Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

"Em bé Nhật cao cả" hay "trò bịp" của kẻ sùng ngoại?; “Cảnh sát Nhật gốc Việt” và “câu chuyện cảm động về cậu bé 9 tuổi”…ảo; Truyền thông Việt Nam bị lừa trong vụ Hà Minh Thành


Thứ Sáu, 29/04/2011 08:42 GMT+7

Thời điểm nỗi đau thảm họa ở Nhật Bản tạm lắng xuống cũng là lúc người Việt xem xét lại một câu chuyện cảm động đã làm nhiều người rơi nước mắt, nhưng rất có thể chỉ là trò bịp.
Cách đây khoảng một tháng, một câu chuyện cảm động về sự cao cả của một em bé 9 tuổi người Nhật đã được đăng tải trên nhiều báo mạng cũng như lan truyền mạnh mẽ trên rất nhiều diễn đàn và mạng xã hội Việt Nam. Không ít người đã rơi nước mắt khi đọc câu chuyện này.   
Trong câu chuyện của mình, một người tên Hà Minh Thành tự nhận mình là một cảnh sát Nhật gốc Việt đang tham gia cứu người ở Fukushima. Ông gặp một cậu bé 9 tuổi, mất hết cha mẹ vì sóng thần, đang mặc áo thun quần đùi lạnh cóng chờ lãnh thức ăn. Ông thương quá nên cho cậu bé cái áo khoác và một gói lương khô. Nào ngờ cậu bé không ăn mà lại đem đặt lên bàn thức ăn để chia cho những người khác. 
Câu chuyện trên bắt nguồn từ blog cá nhân của một nhà văn tên Đào, mà theo nhà văn này chính Hà Minh Thành đã gửi cho ông. Tuy vậy, cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy câu chuyện của Hà Minh Thành hoàn toàn do người này “sáng tác” nên.
Vụ “Cô Lượm” mang tên Hà Minh Thành?
Trên mạng xã hội Facebook, blogger Khải Đơn (ngoài đời là nữ phóng viên của một tờ báo lớn ở Việt Nam, người đã có mặt tại hiện trường thảm họa ở Nhật bản trong nhiều ngày) đã đưa nhiều dẫn chứng cho thấy câu chuyện mà Hà Minh Thành kể có nhiều điểm bất hợp lý. 
Blogger này kể, khi đang ở Fukushima, cô đã đi tìm cách để gặp Hà Minh Thành. Tuy vậy, khi cô gọi điện thoại và gửi mail cho ông Thành (theo số điện thoại và email ông cung cấp trên blog của nhà văn Đào) thì tổng đài báo số liên lạc không có thực, và email không ai trả lời. 
Khải Đơn nhận xét: “Như tôi được biết qua thực tế sử dụng, sóng điện thoại luôn luôn song song với đường truyền internet. Nếu anh Thành không thể dùng điện thoại vì bị mất sóng, việc anh ấy liên lạc, reply thư liên tiếp cho các báo ở Việt Nam, thậm chí còn trả lời liên tiếp trên các blog và báo mạng... là điều phải xem xét lại”. 
Bên cạnh đó, trong bài viết của Hà Minh Thành có đoạn: “Thành phố Sendai kể như tan nát, ngoại trừ ĐH Tohoku do nằm trên núi nên không hư hại gì”. Trực tiếp đến thành phố Sendai, Khải Đơn khẳng định thành phố này không hề “tan nát”, chỉ có những hư hại rất hay xảy ra khi động đất như vỡ kính, nứt một số khu nhà, tuyến đường nội ô.


Fukushima tan hoang sau thảm họa, nhưng Sendai thì không.
Trong một chi tiết khác, Hà Minh Thành viết: “Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn, tôi lại hỏi thăm…”.
Theo Khải Đơn, tại tất cả các trại cứu trợ ở các nơi mà blogger này tiếp cận được, không có ai thiếu quần áo và chăn màn và thức ăn do các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế ở khu vực ít thiệt hại và lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã nhanh chóng cung ứng mọi nhu yêu phẩm cần thiết. Chỉ có tình trạng người tập trung quá đông nên mọi người phải xếp hàng. 
Không thể có tình trạng một em nhỏ 9 tuổi, chỉ có áo thun và quần đùi đứng trong đám đông mà không ai quan tâm cả. Với thời tiết dưới âm độ và tuyết rơi liên tục, cậu bé có thể gục chết vì viêm phổi cấp hoặc quá lạnh trong một thời gian rất ngắn. 
Ngoài ra, tại tất cả các thành phố bị phá hủy mà Khải Đơn đến, cảnh sát không tham gia cứu trợ hay cứu nạn mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hoàn toàn đảm trách việc này. 
Người "vẽ" chuyện em bé Nhật là kẻ sùng ngoại?
Nghi vấn về câu chuyện của hà Minh Thành đã gây ra những tranh cãi gay gắt trên cộng đồng mạng, đồng thời sự trung thực của Hà Minh Thành cũng dần dần được bày tỏ. 
Trên trang Blogspot, thành viên TRAN ANH HAI đặt nghi vấn “Hà Minh Thành bận cứu người, vậy thời gian đâu mà viết thư, viết blog suốt ngày đêm vậy?”.
Nguyen Luong Hai Khoi, thành viên mạng xã hội Facebook đưa ra một dẫn chứng khác cho thấy Hà Minh Thành đã lừa độc giả như thế nào. Theo đó, trước khi câu chuyện về em bé 9 tuổi được lan truyền trên mạng, nhà văn tên Đào từng đăng một bài viết của Hà Minh Thành với nội dung là một câu chuyện liên quan đến trận một trận đánh ở chiến trường biên giới nhiều thập niên trước.
Trong câu chuyện Hà Minh Thành kể, ông ta đã đi đến tận chiến trường xưa, gặp gỡ các nhân chứng vật chứng và ghi lại nhiều hình ảnh cùng những tình tiết đầy cảm động. Tuy vậy, những bức ảnh mà ông Thành nói là của mình chụp, thực ra là hình ảnh ông đã lấy lại trên blog của một khách du lịch người Nhật. Đặc biệt, nội dung của những bức ảnh đã bị Hà Minh Thành “đổi trắng thay đen”.
Cụ thể, trong một bức hình chụp người đàn ông ngồi bên đống đá ở bên kia biên giới, được người Nhật chú thích là Cuộc sống của mọi người ở đây khổ đến nỗi có thể được xếp vào mức "khu vực nghèo cấp quốc gia" thì Hà Minh Thành “vẽ” ra rằng, Nơi người đàn ông ngồi là... nấm mộ tập thể của các chiến sĩ Việt Nam trên xứ người.
Ở một bức hình có người phụ nữ gương mặt khắc khổ, nữ du khách Nhật chú thích rằng: Khu vực này mình rất nhiều, cuộc sống người dân rất khổ… thì Hà Minh Thành bịa chuyện rằng người phụ nữ kể chuyện cho ông ta rằng bà đã cứu sống 4 chiến sĩ Việt Nam.
Một bức hình khác có người đàn ông cầm một cái gói trên tay, nữ du khách Nhật kể rằng bà cho người đàn ông địa phương này một gói bánh có hiệu là Shiroi Koibito. Còn Hà Minh Thành phịa chuyện rằng người đàn ông này đang cầm cuốn nhật ký của một chiến sĩ Việt Nam.
Nguyen Luong Hai Khoi kết luận: “Không rõ Cô Lượm Hà Minh Thành này phịa chuyện để làm gì, nhưng người này đã vi phạm luật internet ở Nhật khi ăn cắp tư liệu của người khác, công bố rằng đó là của mình, sửa nội dung của tư liệu. Cho nên, khi đọc bài về em bé 9 tuổi của người này, vẫn với cái giọng văn ấy, tôi chả tin”.
Khi những chứng cứ về sự gian dối của Hà Minh Thành được người đọc gửi đến blog của nhà văn tên Đào, nhà văn này không đăng tải lại cũng như không đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Từ vụ Cô Lượm, Hà Minh Thành, nhiều người phê phán mạnh mẽ thái độ sùng ngoại, nhược tiểu của một bộ phận người Việt. “Họ có thể căn cứ hoàn toàn vào một câu chuyện kiểu "chicken soup" và viết hàng tá bàn luận về sự vĩ đại của người Nhật, sự thiếu trật tự của ta...”, blogger Khải Đơn bày tỏ.
Theo Đất Việt
http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/em-be-nhat-cao-ca-hay-tro-bip-cua-ke-sung-ngoai-n20110429084046381.htm



“Cảnh sát Nhật gốc Việt” và “câu chuyện cảm động về cậu bé 9 tuổi”…ảo

Dân trí Cái tên “cảnh sát gốc Việt Hà Minh Thành" cùng câu chuyện về cậu bé 9 tuổi Haruo Soma ở tỉnh Fukushima, càng gây hiệu ứng chấn động trong tình cảm của người dân VN hướng về nước Nhật. Song cũng đã có những nghi vấn về tính thực tế của “những người trong cuộc”…


Cứu hộ nạn nhân động đất (ảnh: mirror.co.uk)

Cũng như đại đa số người dân VN cùng chung cảm xúc hướng về nước Nhật sẻ chia, nguyện cầu cho Nhật Bản suốt thời gian kể từ khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3 tới nay, chúng tôi gần như không nghi ngờ gì khi nhận được những lá thư từ địa chỉ này, địa chỉ khác chuyển tiếp câu chuyện về "Bài học từ một đứa trẻ về tinh thần Nhật Bản”… Thu hút một số lượng vô cùng lớn những bình luận ngợi khen, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và nỗi xúc động sâu sắc trước tấm gương nhỏ tuổi này.

Trong làn sóng ngợi khen và ngưỡng mộ chung đó, vài ý kiến lác đác nghi ngờ tính xác thực của nhân vật trong câu chuyện “vì không thể tìm ra họ” đã nhanh chóng gần như trôi vào quên lãng.

Song trước yêu cầu của nhiều tổ chức, nhà báo và cả những cá nhân muốn tiếp xúc trực tiếp để tìm hiểu thêm thông tin cũng như có được những tấm hình xác thực của cả "tác giả" và "cậu bé 9 tuổi Haruo Soma", thì kết quả sau đó lại cho thấy… điều ngược lại!

“Tác giả” bài viết tự xưng (hoặc được những người chuyển tiếp lá thư giới thiệu) là: Hà Minh Thành, cảnh sát người gốc Việt đã sống ở Nhật hàng chục năm; là cảnh sát tỉnh Saitama nhưng được điều động đặc biệt xuống hỗ trợ tỉnh Fukushima; địa chỉ liên lạc: email:minhthanhjp@yahoo.com, điện thoại 09085381634…

Song mọi nỗ lực tìm kiếm và xác minh của Đại sứ quán VN tại Nhật Bản với “người cảnh sát tốt bụng” Hà Minh Thành này đều… dẫn tới ngõ cụt. Theo nhiều Việt kiều định cư lâu năm ở Nhật, trong đó có người từng học tại trường đại học Tohoku từ hơn 40 năm trước, khẳng định: không có người Việt hoặc gốc Việt nào đỗ tiến sĩ về Công học hoặc có lai lịch như Hà Minh Thành tự mô tả. Cảnh sát Saitama cũng nêu rõ: Không có viên cảnh sát gốc Việt hoặc gốc nước ngoài nào ở Saitama và kể cả trên toàn nước Nhật !!!

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường (ảnh: Kyodo/Reuters)

Để trực tiếp xác minh thân nhân của Hà Minh Thành theo “lý lịch tự thuật”, Đại sứ quán ta tại Nhật cũng đã làm việc với ông Takahashi Noboru, Trưởng khoa Điều tra quốc tế, ban Điều tra tội phạm Hình sự, Sở Cảnh sát Saitama (nơi Hà Minh Thành nhận là đơn vị của mình). Ông khẳng định:

Trong số cán bộ, nhân viên dưới quyền của ông cũng như toàn Sở Cảnh sát Saitama không có ai có lý lịch như vậy. Đồng thời chắc chắn trong toàn lực lượng cảnh sát Nhật cũng không có ai là người gốc Việt.

Tỉnh Saitama là một trong những địa phương nằm gần khu vực bị động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân, nên có trách nhiệm đón nhận nhiều người từ khu vực thảm họa đến lánh nạn. Nhưng trong số cán bộ, nhân viên của ông được huy động để phục vụ nhiệm vụ này, không có ai được huy động đi trực tiếp cứu hộ ở vùng thảm họa như Hà Minh Thành kể. Ông cũng không hề biết gì về cậu bé 9 tuổi  Soma, cũng như những câu chuyện khác của Hà Minh Thành liên quan đến công tác cứu hộ ở vùng thảm họa. Vì vậy, ông coi các câu chuyện trên là bịa đặt.

 Về "tấm gương nhỏ tuổi trong câu chuyện của Hà Minh Thành",  theo kết luận của một số nhà báo Nhật trong đó có phóng viên R. Sanda của báo Yomuri là: Câu chuyện về em bé 9 tuổi Haruo Soma ở tỉnh Fukushima có thể coi là bịa đặt vì không xác minh được xuất xứ.

Sanda cho hay: anh đã cất công tìm hiểu danh sách các bé bị mất cả cha lẫn mẹ, nhưng không có em nào tên là Soma và từng được cảnh sát gốc Việt tặng bánh mì. Trong khi đó, câu chuyện về một cậu bé 9 tuổi khác là Toshihito Aisawa đi tìm cha mẹ ở tỉnh Miyagi lại được cả nước Nhật biết đến.

Qua theo dõi và tập hợp những thông tin có liên quan, Đại sứ quán VN tại Nhật cho biết thêm: Hà Minh Thành đăng ký địa chỉ email với tên Hosokawa, nơi đăng ký: 36 – Male – NA, NA 24.000 U.S. Y cũng có blog riêng với bút danh Hà Minh Thành, có lúc là Minh T., thường xuyên viết bài xuyên tạc, chống đất nước VN trên các trang mạng của người Việt hải ngoại.

Rất có thể Hà Minh Thành hay Minh T. chỉ là cái tên giả. Có thể là của một cá nhân hoặc một nhóm người trong số người Việt ở Nhật vẫn nuôi sự thù hận với đất nước. Hoặc cũng có thể có sự liên kết giữa những người “cùng chí hướng” này ở địa bàn Nhật, một số nước phương Tây và với cả trong nước.

Dẫu sao, qua vụ việc này, cũng có thể khẳng định: Lợi dụng một vấn đề nhân đạo để làm một việc với ý đồ không nhằm mục đích nhân đạo là một hiện tượng cần cảnh giácNhân vật “ảo” cùng câu chuyện “ảo” này quả thật cũng đáng để chúng ta lưu tâm, đề cao cảnh giác hơn trước những thông tin ru ngủ tưởng đâu như vô hại kiểu này đến từ bên ngoài…

Nguyễn

http://dantri.com.vn/ban-doc/canh-sat-nhat-goc-viet-va-cau-chuyen-cam-dong-ve-cau-be-9-tuoiao-1310950576.htm



Truyền thông Việt Nam bị lừa trong vụ Hà Minh Thành

Câu chuyện cảm động về em bé chín tuổi Haruo Soma do "viên cảnh sát gốc Việt" Hà Minh Thành kể mà một số báo chí trong nước đăng tải hồi tháng 3 là bịa đặt - thông tin này được VietnamPlus đăng tải dẫn theo nguồn của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

NỔI BẬT


Truyền thông Việt Nam bị lừa trong vụ Hà Minh Thành

Câu chuyện cảm động về em bé chín tuổi Haruo Soma do "viên cảnh sát gốc Việt" Hà Minh Thành kể mà một số báo chí trong nước đăng tải hồi tháng 3 là bịa đặt - thông tin này được VietnamPlus đăng tải dẫn theo nguồn của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Trong bản tin đăng ngày 14/7, VietnamPlus dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, câu chuyện cảm động về em bé chín tuổi Haruo Soma do "viên cảnh sát gốc Việt" Hà Minh Thành kể là bịa đặt. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật cho biết, theo một số Việt kiều định cư lâu năm ở Nhật, trong đó có người từng học ở trường Đại học Tohoku (Đông Bắc Nhật Bản) từ hơn 40 năm trước, ở trường đó không có người Việt hoặc người gốc Việt nào đỗ tiến sĩ về Công học, hoặc có lai lịch như Hà Minh Thành tự mô tả.
Truyền thông Việt bị lừa trong vụ Hà Minh Thành
Một gia đình trong trại cứu hộ ở thành phố bị tàn phá Sendai. Ảnh: AFP.
Phóng viên R.Sanda của báo Yomiuri cũng đã cất công tìm hiểu danh sách các em bé mất cả cha lẫn mẹ, nhưng không có em nào tên là Soma và được cảnh sát gốc Việt tặng bánh mỳ. Do vậy mặc dù câu chuyện rất cảm động, nhưng P.Sanda không thể sử dụng được, trong khi đó, câu chuyện về một chú bé 9 tuổi khác là Toshihito Aisawa đi tìm cha mẹ ở tỉnh Miyagi lại được cả nước Nhật biết đến.
Đại sứ quán cũng đã nhờ cảnh sát Saitama xác minh và được biết là không có một viên cảnh sát gốc Việt hoặc gốc nước ngoài nào ở Saitama hoặc kể cả trên toàn nước Nhật. Ông Takahashi Noboru, trưởng khoa điều tra quốc tế, Ban điều tra tội phạm hình sự, Sở Cảnh sát Saitama khẳng định một người mới định cư ở Nhật 36 năm mà trở thành cảnh sát Nhạt là điều không thể có. "Theo quy định của ngành cảnh sát Nhật, người gốc nước ngoài chỉ được gia nhập lực lượng cảnh sát nếu ba đời (ông, cha và bản thân) đều có quốc tịch Nhật," ông cho biết. Ông Takahashi cũng nói Saitama là một trong những địa phương nằm gần khu vực bị động đất-sóng thần và sự cố hạt nhân nên có trách nhiệm đón nhận nhiều người từ khu vực thảm họa đến lánh nạn, nhưng không có ai trong số cán bộ, nhân viên của ông trực tiếp đi cứu hộ ở vùng thảm họa như Hà Minh Thành kể.
Câu chuyện về cậu bé chín tuổi Haruo Soma đã không nhận suất ăn của mình khi được người cảnh sát đưa cho để tiếp tục xếp hàng như những người khác, được một số trang báo mạng trong nước đăng tải xuất phát từ bức thư của một cảnh sát gốc Việt là Hà Minh Thành được đăng tải trên một số blog. Bài viết này cũng đã gây nên một cuộc tranh cãi ồn ào khi một nghiên cứu sinh người Việt đã đăng bài bác bỏ thông tin này trên blog của mình.

Nguyễn Hưng
http://infonet.vn/truyen-thong-viet-nam-bi-lua-trong-vu-ha-minh-thanh-post277.info

Không có nhận xét nào: