Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Tướng Lê Văn Cương: Gian lận thi cử còn khủng khiếp hơn cướp của, giết người

tuong-le-van-cuong-gian-lan-thi-cu-con-khung-khiep-hon-cuop-cua-giet-nguoi
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an).
Bê bối gian lận thi cử tại Hà Giang và mới đây nhất là Sơn La đang khiến dư luận dậy sóng. Niềm tin của xã hội vào một sự công bằng trong ngành giáo dục, nơi con người hơn nhau về trình độ, kiến thức cần phải được thừa nhận thì nay đang bị lung lay dữ dội.

Người học kém cũng như người học tài, học kém nhưng được phù phép đỗ thủ khoa còn học giỏi thì ra trường về nhà nuôi lợn… tất cả đang làm niềm tin xã hội dần vơi cạn.
Đáng chú ý, trong những sai phạm tại Hà Giang hay Sơn La vừa qua, những gian dối lại xuất phát từ chính những con người làm quản lý trong ngành giáo dục.
Ở Hà Giang là Trưởng, Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT tỉnh. Ở Sơn La dấu hiệu tiêu cực, tẩy xóa bài thi được xác định xuất phát từ ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh và 4 cán bộ trong ngành… Có thể nói sai phạm liên tiếp xảy ra với các mức độ khác nhau đã giết chết niềm tin của hàng triệu thí sinh và dư luận vào một kỳ thi cấp quốc gia công bằng.
Chia sẻ với chúng tôi quanh câu chuyện này, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng: Vụ việc tiêu cực thi cử ở Hà Giang hay Sơn La nếu không được phát hiện thì hệ quả còn khủng khiếp hơn tội cướp của, giết người.
“Nếu vụ lừa dối tày đình này trót lọt thì sao? Câu chuyện tiêu cực sẽ giống như một con tàu bon bon trên đường ray không thể nào dừng lại. Phụ huynh bỏ tiền chạy cho con qua kỳ THPT quốc gia sẽ tiếp tục chạy tiền để những đứa trẻ có thể trụ được ở giảng đường, bởi không kiến thức làm sao có thể theo học.
Sau 4 năm, những sinh viên bước chân vào giảng đường đại học bằng tiền sẽ ra trường với tấm bằng cũng vấy mùi tiền. Họ tiếp tục được gia đình giúp sức để trà trộn vào cơ quan công quyền. Trong số đó, có thể có hạt nhân lãnh đạo trong tương lai. Và những cán bộ không chuyên môn, kỹ năng mang “tâm đen” sẽ phá vỡ toàn bộ cấu trúc quyền lực lành mạnh của quốc gia. Thế hệ này chạy điểm cho thế hệ sau, thế hệ sau chạy điểm cho thế hệ tiếp. Viễn cảnh lúc đó thật đau lòng…”, tướng Cương bày tỏ.
Từ những phân tích nói trên, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý vụ việc đến cùng và công khai cho dư luận được biết. 
Cùng trao đổi với PV, PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ sự đau xót cho ngành. Bên cạnh việc đề nghị xử lý nghiêm với những cá nhân sai phạm đã được xác định, PGS Trần Xuân Nhĩ còn cho rằng đây là thời cơ tốt mà Bộ GD&ĐT cần tận dụng để bắt mẻ cá lớn, loại bỏ những cán bộ biến chất ra khỏi ngành.
“Sẽ ra sao nếu những con người không có năng lực trở thành những bác sĩ, dược sĩ sau này chữa bệnh cho người dân? Đó là còn chưa kể những ngành nghề khác đòi hỏi trình độ và kiến thức rất cao… Do đó tôi cho rằng đây là sự việc rất nghiêm trọng và cần xử lý đến nơi đến chốn để đem lại công bằng cho các em học sinh khác”, ông Nhĩ kết luận.
 

Phó Giám đốc Sở và các cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La vi phạm những quy chế thi gì?

Tại buổi gặp gỡ báo chí trưa 23/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, tổ công tác đã phát hiện 6 vi phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La.
 

Điểm thi bất thường ở Sơn La: Phó giám đốc và 4 cán bộ Sở GD&ĐT liên quan vi phạm cơ chế thi

Trưa 23/7, tổ công tác Bộ GD&ĐT cùng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tại Sơn La công bố thông tin liên quan vi phạm quy chế thi kỳ thi THPT 2018 vừa qua ở tỉnh này.
 

Nóng: Chưa có giấy phép họp báo công bố gian lận thi cử ở Sơn La

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho PV biết, do khúc mắc về thủ tục nên buổi họp báo công bố kết quả thanh tra điểm thi THPT ở Sơn La chưa thể diễn ra như dự kiến.

Không có nhận xét nào: