Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

BIỂN ĐÔNG & HOA ĐÔNG - “RỪNG MƠ TÀO THÁO” CỦA TRUNG QUỐC THỜI TẬP CẬN BÌNH

 Phạm Viết Đào.        
Kết quả hình ảnh cho Biễn Đông
Cao điểm 772 ( Đồi thịt băm, góc trái) liền kề 1509; Cao điểm 685 ( Lò vôi thế kỷ, góc phải)
Nơi diễn ra những giai tranh ác liệt trong trận 12/7/1984

NHỮNG VẤN ĐỀ NỘI ĐỊA CẦN "TIÊU HÓA"
Đất nước Trung Hoa cổ kính, trong tiến trình thăng trầm phát triển luôn song hành, tiềm ẩn những vực thẳm bên cạnh những đỉnh cao thành quả. Lịch sử Trung Quốc vẫn thường: “Tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”… như là một “định đề”được đúc kết từ thời thượng cổ…
Kể từ năm 1949, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã thu được một số thành tựu về kinh tế, xã hội: vươn lên hàng thứ 2 thế giới về tổng thu nhập quốc dân. Trung Quốc thời Tập Cận Bình nắm quyền tiếp tục nuôi tham vọng “chấn hưng” đất nước bằng cách xô đẩy Trung Quốc tới những hố vực thảm hoạ mới.     
Với những hố vực thảm hoạ này, vượt lên được Trung Hoa sẽ cất cánh lên những đỉnh cao mới; nếu không vượt được thì Trung Quốc sẽ rơi vào thời kỳ phân rã, đại loạn giống như giai đoạn Đông Chu (367-249 trước công nguyên). Đó là giai đoạn bản lề, tiền đề để ra đời giai đoạn nội chiến tàn khốc trong lịch sử Trung Hoa: thời kỳ “liệt quốc” hay “chiến quốc”...
Kết quả hình ảnh cho Biễn Đông
Xã hội Trung Quốc đang nổi lên 2 vấn đề:
1/ Kinh tế tuy vẫn giữ được tốc độ tăng song những năm gần đây đã bắt đầu chậm lại so với giai đoạn trước; bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt dấu hiệu những “ hố tử thần” nội sinh của kinh tế-xã hội-chính trị Trung Quốc;
2/ Trung Quốc tăng cường đầu tư ngân sách quốc phòng, phát triển lực lượng vũ trang nổi bật là hải quân. Trung Quốc đưa lực lượng hải quân ra với nhiều hành vi thách thức, gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông;

Hai đề này có liên quan tới nhau không; hệ luỵ của nó như thế nào tới an ninh khu vực, thế giới và bản thân Trung Quốc xin được có vài kiến giải?
Gây sự trên Hoa Đông và Biển Đông nhằm mục đích gì?
- Do sự phát triển nóng của kinh tế nên “chiếc áo Cộng Sản” Trung Hoa trở nên chật bó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tìm cách bung, nhao ra biển để cơi nới tìm đất sống, tìm thêm thuốc “trường sinh bất lão” cho kinh tế - xã hội giống như Tần Thuỷ Hoàng khi xưa?
- Trung Quốc tự thấy đã đủ nanh vuốt, tiềm lực để đứng ra xưng hùng, xưng bá, tìm cách phân chia lại thế giới sau bao năm bị chèn ép, bắt nạt, bị xếp chiếu dưới khởi đầu bằng chiến lược vươn ra biển lớn?
Trung Quốc gây sự trên biển Hoa Đông và Biển Đông, cụ thể cho tàu, thuyền xâm phạm lãnh hải nước khác; đưa “học thuyết đường lưỡi bò”; cho xây dựng đảo nhân tạo…Những động thái trên nhằm tạo ra những căng thẳng giả tạo, tạo ra những cuộc “chiến tranh ảo” để thứ nhất: kích hoạt, xốc dậy tinh thần bá quyền đại Hán; thứ 2 có cớ huy động tiền chạy đua vũ trang…
Trung Quốc thúc đẩy chạy đua vũ trang có phải nhằm mục đích bành trướng lãnh thổ, lãnh hải hay đây là “một liều doping” kích hoạt tư tưởng “đại bá” và để đối phó tình trạng suy vi của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sử dụng sức mạnh quân đội để duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng, khắc chế xu hướng ly tâm và ly khai (liệt quốc). Tăng cường sức mạnh quân sự, dùng vũ lực để khắc chế sự phân rã của đất nước xã hội Trung Quốc, sự phân rã này thật sự thách thức quyền lãnh đạo độc tôn, độc tài của Đảng Cộng Sản Trung Quốc…
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, để cứu đoàn quân đang chịu khát khi hành quân qua sa mạc, Tào Tháo đã dùng mẹo phao tin: “phía trước có rừng mơ”…Nghe thấy mơ quân sĩ ứa nước miếng và quên được cơn khát.
Kết quả hình ảnh cho Biễn Đông
Những động thái gây sự trên Biển Hoa Đông và Biển Đông cũng gần giống chuyện “rừng mơ Tào Tháo” mà ông Tập Cận Bình muốn cuốn dư luận Trung Quốc vốn đang “đói khát”, bức bí bởi thể chế và các vấn đề kinh tế - xã hội - chính trị nảy sinh do phát triển nóng?
Để chủ trương tăng cường, phát triển sức mạnh quân đội được dư luận trong nước đồng tình, bằng sức mạnh này, giúp các nhà lãnh đạo tham vọng và ảo mộng biến Trung Quốc thành sen đầm, “tuần đinh” của vùng lãnh hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới và trầm tích nguồn năng lượng to lớn này để “thu xâu”?
Có 2 loại “chiến tranh ảo” mà Trung Quốc có thể tiến hành: trên bộ và trên biển. So với trên bộ, tạo chiến tranh ảo trên biển thuận hơn vì gây chiến tranh ảo trên bộ rất dễ xảy ra chiến tranh thật…
Trung Quốc có biên giới chung với hàng chục quốc gia láng giềng lân bang và đều có tranh chấp, xung đột phần lớn đều do Trung Quốc chủ động gây ra. Nếu xảy ra chiến tranh thật thì lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc chắc cũng không muốn, vì không dễ ăn tươi nuốt sống đất đai của nước khác.
Sử dụng sức mạnh quân đội để bảo vệ sự chuyên quyền do Đảng Cộng Sản là chính sách mâu thuẫn, tiềm ẩn thảm hoạ, một chính sách tự nó phát sinh những “hố tử thần”, một thứ “dao 2 lưỡi”...
Không ngẫu nhiên với lực lượng chính quy trên 2-3 triệu người, với 10 đại quân khu, nhưng cấp hàm cao nhất của quân đội Trung Quốc hiện tại chỉ tới hàm thượng tướng…Không một viên tướng nào sau khi ông Mao Trạch Đông chết đi được cơ cấu vào thường vụ Bộ Chính trị và được đeo lon đại tướng…Thời ông Mao có tới 8 nguyên soái và 20 đại tướng…được xem là “ nhị thập bát tú” của quân đội Trung Quốc.
Do phát triển nóng, lại do những đặc điểm địa lý, lịch sử, sắc tộc…cộng với thể chế cộng sản đã dẫn tới sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực, sắc tộc…Chính những điều này đã phát sinh những hố tử thần, xung khắc, những vết rạn trong lòng xã hội Trung Quốc. Chính những mâu thuẫn này đã và đang kích hoạt tinh thần ly tâm và ly khai. Bởi một tỉnh, một quân khu của Trung Quốc có diện tích và dân cư ngang bằng với một quốc gia tầm trung của thế giới.
Chiến dịch bài trừ tham nhũng được giương lên bằng ngọn cờ đượm màu sắc “võ hiệp Tàu” - “đả hổ diệt ruồi“ là một chiêu bài chính trị. Chiến dịch này khởi đầu nhắm vào lực lượng vũ trang, về thực chất đây là chiến dịch thanh lọc nội bộ, thanh lọc những phần tử không ăn cánh, không trung thành với quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Quân đội là đối tượng ông Tập thấy phải dọn dẹp trước để mỵ dân, để giảm áp những bức xúc, dồn nén trước những vấn đề nóng của nền chính trị-kinh tế - xã hội cộng sản Trung Quốc…
Với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, Tập Cận Bình vô tình đã động vào gót chân Achilles của chế độ độc tài đảng trị Trung Quốc, đụng vào “niêu cơm chim“ của những đảng viên cộm cán đồng đảng của ông…
Việc đưa ra toà một uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị phụ tránh chính pháp, từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, người có công xây dựng được một mạng lưới an ninh, mật vụ hùng mạnh; mạng lưới này đã tạo nên sự tập quyền vào tay Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây thật sự là một đòn “trí mạng” đánh vào nền móng của ngôi nhà cộng sản Trung Quốc…
Một con người có công kiến tạo với Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chu Vĩnh Khang, con người sinh ra từ gia đình có công khai quốc như Bạc Hy Lai, lại suýt bị đẩy lên đoạn đầu đài? Chuyện này làm chúng ta liên tưởng cái “ xoáy phản chủ” khiến Nguỵ Diên bị mất mạng bởi Gia Cát Lượng, mặc dù Gia Cát Lượng rất biết công, tài Nguỵ Diên…
Chu Vĩnh Khang là cha đẻ, kiến trúc sư của “CHỦ NGHĨA THỰC DÂN TRUNG HOA KIỂU MỚI” (neo - chinese colonialism). Ông vốn là một kỹ sư dầu hỏa, đi lên có quyền lực vì vai trò trách nhiệm của ông trong việc đảm bảo xăng dầu cho nền kinh tế bộc phát của Trung Quốc.
Cũng xin lưu ý là ba năm trước khi ông viếng thăm Việt Nam, tức là vào năm 2005, công ty dầu hỏa của Trung Quốc CNOOP dưới quyền của ông đã xuýt nữa tóm thâu trọn vẹn thành công ty dầu hỏa Unocal 76 nếu Hạ Viện Hoa Kỳ không can thiệp.
Chính sách “Thực dân Trung Hoa kiểu mới” (Chinese neo - Colonialism) mà Chu Vĩnh Khang đề ra, tung toàn lực để đầu tư khai thác (exploitation), tìm đủ mọi cách để sở hữu chiếm đoạt bao gồm cả dùng thủ đoạn chính trị lẫn đầu tư tung vốn (acquisition).
Bành trướng tối đa sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lên những quốc gia Trung Quốc khai phá đầu tư, chủ yếu là bành trướng về thương mại và đấu thầu nắm cơ sở hạ tầng (expansion) là sáng kiến của Chu Vĩnh Khang, tiền thân của “Một vành đai, một con đường”...Chu Vĩnh Khang thuyết phục Đảng Cộng Sản Trung Quốc đầu tư khai thác mạnh mẽ khoáng sản ở mọi quốc gia, mọi châu lục trên thế giới - nhất là tập trung vào khai thác dầu hỏa như là một chiến lược cần thiết cho Trung Quốc để duy trì sự phát triển của mình.
Số phận của Chu Vĩnh Khang cuối cùng giống với số phận của Ngụy Diên thời Tam Quốc. Nguỵ Diên bị giết, mặc dù lập nhiều công trạng trong khi Thục Hán đang cạn kiệt nhân tài. Giết Ngụy Diên, Gia Cát Lượng lại đem cơ đồ nhà Thục Hán phó thác cho một tướng đàn em, tướng “chiêu hồi” dễ bảo Khương Duy…(Khương Duy vốn là tướng của Nguỵ đã đầu hàng Gia Cát Lượng )…
Điều này cho thấy sách lược chọn người “ngoan”, kẻ trung thành cùng cánh chứ không chọn người tài, có chính kiến, bản lĩnh riêng của Gia Cát Lượng…Điều này có thể để hiểu lý do những cuộc thanh trừng sắc máu trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” bản chất là tìm diệt những kẻ không “ngoan”…
Để an toàn cho việc chọc trời khuấy nước, không cách nào khác ông Tập phải chắc tay súng, củng cố và kiện toàn lực lượng quân đội. Liệu đây có là một thế cờ tàn của ông Tập. Không phải ngẫu nhiên mà có lúc ông Tập đã tuyên bố: ông không màng tới vấn đề sống chết khi phát động và lao vào chiến dịch “đả hổ”?
Việc ông Tập Cận Bình tuyên bố “không màng tới vấn đề sống chết” của cá nhân ông, khiến chúng ta liên tưởng tới việc Bàng Đức thời Tam Quốc: Khi được Tào Tháo giao cho đi cứu Tào Nhân nguy khốn ở Phàn Thành do bị Quan Vũ bao vây, Bàng Đức đã cho quân chở quan tài đi trước…Qua động thái này cho thấy: xã hội Trung Quốc đang trầm tích những vấn đề sống còn, những xung đột nội tại hung dữ, khốc liệt tới cực điểm…
Do sự phân hoá giàu nghèo quá nhanh và quá bất công do thể chế cộng sản mang lại; sự phân hoá giàu nghèo không do tài năng, pháp luật hay do hoàn cảnh khách quan - chủ quan xô đẩy, mang tới đã gây nên những bức xúc xã hội:
-Mâu thuẫn về phát triển không đồng đều giữa các vùng miền do lợi thế địa lý, phân bổ tài nguyên tự nhiên, đặc điểm văn hoá dân cư và sức mạnh của êkip nên làm nảy sinh những mâu thuẫn nội tại.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc có biết việc này và cũng ra sức và tìm cách điều tiết các mâu thuẫn, nhưng vẫn điều tiết theo cách của cộng sản. Các giải pháp mang tính tuyên truyền, quảng cáo, lừa mị hơn là bằng con đường pháp luật, bằng sức mạnh của thể chế của xã hội hoá dân sự…
Do mâu thuẫn này nên đã xô đẩy xã hội Trung Quốc, một xã hội đang nung nấu trong lòng bởi khuynh hướng tư tưởng ly tâm và ly khai. Mỗi vùng miền, tỉnh địa phương cộng động sắc tộc dân cư ở Trung Quốc tương đương với một quốc gia trên thế giới, do vậy xu hướng xảy ra động loạn, nội loạn.
Người Trung Quốc không thể nhìn tấm gương Đài Loan, Hông Kông, Ma Cao phát triển, thịnh vượng do thoát khỏi sự cai trị của chính quyền Trung ương Cộng Sản ở Bắc Kinh. Nếu Quảng Đông, Tứ Xuyên, Thiên Tân, Thượng Hải…thoát khỏi sự kiểm soát của trung ương làm sao không đuổi kịp và vượt Hồng Kông, Đài Loan ?
Ở các quốc gia khác, người ta xử lý bài toán hóc hiểm này bằng mô hình chính phủ liên bang, đây là điều không dễ đối với một thể chế hiện hữu tại Trung Quốc. Để khắc chế, đối phó với “vực thẳm” này, Chính quyền Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân đội để kìm chế, áp chế các tư tưởng ly khai. Để làm được cái việc khó khăn đối mặt với nhân tâm này, giải pháp duy nhất đó là việc phát triển tăng cường lực lượng quân đội, an ninh.
Tại Trung Quốc, theo một vài nguồn tin: nguồn ngân sách cấp cho an ninh còn cao hơn quân đội. Điều này cho thấy: Trung Quốc lo sợ thù trong hơn giặc ngoài? Do vậy, để có tiền nuôi quân đội, thu phục nhân tâm, các nhà chức trách phải nghĩ, tìm ra các đại dự án để hút ngân sách.
Thay cho việc thúc đẩy an sinh xã hội, phúc lợi công cộng; Nếu thúc đẩy và cải thiện theo hướng này, người dân sẽ bớt ngoan và thuần phục chính quyền. Cai trị số đông dân chắc ăn nhất, hiệu quả nhất là dìm dân trong ngu tối và đói khát; có như thế mới bảo ban được. Dự án tốt nhất, hiệu quả nhất là dồn tiền tạo ra những cuộc chiến tranh ảo và chiến tranh ảo trên biển là kinh tế nhất. Vì chiến tranh ảo trên bộ rất dễ đẩy đến chiến tranh thật là điều chắc chắn Trung Quốc không muốn. Qua cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979, chỉ quân địa phương của Việt Nam, quân chính quy chưa kịp ra tay đã làm cho quân Trung Quốc thua tơi tả.
Rõ ràng trong chiến lược ngăn cản sự điên cuồng của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông, Nhật Bản không thể thờ ơ và tất yếu phải nhảy ra sắm vai trò trụ cột. Một tờ báo đã bình luận: Trung Quốc đã buộc Nhật Bản tuốt gươm ra khỏi vỏ.
Ngoài ra Asean như Philippines, Indonezia, Malaxia, Singapore…đều đã chừng mực tỏ thái độ khó chịu trước hành động gây hấn của Trung Quốc, không thể khoanh tay đứng nhìn, để mặc Trung Quốc muốn làm gì trên Biển Đông thì làm…
Trên thế giới không biết có nơi nào từng xảy ra tình trạng như năm 1979: một đại đội quân chính quy của Trung Quốc đã bị du kích xã Quang Long, huyện Hạ Lang ở Cao Bằng bắt sống…Đây là bằng chứng cho thấy cái gọi là sức mạnh chính quy của quân đội.
Trong cuốn “Bạch thư 2015” của Hội đồng Quốc vụ (Chính phủ) Trung Quốc, đã xác nhận sự thay đổi chiến lược mà nhiều nhà chuyên môn đã nhận thấy từ một vài năm nay. Trung Quốc đặt ván bài tăng cường khả năng phóng quân đội ra ngoài địa giới để bảo vệ quyền lợi chiến lược của mình:
 “Lịch sử thế kỷ quốc nhục của chủng tộc Trung Quốc luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng các giống dân ngoại quốc xâm chiếm chúng ta bằng đường biển. Kinh nghiệm không ngừng buộc chúng ta phải nhớ: chiến hạm xuất hiện từ Thái Bình Dương: tổ quốc chúng ta chưa thống nhất toàn vẹn; cuộc tranh đấu về chủ quyền trên Trường Sa, Diaoyo (Điếu ngư) và biên giới Ấn - Trung vẫn còn tiếp diễn… ta phải xây dựng một hải quân hùng hậu để thu hồi toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ những quyền và đặc quyền về lãnh hải của ta”…
Cũng theo cuốn Bạch thư, quân đội Trung Quốc, với số quân 2 - 3 triệu người lớn nhất thế giới, trù tính trao cho Hải quân trách nhiệm lớn là “bảo vệ biển khơi ” và đặt nhẹ hơn vấn đề bảo vệ bờ biển.
Đồng thời các lực lượng không quân, Trung Quốc cũng thay “sự phòng ngự lãnh thổ bằng sự kết hợp giữa phòng ngự và tấn công”. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng chủ trương phát triển sự lưu động của mình và pháo binh sẽ tăng cường khả năng “đánh phá tầm trung và tầm xa”.
Kết quả hình ảnh cho Hạm đội Mỹ
Cuốn Bạch thư cũng bầy tỏ “mối lo ngại” của Trung Quốc trước sự “tái cân bằng” của Mỹ về Á đông và sự thay đổi chính sách quốc phòng của Nhật.
Trung Quốc thấy “Cần phải gạt bỏ não trạng truyền thống cho mối nguy hiểm đất đai quan trọng hơn mối nguy hiểm hàng hải”. Tuy vậy, sự tái cân bằng kiểu Trung Quốc này, không thể cứ muốn làm là được khi chung quanh mình có 14 nước lân bang. Trong số đó, 4 nước có vũ khí hạt nhân, mặc dầu quân đội Trung Quốc kiếm đủ mọi cách tăng cường khả năng răn đe của mình.
Nhờ được hỗ trợ bởi sự gia tăng liên tục ngân sách quân sự từ những năm 1990, Trung Quốc đã canh tân các lực lượng của mình và có được một tàu sân bay từ năm 2012 và đang đóng một tàu sân bay thứ hai. Với một ngân sách tương đương với 127 tỷ € [1], chi tiêu quốc phòng Trung quốc đứng hàng thứ hai trên thế giới nhưng vẫn sau rất xa Hoa Kỳ… Chi tiêu này năm nay[2] (201?) chỉ tăng 10,1 % so với 12,2 % năm 2014 tuy vẫn là 2 con số.
Trên giấy tờ, quân đội Trung Quốc có một kho vũ khí rất là ấn tượng. Hải quân, quan trọng nhất Á châu, với hơn 300 tàu chiến. Trong số đó Trung Quốc có 25 khu trục hạm, 59 tàu ngầm chạy bằng diesel và 9 tàu ngầm nguyên tử. Đối mặt với Trung Quốc, Philippinnes là tồi tệ nhất. Địch thủ Việt Nam khá hơn nhờ mới vừa mua thêm máy bay tiêm kích hiện đại, tàu ngầm và tên lửa hành trình.
Nhưng, hải quân Trung Quốc chỉ ngang tầm với hải quân Nhật. Còn khả năng đương đầu với hải quân Mỹ thì đầy bất trắc. Theo một bản báo cáo của Lầu Năm góc, trong số 2100 máy bay thả bom nằm trong nhà chứa máy bay của Trung Quốc, chỉ có vài trăm cái là hiện đại.
Cái tàu sân bay Liêu Ninh hiện giờ chỉ được dùng như một cái sân nổi để huấn luyện…Trung Quốc còn đang ở giai đoạn tập sự để có thể phóng xa lực lượng của mình ra khỏi căn cứ. Bởi vậy sự xây dựng những căn cứ xa nội địa trên các hòn đảo bé nhỏ còn nằm trong tranh cãi ở biển Trung Hoa không phải là một xa xỉ phẩm đối với Trung Quốc.
                                           P.V.Đ.




[1]mã ISOEUR, (Euro) còn gọi là Âu kim hay Đồng tiền chung châu Âu) là đơn vị tiền tệ của Liên minh Tiền tệ châu Âu, là tiền tệ chính thức trong 18 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu
[2]201? (Là Năm tác giả viết bài này)

Rút từ:

"VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
Sách dày 700 trang khổ 240 x160
Liên hệ tác giả:
Nhà văn Phạm Viết Đào; Email: Hoanghtham9@gmail.com-ĐT 0382598746



Không có nhận xét nào: