RFI
Phi đội không quân trên tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tuần tra trong vùng Biển Đông hôm 14/02/2018.AYEE MACARAIG / AFP
Trên trang mạng asiatimes, ngày 22/05/2019, với bài viết có tựa « Xung đột sẽ xẩy ra ở Biển Đông », Richard Javad Heydarian, nhà phân tích chính trị, ngoại giao khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã khẳng định như trên.
Richard Javad Heydarian, đồng thời là giảng viên khoa học chính trị tại đại học De La Salle và đại học Ateneo de Manila, Philippines. Ông cho rằng vào lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gia tăng cường độ, một mặt trận thứ hai với nguy cơ xung đột cao giữa hai cường quốc đang dần dần hình thành tại Biển Đông và có thể buộc những quốc gia trong khu vực phải tỏ rõ quan điểm địa chính trị của mình.
Trung tuần tháng Năm, một chiến hạm Mỹ được trang bị tên lửa dẫn đuờng đã đi tuần tra gần vùng bãi đá Scarborough, bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012 nhưng Philippines khẳng định có chủ quyền. Đây là lần thứ hai, trong vòng một tháng, tàu chiến Mỹ hoạt động tại vùng biển này, nhân danh tự do hàng hải và nhằm tỏ thái độ chống lại chính sách của Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ồ ạt các thực thể đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Đầu tháng Năm, hải quân Mỹ-Philippines lần đầu tiên đã phối hợp luyện tập tìm kiếm và cứu hộ cũng gần bãi đá Scarborough. Cách đó chưa đầy 5 cây số, các tàu tuần duyên Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ cuộc luyện tập này.
Theo tác giả, Trung Quốc có lý do để lo ngại : Trong tháng Tư, hải quân Mỹ-Philippines đã tập trận chung với giả định giành lại quyền kiểm soát một hòn đảo bị chiếm giữ. Một số chuyên gia cho rằng các cuộc tập trận, luyện tập cho thấy trong tương lai, tuần dương Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn tại vùng biển này.
Trong năm nay, Trung Quốc đã gia tăng triển khai lực lượng hải quân và bán quân sự tại Biển Đông, gây nhiều lo ngại về nguy cơ va chạm, xung đột với những quốc gia nhỏ bé hơn, có tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đẩy mạnh việc hợp tác với hải quân các đồng minh, đối tác. Lần đầu tiên, Hoa Kỳ cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines, ngày 09/05, đã tiến hành tập trận chung trong khuôn khổ hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, thể hiện cam kết chung là « thúc đẩy hợp tác hàng hải trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa ».
Các hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với Philippines và các nước khác trong vùng đã làm dấy những phản ứng từ phía các nước phương Tây. Hồi tháng Tư, hải quân Pháp tự tiến hành chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông. Tàu chiến Pháp còn đi qua cả eo biển Đài Loan.
Trong tương lai, các động thái tương tự chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra tại vùng Biển Đông. Gần đây, tại Kuala Lumpur, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Randall Schriver đã tuyên bố vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương là « khu vực ưu tiên » của Hoa Kỳ.
Nhân diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, Singapore, (31/05-02/06/2019), chính quyền Hoa Kỳ công bố một chiến lược mới chống lại những tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Theo ông Randall Schriver, mục tiêu của chiến lược mới này là không để cho Trung Quốc « triển khai thêm các hệ thống quân sự » và phải dỡ bỏ các hệ thống quân sự đã được lắp đặt trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Quan chức này nhấn mạnh, ý định của Hoa Kỳ là không để cho « bất kỳ nước nào thay đổi luật pháp quốc tế và nguyên trạng tại Biển Đông », chính vì thế, Hoa Kỳ tiến hành các chiến dịch tuần tra vì tự do lưu thông cũng như các hoạt động hiện diện khác ở Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét