“Một người rải 30 tỷ đồng “chạy” vào đại biểu Quốc hội để làm gì?”
Dân trí Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nghi ngờ thông tin phản ánh bà Châu Thị Thu Nga – người từng là đại biểu Quốc hội khoá XIII (đã bị bãi miễn, đang bị bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) khai đã bỏ 30 tỷ đồng để “chạy” vào được Quốc hội.
>> Quốc hội rút kinh nghiệm sâu sắc sau việc bãi nhiệm bà Châu Thị Thu Nga
>> Tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga
- Dư luận hiện xôn xao thông tin bà Châu Thị Thu Nga khai tại cơ quan điều tra là đã bỏ ra 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng) để “chạy” làm đại biểu Quốc hội?
- Tôi chưa nắm được thông tin này, 1,5 triệu USD thì kinh quá. Tôi nghĩ giờ bị xem xét hình sự như thế, bà Nga đang cần khai về khoản tiền bị cáo buộc chiếm đoạt đã đi đâu. Chẳng lẽ lại nói là vào túi cá nhân hết nên đành phải nghĩ ra chỗ để sử dụng tiền và Quốc hội chính là một địa chỉ để “ném” vào. Chứ còn thông tin đó làm gì có cơ sở, không có bất cứ một bằng chứng nào về khoản tiền như lời khai này.
CQĐT cũng mới chỉ đang làm, chưa có thông tin kết luận chính thức.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi bên hành lang Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng nay, 8/9.
- Theo ông có nên làm rõ thông tin này không vì nó rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội?
- Cần làm rõ quá chứ. Có thông tin thế thì phải kiểm chứng lại ngay để xem tiền thế, khai thế thì bà Nga đưa đâu, đưa cho ai, để làm gì? Đây là chuyện tày trời chứ có phải không đâu.
Tôi cho rằng, vấn đề là sử dụng một khoản tiền lớn như thế vào Quốc hội để làm gì, mục đích gì? Một số đại biểu giờ được mời làm chuyên trách người ta còn đang ngại, đang muốn tránh, không chịu tham gia ấy chứ. Giờ người ta chủ yếu muốn sang cơ quan hành pháp chứ chạy vào Quốc hội làm gì. Đây lại chỉ là cá nhân một doanh nghiệp thì muốn vào Quốc hội mà làm gì.
- Trong khoá XIV này, đã nghe thông tin nào về việc ai bỏ tiền vận động, “chạy” thế nào để được vào danh sách ứng cử chưa, nhất là trong khối doanh nhân?
- Chỉ có 1 đại biểu người ta có ý kiến nhưng xét thấy là không có cơ sở gì cả - đó là ông Trần Khắc Tâm ở Sóc Trăng. Còn các doanh nhân, vừa rồi chỉ có 2 người ứng cử tự do và trúng cử là ông Phạm Dũng Tasco và ông Nguyễn Anh Trí - Viện Huyết học và Truyền máu TƯ.
Tôi nghĩ, vấn đề là có cầu thì mới có cung. Phải xác định vào Quốc hội phải được gì thì người ta mới làm vậy chứ. Nhưng thực ra vào Quốc hội, mọi quyết định đều phải của tập thể chứ có phải 1-2 người đâu. Ví dụ là doanh nhân, anh muốn bảo vệ quan điểm về thuế để có lợi cho DN nhưng chỉ có mình anh, hay nhóm một số doanh nghiệp thì làm gì được.
- Nói vậy nghĩa là ông không tin có chuyện chạy tiền như thông tin về lời khai của bà Nga?
- Tôi không tin, không tin vào việc một người lại bỏ một khoản tiền lớn như thế để “chạy” vào đại biểu Quốc hội. Kể cả là cố vào vì cái “mác” đại biểu Quốc hội đi nữa thì khi vi phạm vẫn bị xử lý mà, nhiều trường hợp thế rồi chứ có phải đeo mác đó là bất khả xâm phạm đâu.
- Nói chung trong hoạt động bầu cử, ông không nhận được thông tin về việc tiền, mua phiếu?
- Hội đồng bầu cử quốc gia có riêng một tiểu ban phụ trách việc này là Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo về nhân sự. Báo cáo của cơ quan này trước Hội đồng nói, có 1 vài đại biểu “đi quà” cử tri, hứa sẽ làm việc này, việc kia, ủng hộ xây trường, làm đường… cho nơi mình ứng cử.
- Thực tế, không chỉ khoá này mà từ các khoá Quốc hội trước , dư luận cho rằng có việc “chạy” đại biểu Quốc hội, không phải để vận động chính sách mà vì quan hệ, vì cơ hội bên hành lang Quốc hội. Động cơ như thế là có, nhất là trong giới doanh nhân?
- Đây là sự nhầm tưởng, những người đó tưởng ngồi vào Quốc hội thì có quyền quyết định thế nọ thế kia, nhưng không thể thay đổi hay tác động được gì cả. Luật đúng là cho phép công dân có quyền tự do ứng cử, nhưng mục đích vào Quốc hội để làm gì cũng chặt chẽ, vào vì dân, vì nước, để bảo đảm quyền lợi người dân hay lợi dụng mục đích gì, có lợi dụng được không.
Vậy nên giờ nói có việc chạy tiền như vậy không, ta chưa có khả năng kết luận, phải chờ cơ quan chức năng, nhưng bảo chạy 30 tỷ đồng thì rất nhiều. Rải đi đâu cho hết số tiền đó? Đó là một đại biểu ứng cử tự do, nếu có chạy thì cũng chỉ có vài chỗ. Vậy thì 30 tỷ đồng đi đâu, đến những địa chỉ nào? Không ai biết cục tiền lớn thế thì ném đi đâu được.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo
Lời khai "chạy" 30 tỷ đồng để được làm Đại biểu Quốc hội của bà Nga gây chấn động dư luận.
Bà Châu Thị Thu Nga khai 'chạy’ ĐBQH 30 tỷ đồng: ‘Phải làm rõ đưa cho ai, đưa bao nhiêu’
ĐỨC THUẬN |
Liên quan đến thông tin bà Châu Thị Thu Nga khai dùng 30 tỷ đồng để “chạy” Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, cần phải làm rõ đưa ai, đưa bao nhiêu, đưa làm gì.
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra bổ sung vụ án Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng nhà đất (Housing Group) và dự án B5 Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Theo đó, từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, bà Nga đã cấu kết với một số cán bộ trong công ty tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỷ đồng của nhà đầu tư, đến nay không có khả năng chi trả.
Đáng chú ý, bà Nga còn khai đã chi khoảng 47 tỷ đồng để "chạy" dự án và để được ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII. Trong đó, số tiền để "chạy" Đại biểu Quốc hội khoảng 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những người được bà Nga khai đã nhận tiền để giúp bà thực hiện các việc này đều không thừa nhận. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã cho đối chất, nhưng chưa đủ cơ sở làm rõ.
Trả lời báo chí về thông tin này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chưa nhận được thông tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Phúc nói: "Dù là thông tin chưa được kiểm chứng nhưng cũng cần phải làm rõ đưa ai, đưa bao nhiêu, đưa làm gì, tránh ảnh hưởng tới uy tín của Quốc hội". Quan điểm của ông Phúc là không tin có chuyện "chạy" 30 tỷ đồng để vào Quốc hội.
Bà Châu Thị Thu Nga (sinh năm 1965, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất) bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào cuối tháng 4/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 7 bị can, trong đó có bà Châu Thị Thu Nga.
Sau khi có kết luận điều tra trên, Viện KSND Tối cao đã có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ 6 nội dung trong vụ án.
Đến 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất các nội dung điều tra bổ sung. Cơ quan điều tra vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị truy tố 7 bị can đã nêu trong kết luận lần trước.
Về số tiền hàng trăm tỷ đồng, bà Nga khai nhận đã sử dụng 85 tỷ đồng trả cho các đơn vị ký hợp đồng một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội như: Thuê đo đạc bản đồ hiện trạng, thuê thiết kế bản vẽ, khoan khảo sát địa chất công trình...; Chi 54 tỷ đồng cho ông Nguyễn Xuân Quý (đã chết); Chi 12 tỷ đồng cho Lê Hồng Cương, nguyên Phó tổng giám đốc của Housing Group; Chi 30 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Giám đốc Công ty HAIC; Chi 300.000USD (tương đương hơn 6 tỷ đồng) cho một doanh nghiệp bất động sản nhằm mục đích xin được điều chỉnh quy hoạch tại khu đất B5 Cầu Diễn.
theo VTC News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét