Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Tôi đã vẽ như thế nào sau ngày 30 tháng Tư 1975.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

Vì vậy mà anh em, cụ thể là bạn trưởng khối, giao vẽ chân dung “bác Hồ” để treo trước cổng của khối. Tôi đi tù, chỉ mang theo thuốc phòng bệnh, mùng mền và một ít mắm ruốc xào sả ớt để phòng không có thức ăn, làm gì có mang theo màu để vẽ, vậy làm sao bấy giờ? À, tôi nhớ ra mình đã từng vẽ guốc bằng bút lửa, vậy ở đây, chỗ chúng tôi bị nhốt nguyên là doanh trại của sư đoàn 25 (?) bỏ lại, rải rác chúng tôi thấy còn nhiều thùng đạn bằng gỗ và đạn còn nguyên thùng, tại sao không dùng những thanh gỗ thùng đạn ghép lại thành một bản vẽ và tháo đầu đạn ra lấy thuốc súng rắc lên đường vẽ bằng bút bic rồi bật quẹt cho cháy thay cho bút lửa, đường lửa cháy chạy theo nét vẽ sẽ để lại hình ông Hồ như đã vẽ trước bằng bút bíc.
Chỉ vài ngày sau, tôi hoàn thành bức chân dung ấy bằng màu nước trên giấy canson dựa trên tài liệu lúc ông Hồ còn ở Việt Bắc, ốm và xương xẩu. Trong quá trình vẽ luôn có quản giáo ngồi bên cạnh để kiểm soát cách dùng màu và ẩn ý xấu nếu có. Đúng hẹn, tờ bích báo được treo trên hội trường trại tù Xuân Lộc để các tù nhân đến đọc và xem. Mọi người kéo đến xem rất đông và trầm trồ về bức chân dung, tôi cũng có mặt trong đám đông để nghe các lời bình phẩm. Và cũng chỉ một giờ sau, một tiểu đội vệ binh với súng có gắn lưỡi lê đi theo lối cơ bản thao diễn do một cán bộ chỉ huy tiến vào hội trường và tháo tờ bích báo xuống, cuốn lại rồi mang về bộ chỉ huy trại.. Sau đó chừng vài chục phút, trưởng khối bị gọi đi họp. Thế là cả trại nhao nhao lên với nhiều suy diễn như hình ông Hồ gầy và ốm đói, thế là có ý đồ bôi nhọ lãnh tụ, hoặc sao tôi vẽ ông Hồ lại rất giống… tôi, những suy diễn này khiến tôi mất tinh thần, thế nào cũng bị biệt giam!
Cũng tại trại Xuân Lộc, một tai nạn nghề nghiệp khác lại xảy ra sau vụ tờ bích báo ấy. Trong giờ nhàn rỗi, tôi có thói quen lấy bút bic vẽ caricature vài anh bạn, trong số này có dược sĩ Gia, nào ngờ đâu, tôi vẽ anh ngày hôm trước thì sáng hôm sau, anh em cùng lán trại phát hiện Gia đã tự tử bằng treo cổ trên xà nhà phía sau chỗ nằm. Tôi còn nhớ rõ, bức vẽ được anh em làm khung tạm để dựng trên ngực Gia. Vì chuyện này mà nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, cùng chung trại tù, đã viết trong hồi ký của anh là tôi vẽ ai người đó chết, cuốn hồi ký này được xuất bản ở California và sau đó, nhà báo cs Huy Đức đã trích dẫn câu này cho cuốn Bên Thắng Cuộc trong phần đề cập đến tôi. Chuyện này khiến tôi bị mặc cảm và làm cho tôi rất ngại khi có ai đó muốn tôi vẽ chân dung để làm kỷ niệm.
Thực ra, không chỉ có lớp họa sĩ trẻ như đã đề cập ở trên mà trước đó, ngay sau những ngày đầu hoà bình, nhiều họa sĩ nổi tiếng từng được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương hay Kháng Chiến như Bùi Xuân Phái, Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân… cũng đã sớm vào Sài Gòn gặp gỡ chúng tôi và bạn cũ của họ như Nguyễn Gia Trí, Thái Tuấn… Tất cả các anh ấy đều thốt ra ngỡ ngàng, trầm trồ khi được chứng kiến một thứ hội họa hiện đại mà Hà Nội trước 1975 không hề có. Lưu Công Nhân đã từng sờ vào mặt tranh sơn dầu của Đinh Cường mà không hiểu vì sao nó quyến rũ đến phải dùng tay để chạm vào những lớp sơn dầu óng ánh và gợi cảm như đá cẩm thạch. Chúng tôi đã tặng cho các anh những tuýp sơn dầu cỡ lớn được sản xuất ở Pháp, Đức hoặc Anh để tỏ tình đồng nghiệp và chia sẻ.

Không có nhận xét nào: