quan trọng hơn, nó đặt mục tiêu có 30–35% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động sáng tạo hàng năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã xác định tiêu chí “Chính phủ kiến tạo” làm kim chỉ nam cho nghị trình cải cách. Khẩu hiệu này đã được biến thành một số hành động cụ thể nhất định.
Ví dụ, các quy định về thuế và hải quan đã liên tục được điều chỉnh cho hợp lý. Tháng 11, Quốc hội thông qua một đạo luật giảm 41 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhiều luật và quy định hơn nữa sẽ được sửa đổi để cắt bỏ và tiếp tục giảm thiểu các rào cản đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng cũng hứa bãi bỏ đến 3.500 giấy phép kinh doanh.[12]
Quyết tâm cải thiện các điều kiện kinh doanh cũng được phản ánh trong một tuyên bố của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:“Chúng ta quyết tâm không để xảy ra bất kỳ lỗ hổng nào trong hệ thống pháp luật, cắt giảm các điều kiện kinh doanh vô lý, tháo dỡ giấy phép kinh doanh, và đặt dấu chấm hết cho các nhóm lợi ích”.[13]
Nhìn lại chặng đường vừa qua, không khó để thấy, kể từ khi được thành lập vào tháng 4/2016, Chính phủ mới của Việt Nam đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua nhiều cải cách khác nhau nhằm tăng cường hoạt động kinh tế của đất nước. Những nỗ lực cải cách này đã được quốc tế công nhận và đem lại một số kết quả tích cực ban đầu.
Ví dụ, Việt Nam đã tăng chín bậc trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới, là báo cáo đo lường mức độ thuận lợi trong kinh doanh ở 190 quốc gia trên thế giới.[14] Đồng thời, những cải cách về hải quan và liên quan đến thương mại đã giúp Việt Nam leo 14 bậc trong Chỉ số Thúc đẩy Thương mại 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.[15] Nếu được duy trì, những cải cách như vậy sẽ đóng góp đáng kể cho đà tăng trưởng trong tương lai.
Do Chính phủ mới nhậm chức mới gần 9 tháng, chặng đường đạt tới tăng trưởng bền vững vẫn còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang. Cách Chính phủ theo đuổi nghị trình cải cách và đưa đất nước vượt qua năm 2017 được dự đoán có thể nhiều sóng gió sẽ mang lại nhiều manh mối về thành tích tương lai của kinh tế Việt Nam, cũng như hiệu quả của những quyết tâm cải cách mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ của ông đã cam kết.
Lê Hồng Hiệp
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore, và là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
________________________________________
[1] Ví dụ, năm 2015, dư nợ tín dụng tăng 17,92%, cao nhất trong năm năm.
[2] Các con số thống kê trong đoạn này được rút ra từ báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, tháng 3 năm 2016. Toàn văn báo cáo có tại http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-Bao-cao-cua-Chinh-phu-tai-ky-hop-thu-11-Quoc-hoi-khoa-XIII/250204.vgp, truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2016.
[3] Bao gồm các cuộc sáp nhập giữa PGBank và VietinBank; Đại Á và HDBank; MHB và BIDV; MDBank và Maritime Bank; và Ngân hàng Phương Nam và Sacombank.
[4] Bao gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, OceanBank, và GPBank.
[5] “Thủ tướng nêu 8 định hướng điều hành tại Diễn đàn VDF,” Government Portal,  9 Dec 2016 (http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-neu-8-dinh-huong-dieu-hanh-tai-Dien-dan-VDF/293725.vgp), truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2016.
[6] Về một phân tích sâu hơn về thâm hụt ngân sách của Việt Nam, xem Le Hong Hiep, “Growing Fiscal Deficit Presents a Major Risk for Vietnam,” ISEAS Perspective, 7 July 2016.
[7] “Bộ Công thương sẽ tái cơ cấu bộ máy tổ chức, giảm 7 đơn vị,” Voice of Vietnam, 22 November 2016, (http://vov.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-se-tai-co-cau-bo-may-to-chuc-giam-7-don-vi-571671.vov), truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2016.
[8] Ví dụ, đến ngày 7 tháng 12 năm 2016, Chính phủ đã ban hành trái phiếu Chính phủ trong nước trị giá 281 nghìn tỷ đồng.
[9] “Thủ tướng: Doanh nghiệp lớn mạnh thì đất nước hùng cường,” Government Portal, 29 April 2016 (http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-Doanh-nghiep-lon-manh-thi-dat-nuoc-hung-cuong/20164/24666.vgp), truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2016.
[10] Toàn văn nghị quyết này có tại (http://datafile.chinhphu.vn/file-remote-v2/DownloadServlet?filePath=vbpq/2016/04/19.signed.pdf), truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2016.
[11] Toàn văn nghị quyết này có tại (http://datafile.chinhphu.vn/file-remote-v2/DownloadServlet?filePath=vbpq/2016/05/35.signed.pdf), truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2016.
[12] “Thủ tướng quyết bỏ 3.500 giấy phép con 'cởi trói' cho DN,” Zing News, 24 June 2016, (http://news.zing.vn/thu-tuong-quyet-bo-3500-giay-phep-con-coi-troi-cho-dn-post660400.html), truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2016.
[13] “Vietnam cuts through red tape in bid to unleash business spirit”, VnExpress, 1 July 2016, (http://e.vnexpress.net/news/business/vietnam-cuts-through-red-tape-in-bid-to-unleash-business-spirit-3429130.html), truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2016.
[14] World Bank, Ease of Doing Business in Vietnam, undated, (http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/vietnam/), truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2016.
[15] World Economic Forum, Regional overview: East Asia and Pacific, undated, (http://reports.weforum.org/global-enabling-trade-report-2016/regional-overview-east-asia-and-pacific/), truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2016..

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước chuyển mình đón vận hội mới“

“Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng những kết quả đạt được trong năm qua thật đáng khích lệ”.

Đó là chia sẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc trả lời phỏng vấn TTXVN, nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017.
tong bi thu nguyen phu trong dat nuoc chuyen minh don van hoi moi hinh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phóng viên: Năm 2016 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức và đầy ắp các sự kiện. Xin Tổng Bí thư cho biết những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh toàn cảnh đất nước năm vừa qua?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2016, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thiên tai bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có, rồi sự cố ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung... đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sản xuất và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, với sự đồng lòng nhất trí, đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có sứ mệnh hết sức to lớn, đó là nhìn lại 30 năm đổi mới, tổng kết nhiệm kỳ Đại hội khóa XI và đề ra định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tại Đại hội lần này, Đảng ta khẳng định quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc Tổ quốc; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp, tạo ra động lực và khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay sau Đại hội, các bước chuẩn bị, tiến hành Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được thực hiện khẩn trương, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng luật định.
Hơn 99% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, thể hiện ý chí, nguyện vọng và trách nhiệm của mình đối với tương lai, vận mệnh của đất nước, dân tộc, lựa chọn những đại biểu ưu tú, đủ đức, đủ tài để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.
Tiếp đó, chúng ta đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy nhà nước, giữ vững ổn định và khẩn trương bước vào triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nội dung, tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã được cụ thể hóa thành các nghị quyết, chỉ thị, các chương trình, kế hoạch hành động, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đang nỗ lực đổi mới trong cách thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, được cử tri và nhân dân hoan nghênh.
Nhờ vậy, năm qua mặc dù tình hình rất khó khăn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn tăng trưởng khá (6,21%), kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Khu vực kinh tế tư nhân có bước khởi sắc, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vượt kế hoạch đề ra. Ngành du lịch đã đạt kỷ lục đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa,... Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính được chú trọng. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, qua đó đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc .
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao trong bộ máy nhà nước đã bị xử lý, kỷ luật... được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã được triển khai bài bản, từng bước vững chắc, tạo chuyển biến tích cực trên thực tế. Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng những kết quả đạt được trong năm qua thật đáng khích lệ, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, với những thời cơ, vận hội mới.
Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, việc “đổi mới mô hình tăng trưởng”, “nâng cao chất lượng tăng trưởng” đã được hiện thực hóa trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Vì sao những tư tưởng đó vẫn tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và mới đây là việc thông qua Nghị quyết số 05-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng về cơ bản vẫn chậm được đổi mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp, mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững chưa đạt như mong muốn, yêu cầu đề ra...
Chính vì vậy, tại Đại hội XII, Đảng ta xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ là: “Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...”.
Và tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, những quan điểm, định hướng đó được cụ thể hóa rõ nét trong Nghị quyết số 05-NQ/TW, với 8 chủ trương, chính sách lớn cần tập trung thực hiện nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước hết là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, coi đây là yếu tố trọng yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế;
Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là cơ cấu lại: Doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, đầu tư, khu vực sự nghiệp công, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Nghị quyết lần này cũng nhấn mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, coi đây thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế...
Cần nhận thức rõ, mục tiêu của đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, toàn diện cả về kinh tế, xã hội, môi trường; không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy dự án.
Formosa là một bài học đắt giá, từ vụ việc này chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc thu hút đầu tư, phải có chọn lọc, ưu tiên những dự án đầu tư có trình độ công nghệ cao, chất lượng cao và hiệu quả cao, phải quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với thúc đẩy tăng trưởng, cần chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng lợi từ tăng trưởng. Nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Khi đi thăm, làm việc tại các địa phương, tôi thường lưu ý, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế phải trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; làm thế nào để khơi thông, từ đó sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực vật chất và tinh thần, nội lực và ngoại lực.
Những địa phương miền núi có tiềm năng thế mạnh là nông-lâm nghiệp thì cần chăm lo phát triển nông-lâm nghiệp theo hướng trình độ cao, chất lượng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chú trọng xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân...
Còn những địa phương ven biển thì cần tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch, dịch vụ cảng biển... gắn với giữ vững quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.. .
Đối với những vùng quê cách mạng, căn cứ kháng chiến cũ, cần biết khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước cách mạng như một tiềm lực tinh thần, một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Trong lĩnh vực công nghiệp, cần tập trung vào những ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh, tăng hàm lượng công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; đồng thời thúc đẩy một số mặt hàng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu...
Trong quá trình phát triển đi lên, mỗi địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết vùng để vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững của toàn vùng và cả nước.
Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, có thể thấy tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí dường như vẫn còn rất nhức nhối; xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ là vấn đề nội bộ của Đảng mà đã trở thành mối quan tâm lớn của toàn dân. Tổng Bí thư có thể cho biết ý kiến về vấn đề này, đâu là những yếu tố căn cốt nhất để tiếp tục làm tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Qua các khóa, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, cơ bản lâu dài.
Mỗi lần ban hành nghị quyết đều có trọng tâm riêng, nhưng có một điểm nhất quán, xuyên suốt đó là các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thấy cần thiết phải thường xuyên, liên tục, chăm lo thực hiện thật tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trước đây, khi nói đến nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ, thường nói đến âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn chỉ rõ, phân tích sâu sắc tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là đưa ra nhận diện thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó, đồng thời khẳng định quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng 4 nhóm giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Mục tiêu là khắc phục cho được những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Nếu nói công tác xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Cán bộ luôn là gốc của mọi vấn đề, mọi việc thành hay bại là do cán bộ. Đường lối hay bao nhiêu, chủ trương chính sách đúng bao nhiêu, nhưng nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu, thậm chí làm sai lệch, thì cũng không thể thực hiện được...
Nghị quyết Trung ương 4 lần này bên cạnh nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng, đã đề cập đầy đủ hơn nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, đề cao kỷ luật, kỷ cương, tính thượng tôn pháp luật; nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức có quyền, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội, không để tự tung tự tác, độc đoán, chuyên quyền.
Đồng thời, phải thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, “sân sau”, trục lợi...
Vừa qua, một loạt quy định của Trung ương, của Chính phủ được hoan nghênh, như chống chạy tuổi, chạy luân chuyển, rồi cấm chè chén, quà cáp, biếu xén...
Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi đã nhận được sự thống nhất rất cao, quyết tâm rất lớn, bây giờ điều quan trọng là phải biến quyết tâm thành hành động, nói phải đi đôi với làm.
Cái mừng là sau khi có chỉ đạo, dường như cả guồng máy, cả hệ thống đã cùng vào cuộc, các cấp ủy, tổ chức đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành cùng phát huy trách nhiệm, tham gia thực hiện với tinh thần cao nhất, góp phần vào cuộc đấu tranh chung.
Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ và kỳ vọng Nghị quyết này sẽ được thực hiện đến nơi đến chốn, tạo chuyển biến rõ nét trên thực tế.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, nhưng không thể không làm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, vừa phát triển được kinh tế; xã hội ổn định; đất nước không ngừng phát triển đi lên.
Trước hết phải có đời sống no đủ thì người dân mới yên tâm, tin tưởng được, đất nước có bình yên thì mới phát triển được. Cho nên, phải tính toán toàn diện, tổng thể với phương pháp biện chứng. Nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt phải được thực hiện đồng thời với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng phải được thực hiện đồng thời với các Nghị quyết khác của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tạo chuyển biến đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực.
Một mùa xuân mới đang về, mang theo sức sống mới, niềm tin mới. Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tăng cường đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh , trí tuệ và truyền thống văn hiến Việt Nam,
Nỗ lực phấn đấu tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, quyết tâm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh ; nhân dân ta ngày càng ấm no , hạnh phúc./.
Nguyễn Sự/TTXVN

Không có nhận xét nào: