Trọng Thành
Tổn
thống Mỹ Donald Trump (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Helsinki, ngày
16/07/2018. Ảnh do Sputnik cung cấp cho Reuters.REUTERS
Thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki ngày 16/07/2018 tiếp tục là chủ
đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa trang nhất : «
Donald Trump, đồng minh tốt nhất của Vladimir Putin », với bài xã luận : «
Những mối liên hệ nguy hiểm của Donald Trump ». Thái độ nghiêng hẳn về phía
tổng thống Nga, ngoảnh mặt với các cơ quan tình báo quốc gia, của tổng thống Mỹ
gây một làn sóng phẫn nộ trong giới chính trị Hoa Kỳ, kể cả những người cùng
cánh. Về chủ đề này, tờ Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Laure
Mandeville.
Bài « Cuộc du hành châu Âu của Trump, một
‘‘cuộc thảm sát’’ và một câu chuyện khó hiểu » của nhà báo Le Figaro nêu ra ba giả
thiết, để lý giải về thái độ quỳ gối (« génuflexion ») của tổng thống Mỹ trước
tổng thống Nga, vừa được phơi bày trước mặt toàn thế giới. « Thảm
sát » là để
nói về những lời lẽ đầy sát khí mà lãnh đạo Mỹ nhắm vào các đồng minh châu Âu,
còn «câu chuyện khó hiểu » là để chỉ thái độ quỵ lụy bất
ngờ nói trên.
Giả thuyết thứ nhất : Bị
nắm thóp
Lý do thứ nhất để giải thích cho « điều
bí ẩn Helsinki »,
theo nhà báo Laure Mandeville, là điều đã được nhiều chính trị gia Mỹ, cả hai
phe Dân Chủ và Cộng Hòa, nêu ra lâu nay. Đó là ông Donald Trump đã bị cơ quan
tình báo Nga nắm đằng chuôi. Và chính họ đã đứng đằng sau chiến dịch đưa Donald
Trump lên đỉnh cao quyền lực, thông qua một chiến dịch làm đảo lộn cuộc tranh
cử tổng thống Mỹ 2016. Một biến thể khác của giả thuyết thứ nhất là ông Trump
đã rơi vào bẫy trong chuyến đi Nga năm 2013, và kể từ đó, Donald Trump đã hoàn
toàn bị Nga thao túng.
Giả thuyết thứ 2 : Ám
ảnh mất uy tín
Giả thiết thứ hai có vẻ « đáng tin hơn ». Đó là Donald Trump rất bị ám
ảnh về uy tín của bản thân, trong bối cảnh tổng thống Mỹ muốn đoạn tuyệt « với
chính hệ thống chính trị mà ông ta có trách nhiệm lãnh đạo ». Donald Trump có cảm giác là
« toàn bộ cỗ máy Nhà nước… đang chống lại mình và tính hợp
thức của việc ông ta đắc cử luôn bị đặt thành vấn đề ». Donald Trump dường như không thể chấp
nhận được là sự can thiệp của Nga đã tạo điều kiện cho ông đắc cử. Donald Trump
cảm thấy bất an đến mức sẵn sàng tin tưởng vào những lời nói đường mật của
Putin, hơn là thừa nhận các kết luận của tình báo Mỹ.
Giả thuyết thứ 3 : «
Thỏa thuận chiến lược ngầm » với Putin
Một kịch bản thứ ba cũng được nhà báo Laure Mandeville nêu ra,
liên quan đến một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là tổng thống Trump đã có một kế
hoạch kéo nước Nga vào một liên minh trong một số hồ sơ lớn, như hạt nhân Bắc
Triều Tiên, Trung Quốc hay Iran, bất chấp các khác biệt về ý thức hệ và các tư
vấn gần như thống nhất của giới chuyên gia, « mà ông Trump vốn thường xuyên tỏ ra
khinh bỉ ».
Hôm qua, nhiều nhà quan sát Nga đã nêu ra giả thuyết này, với
một ví dụ, là khả năng Mỹ Nga hợp tác hỗ trợ Israel trên mặt trận Syria, chống
lại kẻ thù Iran. Trong cuộc họp báo hôm 16/07, Donald Trump đã nói : « Tôi
sẵn sàng có một mạo hiểm về chính trị để cổ vũ cho hòa bình, hơn là hy sinh hòa
bình cho chính trị »,
tuy nhiên câu nói trên của tổng thống Mỹ đã bị chìm khuất trong bê bối « Nga
can thiệp bầu cử ».
Vẫn theo giả thuyết này, một nhà quan sát Nga ghi nhận việc
Donald Trump và Vladimir Putin tỏ ra đoàn kết trước các nhà báo. Nhà báo Le
Figaro đặt câu hỏi : Phải chăng trong hai giờ nói chuyện trực tiếp, Trump và
Putin đã đạt được « một thỏa thuận bí mật mang tính chiến
lược », và
Donald Trump cho rằng thỏa thuận này là đủ quan trọng, để đánh đổi lấy việc ông
ta chấp nhận quan điểm của Putin trong nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tuy
nhiên, theo nữ ký giả Laure Mandeville, cho dù một kế hoạch bí mật như vậy có
tồn tại, thì hệ quả trực tiếp của cách hành xử của tổng thống Mỹ gây phản tác
dụng. Tình trạng bối rối hiện nay ở Mỹ và phương Tây nói chung có thể dẫn đến
một mặt trận chung chống lại Putin.
Trở lại với diễn biến tiếp theo của cuộc họp báo Trump – Putin,
Libération có hồ sơ « Donald Trump, lá mặt lá trái và nỗi
giận dữ ».
Libération cho biết là trước làn sóng phản đối dữ dội sau các tuyên bố ở
Helsinki, bị chính những người cùng phe kết án là « phản bội », tổng thống
Trump hôm qua, lại vừa đưa ra một phát biểu hoàn toàn trái ngược, tái khẳng
định niềm tin vào các cơ quan tình báo Mỹ.
Một giả thuyết khác :
Chỉ đi với kẻ mạnh
Phải chăng Donald Trump đã phạm phải « một
sai lầm chiến lược »
? Libération nêu ra một giải thích khác, được một nhà ngoại giao châu Âu, được
tiếng là người biết rõ về đời sống chính trị Mỹ đưa ra. Theo chuyên gia này,
ông Trump có một « quan điểm nhất quán » về chính trị quốc tế, cho dù quan
điểm của ông ta là « nguy hiểm ». Đối với ông ta, không có liên minh,
không có bạn hữu, chỉ có những người cạnh tranh. Donald Trump hoàn toàn thờ ơ
với các giá trị, với nền dân chủ, ông ta chỉ yêu mến những kẻ mạnh, như Kim
Jong Un, như Vladimir Putin. Với họ, Trump tin rằng có thể đúc kết được một số
thỏa thuận.
Mục tiêu của Donald Trump là làm thỏa mãn giới cử tri đã từng
đưa ông ta lên ghế tổng thống. Vẫn nhà ngoại giao châu Âu nói trên lưu ý là,
cho dù có nhiều phản ứng dữ dội trong phe Cộng Hòa, nhưng rất ít khả năng các
nghị sĩ Cộng Hòa dám « nổi dậy » chống lại tổng thống. « Donald
Trump đã thuần hóa được đảng Cộng Hòa, bởi tuyệt đại đa số cử tri ủng hộ ông ta
». Theo một thăm dò dư luận mới nhất của Viện Gallup, 90% cử tri
Cộng Hòa ủng hộ Donald Trump. Đây là một tỉ lệ chưa từng có kể từ vụ khủng bố
Tháp Đôi 11 tháng Chín.
Cũng về chủ đề này, Libération có bài phỏng vấn mang tựa đề « Đối với điện Kremlin, Trump không phải là một đối tác
đáng tin cậy ». Theo
nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, chính quyền Putin không có ảo tưởng là
tổng thống Mỹ là một người biết giữ lời, bởi cách hành xử tiền hậu bất nhất của
Donald Trump là điều mà ai cũng biết. Vấn đề chủ yếu là, Matxcơva sử dụng tổng
thống Mỹ như một phương tiện làm chia rẽ phương Tây. Xã luận Libération với tựa
đề « Kẻ hề mồi »
thì vạch ra tính cách của tổng thống Mỹ : « Tỏ ra yêng hùng với những người yếu
hơn, và tỏ ra mềm yếu với những kẻ mạnh hơn mình ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét