Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Cuộc chiến trên Mặt trận phía Bắc, những gì đọng lại?

TIẾN SĨ VŨ CAO PHAN

(GDVN) - Một sự lầm lẫn đã lấy đi bao nhiêu mạng quân sĩ của cả hai bên - dù lý do thực sự của nó là gây sức ép, buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia - được sao?
LTS: Tiếp theo bài 1 "Cuộc chiến trên Mặt trận phía Bắc, những gì đã qua", Tiến sĩ Vũ Cao Phan, nguyên Giảng viên Khoa Lịch sử Nghệ thuật Quân sự, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thứ hai nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc trước cuộc tấn công của Trung Quốc.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và cảm ơn Tiến sĩ Vũ Cao Phan!
Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.
1. Bảy tháng trước khi xảy ra cuộc chiến, Tổng Bí thư Lê Duẩn đến Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). 
Kể từ khi được thành lập tháng 2/1976, đây là lần đầu tiên Học viện đón tiếp ông. 
Tổng Bí thư yêu cầu đóng hết mọi cánh cửa trong hội trường rồi chỉ lên tập bản đồ và tài liệu trên bàn, hỏi: "Đây là gì vậy?".
Giám đốc Học viện: "Thưa anh, đấy là các giáo trình cơ bản liên quan đến huấn luyện chỉ huy...".
Gạt mạnh tất cả ra một góc, Tổng Bí thư nhìn thẳng vào cử tọa không chỉ gồm các học viên mà còn gồm hầu hết cán bộ cấp cao toàn quân: "Chúng ta chuẩn bị chiến đấu với một triệu rưởi quân Trung Quốc..." 
Lời khẳng định của Tổng Bí thư gây hiệu quả tức thì: cả hội trường lặng phắc.
Sự thực là trước ngày 17/2 đã có những vụ mở đường điều quân khá rầm rộ dưới danh nghĩa làm kinh tế ở Vân Nam (Trung Quốc) cũng như đã có hàng chục vụ xung đột do Trung Quốc gây ra nhưng không được phía Việt Nam đánh giá kỹ lưỡng. 
Tiến sĩ Vũ Cao Phan. Ảnh do tác giả cung cấp
Dù đã có ý kiến của Tổng Bí thư như trên, giới quân sự cho rằng Trung Quốc không thể đánh lớn ít nhất vì hai lý do: dư luận Trung Quốc sẽ lên tiếng phản đối và không thể có chiến tranh giữa các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là giữa hai nước có lịch sử gần gũi trong kháng chiến chống Mỹ.

Đó sẽ chỉ là những xung đột ở cấp độ vừa phải trên từng khu vực.
Dù việc tổ chức phòng ngự vẫn được chuẩn bị và một số sư đoàn mới được thành lập tại các quân khu biên giới thay cho các đơn vị thiện chiến đang mắc kẹt ở Campuchia thì vẫn phải thừa nhận: chưa có sự sẵn sàng chiến đấu lớn ở cấp chiến lược quân sự. 
Ngày 16/2/1979, Bộ trưởng Quốc phòng bay đi phía Nam, các đơn vị phía Bắc được lệnh hạ cấp sẵn sàng chiến đấu (chỉ riêng lực lượng phòng không vẫn xin để tư thế cấp I, bộ đội thường trực trên mâm pháo và trên các xe chỉ huy).
Và khi chiến sự nổ ra, Việt Nam bị bất ngờ trên tất cả những tham số: lực lượng tiến công, chính diện tiến công, thời điểm tiến công. 
2. Về mặt quân sự thuần túy, ngoài việc giành được bất ngờ tương đối, Trung Quốc đã giành được gì qua cuộc chiến này? Không gì cả!
Quân đội Việt Nam dù chịu nhiều áp lực vẫn chỉ rút khỏi Campuchia theo kế hoạch của mình, một khi chính quyền mới ở đây đã đứng vững. 

Cuộc chiến trên Mặt trận phía Bắc, những gì đã qua 

Ào ạt ban đầu nhưng Trung Quốc chỉ chiếm được những Thị xã tiền tiêu Lào Cai, Cao Bằng sau bốn, năm ngày tiến công.
Theo Zhang Xiaoming, nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc tại Air Was College (Mỹ) cho biết thì lực lượng tình báo Trung Quốc hoạt động rất mạnh nhưng đã gần như bị bất ngờ trước hệ thống phòng ngự và đặc biệt là sự xuất hiện của lực lượng dân quân.
Về chính trị, Trung Quốc mất nhiều, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không thể trở lại hoặc phải trải qua rất nhiều không gian và thời gian để có thể trở lại như trước đây, nếu muốn. 
Cuộc chiến này và những ví dụ khác cho thấy, không phải ý thức hệ mà là lợi ích quốc gia đứng trên tất cả.
Sự ủng hộ, bảo vệ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Ieng Sary là một sai lầm quá lớn. 
Người ta nói sao khi Tòa án Quốc tế tuyên những hình phạt cao nhất cho những kẻ đầu sỏ Khmer Đỏ? 
Việt Nam ủng hộ quan hệ Trung Quốc - Campuchia phát triển, nhưng chẳng lẽ những người mới đây còn được coi là "bù nhìn", là "tay sai" của Việt Nam bây giờ lại nhanh chóng được đổi thành những người bạn thân thiết nhất của Trung Quốc?
Từ nguyên nhân nào vậy? Chân lý đã được thay đổi chỉ qua một đêm thức dậy?
3. Gây xung đột với láng giềng, Trung Quốc có cơ sở nào để tìm sự "thông cảm", ủng hộ của nhân dân nước đó, như một nguyên tắc dân vận mà Quân giải phóng Trung Quốc phải hành động? 
Chưa nói đến việc họ đã hành động ngược lại. 

Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù

 Cuộc tiến công đánh chiếm một loạt điểm cao ở Mặt trận Vị Xuyên được tuyên bố là để giành lại đất đai đã bị Việt Nam chiếm giữ.
Trên thực tế, đây là một lầm lẫn chết người, chết rất nhiều người của cả hai bên. 
Máu đã loang đỏ khu vực này.
Vấn đề là sau năm 1991, khi hai bên đàm phán hoạch định biên giới, Trung Quốc buộc phải thừa nhận những bình độ, điểm cao ấy là của Việt Nam, được thể hiện rõ trên bản đồ không phải do Việt Nam xuất bản. 
Lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận sai sót quá lớn và đề nghị vì dưới chân các cao điểm đó đã bố trí sẵn (?) các vũ khí, khí tài của họ nên Việt Nam có thể chọn bất kỳ địa điểm nào khác trên thực địa để đổi lại. 
Một sự lầm lẫn đã lấy đi bao nhiêu mạng quân sĩ của cả hai bên - dù lý do thực sự của nó là gây sức ép, buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia - được sao? 
4. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ tinh thần từ Cu Ba, Ấn Độ và các nước Đông Âu, nhận được sự ủng hộ có hiệu quả cả về vật chất lẫn tinh thần từ Liên Xô, nước đã cùng Việt Nam ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác trước đó, ngày 3/11/1978. 
Nhưng Việt Nam cũng gần như bị cô lập trên trường quốc tế suốt mười năm. Điều này phản ảnh trật tự thế giới thời kỳ những năm 1980. 

Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau

Z.Brzezinski, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời đó kinh tởm chế độ PolPot nhưng vẫn gây sức ép mạnh mẽ buộc Thái Lan tạo mọi điều kiện cho chế độ này tồn tại và phát triển. 
Như cách nhìn của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc – Mỹ là đồng minh trên thực tế trong thập kỷ 1980 khi họ tìm thấy nhiều lợi ích chung. 
Cục Tình báo Trung ương Mỹ biết rõ đã có bao nhiêu vụ xung đột do Trung Quốc gây ra trước đó (mà Việt Nam thì không) để tạo cớ "phản kích tự vệ", cũng như nắm rất rõ các hành động chiến tranh, thảm sát của Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam Việt Nam và trên đất nước Campuchia, nhưng Mỹ ủng hộ Trung Quốc. 
Trung Quốc và Mỹ là hai nước có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo An. Không một nghị quyết nào được cơ cấu này thông qua. Và mãi đến năm 1993, Campuchia Dân chủ mới bị đuổi khỏi Liên Hợp quốc.
Các nước khác lựa chọn biện pháp an toàn cho họ: Kêu gọi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam và Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Nếu đòi hỏi đó được thỏa mãn, điều gì chắc chắn sẽ xảy ra?
Nên biết rằng, ở lại Campuchia ngày nào là tốn thêm xương máu ngày ấy, chưa nói nền kinh tế Việt Nam nửa đầu những năm 80 đã chạm đáy, sự nghèo đói là cùng kiệt.
Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu rút lực lượng của mình khỏi Campuchia từ 1982 nhưng Khmer Đỏ phản kích, chính quyền mới ở Campuchia đã yêu cầu quân đội Việt Nam tiếp tục ở lại.
Đâu là chính nghĩa, đâu là chân lý? Bốn mươi năm đã qua cho các cuộc chiến trên biên giới Việt Nam, câu hỏi này hình như vẫn chưa được thế giới tìm thấy... 
5. Việt Nam chưa từng khuấy đảo quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, chưa từng làm chiến tranh với Trung Quốc.
Việt Nam chỉ muốn một quan hệ bình đẳng, hữu nghị. Lấy tư cách nào, là nước lớn, là láng giềng, Trung Quốc có quyền "trừng phạt", "dạy một bài học" bằng một cuộc chiến đẫm máu với Việt Nam? 
Chắc chắn đó không phải là ý nguyện của nhân dân Trung Quốc. Cũng không phải của tất cả lãnh đạo Trung Quốc ở thời điểm chiến tranh.
Nhiều vị đã yêu cầu xem xét lại hoặc hạn chế cuộc tấn công.
Đã có hai thủ tướng ở những nhiệm kỳ khác sau này, bằng những cách biểu đạt khác nhau, bày tỏ sự không đồng tình với cuộc chiến chống Việt Nam.
Ngày 15/1/2019 mới đây, nhân dịp kết thúc đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố: "1.450 km đường biên giới với Việt Nam là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa hai nước".
Hy vọng như vậy với đường biên giới trên bộ. Còn đường biên giới trên biển, còn Biển Đông và các hải đảo?
Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc giống như một cương lĩnh, cần được bắt tay vào đàm phán cụ thể, tôn trọng lịch sử, tôn trọng truyền thống, tôn trọng quan hệ láng giếng trên cơ sở hữu nghị, hợp tác.
Tiến sĩ Vũ Cao Phan

Không có nhận xét nào: