Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

ĐẤT TRỜI VỊ XUYÊN NHỮNG NGÀY ĐẦU NĂM 1984


Bút ký của Trần Nam Thái[1]
Góc phải: Cao điểm 685 ( Lò vôi thế ký); Góc trái: Cao điểm 772-liền với 1509) ( Đồi thịt băm)-Điểm giao tranh ác liệt trận 12/7/1984
  
 Những ngày đầu tháng 7/1984, ở Vị Xuyên, thời tiết rất xấu. Gần như ngày nào những cơn mưa dầm dề cũng giăng lên một bức màn nước trên khắp núi đồi. Thỉnh thoảng, cũng có những lúc trời hửng lên, mặt trời ló ra khỏi những đám mây xám đen trĩu nặng, soi ánh vàng rạng rỡ hiếm hoi xuống mặt đất lầy lội ướt át.
   Những khi ấy, chiến trường lộ ra sự ngổn ngang tơi tả ở những chỗ bị pháo bắn. Thế nhưng, ngay bên cạnh đấy, cây cỏ vẫn lên xanh ngăn ngắt, mơn mởn. Có những cành cây bị mảnh pháo chém, ngã xệ xuống, nhưng vẫn bám vào thân. Ở những vết chém vỡ toác ấy, nhựa cây chảy đầm đìa, có chỗ thì còn nhỏ giọt, có chỗ thì đã se lại.
Thật cảm động khi trên những cành cây bị thương tích ấy, vẫn có những chồi búp non xanh e ấp mọc ra. Trên cái cành chúi xuống mặt đất, những mầm lá nụ hoa vẫn vươn lên, hứng những giọt mưa và đón ánh mặt trời.
Kết quả hình ảnh cho Hoa gạo Hà Giang
Hoa gạo Hà Giang
Trong những ngày mưa gió ấy, mỗi khi đi tải hàng hay cáng thương vào ban ngày, gặp lúc nắng hửng lên, dù rất lo những cơn gió bất ngờ nổi lên xua bạt đám sương mù lên cao, phơi đội hình ra trên sườn đồi trống trải, nhưng lính tráng bọn em vẫn cứ có cái cảm giác như mình được bung ra khỏi sự tù túng chết chóc. Nhìn những cành cây gãy gục vẫn đang kết hoa đâm nụ, cảm thấy cuộc đời này sao mà đẹp thế, đáng yêu, đáng sống vô cùng…
Những ngày ấy, ai đã từng đi trên con đường nối từ đỉnh dốc 673 xuống ngã ba Thanh Thủy, vào lúc trời hửng nắng, hẳn sẽ nhìn thấy ở đoạn đường gần ngay chỗ bắt đầu đi xuống, có một cánh rừng nhỏ toàn loại cây lá to như chiếc mũ cối, chẳng biết tên là gì. Khu rừng ấy bị pháo bắn rất nhiều, thân cây gãy đổ ngổn ngang, nhưng từ những khúc cây gẫy gục tan nát ấy, vẫn có những cái chồi non, cành con xanh mướt mọc ra vươn thẳng lên ngạo nghễ.
Đi tiếp xuống khoảng 200 - 300m nữa, khi con đường bắt đầu có những đoạn dốc ngược trơn tuồn tuột nếu nhìn lên vách núi trên cao, cách khoảng mấy chục mét thôi, sẽ thấy những thân cây dong dỏng, trên cây phủ đầy những chùm hoa cánh nhỏ, màu vàng rực rỡ. Có những cây bị pháo cháy xém, nhưng hoa vẫn rực lên từ những cành cây sứt sẹo. Rồi trên cao nữa, hay phía dưới sườn núi, có lác đác cô đơn những cây gạo thân bị sứt sẹo, vỡ toác vì những vết mảnh pháo, nhưng trên thân cây hay những cành bị thương ấy, vẫn có những nụ hoa cháy đỏ lung linh dưới ánh mặt trời. Những khóm cành treo vất vưởng trên thân cây, có khi chỉ một cơn gió to hay một trận mưa lớn cũng có thể bắt chúng đứt lìa, rụng xuống, vậy mà vẫn vô tư đơm hoa thắp sáng cả một triền rừng...
Có rất nhiều lần, khi đang hì hục cáng thương trèo ngược dốc, lính vận tải gặp những đoàn quân đang lao từ trên cao xuống. Nếu là ban ngày, lại gặp lúc hửng nắng, dù mệt đến đứt hơi, bao giờ bọn em cũng cố nhắc anh em phải để ý đến sương mù và gió. Vì ở những cao điểm phía bên kia thung lũng, bọn địch vẫn thường xuyên dõi sang, chỉ cần một thoáng quang quẻ, nhìn thấy lính mình nhấp nhô, chúng sẽ bắn sang hàng chục, hàng trăm quả pháo bắn thẳng.
Nhìn những người lính trẻ đang vào trận, quần áo còn xanh lét, tóc cắt cao, mũ mão đầy đủ, trên vành mũ còn gắn những tờ giấy cắt đuôi nheo ghi những dòng khẩu hiệu khí thế, lòng bọn em lại thấy xốn xang vui lo lẫn lộn. Vui vì thấy mặt trận có thêm anh em chi viện, mừng vì thấy bên mình sắp mở chiến dịch lớn, sắp chấm dứt những ngày khốn khổ khốn nạn đau thương...Nhưng lo lắm! Lo vì thấy anh em mình còn non trẻ quá, hồn nhiên quá, mặt mũi còn sáng láng vô tư quá...
Dẫu thương và lo cho anh em lắm, nhưng mỗi khi được họ đưa tay kéo đỡ lên, khi nắm chặt bàn tay đồng đội, cảm nhận thấy hơi nóng hừng hực mạnh mẽ từ họ lan tỏa sang. Lính vận tải chúng em như được tiếp thêm luồng sinh khí mới vô cùng ấm áp. Rồi thì quên cả mệt, râm ran chúc nhau: “Các quê[2]mạnh khỏe nhá”, “Đánh giỏi vào nhá”, “Cẩn thận nhá”, “Lúc nào thắng trận quay ra nhớ ghé qua Nà Cáy nhá”...
Gặp nhiều nhất là vào ban đêm, nhất là những hôm trời mưa tầm tã. Những đoàn quân trùm kín áo mưa lúp xúp chạy gằn xuống dốc và những người lính vận tải không mũ áo che mưa, mái tóc dài xõa xượi bết nước trên những bờ vai trần, cái quần đùi rách lướp tướp, đôi giầy cao cổ sũng nước ọp ẹp, gặp nhau, nhường đường cho nhau đi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Vẫn có những câu chào, câu chúc nhau hào hển: “Đi nhé!”, “Khỏe nhé!”, “Chiến thắng nhé!”...
Rồi những bàn tay nắm vội lấy nhau, những bàn tay vỗ vào vai nhau, những bàn tay dúi vội cho nhau gói thuốc lào, bao thuốc lá... Rồi những câu tìm hỏi đồng hương, hẹn ngày gặp lại...râm ran, rạo rực suốt hàng quân. Khi những đoàn quân ấy đã đi qua, khi người cuối cùng đã khuất dần ở phía dưới, cánh vận tải bọn em lại hì hục vật vã leo lên...leo lên. Lòng vẫn thấy cả vui buồn, lo lắng, tin tưởng, hy vọng lẫn lộn. Có những đêm, khi nghe thấy tiếng pháo nổ ầm ầm, mảnh đạn réo eo éo, ánh chớp nhoáng nhoàng từ phía dưới vọng lên, lại thương và lo đến quắt ruột chẳng biết đoàn quân khi nãy có bị dính đạn không?
Có những đêm, khi đưa được thương binh về tới Nà Cáy, bọn em lại nhận lệnh ngược 673 để đón thương binh vừa bị thương trên đoạn đường dốc ấy, vừa mệt, vừa lo ngay ngáy cho cả chính mình khi thấy ánh chớp lửa nhằng nhịt hắt lên bầu trời.
Dạo ấy đang là mùa trăng, càng đến giữa tháng trăng càng sáng. Vào những đêm mưa, ánh trăng hình như khuếch tán vào những vầng mây trên bầu trời, dưới thung lũng, không gian cũng như hơi sá̀ng ra.
Có những đêm hay khoảnh khắc trời tạnh, gió thổi bạt sương mù lên cao hay qua triền núi bên kia. Ánh trăng rọi xuống xanh ngăn ngắt, cảnh vật như lại bừng lên. Núi đồi mướt mát lấp lánh, những vách đá xác xơ vì đạn pháo ngời lên dưới ánh trăng. Ở dưới xa xa kia, thấp thoáng những vầng sáng lấp lánh, lấp lánh...
Sông Lô đấy... Dòng sông mùa mưa lũ đỏ ngầu màu đất đỏ phù sa, nước trôi ào ạt về xuôi, sóng vỗ ì oạp bãi bờ, dưới ánh trăng xanh như lại trở nên huyền ảo, êm đềm. Từ mãi trên đỉnh núi, khi thì ở bên Cóc Nghè, khi thì ở trên đỉnh 673, 812, có đôi chỗ nhìn thấy một vùng lấp lánh như phủ bạc dưới ánh trăng khuya xanh ngăn ngắt... Sông Lô đấy...sông đang chảy về phía quê mình, nơi đồng bãi, xóm làng, phố thị thân yêu phía hạ du...
Gác đòn cáng lên bờ hào, ngóng nhìn xuống phía dòng Lô, hướng mắt dõi về phương trời phía Nam, lũ lính chúng em thả hồn về phía quê nhà... Nhưng cũng chả được lâu đâu, bọn em lại bị lôi trở về với thực tại. Ở phía bên kia cái vùng sáng lấp lánh ấy, phía trên cao, những vách đá của dãy núi đá răng cưa bên Phong Quang cũng phơi ra cái màu trắng phếch, xác xơ vì đạn pháo quân thù. Chúng bắn hủy diệt những trận địa pháo tầm xa của lữ 168 và những đơn vị gì gì nữa bên ấy.
Rồi đến ngày chiến dịch mở ra, kết thúc...
Rồi những đêm cùng lính trinh sát mò lên trận địa kiếm tìm khuân vác anh em... Rồi những đêm vác gỗ, tải mìn cùng lính công binh mò lên các chốt điểm để xây hầm hào, lập phòng tuyến... Những đêm dài khốn khổ gian nan ấy, chỉ mong cho vầng trăng cuối tháng đừng sáng bừng lên, chỉ mong cho trời hãy mưa thật to, nổi bão giông sấm sét cho thật nhiều...để cho bao nhiêu máu me, mồ hôi, nước mắt theo những giọt nước mưa trời gom hết về suối Thanh Thủy, hòa xuống dòng Lô trôi xuôi về bến bãi quê nhà...
Những ngày cuối cùng của tháng Bảy, những ngày đầu tiên của tháng Tám năm 1984, trên Vị Xuyên tiết trời đã sang thu với những ngày nắng chói chang và những đêm mưa dầm dề, day dứt. Những đồng đội ngày nào mới vào nay đã vắng bóng... Người thì đã rút về phía sau để củng cố, chuẩn bị cho những trận đánh mới... Người thì thân xác vẫn còn nằm đâu đó với gió sương mưa lạnh, dưới ánh sao trời xanh ngăn ngắt bên những triền đồi vách núi khe đá trên kia... Những người còn ở lại thì trần lưng ra với những trận chiến đấu mới...
Lại có những ngày mưa gió xập xùi, những ngày nắng bừng lên rạng rỡ. Cảnh vật chiến trường đã xác xơ lại càng thêm xơ xác. Đi trên con đường từ đỉnh 673 xuống, nhìn sang bên đường, nhìn qua bên kia thung lũng, tất cả như đã bị quăng quật vò xé tơi bời, đốt cháy nham nhở... Nhưng ở trên những sườn núi cao, những triền đồi thấp, dưới những khe sâu vẫn ngời xanh những chồi non mới nhú, vẫn thấp thoáng rực vàng, chói đỏ muôn chùm hoa trên những thân cành thương tích...
Không phải là mùa trăng, sông Lô ở mãi dưới xa kia không còn có ánh trăng ngắt xanh để ngời lên lấp lánh. Nhưng hình như tiếng sóng gầm thét của dòng sông vẫn ào ạt vọng lên những đỉnh núi trên cao... Ở dưới cái vùng tối thẫm sâu thăm thẳm kia, vẫn là dòng Lô đấy... Những con sóng trên sông vẫn đang ào ạt vỗ bờ, những con nước đỏ bầm trên sông vẫn ì ầm bươn bải chở nặng phù sa đất núi đẫm máu, mồ hôi và nước mắt về xuôi, đắp bồi cho bờ bãi quê nhà.
Dưới bầu trời vàng ệch ánh hỏa châu, chẳng quản gió mưa pháo đạn quăng quật dập vùi, những tấm lưng trần với đôi giầy rách ì ọp, chiếc quần đùi xơ tướp phất phơ, manh áo rách nát bung hết hai vai và mái tóc dài cợp bết xuống gáy vẫn lầm lũi lăn lộn trên những sườn đồi, vách đá ngổn ngang xơ xác.
Rồi lại có những mùa trăng mới ngắt xanh. Rồi lại có những ngày bừng sáng với những chùm hoa ngời sắc đỏ, vàng, những chồi cây mướt mát vươn thẳng lên cao dưới ánh mặt trời rạng rỡ... Và vẫn như vang vọng mãi khắp nơi trên mọi góc chiến trường: “Chiến thắng nhé... QUÊ…ƠI..."
T.N.T.



[1]Lính đại đội vận tải 25, trung đoàn 14, sư đoàn 313…
[2] Quê: là từ nhân xưng dùng cho ngôi thứ hai thay cho anh, bạn, cậu, đồng chí.


Rút từ: " VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"-Sách dày 700 trang
Địa chỉ liên hệ: Nhà văn Phạm Viết Đào-Hoanghtham9@gmail.com; ĐT: 0382598746


Không có nhận xét nào: