Ông Trump đã làm tổn hại nước Mỹ sau cuộc gặp Putin?
17/07/2018
Mặc dù khó biết được hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga trao đổi với nhau điều gì trong cuộc trao đổi riêng giữa hai ông kéo dài hơn 90 phút chỉ với sự tham gia của phiên dịch với mà không có bất kỳ cố vấn nào, cuộc họp báo chung sau đó giữa hai vị nguyên thủ đã gây tổn hại nặng nề tới hình ảnh và danh dự nước Mỹ, các báo Mỹ bình luận.
Thậm chí, chỉ việc ông Donald Trump đồng ý ngồi xuống nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki, Phần Lan, hôm thứ Hai ngày 16/7, đã được cho là ‘một chiến thắng đối với ông Putin’.
Trong cuộc họp báo chung đó, ông Trump đã không chịu công nhận kết luận của chính quyền Mỹ, bao gồm cộng đồng tình báo và Quốc hội, rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016 để giúp ông giành thắng lợi mà ngược lại ông còn ủng hộ những tuyên bố của ông Putin. Ông Trump thậm chí còn gọi nước Mỹ là ‘ngốc nghếch’ và ‘ngớ ngẩn’ khi để quan hệ hai nước xấu đi.
Putin thắng lợi?
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi xuống với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp thượng đỉnh mà ông ấy mong muốn từ lâu, Putin sẽ gần như đạt được mọi thứ mà ông ấy hy vọng, tờ New York Times nhận định.
Tất cả những gì mà Putin cần để cho cuộc gặp thượng đỉnh này thành công là để cho nó diễn ra mà không có va chạm gì lớn – do đó ông có thể tạo ra một sự kết thúc mang tính biểu tượng đối với nỗ lực của phương Tây cô lập Nga sau hành động của nước này nhằm vào Ukraine hồi năm 2014, sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016 và những ví dụ khác mà Bộ Tài chính Mỹ đã mô tả là ‘hành động hiểm ác’ của Nga trên thế giới.
“Nếu như Trump nói: ‘Những gì đã qua thì cho qua luôn vì chúng ta còn cả thế giới để xử lý,’ thì đó đích thực là những gì mà Moscow mong muốn từ cuộc gặp này,” ông Vladimir Frolov, một nhà phân tích về chính sách đối ngoại độc lập ở Moscow, được New York Times nói.
Ông Putin đi đến cuộc gặp thượng đỉnh này với thời cơ trong tay: nước Nga vừa tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới trong khi Tổng thống Mỹ vừa lên án nặng nề các đồng minh NATO và làm tổn hại đến vị thế của Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến thăm đến nước này.
Bất cứ điều gì gây ra chia rẽ trong lòng nước Mỹ hay chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh đều được Moscow xem là thắng lợi của họ. Với việc triển khai các tin tặc, các chiến dịch bóp méo thông tin và ủng hộ các lực lượng dân túy cực đoan ở châu Âu, từ lâu ông Putin đã tìm cách gây chia rẽ phương Tây và làm đảo lộn địa chính trị do Mỹ đứng đầu vốn đã được định hình.
Nhưng giờ đây, với việc tấn công liên tục vào các nhà lãnh đạo châu Âu và khởi động một cuộc chiến thương mại với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, ông Trump đang thực tế làm công việc này cho ông Putin, New York Times nhận định
Việc ông Trump liên tục mắng mỏ chi tiêu của các đồng minh NATO và sự phẫn nộ của ông trong vấn đề giao thương với Liên minh Châu Âu mà ông gọi là ‘kẻ thù’ đã khiến ngay cả các chuyên gia, vốn đã nhiều năm chứng kiến ông Putin cũng như các nhà lãnh đạo Liên Xô cộng sản trước đây tìm cách phá hoại liên minh Bắc Đại Tây Dương nhưng không được, phải giật mình.
“Chúng ta đang chứng kiến điều rất bất ngờ, điều mà ngay cả Liên Xô cũng không thể làm được: chia rẽ Mỹ và Tây Âu. Lúc trước Liên Xô không làm được, nhưng bây giờ thì ông Trump đang làm được,” Tatyana Parkhalina, chủ tịch Hội hợp tác châu Âu-Đại Tây Dương của Nga, nhận định gần đây trên đài truyền hình nhà nước của nước này.
Cho dù kết quả của cuộc hội đàm này như thế nào thì ông Putin cũng có thể thể hiện với người dân trong nước rằng nước đất nước ông đã ra khỏi sự cô lập của phương Tây và rằng Nga nên được kết nạp trở lại vào khối G7 như ông Trump từng đề xuất.
Hiểu được những giới hạn đối với ông Trump, Nga biết rõ rằng cho dù ông Trump có đồng ý điều gì với ông Putin, ông ấy cần phải vượt qua được những định chế của Mỹ vốn vẫn hết sức nghi ngờ về Nga, cho nên Moscow không mong chờ có đột phá lớn tại hội nghị này. Thượng nghị sỹ Cộng hòa John Kennedy từng nói rằng chơi với Nga ‘giống như chơi với mafia’.
Mặc dù ông Trump nói rằng cuộc gặp với ông Putin là ‘dễ dàng nhất đối với ông’, ông Michael McFaul, giáo sư Đại học Standford và từng là đại sứ Mỹ tại Nga, nhận định rằng ông Trump không thể nào dễ dàng đối phó với ông Putin trừ phi ‘ông ấy đưa ra nhượng bộ mà không đòi hỏi điều gì đáp lại.’
Nhiều năm qua ông Putin đã xây dựng tình cảm bài phương Tây ở Nga nên ông ấy khó lòng mà có nhượng bộ lớn trước ông Trump.
Ông Stephen Sestanovich, từng phục vụ ở Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nói ông không đồng ý với những người chỉ trích ông Trump rằng ông ấy nên tránh gặp ông Putin nhưng ông cảnh báo ông Trump rằng chớ nên quá thân mật với nhà lãnh đạo Nga nếu không sẽ củng cố sự chống đối đối với chính sách đối ngoại của ông ở Quốc hội Mỹ và ở châu Âu.
‘Nhún nhường và yếu ớt’
“Vào một ngày mà bối cảnh đòi hỏi Tổng thống Mỹ phải thể hiện sức mạnh và sự quả quyết, nhưng Tổng thống Donald Trump đã nhún nhường, biện hộ, lập lờ và yếu ớt. Chúng ta có thể tưởng tượng sự thỏa mãn của Putin như thế nào khi mọi việc diễn ra như thế,” Washington Post nhận định.
Cuộc họp báo hôm thứ Hai ngày 16/7 là một hòn đá tảng của một chuyến công du quốc tế mà ông Trump tranh thủ mọi cơ hội để phá hoại mối liên minh của Mỹ với châu Âu trong khi tỏ ra dễ chịu với Putin, theo tờ báo này.
“Những gì mà thế giới chứng kiến sẽ giúp định hình đánh giá chung cuộc về Trump. Hết lần này đến lần khác, đối mặt với các câu hỏi mạnh mẽ và trực tiếp của hai nhà báo Mỹ, Tổng thống Trump đã không chịu đứng lên bảo vệ đất nước mà ông được bầu ra để đại diện và bảo vệ,” Washington Post viết.
Tờ báo này cũng so sánh việc này với hành động của một tổng thống của Đảng Cộng hòa khác là ông Ronald Reagan – người đã không ngại gọi Liên Xô là ‘đế chế tội ác’ và người mà nhiệm kỳ của ông đã đưa tới sự sụp đổ của đế chế đó.
“Nếu như Tổng thống Trump xem rằng nước Mỹ phải chịu trách nhiệm cũng như người Nga về mối quan hệ xấu với Nga, nếu ông ấy không sẵn sàng hậu thuẫn cho những cơ quan tình báo vốn tuyên thệ để bảo vệ nước Mỹ thì khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông ấy chính xác có nghĩa là gì?”
Sự yếu thế của Trump trước Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên
Những tuyên bố của Trump cho thấy ông hoàn toàn bị lấn lướt trước lãnh đạo Nga dày dạn kinh nghiệm ngoại giao.
Trump (trái) bắt tay cùng Putin tại họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki. Ảnh: AFP.
|
Những người quen biết Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hàng chục năm qua đều nói rằng cựu tỷ phú bất động sản này sợ nhất hai điều: bị coi thường và trông yếu đuối. Nhưng trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua tại Helsinki, Trump dường như đã hứng chịu cả hai điều này, theo Time.
Dù hai lãnh đạo gặp nhau ở quốc gia trung lập Phần Lan, Putin đã điều hành cuộc họp báo chung sau hội nghị như thể ông là tổng thống nước chủ nhà. Ông chủ Điện Kremlin phát biểu trước và cũng là người mời phóng viên đầu tiên đặt câu hỏi. Là người luôn muốn thể hiện uy thế trước đối phương, Trump lần này lại gần như để Putin điều chỉnh nhịp độ của cuộc họp báo.
Theo bình luận viên Chris Cillizza của CNN, cuộc họp báo với sự tham gia của các phóng viên quốc tế này là "cơ hội vàng" để Trump thể hiện ưu thế với Putin, nói với lãnh đạo Nga bằng những ngôn từ đanh thép rằng việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 là hoàn toàn không thể chấp nhận được, và nếu hành vi này tiếp diễn, Mỹ sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt nặng nề.
Nhưng suốt 46 phút họp báo, Trump không đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào với Nga vì đã can thiệp bầu cử Mỹ, cũng không lên án việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea hay bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh. Trump tung ra những lời chỉ trích và hoài nghi, nhưng không phải nhắm vào Putin, mà vào chính các cơ quan tình báo của Mỹ.
"Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats đã tới gặp tôi, nhiều người khác cũng vậy. Họ nói rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng ở đây tôi có Tổng thống Putin. Ngài ấy nói rằng không phải Nga. Tôi sẽ nói điều này: Tôi không thấy có lý do gì để đổ lỗi cho Nga", Trump nói. "Tôi có niềm tin vào cả hai phía".
"Tôi cho rằng nước Mỹ là gã ngốc. Tất cả chúng ta đều ngốc nghếch. Chúng ta đều có lỗi", Tổng thống Mỹ nói tiếp, đồng thời gọi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử là "thảm hoạ".
Cillizza gọi đây là khoảnh khắc "đáng xấu hổ" với nước Mỹ, khi Trump thể hiện một cách rõ ràng rằng ông tin tưởng Putin không kém gì – nếu không muốn nói là hơn – chính các quan chức tình báo của mình.
"Sự bác bỏ cáo buộc của Putin là rất mạnh mẽ", Trump nêu lý do ông từ chối chỉ trích Nga can thiệp bầu cử Mỹ bất chấp kết luận của cộng đồng tình báo nước này. Tuyên bố của Trump gây sốc đến mức Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Coats ngay sau đó đã phải ra một tuyên bố bất thường để bảo vệ kết luận của cơ quan này.
Nhưng Trump không dừng lại ở đó. Ông thậm chí còn chấp nhận ý tưởng của Putin về việc để các điều tra viên của Mueller tới Nga thẩm vấn các đặc vụ Nga, còn Moskva sẽ được tiếp cận với các quan chức tình báo Mỹ để tiến hành cuộc điều tra của riêng mình.
Theo quan điểm của Trump, hai giờ họp kín với Putin là "cuộc đối thoại rất hiệu quả" có thể cứu vãn quan hệ Nga – Mỹ vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng. "Quan hệ đó đã thay đổi cách đây 4 giờ", Trump tuyên bố. "Tôi thực sự tin vào điều đó".
"Những lời lẽ công kích bộc phát, trực diện nhắm vào các cơ quan tình báo, đảng phái chính trị Mỹ được đưa ra ngay cạnh lãnh đạo một quốc gia đối thủ như vậy là điều chưa từng thấy trong lịch sử", nhà sử học Julian Zelizer nhận xét về tuyên bố của Trump. "Ông ấy chỉ trích cộng đồng tình báo của mình và FBI ngay trước mặt lãnh đạo từng có những hành động chống lại Mỹ".
Putin 'khôn khéo và quyết liệt'
Putin (phải) tặng quả bóng World Cup cho Trump tại họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AFP.
|
Trong khi Trump thể hiện sự nhún nhường, Tổng thống Nga lại thể hiện mình là một người khéo léo khi đối mặt với các câu hỏi hóc búa, nhưng vẫn quyết liệt bảo vệ quan điểm của Moskva.
Khi một phóng viên Mỹ hỏi rằng Nga có thu thập những tài liệu để "khống chế" Trump hay không, Putin không thẳng thừng bác bỏ, mà né tránh vấn đề bằng cách nói rằng ông có nghe "những tin đồn" về việc Điện Kremlin nắm trong tay những dữ liệu bất lợi cho Trump trong chuyến thăm Moskva năm 2013, nhưng tuyên bố mọi người "không nên để ý" thông tin này.
Trước câu hỏi về "quả bóng trách nhiệm" ở Syria, Putin bất ngờ lấy ra một quả bóng World Cup tặng cho Trump, với lời gửi gắm đầy ẩn ý "giờ đây quả bóng đang ở phía ngài".
Trong khi Trump liên tục gọi người đồng cấp của mình là "Tổng thống Putin", lãnh đạo Nga lại gọi ông bằng cái tên thân mật là "Donald".
Phong cách này của Trump trước Putin hoàn toàn trái ngược so với những gì mà ông thể hiện trước các lãnh đạo châu Âu chỉ vài ngày trước đó. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Trump lên án Thủ tướng Đức Angela Merkel vì không chịu tăng ngân sách quốc phòng, sau đó chỉ trích Thủ tướng Anh Theresa May vì chính sách Brexit, thậm chí sau đó còn tuyên bố Liên minh châu Âu là "kẻ thù" của Mỹ.
Những người ủng hộ Trump từ lâu cho rằng phong cách cứng rắn của ông trước các lãnh đạo nước ngoài là điều cần thiết để khắc phục sự "yếu đuối" của các đời tổng thống Mỹ trước đây, trong khi Trump tuyên bố đây là một phần trong chiến lược "Nước Mỹ trên hết" đối với thế giới.
Nhưng người ta không nhìn thấy phong cách đó của Trump ở Helsinki, trước một Putin được đánh giá là dày dặn kinh nghiệm đối ngoại. "Lần này, Trump không thể đổ lỗi cho ai khác ngoài chính mình", bình luận viên Brian Bennett của Time nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét