Hải Võ - Đồ hoạ: Mạnh Quân |
Ngày 1/1/1979, Quân ủy trung ương Trung Quốc ra lệnh hoán đổi chức vụ giữa tư lệnh Quân khu Vũ Hán Dương Đắc Chí và tư lệnh Quân khu Côn Minh Vương Tất Thành.
Với việc nhậm chức tư lệnh Quân khu Côn Minh, Dương Đắc Chí trở thành chỉ huy mặt trận phía Tây của Trung Quốc (hướng đánh từ Vân Nam) trong cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam nổ ra ngày 17/2/1979, song song với hướng phía Đông do tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu điều khiển.
Tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - nói rằng tướng Vương Tất Thành trước đó đã dành toàn bộ thời gian 2 tháng cuối năm 1978 để cùng các thuộc cấp ở Côn Minh chuẩn bị cho các kế hoạch tác chiến quân sự khi xâm lược Việt Nam.
Việc lâm trận thay tướng trong thời điểm này không chỉ bị cho là phạm vào đại kỵ của nhà binh, mà còn nằm ngoài sức tưởng tượng của rất nhiều người.
Ngày 31/12/1978, Dương Đắc Chí - thượng tướng, Ủy viên Quân ủy trung ương ĐCSTQ - đang họp tại bắc Kinh thì nhận được thông báo đột xuất của Quân ủy yêu cầu họp khẩn trong đêm tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, và nhận được lệnh điều động chức vụ như trên.
Sáng sớm 1/1/1979, Dương lần lượt tìm gặp 4 nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Lưu Bá Thừa - các Phó chủ tịch Quân ủy trung ương - để báo cáo.
Ngày 2/1, Dương đến thăm Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân (PLA) Dương Dũng - khi ấy là cánh tay phải của Tổng tham mưu trưởng Đặng Tiểu Bình trong công việc thường ngày tại Bộ tổng tham mưu, cơ quan lên kế hoạch và trực tiếp chỉ huy hoạt động quân sự trong cuộc xâm lược.
Dương Dũng tuyên bố Bộ tổng tham mưu "toàn lực ủng hộ" Dương Đắc Chí.
Ngày 3/1, Dương ngồi chuyên cơ trở về bàn giao công việc tại quân khu Vũ Hán. Đến sáng 7/1, Dương tới quân khu Côn Minh, chính thức bàn giao chức vụ với Vương Tất Thành, bắt đầu nhận các báo cáo đầu tiên về kế hoạch chuẩn bị xâm lược Việt Nam.
Dương Đắc Chí (1910-1994), người Hồ Nam. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (1949) từng giữ nhiều chức vụ như tư lệnh các quân khu Tế Nam, Vũ Hán, Côn Minh, Thứ trưởng quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Phó chánh văn phòng Quân ủy, Ủy viên Quân ủy...
Ngày 1/10/1953, Dương Đắc Chí dẫn đầu đoàn đại biểu Chí nguyện quân (tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên) về nước dự kỷ niệm 4 năm Quốc khánh Trung Quốc. Trên lễ đài, Mao Trạch Đông giới thiệu với các lãnh đạo Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Đổng Tất Vũ,...: "Người này là Dương Đắc Chí, đoàn trưởng Hồng nhất đoàn (*) trong chiến dịch vượt sông Đại Độ, nay là Phó tư lệnh Chí nguyện quân, trợ thủ của Bành Đức Hoài."
(*) Ngày 29/9/1927, Mao Trạch Đông dẫn quân khởi nghĩa Thu Thâu đến thôn Tam Loan, huyện Vĩnh tân, tỉnh Giang Tây, tại đây thực hiện "cải tổ Tam Loan" trong lịch sử quân đội Trung Quốc, trong đó Hồng nhất đoàn là binh đoàn Số 1 thuộc Sư 1, Quân đoàn 1 của Quân cách mạng công nông Trung Quốc. Đến năm 1985, Hồng nhất đoàn đưa về trực thuộc Sư pháo binh số hóa Số 1 của PLA).
Đến năm 1954, Dương được bổ nhiệm làm Tư lệnh Chí nguyện quân thay Bành Đức Hoài.
Tư liệu của Nhân dân Nhật báo viết, Dương Đắc Chi 8 tuổi theo cha học rèn, 11 tuổi đi thả trâu thuê kiếm tiền, 14 tuổi làm thợ mỏ, 16 tuổi làm tiều phu - có khả năng vác 80kg hàng hóa đi chân trần di chuyển tới 25km.
Tháng 2/1928, Dương tham gia Quân cách mạng công nông, từ 1930 giữ nhiều chức vụ cao của Soviet Trung ương - căn cứ địa cách mạng Trung Quốc. Dương làm đến sư đoàn trưởng và được Mao Trạch Đông nhiều lần tán thưởng.
Các chiến dịch vượt sông Đại Độ, Bình Hình Quan, Thượng Cam Lĩnh,... đều ghi nhận công tích của Dương, đưa Dương thành một trong số ít tướng lĩnh thực chiến nổi tiếng nhất trong quân đội Trung Quốc với hơn 3.000 chiến dịch lớn nhỏ đã tham gia.
Nhân dân Nhật báo cho hay, sau khi kháng chiến chống Nhật nổ ra, Dương trở thành đoàn trưởng Binh đoàn 685 thuộc Sư 115 Bát lộ quân, tham gia "tiêu diệt 1.000 quân địch" trong chiến dịch Bình Hình Quan.
Mùa thu năm 1947, Dương Đắc Chí chỉ huy Dã chiến quân Tấn-Sát-Ký (chỉ các tỉnh Sơn Tây-Sát Cáp Nhĩ-Hà Bắc, Trung Quốc) bao vây thị trấn Từ Thủy, phía bắc thành phố Bảo Định, Hà Bắc, đồng thời tham gia chiến dịch Thanh Phong Điếm "loại bỏ 1.7 vạn quân thuộc Quân đoàn 3 Quốc dân đảng".
Sau chiến tranh Triều Tiên, lý lịch của Dương Đắc Chí là chuỗi dài những tháng ngày ổn định và xa rời chiến sự. Được phong hàm thượng tướng vào tháng 4/1955, Dương trở thành tư lệnh Quân khu Tế Nam.
Từ năm 1969, Dương làm Ủy viên Quân ủy trung ương, Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Sơn Đông, tư lệnh Quân khu Vũ Hán. Dương Đắc Chí duy trì ổn định chức vụ này trong suốt 10 năm, cho đến khi nhận mệnh lệnh bất ngờ ra tiền tuyến trong cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam.
Thời điểm 1978-1979, trong số thập đại nguyên soái Trung Quốc còn tại nhiệm có 4 người: Diệp Kiếm Anh (81 tuổi), Từ Hướng Tiền (77 tuổi), Lưu Bá Thừa (86 tuổi), Nhiếp Vinh Trăn (79 tuổi). Nhóm khai quốc công thần này "thâm căn cố đế" trong các vị trí quyền lực nhất của Quân ủy từ 16 đến 20 năm, nhưng tuổi tác quá lớn không cho phép họ nắm giữ vai trò chỉ huy quân sự của cuộc chiến.
Trong số các đại tướng Trung Quốc cũng ghi nhận 4 nhân vật: Túc Dụ (71 tuổi), Hoàng Khắc Thành (76 tuổi), Đàm Chính (72 tuổi), Tiêu Cần Quang (75 tuổi) - trong đó chỉ có Túc Dụ làm Ủy viên thường vụ Quân ủy trung ương. Ngoài ra có 57 tướng lĩnh cấp trung tướng, thượng tướng khác.
Tướng Vương Tất Thành, tiền nhiệm của Dương tại quân khu Côn Minh, là một trong những tướng lĩnh thân tín của đại tướng Túc Dụ - người được cho là giữ lập trường không tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam khi kế hoạch được biểu quyết ở Quân ủy trung ương.
Phân tích trên trang Đa Chiều cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến Túc Dụ bị làm mờ nhạt vai trò trong hoạt động chỉ huy quân sự khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, dù tướng này vẫn là thành viên Quân ủy. Vương Tất Thành cũng bị loại khỏi cuộc chiến chỉ trước hơn 1 tháng, bất chấp thực tế Vương am hiểu lực lượng quân khu Côn Minh nhờ kinh nghiệm làm việc tại đây từ năm 1969 ở chức Phó tư lệnh.
Túc Dụ, dù từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng trong quá khứ và có kinh nghiệm chỉ huy quân sự cấp cao, đã không còn giữ được tiếng nói mạnh trong PLA từ sau khi bị đấu tố năm 1958 tại hội nghị nguyên soái mở rộng, khiến Túc mất chức và bị giáng thành Thứ trưởng quốc phòng, Phó viện trưởng Viện khoa học quân sự Trung Quốc.
Hứa Thế Hữu (74 tuổi) và Dương Đắc Chí (70 tuổi) dường như là những lựa chọn số ít hội đủ điều kiện làm chỉ huy tiền tuyến của quân đội Trung Quốc thời điểm đó: Có kinh nghiệm trận mạc, mang hàm thượng tướng, là thành viên Quân ủy trung ương, và trung thành với Đặng Tiểu Bình.
Trần Tích Liên, sinh năm 1915, một tướng lĩnh trẻ hơn và là tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, thì ủng hộ Chủ tịch đảng Hoa Quốc Phong và Phó chủ tịch Uông Đông Hưng, không ủng hộ Đặng Tiểu Bình nắm quyền lực lớn trong đảng.
Xâm lược Việt Nam là cuộc chiến tranh đầu tiên PLA tổ chức hành động quân sự quy mô lớn ở khu vực địa hình đồi núi và rừng rậm nhiệt đới.
Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trước đó trên loại địa hình này, khiến công việc của Dương Đắc Chí được mô tả là rối như tơ vò, dù theo nhiều tư liệu tại Trung Quốc, Dương được cho là đã có cơ hội đến Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ vào thập niên 1960 và có sự am hiểu nhất định đối với địa hình cũng như tình hình quân sự khu vực phía Bắc Việt Nam.
Sau khi đến Quân khu Côn Minh ngày 7/1/1979, hôm sau Dương dẫn theo các chỉ huy quân khu liên tục đi khảo sát địa hình các địa điểm công kích, lên phương án tấn công, sửa kế hoạch tác chiến, hoạt động hết sức căng thẳng.
Ngày 14/1, Dương tháp tùng các Phó tổng tham mưu trưởng Dương Dũng, Hà Chính Văn đi dò xét tình hình biên giới, sẵn sàng cho cuộc xâm lược.
Ngày 17/2, hàng trăm nghìn quân Trung Quốc ồ ạt tràn sang xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta theo hai hướng Quảng Tây, Vân Nam.
Sau ngày mở màn chiến tranh biên giới 1979, Dương Đắc Chí ngày đêm quan sát chiến sự, tính toán hoạt động điều phối binh lực. Nhân dân Nhật báo cho hay, Dương vốn có bệnh dạ dày nghiêm trọng, hoạt động quân sự cao độ và căng thẳng mệt mỏi trong nhiều ngày, cộng thêm độ cao của các vùng núi biên giới hai nước, viên tướng già 70 tuổi đã gục ngã.
Đêm ngày 25/2, Dương Đắc Chí liên tục bị đi ngoài ra máu. Đến sáng sớm ngày 26, do mất máu quá nhiều, Dương rơi vào tình trạng suy tim, được bác sĩ chẩn đoán nghiêm trọng.
Ngay sáng 26, Quân ủy trung ương Trung Quốc phái nhóm chuyên gia của bệnh viện 301 Quân giải phóng ngồi chuyên cơ khẩn cấp đến Vân Nam, bí mật đưa Dương Đắc Chí về Bắc Kinh cứu chữa. Ngày 27, Dương mới tạm thời ổn định, chưa qua thời kỳ nguy hiểm.
Chỉ một tuần sau khi phát động xâm lược Việt Nam, "chiến tướng" Dương Đắc Chí đã gần như bị loại khỏi cuộc chiến và chỉ nhận báo cáo từ... giường bệnh. Quyền chỉ huy Quân khu Côn Minh được giao cho hai Phó tư lệnh Trương Tha Tú, Tra Ngọc Thăng.
Ngày 5/3, Trung Quốc ra lệnh rút toàn bộ binh lực xâm lược Việt Nam về nước.
Dù chỉ chỉ huy thực tế chiến tuyến phía Tây được hơn 40 ngày (tính từ 7/1), và chỉ hơn 7 ngày chiến sự thực tế, nhưng sau này khi Trung Quốc "luận công" cho các tướng lĩnh xâm lược này, Dương vẫn được "ban thưởng" làm Tổng tham mưu trưởng quân đội, thay vị trí của Đặng Tiểu Bình, trong khi Đặng đã kiểm soát được quyền lực tuyệt đối trong đảng.
Trên thực tế, quân đội Trung Quốc - ở cả hai chiến tuyến của Dương Đắc Chí và Hứa Thế Hữu -đã bị thiệt hại hết sức nặng nề khi tấn công xâm lược Việt Nam và vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của quân và dân ta. Trong đó, PLA có 9 quân đoàn chủ lực bị tổn thất, 62.500 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn bị tiêu diệt hoặc thiệt hại nặng, 550 xe quân sự bị phá hủy - trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, 115 khẩu pháo và cối hạng nặng bị phá hủy...
Trang quân sự Xilu (Trung Quốc) bình luận, trong vấn đề thương vong, do chiến tuyến phía Đông của Hứa Thế Hữu bị tổn thất chiếm tỉ lệ quá lớn so với phía Tây, thậm chí xuất hiện tình huống toàn đơn vị bị bắt sống. Cũng nhờ "thành tích" thương vong ít hơn Hứa, Dương Đắc Chí mới được làm Tổng tham mưu trưởng, Phó chánh văn phòng Quân ủy.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét