Dịch giả: Nguyễn Quốc Khải
26-7-2018
Dân Biểu Ted S. Yoho, Chủ tịch Tiểu ban Á châu và Thái Bình Dương, thuộc Ủy Ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ, nói về Trung Quốc và Biển Hoa Nam (Biển Đông) tại Hội Nghị Quốc Tế về Biển Hoa Nam, Washington-DC, ngày 26-7-2018. (CSIS South China Sea Conference).
“Chúng ta đang chuyển qua một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, từ cạnh tranh sang đối lập… Chính quyền Trump nên chính thức chống lại đòi hỏi chủ quyền quá đáng ở Biển Hoa Nam của Trung Quốc”. Ted. S. Yoho, Dân Biểu.
“Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, thử thách nhất, trọng đại nhất mà chúng ta là một quốc gia phải đối phó”. Christopher Wray, Giám Đốc FBI.
“Tập Cận Bình đang phát động ‘một chiến tranh lạnh theo định nghĩa’ chống lại Hoa Kỳ. Chiến tranh lạnh của Tập Cận Bình khai thác tất cả mọi quyền lực, hợp pháp và bất hợp pháp, công cộng và tư nhân, kinh tế và quân sự, để phá hoại thế đứng của đối thủ so với thế đứng của chính đối thủ mà không tạo ra xung đột”. Michael Collins, Trợ Lý Phụ Tá Giám Đốc, Trung Tâm Công Tác Đông Á, Trung Tâm Tình Báo Hoa Kỳ.
Nhận xét về chiều hướng bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Tại Diễn Đàn An Ninh Aspen tuần vừa qua, Giám Đốc An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Dan Coats hỏi, nếu Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là “kè thù thật sự hay là một đối thủ cạnh tranh chính đáng.” Đây là một cách thông minh và cô đọng để diễn đạt một câu hỏi lớn có tính cách cực kỳ quan trọng đối với Hoa Kỳ trong thế kỷ 21. Giám Đốc Coats đúng – Hoa Kỳ phải quyết định cấu trúc lại bang giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Trong khoa ngoại giao hiện đại, bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được xác định bởi phương pháp quản lý (management).
Kể từ khi Đặng Tiểu Bình công bố “cải tổ và mở rộng,” chinh sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc nhắm vào giao kết (engagement). Những nhà ngoại giao Tây phương tìm cách quản lý sự vươn lên của Trung Quốc và hướng Trung Quốc vào một vị trí phát triển trong trật tự thế giới mà chúng ta xây dựng.
Vào 2005, Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Robert Zoellick nói, “đây là lúc nới rộng chính sách của chúng ta xa hơn việc mở cửa đón nhận Trung Quốc trở thành một thành viên trong hệ thống quốc tế: chúng ta cần thúc đảy Trung Quốc trở thành một người có ảnh hưởng và trách nhiệm trong hệ thống này.” Hơn một thập niên đã qua, quan điểm của đa số ngày càng lớn là chính sách này đã thất bại.
Khi chúng ta tiến xa hơn việc tìm cách quản lý sự vươn lên của Trung Quốc, sự giao kết dần dần nhường cho sự cạnh tranh. Nhưng khuôn khổ cạnh tranh nhiều hơn này vẫn còn được xác định bởi phương pháp quản lý. Trong quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc ngày nay, chúng ta tìm cách hợp tác nơi có thể được, và cạnh tranh nơi quyền lơi của chúng ta không trùng hợp. Giới hạn của khuôn khổ này cũng đang trở nên rõ ràng. Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc vào một tiến trình ra ngoài những quy tắc quốc tế và đối chọi với quyền lợi của Hoa Kỳ. Điều này gây ra sự đôi co không thể chống đỡ giữa những cố gắng hợp tác của chúng ta và những hành động Hoa Kỳ cần để bảo vệ quyền lơi của chúng ta.
Chúng ta đang chuyển qua một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, từ cạnh tranh sang đối lập. Một vài nhà lãnh đạo an ninh quốc gia thông thạo vấn đề cho rằng tình trạng này đã bắt đầu rồi. Tại Diễn Đàn Aspen, Michael Collins, Trợ Lý Phụ Tá Giám Đốc của Trung Tâm Công Tác Đông Á thuộc Trung Tâm Tình Báo Hoa Kỳ, nói rằng Tập Cận Bình đang phát động “một chiến tranh lạnh theo định nghĩa” chống lại Hoa Kỳ.
Collins nói chiến tranh lạnh của Tập Cận Bình “khai thác tất cả mọi quyền lực, hợp pháp và bất hợp pháp, công cộng và tư nhân, kinh tế và quân sự, để phá hoại thế đứng của đối thủ so với thế đứng của chính đối thủ mà không tạo ra xung đột.”
Ngày hôm trước, Giám Đốc FBI Christopher Wray gọi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất, thử thách nhất, trọng đại nhất mà chúng ta là một quốc gia phải đối phó.”
Hoa Kỳ đang tiến tới một thời điểm quan trọng, khi chúng ta phải quyết định nếu ưu tiên của chúng ta còn là quản lý quan hệ, hay nếu những đe dọa và những hành động thù địch của Trung Quốc trọng đại đủ để chúng ta phải mạnh mẽ chống lại, ngay cả nếu sự chống đối này tạo rủi ro làm thiệt hại những phần tích cực của mối quan hệ. Biển Hoa Nam là một trường hợp học hỏi hay một câu hỏi lý tưởng. Tôi tin rằng hành xử của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam cho thấy tại sao quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc của Tập Cận Bình bây giờ cần phải được quy định bằng chống đối, và tại sao chúng ta đã trễ nải trong việc chuyển qua lập trường đương đầu.
Nếu chúng ta muốn thúc đẩy quyền lợi quốc gia đối với Biển Hoa Nam, và muốn bảo vệ quyền lợi của những quốc gia khác có chủ quyền lãnh hải, những đối tác vùng, và trật tự thế giới dựa trên luật lệ nói chung, Hoa Kỳ phải bắt đầu mạnh mẽ chống lại những hành động của Trung Quốc nhắm củng cố địa vị của họ tại Biển Hoa Nam.
Quyền lợi của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Nam
Trong khi Biển Hoa Nam và Biển Hoa Đông xem ra ở xa, những đường tầu bè qua lại ở vùng này liên hệ đối với vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới. Những vùng tranh chấp là những mạch máu kinh tế và thương mại toàn cầu trọng yếu. Gần 30% thương mại hàng hải của thế giới đi qua vùng này. Thống trị những con đường này có thể cho phép một cường quốc trong vùng tạo gián đoạn để gây tác dụng. Những đường hàng hải cũng cần thiết cho an ninh năng lượng của những đồng minh quốc phòng và đối tác của Hoa Kỳ. Phần lớn tiếp liệu năng lượng cho Nam Hàn, Nhật và Đài Loan đều đi qua Biển Hoa Nam. Sự bất ổn về năng lượng giữa những đối tác trong vùng có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đối với khả năng đối phó của chúng ta đối với những bất ngờ xẩy ra từ phía Bắc Hàn và những nơi khác.
Vùng này cũng là một trường hợp thử thách quan trọng đối với những lo ngại của những quốc gia đồng minh và đối tác của chúng ta rằng Hoa Kỳ thiếu cam kết đối với vùng. Người ta ngày càng ý thức rằng Trung Quốc bây giờ có thể tranh giành sức mạnh của Hoa Kỳ ở biển khơi.
Hiệu lực của sức mạnh quân sự và ngoại giao của chúng ta đang gặp rất nhiều rủi ro. Biển Hoa Nam và Hoa Đông là cửa ngõ chiến lược của vùng Đông Á, và chấp nhận sự giới hạn tự do hoạt động của quân lực Hoa Kỳ tại đây sẽ làm hao mòn sự bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ, và sự ổn định vùng và thế giới.
Sau cùng, Biển Hoa Nam là chiến trường của quy tắc. Trong thời kỳ sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ là một cường quốc hàng hải thật sự duy nhất trên thế giới. Chúng ta đã vận dụng sức mạnh này của chúng ta một cách có trách nhiệm và duy trì luật biển như một luật quốc tế thông thường, ngay cả chúng ta chưa phê chuẩn Quy Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UN Convention on the Law of the Sea – UNCLOS). Trong thời kỳ hiện đại, Trung Quốc là một quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ những luật lệ có mục tiêu phát triển an ninh toàn cầu và cởi mở kinh tế. Nhưng Trung Quốc dùng sự lớn mạnh đang phát triển của mình để loại bỏ hay thay đổi những luật này tùy ý, áp dụng phương thức “lẽ phải của kẻ mạnh” vào biển.
Từ xấu đến xấu hơn
Chính quyền Trump đã bắt đầu những cố gắng đã quá chậm để đẩy lui. Những công tác bảo vệ tự do lưu thông hàng hải trở nên thông lệ, bình thường, và yên lặng. Những đại biểu Quốc Hội, và hầu hết cộng đồng làm chánh sách của Hoa Kỳ đã từng mong đợi điều này kể từ khi Trung Quốc xây những đảo nhân tạo vào 2013, và bất cứ sự gia tăng hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng tranh chấp đều được đón nhận. Hoa Kỳ cũng tiếp tục những cố gắng khiêm nhường để xây dựng khả năng hàng hải ỏ các nước lân cận. Tuy nhiên, bất cứ một cuộc định giá chân thật nào về những cố gắng của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Nam cũng sẽ thấy rằng gần như không đủ. Cho tới ngày nay, không có điều gì mà Hoa Kỳ làm có thể làm cho hành động đối nghịch của Trung Quốc chậm đi, ngưng hay đảo nghịch lại một cách có ý nghĩa.
Đã đến lúc thay đổi cách tiếp cận
Không ai trông đợi một chương trình tuần tra FONOP mạnh mẽ hơn sẽ làm giảm bớt việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhưng nhiều người hi vọng rằng sự hiện diện thường xuyên của Hoa Kỳ ít nhất sẽ ngăn bớt việc quân sự hóa. Trường hợp này đã sai. Quyền lợi của chúng ta tiếp tục giảm sút, ngay cả khi sự hiện diện thực chất của chúng ta trong vùng bắt đầu được cải thiện. Lý do là chính sách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với tranh chấp ở Biển Hoa Nam có một giới hạn cơ bản. Hoa Kỳ luôn luôn chú trọng đến tiến trình để giải quyết những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau, hỗ trợ sự hòa giải tranh chấp theo luật pháp bởi những biện pháp không cưỡng ép.
Chánh sách của chính quyền luôn luôn trung lập với kết quả, ngay cả nếu sự trung lập này hoàn toàn nông cạn. Việc tập trung vào tiến trình có nghĩa là Hoa Kỳ không bao giờ trực tiếp thử thách sự đòi hỏi chủ quyền quá mức của Trung Quốc. FONOP duy trì luật biển như đã viết trong Qui Ước Luật Biển. Bởi vì Qui Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc chỉ hỗ trợ việc sử dụng biển mà không nói tới chủ quyền đối với những bộ phận của biển, không một công tác bảo vệ tự do hàng hải nào có thể trực tiếp thử thách những đòi hỏi chủ quyền ma mãnh, giả mạo. Chúng ta sẽ không có thể thăng tiến một cách có ý nghĩa quyền lợi của Hoa Kỳ và các đối tác của chúng ta tại Biển Hoa Nam cho đến khi bắt đầu làm như vậy.
Chính quyền Trump nên chính thức chống lại đòi hỏi chủ quyền quá đáng ở Biển Hoa Nam của Trung Quốc và xem xét có những lựa chọn nào để thử thách những đòi hỏi chủ quyền bất chính, không chỉ vấn đề giới hạn tự do ở biển. Một vài người tin rằng chọn phe theo cách này sẽ không bền vững, bởi vì nó sẽ buộc Hoa Kỳ theo phe này chống phe kia. Nhưng tôi không đề nghị chúng ta chọn lập trường đối với mỗi phe – mà chúng ta chỉ bác bỏ đòi hỏi bất chính của Trung Quốc. Hoa Kỳ vẫn còn là một lực lượng chiến lược hùng mạnh nhất trong vùng. Sự yên lặng của chúng ta về giá trị của đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc làm giảm sự tự do bầy tỏ chủ quyền của những quốc gia khác. Mặt khác, chọn lựa một quan điểm mạnh mẽ và chân thật hơn sẽ giúp những quốc gia này có tư thế bảo vệ quyền lợi của chính họ.
Tăng phí tổn
Hoa Kỳ cũng phải bắt đầu áp đặt phí tổn vào việc củng cố quyền lực của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam. Chính sách Biển Hoa Nam của Hoa Kỳ cho tới nay đã thất bại bởi vì chúng ta đã không áp đặt bất cứ một hệ quả nào đối với việc xây đảo nhân tạo hay quân sự hóa của Trung Quốc.
Chưa bao giờ có một lý do nào để cho Tập Cận Bình thay đổi cách tính toán của ông ta, bởi vì lợi ích chiến lược ông kiếm được chỉ phải trả một phí tổn cực kỳ thấp – không bao giờ hơn là một vài đợt báo chí tiêu cực và kết án quốc tế. Chúng ta cần phải thay đổi biến số trong bài toán phân tách lợi hại của Tập Cận Bình. nếu chúng ta muốn chấp nhận thử thách này một cách nghiêm minh, Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự tại vùng sát cạnh đi đôi với những biện pháp gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc.
Một chọn lựa khác đã được đề nghị với Quốc Hội trong những năm gần đây là hình phạt kinh tế đối với những công ty liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo. Tiến trình làm luật tương đối giản dị, và ít nhất một dự luật đã được trình lên để tạo ra chương trình này. Nhưng dùng công cụ này một cách có hiệu quả đòi hỏi sự thực hiện chặt chẽ, điều này lâu nay là một điểm yếu khi đối phó với những công ty thương mại Trung Quốc. Ngay cả khi áp dụng tối đa áp lực đối với Bắc Hàn, theo báo cáo, Bộ Ngân Khố xem một số ngân hàng Trung Quốc quá lớn để trừng phạt. Dùng những trừng phạt để ảnh hưởng vấn đề Biển Nam Hoa một cách hiệu quả đòi hỏi sự quyết chí cao để gây thiệt hại thương mại cho Trung Quốc, và không rõ là ý chí có hay không khi những công ty như ZTE được hoãn thi hành luật.
Chúng ta cũng nên gia tăng phí tổn ngoại giao đối với Bắc Kinh. Hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham dự cuộc diễn tập hải quân Thái Bình Dương (Rim of the Pacific – RIMPAC) năm nay là một tiến triển đã quá hạn được hoan nghênh, mà một vài đại biểu Quốc Hội lâu nay đòi hỏi. Chúng ta nên bồi thêm một hành động nữa bằng cách mời Đài Loan tham dự RIMPAC. Là một diễn viên quốc tế có trách nhiệm, Đài Loan xứng đáng được mời với công lao của chính Đài Loan, nhưng việc mời có thêm một lợi điểm phụ là gia tăng phí tổn ngoại giao đối với Bắc Kinh và nhấn mạnh cho thế giới rằng Trung Quốc không phù hơp với quy tắc quân sự.
Sau cùng, chúng ta cần suy nghĩ khác đi, theo một góc độ mới và xem làm sao có thể sử dụng những biện pháp bất đối xứng. Đây có lẽ là lúc lấy ra một trang trong cuốn sách trò chơi của Trung Quốc – nếu ngoại giao thất bại và không có một giải pháp đối phó quân sự khả dĩ được chấp nhận, vì vậy có lẽ chúng ta nên tính đến những biện pháp kinh tế. Thí dụ, để chống lại sự triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa ở vùng cao độ (Terminal High Altitude Area Defense – THAAD) tại Nam Hàn, Trung Quốc đã giảm du lịch qua nước này và sử dụng áp lực chính trị và luật lệ để tấn công những công ty Hàn Quốc. Những quyền lợi thương mại của Trung Quốc bị chi phối đáng kể bởi những luật lệ ở Hoa Kỳ, và những phương pháp tương tự có thể được thực hiện.
Bẫy leo thang
Hoa Kỳ cần phải làm Biển Hoa Nam đúng, bởi vì đây không phải một thử thách lúc có lúc không. Tại Biển Hoa Nam và Crimea, một thứ binh pháp mới đã được tiên phong thử nghiệm bởi những cường quyền độc tài và xét lại. Những chế độ này chủ tâm làm hại tự do và dân chủ. Họ muốn làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ, và mong mỏi làm đổ vỡ trật tự toàn cầu để biến thế giới thành môt nơi kẻ yếu làm mồi cho kẻ mạnh. Được gọi là binh pháp vùng xám (gray zone welfare) hay thái mỏng xúc xích (salami slicing) tại Biển Hoa Nam, lối binh pháp này tránh xung đột toàn bộ with một cường quốc ưu thế, chủ trương hành động tiệm tiến. Những bước đi riêng rẽ như vậy đưa kẻ tham chiến tiến dần đến mục tiêu, trong khi đó buộc đối thủ vào một cái bẫy leo thang – phản ứng khó vì làm như vậy có thể khơi động ra chiến tranh.
Những chiến thuật này dạy cho chúng ta một bài học đau thương về nhu cầu phản ứng mạnh mẽ và tức thì. Nếu kẻ tham chiến theo binh pháp vùng xám tìm cách thay đổi hiện trạng thì đã quá trễ để ngăn chặn, và những công cụ ngăn chặn thông thường của chúng ta như là tự do lưu thông trên biển FONOP sẽ không còn hiệu quả nữa. Chúng ta buộc phải leo thang, hoặc không làm gì cả. Nếu Hoa Kỳ muốn kiểm hạn chế sự xâm lược của Trung Quốc tại Biển Hoa Nam mà không bị rơi vào cái bẫy này, chúng ta cần phải thẩm định lại chuỗi leo thang truyền thống. Chúng ta cần phá vỡ khuôn mẫu có sẵn, bởi vì chúng ta chỉ đang thấy sự bắt đầu của những chiến thuật này.
Nguồn: FB Vũ Thư Hiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét