Chóp bu “mất tích”
Cuối Tháng Tám năm 2017, tin tức nóng bỏng và mang tính thách thức Trung Quốc nhất là “Dự án khí đốt của hãng Exxon Mobil Corp tại mỏ Cá Voi Xanh sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào Tháng Mười Một nhân dịp Hội Nghị Cấp Cao APEC” – được Đài Truyền Hình Việt Nam cùng nhiều báo nhà nước và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc “đưa tin thận trọng.”
Ông Ngô Xuân Lịch đến Bộ Quốc Phòng Mỹ ngay trong lúc Việt Nam có căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông vào đầu Tháng Tám vừa qua. (Hình: Getty Images) |
Hầu như cùng lúc, Trung Quốc đột ngột tuyên bố mở cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật từ ngày 29 Tháng Tám đến 4 Tháng Chín, trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chỗ gần nhất cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 75 hải lý!
Cuộc tập trận trên mang tính khiêu khích hơn hẳn một cuộc tập trận khác mà Trung Quốc đã tổ chức ở Biển Đông vào năm 2016.
Và cũng như năm 2016, vào lần này, toàn thể giới chóp bu của Việt Nam “biến mất.” Chỉ còn lảng vảng bóng hình của người phát ngôn bộ ngoại giao với “Việt Nam hết sức quan ngại…”
Chỉ còn phảng phất dư âm của một đợt phong tướng quân đội do ông Trần Đại Quang – chủ tịch nước mới “tái xuất” – thi hành. Tổng cộng, Việt Nam đã có gần 500 tướng để “bảo vệ quốc phòng.”
“Dũng cảm”
Mỏ khí Cá Voi Xanh là dự án khai thác khí lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay, có trữ lượng ước tính đạt 150 tỷ mét khối, cách bờ khoảng 88 cây số, thuộc vùng biển Đà Nẵng. Nhưng đây cũng là một trong hai dự án khai thác ngoài khơi của Việt Nam mà Trung Quốc “quan ngại.” Trung Quốc luôn phản đối lẫn đe dọa hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của các hãng nước ngoài với Việt Nam ở những vùng nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” (đường Lưỡi Bò), tức nơi mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của mình.
Nhiều khả năng sau vụ “Bãi Tư Chính,” giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam đã nhận được tín hiệu “chống lưng” từ Mỹ mà từ đó sẽ “dũng cảm” tiến hành khai thác khí ở Lô 118 của mỏ khí Cá Voi Xanh – nơi mà “đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc đi vào giữa Lô 118.
Thái độ cùng hành động được xem là “dũng cảm” như thế lại quá hiếm muộn đối với giới quan chức mà nếu không vì tiền thì chỉ có “bám bờ” chứ chẳng bao giờ “bám biển,” bất kể mạng sống của ngư dân Việt bị Trung Quốc đày đọa hàng ngày hàng giờ.
Nhưng giải thích thế nào về hiện tượng Việt Nam quá nhanh “giương cờ trắng” tại Bãi Tư Chính vào giữa Tháng Bảy trước sức ép của Trung Quốc?
Chỉ có thể nhìn ra một vấn đề then chốt: Tháng Bảy này chưa chứng kiến một cuộc gặp hay đàm phán quan trọng nào về quân sự giữa Việt Nam và Mỹ, cho dù vào Tháng Năm này, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đi Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Trump với một số kết quả chủ yếu về thương mại, còn cam kết quân sự vẫn rất chung chung. Thậm chí sau đó còn không diễn ra chuyến đi Mỹ nào của Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh như một kế hoạch dường như đã được hoạch định trước đó.
Nhưng vụ “Bãi Tư Chính” đã khiến tình thế “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” cùng “bản lĩnh đối ngoại đa phương” của giới lãnh đạo Việt Nam biến chuyển hẳn.
Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam đã bỏ ra $27 triệu để khoan thăm dò dầu khí tại khu vực này, nhưng ngay lập tức đã có khoảng 200 tàu Trung Quốc bao vây khu vực Bãi Tư Chính. Thậm chí còn có tin Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam tiếp tục triển khai khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính. Rốt cuộc, Việt Nam “giương cờ trắng” nhanh đến không ngờ, âm thầm “rút lui chiến thuật” cho đến khi Repsol phải chính thức phát ra thông báo phải di dời giàn khoan từ Bãi Tư Chính sang một khu vực khác.
Cùng lúc, một hội nghị của ASEAN đã diễn ra. “Việt Nam chưa bao giờ cô đơn và lạc lõng đến thế” là tiêu đề của một số tờ báo quốc tế. Những vận động của Việt Nam với một số nước ASEAN nhằm có được những từ ngữ cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông đã hầu như thất bại. Đó cũng là lúc Tướng Ngô Xuân Lịch – bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam – bất ngờ đi Mỹ mà không đi Trung Quốc “triều kiến” trước như thông lệ ăn sâu vào não trạng đã xảy đến với rất nhiều quan chức cao cấp khác của Việt Nam.
Cuộc gặp của Tướng Lịch với phía Quốc Phòng Mỹ, dù không đạt được một kết quả khả quan trực tiếp nào cho Việt Nam trong thời gian trước mắt, nhưng cũng nhận được hứa hẹn của Mỹ “một tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm sau.”
Hình như ngay trước mắt, Việt Nam chỉ cần có thế.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần đến sự hiện diện của các hạm đội Hải Quân Mỹ để ít ra cũng “hù” được Trung Quốc. Cho dù Mỹ hoàn toàn không phải là “đối tác chiến lược” của Việt Nam như Tây Ban Nha, nhưng vai trò của Mỹ sẽ rất có ý nghĩa nếu “đối tác chiến lược toàn diện” lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc lại luôn lăm le muốn “hóa kiếp” Hà Nội, khiến cho “bản lĩnh Việt Nam” đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ quyền của mình!
Hết tiền!
Tình hình ngân sách chính phủ (bao gồm cả ngân sách đảng cầm quyền) lại chưa bao giờ quay quắt như giờ đây.
Một trong những quay quắt như thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50,000 – 60,000 tỷ đồng.
Làm thế nào để “bù đắp khó khăn ngân sách” và kiếm lại được 60,000 tỷ đồng bị hụt thu trên?
Cần cấp tốc tìm ra những nguồn trữ lượng cùng doanh số mới. Tại kỳ họp Quốc Hội Tháng Năm và Tháng Sáu, chính phủ đã phải nêu ra một đề xuất đặc biệt: Gia tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 1 triệu tấn.
Một trong những tiềm năng có thể cứu vãn ngân sách là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính. Nếu công ty Repsol của Tây Ban Nha khoan thăm dò thành công thì ngân sách cùng chế độ chính trị Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng giờ đây nguồn thu ngoại tệ từ khí đốt của ngân sách Việt Nam lại bị “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt. Repsol đã thất bại.
Vậy là một lần nữa, Exxon Mobil trở lại Biển Đông.
Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ?
Vào năm 2009, tập đoàn Exxon đã giành được quyền thăm dò trên một diện tích hơn 52,000 km2 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, cho dù khu vực đó Trung Quốc cũng tuyên bố sở hữu một vài lô. Exxon Mobil cùng với đối tác là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam – Petro Việt Nam, đã khoan được hai giếng trong các năm 2011 và 2012.
Còn lần này, Exxon Mobil đã đầu tư đến $600 triệu cho khai thác khí – một con số gấp vài chục lần tiền bỏ ra thăm dò của Repsol. Con số này góp phần phản ánh một dự định khá chắc chắn của Exxon Mobil sẽ “cư trú” lâu dài ở Biển Đông mà không dễ gì “tháo chạy” trước Trung Quốc như Repsol.
Là đối tác với PetroVietnam, Exxon Mobil đã phác ra một bức tranh vô cùng xán lạn: Dự án Cá Voi Xanh sẽ đóng góp gần $20 tỷ cho ngân sách nhà nước Việt Nam.
$20 tỷ là một con số rất đáng kể trong tình hình ngân sách “tìm ra một ngàn tỷ đồng cũng đã khó.”
Nhưng lại đang có nhiều dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng chiến dịch gây hấn với Việt Nam. Vào thời gian này, Trung Quốc không chỉ cho tàu hải giám và tàu cá liên tiếp xâm phạm vùng biển Việt Nam, mà còn tập trận sát nách Việt Nam. Một kịch bản đang được giới quan sát chính trị và quân sự dự liệu là Trung Quốc có thể gây ra một cuộc xâm lược với trên phạm vi cục bộ trên Biển Đông trong vài năm tới, mà ngay trước mắt là năm 2018.
Đến giờ phút này, dường như giới chóp bu Việt Nam đã rơi vào tình thế khốn quẫn mà không còn lựa chọn nào khác: họ phải “chọn Mỹ,” bất chấp luận điệu vẫn rao giảng trong chính giới về “Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ.”
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét