Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến "kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ"

Hải Võ - Đồ họa: Mạnh Quân | 

Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến "kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ"
(Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Quyết định tiến hành xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 đã được nhà cầm quyền Trung Quốc đưa ra trong một cục diện chính trị nội bộ như thế nào?

Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 1.
Vào năm 1979, thể chế lãnh đạo quân sự của đảng Cộng sản Trung Quốc về cơ bản vẫn tiếp nối chế độ được hình thành từ năm 1954.
Tháng 9/1954, Quốc hội Trung Quốc khóa 1 quyết định thành lập Bộ Quốc phòng thuộc Quốc vụ viện, đồng thời Bộ chính trị Trung Quốc quyết định thành lập Quân ủy trung ương đảng thống lĩnh toàn bộ lực lượng vũ trang trong cả nước. Quan ủy trung ương báo cáo công tác với Bộ chính trị.
Ban đầu khi mới thành lập, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa được định hình như một thực thể, nhưng với việc Phó chủ tịch thường trực Quân ủy - nguyên soái Bành Đức Hoài - kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ này trên thực tế trở thành cơ quan phục vụ đối ngoại của Quân ủy trung ương.

Từ đây, việc Phó chủ tịch thường trực Quân ủy kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng trở thành một thông lệ. Nhân vật này là người nắm giữ binh quyền bên trong ĐCSTQ. Sau Bành Đức Hoài thì các nguyên soái khai quốc của Trung Quốc như Lâm Bưu, Diệp Kiếm Anh... đều từng kinh qua các chức vụ như thế. 
Một năm trước khi Trung Quốc phát động cuộc xâm lược Việt Nam, tại kỳ họp Quốc hội khóa 5 tháng 2/1978, Phó chủ tịch Quân ủy Từ Hướng Tiền - cũng là một nguyên soái khai quốc - được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng và thay Diệp Kiếm Anh kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng. 
Trước đó, tại Đại hội toàn quốc khóa 11 của ĐCSTQ tháng 8/1977, trong số 5 phó chủ tịch Quân ủy - gồm Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lưu Bá Thừa, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn - đã không xuất hiện nhân vật "phụ trách công tác thường trực". Thực tế, việc Từ làm Bộ trưởng Quốc phòng được coi là mặc định kiêm nhiệm vai trò Phó chủ tịch thường trực, nhưng không nêu rõ trong đại hội đảng như một cách "thỏa hiệp" với các nhân vật còn lại.
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 2.
Hứa Thế Hữu (phải), Tư lệnh quân đội Trung Quốc chỉ huy chiến tuyến phía Đông trong cuộc xâm lược Việt Nam, và Đặng Tiểu Bình (Ảnh: iFeng)
Việc bổ nhiệm Từ Hướng Tiền tại Quốc hội Trung Quốc được cho là đề xuất của Chủ tịch ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy, Thủ tướng Hoa Quốc Phong - người kế thừa của Mao Trạch Đông. Động thái này nhằm tạo "đòn bẩy" với hai nhân vật có quyền lực lớn vào thời điểm đó: Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình.
Như vậy, cơ chế chỉ huy quân sự khi Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam là: Hoa Quốc Phong làm thống soái tối cao, Từ Hướng Tiền chịu trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch Quân ủy và Bộ chính trị. Đặng Tiểu Bình - Phó chủ tịch ĐCSTQ, Phó chủ tịch Quân ủy, Phó thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội - phụ trách trực tiếp chỉ huy quân sự. Hoạt động chỉ huy ở mặt trận được chia thành hai hướng Đông/Tây, giao cho Tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu và Tư lệnh quân khu Côn Minh Dương Đắc Chí.
Trong chuỗi chỉ huy này, Phòng tác chiến Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc sẽ báo cáo kế hoạch tác chiến đầu tiên tới Đặng Tiểu Bình, Đặng phê chuẩn xong sẽ chuyển cho Từ Hướng Tiền, Từ trình kế hoạch cho Quân ủy, Bộ chính trị Trung Quốc ra quyết sách, sau đó mệnh lệnh được gửi xuống các quân khu Quảng Châu, Côn Minh thi hành. Nói cách khác, Bộ tổng tham mưu Trung Quốc là đầu mối trước tiên trong toàn bộ kế hoạch quân sự xâm lược Việt Nam.
Trong cuốn tự truyện của mình, Từ Hướng Tiền - một trong số nhân vật then chốt của cuộc chiến - đã từ chối đề cập bất kỳ chi tiết nào về cuộc chiến tranh cuối cùng mà ông ta góp phần. Góc khuất trong chính trường Trung Quốc xoay quanh cuộc chiến phi nghĩa này cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 3.
Ngày 16/1/1979, một tháng trước cuộc xâm lược, tân nhiệm Ủy viên Ban thường vụ Quân ủy trung ương, Chánh văn phòng Quân ủy Trung Quốc Cảnh Tiêu hé lộ những ý kiến được nêu ra ở Trung Quốc về kế hoạch chống lại Việt Nam.
Theo đó, tháng 11/1978, Phó chủ tịch ĐCSTQ Uông Đông Hưng và Chính ủy thứ nhất hải quân, Ủy viên Bộ chính trị Tô Chấn Hoa (qua đời tháng 2/1979) đề xuất đưa binh lính hoặc hải quân đến Campuchia nhằm hỗ trợ chế độ Pol Pot. Ủy viên bộ chính trị, tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu thì đề xuất tấn công Việt Nam.
Cảnh Tiêu cho hay, các lãnh đạo ĐCSTQ khi đó đã bác bỏ tất cả đề xuất sử dụng vũ lực. Trong cuốn sách Cuộc chiến tranh của Trung Quốc với Việt Nam năm 1979, tác giả King C. Chen cho rằng báo cáo của Cảnh Tiêu chỉ nhằm che giấu kế hoạch thực sự của Bắc Kinh, bởi hoạt động bố trí binh lực cho cuộc xâm lược cơ bản đã được hoàn thành vào tháng 1/1979.
Cảnh Tiêu không đề cập vai trò của Đặng Tiểu Bình trong quá trình ra quyết sách nói trên, nhưng giai đoạn tháng 11/1978 trùng với thời điểm bùng lên cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt trong chính trường Trung Quốc.
Trong khi có các luồng ý kiến khác nhau về hướng sử dụng vũ lực của Trung Quốc, nguyên soái Diệp Kiếm Anh và đại tướng Túc Dụ được cho là đã chống lại chủ trương xâm lược Việt Nam. Theo trang Đa Chiều, lập trường của Diệp và Túc xuất phát từ mối lo ngại Liên Xô sẽ "động binh" ở biên giới phía Bắc Trung Quốc nếu Bắc Kinh dám tấn công Việt Nam, trong khi việc đầu tư chi phí cho một cuộc chiến tranh vào thời điểm nền kinh tế-xã hội Trung Quốc kiệt quệ sau Cách mạng văn hóa là quyết định không sáng suốt.
Đa Chiều cho hay, Túc Dụ từng bị phê bình trong sự kiện "chống chủ nghĩa giáo điều" trong quân đội. Đến năm 1979, Túc có cơ hội lật lại hồ sơ, nhưng vì thái độ không tham gia chiến tranh [xâm lược Việt Nam] mà hồ sơ này đã không bao giờ được xét lại. 
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 4.
Một phát biểu của thượng tướng Trần Tích Liên - cựu tư lệnh quân khu Thẩm Dương, quân khu Bắc Kinh, cựu tư lệnh pháo binh, cựu Phó thủ tướng Trung Quốc - vào tháng 1/1988, được chia sẻ lớn trên diễn đàn Tianya (Trung Quốc). Trong đó, đề cập cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979, Trần chỉ trích tư lệnh Hứa Thế Hữu là "tên điên, kẻ làm loạn, u mê".
"Ba quân đoàn, hơn một chục sư đoàn, hành quân 60% cơ giới hóa, tấn công chiều sâu, nhưng ngay cả một tập đoàn quân phòng thủ của họ (Việt Nam) cũng không vây ráp được, cuối cùng dẫn đến tình trạng hở sườn, bị họ phản kích," Trần nói. "Đây gọi là tác chiến kiểu gì? Là cuộc chiến kém cỏi, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến hồ đồ..."
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 5.
Sau khi thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lâm bệnh, tháng 1/1975, Đặng Tiểu Bình giữ chức Phó chủ tịch trung ương đảng, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quân ủy, Tổng tham mưu trưởng quân đội. Đặng được Mao Trạch Đông ủng hộ để chủ trì các sự vụ quan trọng trong đảng, nhà nước và quân đội, bắt đầu xúc tiến chỉnh đốn toàn diện tình hình hỗn loạn do Nhóm 4 tên gây ra trong Cách mạng văn hóa.
Cuộc đối đầu với Nhóm 4 tên leo thang, ngày 7/4/1976, hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc triệu tập không có sự tham gia của Đặng Tiểu Bình, ra quyết định tước toàn bộ chức vụ của Đặng. Tháng 10 cùng năm, Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh,... tiến hành thanh trừng Nhóm 4 tên, kết thúc Cách mạng văn hóa.
Tại hội nghị trung ương 3 khóa 10 của ĐCSTQ từ 16-21/7/1977, Đặng Tiểu Bình chính thức được trở lại chính trường Trung Quốc lần thứ ba với việc khôi phục các chức vụ Phó chủ tịch đảng, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quân ủy kiêm Tổng tham mưu trưởng - đứng đầu Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân (PLA).
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 6.
Ban đầu, quyền lực của Đặng không lớn như khi được gọi là "lãnh đạo tối cao" sau này. Thời điểm đó, Hoa Quốc Phong với sự hậu thuẫn của Uông Đông Hưng - cựu thân tín của Mao Trạch Đông - là một thế lực lớn kiểm soát trong đảng, nhà nước và chính phủ. Diệp Kiếm Anh giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy kiêm Bộ trưởng quốc phòng, trong khi Đặng Tiểu Bình phụ trách lĩnh vực ít quan trọng hơn như khoa học và giáo dục.
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 7.
Trần Vân (trái) và Đặng Tiểu Bình tại Di Hòa Viên, Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 1952 (Ảnh: Wikipedia)
Trung Quốc leo thang đột biến các hoạt động xâm phạm, khiêu khích vũ trang ở biên giới phía Bắc Việt Nam sau khi Đặng trở lại chức vụ Tổng tham mưu trưởng, từ 812 vụ năm 1976, 873 vụ năm 1977 lên tới 2.175 vụ năm 1978, gây tình hình căng thẳng, phức tạp ở vùng biên giới nước ta.
Cạnh tranh trong chính trường Trung Quốc leo thang từ tháng 8/1977 và cao điểm vào tháng 12/1978. Nếu thời điểm tháng 11, ban lãnh đạo Trung Quốc còn bác đề xuất về xâm lược Việt Nam, thì mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt ngay sau chuyến công du Singapore của Đặng Tiểu Bình, với sự can thiệp của Trần Vân - người phụ trách hoạch định kinh tế kế hoạch dưới thời Mao Trạch Đông.
Bước ngoặt diễn ra vào ngày 12/11/1978 khi Trần Vân phát biểu tại Hội nghị công tác trung ương (kéo dài từ tháng 11 đến tháng 12), yêu cầu trung ương ưu tiên xem xét xử lý các vấn đề tồn đọng do Nhóm 4 tên gây ra, lật lại hàng loạt vụ thanh trừng trong Cách mạng văn hóa, và điều tra những người sai phạm. Thông điệp của Trần gây ra phản ứng lớn và dẫn đến những diễn biến đột phá của hội nghị.
Tháng 12/1978, tại Hội nghị trung ương 3 khóa 11 - diễn ra 3 ngày sau Hội nghị công tác trung ương, Trần đắc cử Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Phó chủ tịch đảng, đặc biệt là chức vụ Bí thư thứ nhất Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc - cơ quan đầy quyền lực quản lý các ban ngành chính pháp gồm công an, kiểm sát, tòa án, dân chính... Trần tuyên bố nhiệm vụ căn bản của Ủy ban là "gìn giữ quy định pháp luật đảng, chỉnh đốn tác phong đảng".
Cũng tại hội nghị này, Trần công khai phản đối học thuyết chính trị "Hai điều phàm là" (*) của Hoa Quốc Phong. Tiếng nói của Trần Vân trở thành đòn bẩy quan trọng trong lộ trình đưa Đặng Tiểu Bình lên đỉnh cao quyền lực. Trước thời điểm được khôi phục chức vụ, Đặng đã có cuộc gặp ngày 24/5/1977 với hai nguyên lão Vương Chấn, Đặng Lực Quần để chỉ ra thuyết "Hai điều phàm là" không phù hợp với chủ nghĩa Marx, và tiếp tục nêu lập trường đối lập với Hoa Quốc Phong tại Hội nghị trung ương 3.
(*) Thuyết "Hai điều phàm là" của Hoa Quốc Phong gồm: Phàm là quyết sách Mao Trạch Đông thì phải kiên quyết bảo vệ. Phàm là chỉ thị của Mao Trạch Đông thì phải trước sau tuân thủ theo.
Trong khi mối quan ngại về sự can thiệp thực sự của Liên Xô vẫn chiếm đa số trong lãnh đạo đảng, ý kiến của các nguyên lão đã được trưng cầu. Lúc này, Trần Vân nhận định binh lực của Liên Xô ở biên giới Xô-Trung khuyết thiếu nghiêm trọng và phải điều binh từ châu Âu mất khoảng 1 tháng nếu muốn tấn công Trung Quốc. Trần kết luận, nếu thời gian tác chiến (xâm lược Việt Nam) rất ngắn thì khả năng Liên Xô ra tay là rất thấp.
Ezra F. Vogel, tác giả cuốn Thời đại Đặng Tiểu Bình, cho biết Đặng nghe theo cố vấn của Trần Vân và tuyên bố thời gian xung đột sẽ không kéo dài hơn chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 là 33 ngày. Đặng cũng xác định chỉ đánh bộ binh và không sử dụng không quân bởi biết rõ các phi công Việt Nam được huấn luyện thành thục trong chiến tranh hơn nhiều so với không lực Trung Quốc.
Vogel cho hay, bất chấp "sự phản đối phổ biến" của các thành viên trong Quân ủy trung ương, Đặng Tiểu Bình bằng quyền lực chính trị mới với sự ủng hộ của những nhân vật như Trần Vân, và lập trường phải phản ứng cứng rắn với sức mạnh của Liên Xô, đã vượt qua những ý kiến phản đối cuộc xâm lược Việt Nam.
Giới chức ở Bắc Kinh tin rằng, Đặng Tiểu Bình phát động và chỉ huy chi tiết cuộc xâm lược nhằm thúc đẩy việc kiểm soát binh quyền sau đó.
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 9.
Từ trái qua: Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng tại Hội nghị trung ương 3 khóa 11 của ĐCSTQ, ngày 18-22/12/1978. Hội nghị phê bình phương châm "Hai điều phàm là", ngưng sử dụng khẩu hiệu "dùng đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh", phủ định quan điểm phải tiến hành nhiều lần cách mạng văn hóa, thúc đẩy cải cách mở cửa
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 10.
Nhà phân tích chính trị người Hoa Nhuận Đào Diêm bình luận trên trang Đa Chiều, cho rằng kiểm soát quân đội là hành động tất yếu để Đặng Tiểu Bình nắm được quyền lực cao nhất ở Trung Quốc.
Trong số 5 Phó chủ tịch Quân ủy vào năm 1978, Đặng là nhân vật duy nhất không có hàm nguyên soái. Dù quản lý Bộ tổng tham mưu phụ trách chỉ huy quân sự trực tiếp, Đặng chỉ có thể giành lấy tiếng nói trong Quân ủy và trong đảng thông qua một cuộc chiến tranh.
Theo ông Nhuận, trong số phương án vào thời điểm đó, Đài Loan không phải lựa chọn khả thi do PLA không có hải quân hùng mạnh và sẽ phải đối đầu với Mỹ - đồng minh của Đài Loan, còn Bắc Kinh muốn xây dựng quan hệ với Mỹ.
Việc "gây sự" với Liên Xô ở phía Bắc cũng nằm ngoài lựa chọn, dù quan hệ hai nước đã tồi tệ đi trong hàng thập kỷ. Cho nên, bất chấp bị phản ứng nặng nề từ quốc tế khi động binh với nước ngoài, Việt Nam đã trở thành mục tiêu của Đặng.
"Phát súng" công luận đầu tiên nhằm vào nhóm Hoa Quốc Phong-Uông Đông Hưng xuất phát từ bài xã luận trên tờ Quang Minh Nhật báo tháng 5/1978 của Trưởng ban tổ chức trung ương ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, tiêu đề Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm thực tế, chỉ trích trực tiếp thuyết "Hai điều phàm là".
Vấn đề này sau đó đã được triển khai thảo luận rộng rãi ở các tỉnh thành, quân khu của Trung Quốc. Những nhân vật như Trần Vân, Hồ Diệu Bang, Lý Tiên Niệm,... ủng hộ quan điểm chính trị thực dụng của Đặng Tiểu Bình, khiến phe Hoa-Uông trở thành thiểu số. Diệp Kiếm Anh, dù bất đồng quan điểm trong đề xuất sử dụng vũ lực với nước ngoài, cũng đồng thuận học thuyết của Đặng.
Kết thúc hội nghị trung ương 3 (18-22/12/1978), ngoài Trần Vân làm Phó chủ tịch đảng, những người ủng hộ Đặng Tiểu Bình như Hồ Diệu Bang, Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Chu Ân Lai), Vương Chấn đều trở thành Ủy viên Bộ chính trị. Ba ngày sau, Bộ chính trị Trung Quốc đã quyết định lập Ban bí thư trung ương để hoạt động thay chức năng của Văn phòng trung ương đảng do Uông Đông Hưng quản lý, trong khi Hoa Quốc Phong phải tiến hành tự phê bình khuyết điểm về "đường lối cực tả sai lầm" - mở đầu cho cuộc chuyển giao quyền lực sang Đặng Tiểu Bình.
Sau khi Đặng Tiểu Bình thành công giành ảnh hưởng trong đảng để có thể phát động cuộc xâm lược Việt Nam, ảnh hưởng của Hoa Quốc Phong trong Quân ủy cũng không còn.
Chiến tranh biên giới 1979: Cựu phó thủ tướng TQ mắng quân đội tác chiến kém cỏi, ngu xuẩn, hồ đồ - Ảnh 11.
Các bản tin của Nhân dân Nhật báo về Đại hội 12 của ĐCSTQ (1-11/9/1982), Đặng Tiểu Bình trở thành Chủ tịch Quân ủy, và Hồ Diệu Bang làm Tổng bí thư ĐCSTQ. Chân dung của Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phong không còn được treo trên lễ đài như đại hội khóa trước (Ảnh: NDNB)
Quân đội Trung Quốc đã tổn thất nặng nề trong cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam. 
Thống kê cho thấy PLA có đến 9 quân đoàn chủ lực bị tổn thất, 62.500 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn bị tiêu diệt hoặc thiệt hại nặng, 550 xe quân sự bị phá hủy - trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, 115 khẩu pháo và cối hạng nặng bị phá hủy...
Bất chấp thực tế này, ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn tuyên bố "đã đạt được mục tiêu" khi ra lệnh rút quân ngày 5/3/1979.
Dù PLA phải trả cái giá rất đắt về người và của, cuộc chiến thực sự đã đảo chiều quyền lực ở Trung Quốc, với việc Dương Đắc Chí - chỉ huy mặt trận phía Tây trong cuộc xâm lược - được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng thay Đặng vào tháng 3/1980.
Một năm sau đó, Đặng Tiểu Bình trở thành Chủ tịch Quân ủy tại Hội nghị trung ương 6 khóa 11 vào tháng 6/1981 - thay thế Hoa Quốc Phong, rồi Chủ nhiệm Ban cố vấn trung ương ĐCSTQ tại Đại hội khóa 12 của đảng tháng 9/1982.
Hoa Quốc Phong được phê chuẩn từ bỏ các chức Chủ tịch đảng, Chủ tịch Quân ủy tại Hội nghị 6. Từ Đại hội 12, Hoa "trượt" ghế Ủy viên Bộ chính trị, các chức vụ Phó chủ tịch trung ương và Thường ủy Bộ chính trị cũng không còn tồn tại.
Khi Hoa Quốc Phong "xuống đài", địa vị tối cao trong tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình được duy trì trong toàn bộ thập niên 1980 và cả nửa đầu thập niên 1990, cho đến khi Đặng chết (tháng 2/1997).
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: