Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Đảng kiên quyết ngăn chặn biểu hiện chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, thao túng chính sách
Kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, dù chủ trương là vậy nhưng phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn đến tuyệt đối hoá vai trò của khối này.
Trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có những chia sẻ về khu vực này.
Kinh tế tư nhân được nhìn nhận rõ nét về vị trí, vai trò trong Nghị quyết số 10, Hội nghị Trung ương 5, Khoá XII. Theo đó, khối tư nhân phải trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Với việc đánh số 10 cho Nghị quyết này nói nên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, mong muốn nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt được như với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu Đổi mới", ông Bình nói.
Với Nghị quyết này, ông Bình nói rằng Đảng xác định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đây được xem là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
"Đây lần đầu tiên Đảng xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ", ông nói.
Theo ông, các quan điểm của Nghị quyết là các quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá. Tuy nhiên, ông lưu ý với chủ trương như vậy, cần phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân.
Cụ thể, chủ trương xuyên suốt và nhất quán là phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò, chức năng riêng của mình trong tổng thể nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Tại Nghị quyết 10, chúng ta đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Do vậy, bên cạnh việc xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì cũng cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân, nhất là những biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay biểu hiện về thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi", ông nói.
Theo ông Bình, Nghị quyết về kinh tế tư nhân có 3 nội dung cốt lõi xuyên suốt các giải pháp được đặt ra.
Thứ nhất là về nhận thức, tư tưởng và hành động trong phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.
Đối với nội dung thứ nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động, theo ông Bình, như đã nói ở trên, một mặt cần xác định vai trò động lực của kinh tế tư nhân, mặt khác cần nhìn được những mặt trái để có phương thức ứng xử phù hợp.
Nội dung thứ 2 là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng các công cụ chính sách và các nguồn lực để định hướng, điều tiết nền kinh tế. Còn thị trường đóng vai trò chủ yếu trong việc giải phóng sức sản xuất, trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
"Chúng ta có giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong quá trinh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta mới góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển", ông Bình nhấn mạnh.
"Nội dung 3 là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, tôi cho rằng nội dung này là hệ quả trực tiếp của hai nội dung nêu trên", ông nói tiếp.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phải giải quyết các vấn đề cụ thể như tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, xây dựng được một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ... cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khối tư nhân tiếp cận nguồn lực…
"Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Đồng thời, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đó là nội dung cụ thể trong tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét