Thứ 5, 11:47, 08/06/2017
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị phải "truy tận gốc, trốc tận ngọn" trong xử lý nợ xấu và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây ra món nợ này.
Tại phiên thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu trong phiên họp Quốc hội ngày 7/6, nhiều đại biểu đề xuất giải pháp "mạnh tay" trong xử lý những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu.
Không cho phép nhập nhằng nợ xấu
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, ngân hàng phải sớm có báo chi tiết cụ thể tên của các tổ chức, cá nhân nào đang gây ra nợ xấu, để trên cơ sở đó Quốc hội sẽ xem xét.
"Nếu tổ chức, cá nhân nào thực sự đang gây ra nợ xấu do thiên tai, bão lũ, đề nghị Quốc hội xem xét xóa nợ. Tổ chức, cá nhân nào gây ra những nợ xấu liên quan đến các vụ án tham nhũng, đề nghị "truy tận gốc, trốc tận ngọn", không cho phép nhập nhằng nợ xấu... Những ai gây ra nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, phải đối mặt với Bộ luật hình sự", đại biểu Trần Quốc Khánh nêu quan điểm.
Để giải quyết vấn đề này, bà Khánh đề nghị Công ty quản lý nợ xấu phải chia sẻ gánh nặng khó khăn của đất nước, xem xét lại mức lương của các lãnh đạo ở đó. "Trong khi chúng ta chưa giải quyết được nhiều khó khăn vấn đề này mà mức lương vẫn rất ngất ngưởng, báo chí, dư luận không đồng tình".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, cần đưa vào nghị quyết nguyên tắc để tránh lạm dụng hoặc lợi dụng. "Nghị quyết xử lý nợ xấu cung cấp những giải pháp về pháp lý và kỹ thuật để xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm dân sự và hình sự của các tổ chức, cá nhân về các khoản nợ đó giải quyết và xử lý theo pháp luật hiện hành".
Theo đại biểu này, không nên sử dụng ngân sách Nhà nước cả trực tiếp và gián tiếp mà dùng nợ vào tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thừa nhận, dù nói không sử dụng ngân sách, nhưng thực ra Nhà nước vẫn tốn kém và thiệt hại vì cả bộ máy phải tham gia xử lý.
Nghịch lý: chủ nợ phải "van xin" con nợ
Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), nếu Quốc hội không có nghị quyết hợp lý sẽ không thể giải quyết được nợ xấu. Vị Giám đốc Công an Nghệ An nêu câu chuyện đòi nợ: Chủ nợ thì chạy khắp nơi gặp con nợ để "van xin", đòi mãi không được thì tìm đến công an tố cáo, đó là hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Công an sau một thời gian kiểm tra xác minh, hướng dẫn quay trở về Tòa án để giải quyết. Đây là mối quan hệ dân sự, chủ nợ sang Tòa án xếp hàng dài mà không biết đến lúc nào mình mới lấy được nợ.
"Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng, nhưng để thoát tội, mỗi tháng trả 2 triệu. Tôi ước tính phải 50 năm chưa trả hết gốc, chưa tính đến lãi. Đó là thực trạng của việc lấy nợ của các tổ chức tín dụng và những người dân lương thiện biết tôn trọng và cậy nhờ vào pháp luật", ông Cầu cho hay.
Theo đại biểu này, đối với tình trạng tín dụng đen, nhất là "dân xã hội" thì họ không để yên. Họ tìm mọi cách để lấy bằng hết cả gốc, lẫn lãi không thiếu một xu. "Câu hỏi vì sao dân xã hội thì lấy được. Câu trả lời là họ dùng "luật rừng" và thuê đòi nợ, như thế băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê diễn biến phức tạp và xã hội bất ổn", ông Cầu đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM, cho rằng vấn đề quan trọng là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế của dân.
Ông Quốc nêu quan điểm: Thị trường mua bán nợ sẽ không chỉ dành cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, mà các thành phần kinh tế khác đều được tham gia, còn những gói nợ xấu khó xử lý có thể giao cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
"Ngân sách không thể tham gia xử lý thị trường nợ xấu, mà phải để cho thị trường tự xử lý và tự quyết định", đại biểu đoàn TP HCM góp ý./.
Nợ xấu ngân hàng bằng số tiền để xây được 3 sân bay Long Thành
VOV.VN - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, trong 600.000 tỷ đồng nợ xấu, có tới 90% là tiền của dân, chỉ có 10% là của ngân hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét