Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Mạng lưới đánh bạc chục nghìn tỷ đồng được vận hành thế nào?

Biết Dương sở hữu công ty bình phong của Cục Cảnh sát C50, Phan Sào Nam đề nghị hợp tác kinh doanh đánh bạc trực tuyến.

Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (từ trái qua).
Bị can Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (từ trái qua).
Theo cáo buộc của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, Phan Sào Nam là người có trình độ và am hiểu công nghệ thông tin. Năm 2014 khi làm chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online), Nam bàn với Hoàng Thành Trung (cựu giám đốc Trung tâm phần mềm, VTC Intecom) hợp tác phát hiển kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bài trực tuyến bằng hình thức game bài. 

Trung đồng ý nhưng đề nghị Nam tìm pháp nhân xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến. Nam sau đó tìm được người đồng ý là Đỗ Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà và đất Nam Việt.
Nam tiếp tục tìm gặp Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC) đề nghị hợp tác phát hành phần mềm, biết đây là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an). Hai bên ký thỏa thuận "cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ" cho dịch vụ "win2All khai thác thương mại với tên RikVip".
Theo đó, CNC phát hành dịch vụ, cung cấp dịch vụ thanh toán, đứng tên giấy phép... VTC Online là đơn vị sản xuất, phát triển và liên tục bổ sung, cập nhật nội dung dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng phần cứng... Nếu doanh thu đến 5 tỷ đồng, CNC hưởng 30%, VTC Online hưởng 70%; doanh thu 5-15 tỷ đồng, tỷ lệ ăn chia lần lượt 35% và 65%; trên 15 tỷ thì CNC hưởng 40%, VTC Online nhận 60%. 
Theo cơ quan điều tra, Dương sau đó thuê tên miền, thuê nhắn tin quảng bá thương hiệu RikVip và đã kết nối với một loạt đơn vị để tổ chức việc đánh bạc trực tuyến. Tổng cộng, nhóm đã thiết lập 262 máy chủ vật lý, 6 máy chủ ảo hóa, 7 thiết bị SAN lưu trữ dữ liệu để cho game bài RikVip hoạt động.
Nhóm của Nam liên hệ với Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Napas, cổng thanh toán MyCard (Đài Loan) và cổng thanh toán PayOneQ (Hàn Quốc) để cho người tham gia đánh bạc trực tuyến sử dụng tiền trong tài khoản ATM của 33 ngân hàng ở Việt Nam và thẻ thanh toán quốc tế. 
Để trả thưởng cho các con bạc, Nam chỉ đạo mua mã thẻ điện tử của 12 công ty để nhập vào kho thẻ trả thưởng trong hệ thống cơ sở dữ liệu của cổng game bài RikVip. CNC còn xây dựng cổng thanh toán cho game bài RikVip nhằm theo dõi, đối soát sản lượng, doanh thu. 
Phát hành tiền ảo Rik để đánh bạc trực tuyến
Khi tham gia đánh bạc trực tuyến tại cổng game RikVip, người chơi sử dụng tiền ảo (gọi là Rik).
Theo cơ quan điều tra, người đánh bạc nhập số tài khoản ATM, thẻ thanh toán quốc tế theo hướng dẫn tại giao diện thanh toán, lựa chọn số tiền sử dụng mua Rik với "tỷ giá" một Rik bằng một đồng trong tài khoản.
Cách thứ hai, người chơi mua thẻ cào viễn thông của các nhà mạng và các loại thẻ game để nạp Rik vào tài khoản với tỷ lệ một đồng trong thẻ viễn thông bằng một Rik; một đồng trong thẻ game Gocoin bằng 1,15 Rik, một đồng trong thẻ Vcard bằng 1,05 Rik. Cách thứ ba, người chơi mua qua đại lý để mua.
Cuối tháng 8/2016, khi cơ quan chức năng vào cuộc, rà soát hình thức chơi bạc trên, để tránh bị phát hiện, Nam và Dương thay đổi pháp nhân phát hành game bài trên và không hạch toán doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến vào công ty, thực hiện đối soát bằng tiền mặt, không có hóa đơn.
Để tiếp tục tổ chức đánh bạc, Dương đổi tên game bài trên thành Tip.club; xây dựng cổng game bài 23Zdo (sử dụng tiền ảo Zdo) và cổng ZonClub (sử dụng tiền ảo Zon) với hình thức chơi tương tự song tạo ra nhiều lựa chọn hơn. Người chơi có thể chuyển đổi tiền ảo Rik, Zon, Zdo tại tất cả các cổng vì đều được vận hành cùng hệ thống với sự quản lý của Công ty Nam Việt. 
Tháng 11/2016, Dương cho xây dựng hệ thống kỹ thuật để phát hành thẻ Vcard nhằm thay thế các thẻ cào viễn thông của những nhà mạng cho khách tham gia chơi bài Tip.Club. 
Nghi phạm chủ mưu được đề nghị miễn tội Đưa hối lộ
Theo nhà chức trách, hai giai đoạn Rik.Vip và Tip.Club, mạng lưới đánh bạc trực tuyến này đã tổ chức được 25 “đại lý cấp 1”, gần 5.900 "đại lý cấp 2” và gần 43 triệu tài khoản tham gia. Tổng doanh thu đã được chứng minh là gần 9.900 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là hơn 8.840 tỷ đồng; thẻ Vcard là hơn 460 tỷ đồng; thẻ ATM của các ngân hàng hơn 186 tỷ đồng...
Sau khi trừ chi phí trả thưởng và các chi phí quản lý và nộp thuế của các công ty vận hành, số tiền hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng được chia một số cá nhân. Cụ thể, Nam nhận hơn 1.470 tỷ đồng; Dương hơn 1.650 tỷ đồng; nhóm ba người đang bỏ trốn (Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên) nhận hơn 1.570  tỷ đồng. 
Theo cáo buộc tiền hưởng lợi từ kinh doanh đánh bạc trực tuyến, Nam chuyển cho người thân gửi tiết kiệm và mua bất động sản, gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Singapore. Cơ quan công an đã tạm giữ hơn 850 tỷ đồng do Nam giao nộp, phong tỏa gần 77 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng, kê biên 15 căn nhà có giá trị khoảng 150 tỷ đồng và 5 ôtô các loại.
Cơ quan điều tra nhận định, Nam là người tổ chức thực hiện hành vi đánh bạc, gây hậu quả nghiêm trọng. Nam bị đề nghị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc (khoản 2 điều 249),Rửa tiền (khoản 3 điều 251).
Nhà chức trách cho rằng dù chủ động trình diện, tích cực hợp tác để thu thập tài liệu, chứng cứ, thừa nhận hành vi phạm tội nhưng Nam vẫn chưa khai báo hết việc sử dụng nguồn tiền thu lời bất chính, gây khó khăn trong việc thu hồi triệt để vật chứng của vụ án. Do Nam có thành tích trong công tác, nhận ba bằng khen của Thủ tướng và Bộ Thông tin truyền thông, cơ quan điều tra đề nghị xem xét mức phạt với bị can này trong giai đoạn truy tố, xét xử.
Với Dương, cơ quan điều tra đề nghị truy tố về các tội danh như Nam. Do Dương khai báo về những khoản tiền đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50), cơ quan điều tra đề nghị miễn trách nhiệm hình sự với Dương vè tội Đưa hối lộ nhằm đảm bảo chính sách khoan hồng của pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tham nhũng.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên hai sổ tiết kiệm của Dương với số tiền 150 tỷ đồng; phong tỏa hơn một tỷ đồng; kê biên hai tầng của một tòa nhà với giá trị hơn 61 tỷ đồng và tạm giữ 4 ôtô...
Theo kết luận điều tra, việc Dương khai biếu ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỷ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2.
Hiện, nhà chức mới làm rõ việc Dương biếu ông Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex. Dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Ngày 18/7, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ) ra kết luận đều tra, đề nghị truy tố 92 người về bảy tội danh: Tổ chức đánh bạcĐánh bạc, Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sảnMua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiềnLợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụĐưa hối lộ.
Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù.
Theo cơ quan điều tra, bị can Phan Văn Vĩnh đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm "tổ chức đánh bạc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng công an. Ông Hóa bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC.
Việt Dũng
https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/mang-luoi-danh-bac-chuc-nghin-ty-dong-duoc-van-hanh-the-nao-3780123.html

Không có nhận xét nào: