Võ Văn Quản
18-5-2019
“Không thể viết lịch sử bằng định kiến.
Cả hai phía của câu chuyện đều cần phải được xét đến,
ngay cả khi chỉ có một phía mà thôi’
John Betjeman, Tình đầu – Tình cuối (1952)
Sẽ quá đơn giản để làm xấu hình ảnh của một con người, đặc biệt khi những người chấp bút viết lại lịch sử không cùng “phe” với người ấy. Sau Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, Ngô Đình Diệm chắc chắn là một nhân vật đáng thương như vậy.
Ông bị chính các đồng chí của mình ám sát và được chôn cất vội vàng tại nơi ngày nay là Công viên Lê Văn Tám; bị ác quỷ hóa dưới tay báo chí và các công trình nghiên cứu của “bên thắng cuộc”. Điều chắc chắn là chúng ta rất khó phân tích, bình luận di sản chính trị của Ngô Đình Diệm một cách lý tính mà không tránh khỏi sự tức giận từ cả hai phía của chiến tuyến xưa cũ. Thậm chí sẽ có người cho rằng người viết “phạm thượng” khi dám đặt Ngô Đình Diệm ngang hàng với Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa, họ Ngô vẫn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam. Và sẽ là thiếu sót rất lớn nếu chúng ta không thể nghiên cứu về tư tưởng chính trị, quản trị, pháp luật của Ngô Đình Diệm; đặc biệt trong tương quan so sánh với Hồ Chí Minh – nhân vật đã trở thành ngôi sao chính trị từ thập niên 20 của thế kỷ 19, và vụt sáng trở thành thần tượng lãnh đạo trên toàn Việt Nam sau trận Điện Biên Phủ.
Khảo lược so sánh ngắn này hy vọng có thể cung cấp một cái nhìn khách quan mang tính nội hàm thông tin nhiều hơn là bình luận, phê phán hay ca ngợi bất kỳ định hướng nào.
Tư tưởng về sở hữu đất đai
Đất đai cho đến ngày nay vẫn là vấn đề chính trị nhạy cảm nhất tại Việt Nam. Vậy nên không có gì lạ khi người viết đặt tư tưởng của cả hai vị lãnh tụ này trong vấn đề đất đai là thứ cần được nghiên cứu đầu tiên.
Quan điểm riêng của ông Hồ Chí Minh có phần rất thực dụng. Theo ông, nông dân Việt Nam không chỉ là lực lượng nòng cốt cho hoạt động cách mạng tại Việt Nam, mà còn là những người đóng góp nhiều nhất cho cách mạng. Vì vậy, ngay khi chuẩn bị tiếp quản Hà Nội và các tỉnh thành quan trọng phía Bắc, năm 1953, ông đã khẳng định: “Chính phủ quyết định phải triệt để giảm tô, để nông dân được hưởng lợi ích bước đầu của họ, để nông dân hăng hái đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến”. Cách nhìn này, vì vậy, chưa phản ánh được một quan niệm, hay nói đúng hơn là niềm tin pháp lý thuần túy của riêng ông về tư hữu đất đai. Nó được dùng để phục vụ cho động cơ chính trị nhiều hơn.
Điều này càng được chứng minh rõ hơn khi xem xét cách tiếp cận về đất đai của lãnh đạo Việt Minh trong giai đoạn họ cần nhiều hậu thuẫn của giới tài phiệt, tư bản và những thương nhân rất linh động. Từ năm 1945 đến năm 1949, khái niệm “người cày có ruộng” (land to the tiller) không bao giờ xuất hiện trong những lời cổ động, thông báo chính thức của lực lượng này, nhằm tránh tình trạng tự cô lập mình với sự ủng hộ của các địa chủ và giới tư sản.
Chỉ sau khi hoàn toàn nắm quyền kiểm soát phần phía trên vĩ tuyến 17, Hồ Chí Minh mới có cơ hội thể hiện đầy đủ tư tưởng của mình về sở hữu đất đai.
Cải cách ruộng đất là một cuộc cải cách khó để phân tích. Đây là cuộc cải cách mà Bắc Việt cho rằng đã thành công tốt đẹp với những mất mát “trong tầm kiểm soát”; trong khi các nhà nghiên cứu miền Nam Việt Nam thời điểm đó thì cho rằng nó là một cuộc “tắm máu” “man rợ”. Do đó, tác giả sẽ hạn chế đưa ra bình luận chủ quan về vấn đề này.
Tuy nhiên, các cách nhìn về mức độ can thiệp của ông Hồ Chí Minh về cải cách ruộng đất, để từ đó hiểu được cách nhìn của ông về vấn đề này, thì vẫn là một đề tài gây tranh cãi.
Trong tác phẩm From Colonialism to Communism của Hoàng Văn Chí, Socialist Transformation in the Democratic Republic of Vietnam của Giáo sư Alec Holcombe hay Communist Land Policy in North Vietnam của tác giả J. Price Gittinger, họ đều đưa ra các dẫn chứng nhận định rằng Hồ Chí Minh có tham gia tích cực vào việc lên kế hoạch và quá trình diễn ra cải cách ruộng đất. Đặc biệt, ông còn sử dụng bút danh để viết các bài báo đánh địa chủ (mà vụ bà Cát Hanh Long thường được nhắc đến), hay cũng có thể kể đến các chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô để nhận hướng dẫn và chỉ thị thực hiện cải cách.
Ngược lại, nhiều thuyết âm mưu được ghi nhận trong giới sử học quốc tế về thời kỳ này như trong Hồ Chí Minh: Một cuộc đời của Giáo sư William Duiker hay quyển Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam của Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hằng, lại phổ biến câu chuyện “hậu cung” rằng sai lầm chính sách của cải cách ruộng đất chủ yếu là do phe thiên tả và thiên cộng sản quốc tế như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương chiếm thế thượng phong trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ bấy giờ. Vì vậy, phe dân tộc chủ nghĩa như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp gần như không có vai trò gì trong cải cách ruộng đất.
Dù sao đi chăng nữa, từ năm 1958, Đảng Lao động Việt Nam nhất trí coi việc áp dụng mô hình Xô Viết (vào Việt Nam) là “một vấn đề mang tính bắt buộc”. Ruộng đất của gần như toàn bộ nông dân miền Bắc lại bị đưa vào hợp tác xã để thực hiện kinh tế tập trung, thực tế cải cách ruộng đất gần như không còn ý nghĩa gì nữa. Do đó, có thể nói tầm nhìn của ông Hồ Chí Minh về đất đai, ít nhất là qua các thể hiện chính sách trong thời ông còn sống, không có sự khác lạ, độc đáo nào so với định hướng của quốc tế cộng sản.
Đối với tư tưởng chống cộng rất rõ ràng của Ngô Đình Diệm, công nhận quyền tư hữu đất đai là một câu chuyện hiển nhiên. Đây là điều tốt. Tuy nhiên, góc nhìn về công bằng đất đai của họ Ngô được cho là không sánh được với đối thủ cộng sản của mình.
Theo thông tin tổng hợp ngắn từ trang History (Vốn thuộc A&E Television Networks, là một công ty truyền thông có uy tín của Hoa Kỳ), cải cách ruộng đất ở miền Nam Việt Nam do Ngô Đình Diệm thực hiện quá trễ, quá chậm và quá hời hợt.
Các nghiên cứu khác còn khẳng định rằng cải cách ruộng đất tại miền Nam Việt Nam được thực hiện một phần chủ yếu do áp lực từ phía Hoa Kỳ mong muốn chính phủ Ngô Đình Diệm nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ giới nông nô không đất không nhà, vốn có số lượng hơn 1 triệu hộ gia đình và chiếm tới ⅓ tổng dân số miền Nam Việt Nam thời kỳ đó.
Song dù có những bước tiến bộ so với thời nhà Nguyễn, việc phân phát ruộng đất thực hành bằng cách bán lại cho người canh tác, khiến nông dân có xu hướng so sánh cải cách này với thời kỳ Việt Minh cầm quyền tại khoản 60% đất đai nông thôn ở miền Nam Việt Nam. Trong giai đoạn này ruộng của địa chủ bỏ đất được chia hoàn toàn cho người đang canh tác với quyền tự quyết gần như tuyệt đối, dù họ vẫn sẽ chịu thuế do chính quyền Việt Minh áp đặt.
Không chỉ vậy, nhiều nhà nghiên cứu còn chỉ trích rằng việc cho phép giới địa chủ Việt Nam và Pháp (kể cả người không còn ở lại Việt Nam để canh tác) được giữ lại đương nhiên đến 284 mẫu Anh (tức khoản đến 115 hectare) là con số quá lớn, khiến cho quỹ đất còn lại để thực hiện cải cách đất đai không là bao nhiêu. Điều này dẫn đến tình trạng chỉ vài chục phần trăm nông nô không có đất được mua lại ruộng đất. Cuộc cải cách buộc phải gọi là nửa vời, với xu hướng thiên vị cho các thế lực chính trị cũ.
Nhìn chung, người viết không đánh giá cao cả hai vị Hồ và Ngô trong phạm vi tư tưởng về đất đai và sở hữu đất đai. Chúng ta khó có thể xem họ là những người kiệt xuất, đi trước thời đại về vấn đề này với minh chứng là những chính sách thực tế mà họ trực tiếp ban hành và kiểm soát thực thi.
Tư tưởng về cách mạng và sự can thiệp của nước ngoài
Cả Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm đều có thể được coi là những nhà cách mạng trong thời đại hỗn mang của Việt Nam từ sau Đệ nhất Thế chiến đến năm 1954, dù ghét hay thích hai con người này.
Ngô Đình Diệm là một nhà cách mạng yêu nước dân tộc chủ nghĩa theo đúng nghĩa. Có được các tước vị quan trọng trong triều đình Bảo Đại dưới thời Pháp đô hộ từ trước 1933, Ngô vẫn từ chức vì những đề nghị cải cách quốc gia của ông đều bị Bảo Đại bỏ ngoài tai. Danh tiếng là một nhà yêu nước dân tộc, chống Pháp của ông dần được hình thành sau sự kiện này.
Trong giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng, ông hai lần từ chối phục vụ cho bộ máy chính phủ thân Nhật. Sau Cách mạng tháng Tám, bị lực lượng Việt Minh tạm giữ và được nhóm này đề nghị chức danh Bộ trưởng Nội vụ trong nội các của ông Hồ Chí Minh, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông cũng không chấp thuận. Khi Bảo Đại thành lập chính phủ Quốc gia Việt Nam vào năm 1949, Ngô Đình Diệm một lần nữa từ chối tham gia.
Điều này khiến cho Diệm gần như không có vai trò gì quan trọng trong các biến chuyển lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến đầu thập niên 1950. Tuy nhiên, danh tiếng và uy tín của ông trong giới trí thức chống cộng và các nhóm yêu nước dân tộc chủ nghĩa không phải là nhỏ.
Quan trọng hơn, có nhiều quan điểm tại Việt Nam cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm là sản phẩm được dựng nên, được duy trì và chịu sự chỉ đạo của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều học giả quốc tế lại nhất trí rằng họ Ngô lo ngại người Mỹ không kém gì lo ngại Việt Cộng và chính quyền Bắc Việt.
Nhiều lần Diệm đã từ chối các kiến nghị và đề xuất chính sách từ phía Hoa Kỳ, với mục đích lớn nhất là nhắc nhở Hoa Kỳ rằng chính phủ Việt Nam Cộng hòa không phải con rối của Washington D.C. Điều này cũng được ghi nhận trong sách nghiên cứu lịch sử có tên gọi Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam của Giáo sư Philip Catton, trường Đại học Ohio – Hoa Kỳ. Ông cho rằng Diệm biết sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ là cần thiết, nhưng ông cũng làm mọi cách không để cho người dân hiểu lầm rằng mình đang bị Hoa Kỳ xỏ mũi. Nhiều học giả cho rằng đó là một trong những lý do dẫn đến kết quả Diệm bị đảo chính và ám sát.
Dù có một thực tế là các tài liệu ghi lại hoạt động của Hồ Chí Minh cho thấy ông tham gia cách mạng một cách chủ động và liên tục hơn Ngô Đình Diệm (đặc biệt trong giai đoạn 1945-1953), quan điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng và sự can thiệp của ngoại quốc cũng còn nhiều điều mơ hồ.
Về tư tưởng cách mạng, đến bây giờ người ta vẫn còn tranh cãi liệu Hồ Chí Minh là một người cộng sản, dùng cách mạng dân tộc để xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa; hay là một nhà yêu nước dân tộc chủ nghĩa mắc kẹt trong lý thuyết cộng sản.
Nếu chúng ta đọc bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê Nin”, do Hồ Chí Minh hoàn thành vào năm 1960, ông thừa nhận rằng mối quan tâm duy nhất của mình trong thời kỳ đầu này là “giải phóng dân tộc”. Lý do duy nhất ông bị chủ nghĩa Lenin cuốn hút và sau đó trung thành với nó là do Luận cương của Lenin viết về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, ủng hộ các dân tộc ở thế giới thứ ba, và ông nghĩ rằng đây là con đường duy nhất ở thời điểm đó để cứu “đồng bào đang bị áp bức”. Điều này được thể hiện rõ nhất trong cách mà Hồ Chí Minh nói về lý lẽ của mình trong các tranh cãi về sự khác biệt giữa Quốc tế thứ hai và Quốc tế thứ ba: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa, thì đồng chí làm cái cách mạng gì?”.
Cách mạng theo Hồ Chí Minh, trong một thời gian dài, chỉ là cách mạng giải phóng dân tộc; và rất nhiều nghiên cứu, niềm tin chính trị cho là như thế.
Tuy nhiên, dù mô tả và nghiên cứu lịch sử đến như thế nào, cũng cần xác nhận rằng chính thể, mô hình kinh tế, mô hình quản trị nhà nước mà Hồ Chí Minh cổ vũ xây dựng vẫn là một nhà nước xã hội chủ nghĩa thuần túy. Vậy nên không phải là không có lý do để cho rằng Hồ Chí Minh về bản chất vẫn là một nhà cách mạng cộng sản trung kiên. Sự can thiệp từ bên ngoài của các quốc gia cộng sản như Trung Quốc và Liên Xô, do đó, cũng được bình thường hóa.
***
Trên đây chỉ là một vài lát cắt nhỏ, tóm lược; nhưng hy vọng đã được trình bày một cách khoa học, rõ ràng, và khách quan nhất có thể. Chúng ta chắc chắn cần thêm những lát cắt như vậy để hiểu rõ hơn về lịch sử của chính quốc gia mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét