17:21 22/05/2019
“Tháng ba đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào hồn anh”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn một câu thơ để khẳng định thời điểm tăng giá điện không phải mùa hè.
Sáng 22/5, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành gần một giờ để phát biểu. Quá nửa thời gian ông dành để giải trình cặn kẽ về vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm – việc tăng giá điện 8,36% từ 20/3.
Kiểm toán độc lập hàng năm
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện cũng rất đắt và tốn kém. Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần, cuối cùng đưa ra quyết định tăng 8,36% thay vì 9,26% như một trong các phương án đề xuất.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 dựa trên các thông số tính toán đầu vào. Biểu giá điện lũy tiến cũng đã được áp dụng từ năm 2011 và biểu giá này giúp người nghèo có lợi hơn bởi theo thống kê, số hộ gia đình trong cả nước tiêu dùng từ 200 kWh trở xuống chiếm 71%.
Khẳng định về tính minh bạch của phương án tăng giá, Phó thủ tướng cho biết giá thành sản xuất kinh doanh điện, tình hình hoạt động của EVN đều được kiểm toán độc lập thực hiện hàng năm.
Nhắc đến thông tin giá điện phải gánh chi phí đầu tư ngoài ngành, thua lỗ, Phó thủ tướng khẳng định thông tin đó là không chính xác. Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về điều hành giá điện cách đây một ngày cũng đã nhấn mạnh “giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành”. EVN đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, thu về hơn 2.340 tỷ đồng, thặng dư 127 tỷ so với đầu tư lúc đầu.
Cũng theo Phó thủ tướng, quy định của Luật Điện lực nêu rõ phải có chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo cân đối điện. Trong khi đó, sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua từ thị trường, nên tổng chi phí hình thành điện do EVN sản xuất giảm.
Sản xuất kinh doanh và phân phối điện phải giải quyết được 2 vấn đề: đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng và chi phí hợp lý để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
“Nếu thiếu điện thì không biết sẽ thế nào”, Phó thủ tướng nói.
Phân tích rõ hơn bối cảnh hiện tại, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tính toán muốn tăng 1% GDP thì sản lượng điện phải tăng 2%, nên với tăng trưởng hiện là 7% thì sản lượng điện tương ứng phải là 14%. Thực tế, 3 năm qua bình quân sản lượng điện chỉ tăng 10,21%. Dự báo năm 2019 tổng công suất điện tăng 11,23% thì mới đảm bảo yêu cầu sản xuất, đời sống và tăng trưởng.
Dù có hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió đang đẩy mạnh đầu tư, năng lượng tái tạo không phải lúc nào cũng có thể phát điện. Hiện giá năng lượng tái tạo đang được mua vào giá 9,35 cent một kWh, tương đương gần 2.100 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang bán cho người dân, chưa kể chi phí lớn để tích điện.
“Nếu không có giá hợp lý thì không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra đầu tư vào điện, và rất khó để EVN tái tạo đầu tư. Chúng ta đang thiếu cả nguồn, hạ tầng, lưới điện”, ông Huệ nói.
Nếu lùi thời điểm, giá điện có thể tăng gấp đôi
Trước những thắc mắc về thời điểm tăng giá điện, hay câu hỏi tại sao lại chọn mùa hè để tăng, Phó thủ tướng nói “20/3 đâu phải mùa hè”.
“Tháng ba đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào hồn anh”, Phó thủ tướng vui vẻ đọc hai câu trong bài “Tháng ba” của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến để lý giải về thời điểm tăng giá điện.
Cũng theo ông, chưa có năm nào thời tiết “trái mùa” như năm nay, thậm chí có hoa sữa nở vào tháng 5. “Cái này dự báo không được. Chẳng có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5”, Phó thủ tướng ví von và cho rằng cần chia sẻ với Chính phủ.
Theo ông, việc chọn thời điểm tăng vào ngày 20/3 là hợp lý, nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng sẽ gấp đôi mới có thể trang trải được khoản chi phí mua điện năm 2019 là 20.000 tỷ đồng.
“Thời điểm tăng giá ngày 20/3 đã được cân nhắc lựa chọn để không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm, kiềm chế được lạm phát kỳ vọng”, ông Huệ phân tích. Ông cũng nhấn mạnh việc tăng giá điện đã được “họp đi họp lại” nhiều lần, nhưng trước ý kiến phản ánh của dư luận, Chính phủ sẽ tiếp tục theo sát.
Đặc biệt, tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa lại biểu giá bán lẻ điện bậc thang cho phù hợp với thực tế nhu cầu dùng điện, thu nhập người dân.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán giá điện, báo cáo tài chính của EVN để người dân yên tâm. Sau khi kiểm toán sẽ công khai cho Quốc hội và nhân dân biết.
(Theo Zing News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét