Ông bộ trưởng Trần Hồng Hà và Trận Chiến Formosa |
1. Lịch sử quân sự thế giới ghi lại nhiều trận chiến nổi tiếng. Sự nổi tiếng thường liên quan đến tính khốc liệt, phạm vi rộng lớn và danh tiếng người cầm quân. Như Troy, Waterloo, Stalingrad của thế giới. Hay Bạch Đằng, Chương Dương, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Khe Sanh của Việt Nam.
Trận chiến liên quan đến chiến tranh. Thế nhưng ở Việt Nam trong thời bình hiện nay có một trận chiến khốc liệt không kém các trận chiến quân sự : Trận chiến Formosa.
Pháo đài Formosa là do ông Võ Kim Cự chủ mưu rước về đồn trú tại Kỳ Anh Hà Tĩnh. Nhưng một mình ông Võ Kim Cự không thể bưng nổi Formosa về Hà Tĩnh. Chung tay khiêng Formosa về Kỳ Anh là Chính phủ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giữ một vị trí chìa khóa. Thiếu chữ ký của bộ TN&MT, Formosa không thể đến Kỳ Anh.
Formosa Hà Tĩnh đúng hoàn toàn theo nghĩa một pháo đài. Trú ngụ trên một diện tích 33 km2 ( 20,25 km2 đất liền và 12,93 km2 biển). Xung quanh xây tường cao. Người ngoài không thể xâm nhập. Trước đây, tưởng chỉ dân Việt Nam không thể vào, thì không ngờ bây giờ cả các quan Việt Nam, thậm chí cả công an Việt Nam, cũng rất khó khăn để vượt qua cổng thành pháo đài Formosa.
2. Khi thảm họa Formsa xẩy ra tháng 4 năm 2016 với hàng tỷ cá và động vật, sinh vật chết dọc theo hàng trăm km biển miền Trung Việt Nam, từ Nghệ An cho đến Thừa Thiên Huế, người Việt Nam mới thức tỉnh về tai họa Formosa. Nhưng đã muộn.
Về Formosa Hà Tĩnh, đã được đề cập tổng thể trong các bài viết:
- NĂM TẠI HỌA TỪ FORMOSA VŨNG ÁNG;
- FORMOSA: NHỮNG ĐIỀU CHƯA THỎA ĐÁNG - CHỦ TÂM CỦA FORMOSA;
- FORMOSA: NHỮNG ĐIỀU CHƯA THỎA ĐÁNG – TRÁCH NHIỆM PHÍA VIỆT NAM;
- NGƯ DÂN QUỲNH LƯU CÓ QUYỀN KHIẾU KIỆN FORMOSA HÀ TĨNH KHÔNG?
Cho nên, ở đây không lặp lại những điều đã viết mà chỉ nói thêm đến chất thải rắn của Formosa – nếu không xử lý tốt thì sẽ để lại cho Việt Nam những thảm họa khôn lường.
3. Để thấy rõ tính trầm trọng của thảm họa Formosa Hà Tĩnh cho hiện nay và tương lai, xin trích dẫn nội dung công văn số 495/CAT-CSMT của Giám đốc Công an Hà Tĩnh gửi UBND Hà Tĩnh:
“Quá trình hoạt động của dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm là 3.360.500 tấn. Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70.000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày, từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng bùn này phát sinh khoảng 128.000 tấn, được tái sử dụng sản xuất, xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng xỉ thép đang lưu trữ tại dự án (tồn kho) khoảng 780.000 tấn”.
Dẫu chưa phải là cơ quan môi trường chuyên trách – để hiểu thấu đáo hết nguy hại của chất thải rắn do Formosa thải ra – nhưng công văn 495/CAT-CSMT cũng đã chỉ ra:
“Theo phương án tái chế chất thải rắn, bùn lò cao, lò chuyển chứa nhiều kẽm (Zn) nên không thể tái sử dụng trực tiếp. Formosa dự kiến đầu tư lò đáy quay RHF dùng để xử lý tách kẽm ở trong bùn để tái sử dụng các thành phần có ích. Tuy nhiên, hiệu quả công nghệ này chỉ đạt từ 30 - 70%, phần còn lại có thể sẽ chuyển giao cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Formosa không đánh giá các thành phần nguy hại khác, điển hình như chì (Pb) trong bùn, nếu tái sử dụng hoặc chuyển giao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Trong 7 loại xỉ thép, có 3 loại xỉ thép đã được hợp chuẩn (xỉ lò chuyển; xỉ đúc; xỉ khử lưu huỳnh) dùng làm vật liệu cấp phối, vật liệu san lấp cho công trình xây dựng và công trình giao thông, phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng. Còn lại 4 loại (thép xỉ, bột xỉ từ lò chuyển, gang xỉ, bột từ xỉ khử lưu huỳnh) được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hoặc bán cho các nhà máy luyện thép. Đối với xỉ thép chuyển giao cho các nhà máy luyện thép để làm nguyên liệu tái sử dụng (bột từ xỉ khử lưu huỳnh) có hàm lượng lưu huỳnh cao (S), khi đưa vào các nhà máy luyện thép công nghệ lò điện hồ quang (công nghệ cũ) sẽ phát sinh khí thải SO2 rất lớn, nếu không có hệ thống xử lý khí thải được đầu tư đảm bảo sẽ gây ô nhiễm môi trường”.
Đến đây thì Formosa đã thò đuôi ra, rằng đã đầu tư công nghệ lạc hậu không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Trách nhiệm này không thuộc về bộ TN&MT thì còn thuộc về ai?
Tiếp theo, Giám đốc Công an Hà Tĩnh nhấn mạnh về vai trò “nối giáo cho giặc” của các công ty bộ TN&MT và sự “ bất khả xâm phạm” của Formosa:
“Việc phân định các loại bùn bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ TN-MT cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Các cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác trong kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác (như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường); Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Công ty Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý”.
Như vậy, Formosa không chỉ là pháo đài “bất khả xâm phạm” đối với người dân, mà còn “bất khả xâm phạm” với Công an tỉnh Hà Tĩnh. Ai đã ban cho Formosa quyền “ bất khả xâm phạm này”? Ai có thể phá vỡ quyền “bất khả xâm phạm ” của Formosa ngoài ông bộ trưởng bộ TN&MT?
Khi sự cố Formosa thải hóa chất độc hại ra biển tháng 4 năm 2016 xảy ra, nhân dân cả nước đòi đóng cửa Formosa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở cho Formosa một lối thoát, rằng “ tái phạm một lần nữa thì sẽ đóng cửa”.
Nhưng bây giờ, hàng giây hàng phút Formosa thải ra chất độc. Mà đến cả Công an Hà Tĩnh cũng phải khẳng định là vi phạm pháp luật: “Trong thời gian tới công an tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an thị xã Kỳ Anh theo chức năng… tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đối với Công ty FHS”. Thế mà lãnh đạo bộ TN&MT vẫn kê cao gối ngủ kỹ.
4. Formosa đã xây tường gạch và bê tông để trở thành pháo đài. Chưa đủ, để bảo vệ pháo đài Formosa, hàng ngày Formosa thải ra hơn 9200 tấn chất thải rắn - xây lớp lớp lũy cao dày hàng triệu m3 xung quanh và lân cận Formosa. Những thành lũy đầy chất độc.
Chất độc của Formosa Hà Tĩnh sẽ hủy hoại môi trường Việt Nam, sẽ mang đến cho người Việt Nam thảm họa chết dần chết mòn nhiều đời, mà phạm vi và hậu quả sẽ vượt xa tất các trận chiến khốc liệt nhất - từng đã xảy ra trên vùng đất này. Đó là điều không bàn cãi.
Cho nên, trận chiến Formosa là trận chiến vì sự sống cho nhiều triệu mạng người, qua nhiều đời. Hơn nữa, trận chiến Formosa còn là trận chiến vì sự sống cho tỷ tỷ động vật và sinh vật - dưới biển, trên cạn, cũng như trên không - suốt cả chiều dài khúc ruột miền Trung.
Như những hồi chuông cảnh tỉnh vô hồi, hình ảnh ông cá voi trôi dạt vào bờ biển Diễn Thành , Diễn Châu ngày 27 tháng 5 năm 2016 lại hiện ra. Cá voi là loài khổng lồ với sức khỏe phi thường, vậy mà đã không trụ lại được trước chất độc tàn bạo của Formosa thải ra biển. Chống chọi, quặn quại nhiều ngày cho đến giây phút phải tắt thở, ông cá voi cũng không bao giờ biết được rằng, lòng biển của ông và tổ tiên sinh sống lại bị một tên đồ tể Formosa từ bên kia đại dương đến xâm chiếm, rồi đổ chất độc ra biển hại ông. Ông cũng không thể ngờ rằng, tiếp tay cho kẻ đồ tể Formosa lại có cả những kẻ sống trên biển hàng ngày cùng ông. Nếu ông biết được sau cái chết của ông, chúng lại hồn nhiên tắm biển để gỡ tội cho đồ tể Formosa, thì ông không thể nhắm mắt.
5. Thật lòng, trong thâm tâm không muôn nêu đích danh ông bộ trưởng bộ TN&MT, mà chỉ muốn nói đến cái ghế bộ trưởng ông ngồi. Nhưng vấn đề hệ trọng đến số phận nhiều triệu người nên không thể không gọi đích danh ông Trần Hồng Hà. Ông đã hứa trước Quốc Hội nhiều lần mà Formosa vẫn không thay đổi. Bài toán Formosa đến bây giờ là của đích thân ông bộ trưởng bộ TN&MT. Trận chiến pháo đài Formosa Hà Tĩnh phải do chính ông Trần Hồng Hà cầm quân. Nói như thế để thấy vai trò và trách nhiệm của ông bộ trưởng bộ TN&MT trước nhân dân cả nước. Nếu ông không làm nổi, đến mức phải thay chủ tướng, thì chủ tướng mới cũng phải đích thân công phá pháo đài Formosa Hà Tĩnh, chứ không phải đến lượt Thủ tướng Chính phủ. Biết rằng, tham gia rước Formosa về Hà Tĩnh là cựu bộ trưởng bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang. Nhưng đã lên thay thì phải gánh vác trách nhiệm.
6. Formosa đích đáng phải tống ra khỏi Hà Tĩnh. Nhưng Chính phủ đã bỏ qua. Đến bây giờ thì vấn đề đó chưa quay lại trong tay thủ tướng lần nữa, càng không thể là quyền hạn của ông bộ trưởng bộ TN&MT.
Nhưng Formosa đang ngang nhiên vi phạm luật pháp Việt Nam. Điều này Công an Hà Tĩnh đã khẳng định. Lời nói của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đây không có lẽ không có giá trị đối với Formosa Hà Tĩnh? Ông bộ trưởng bộ TN&MT hãy làm cho Formosa biết thế nào là lễ độ. Không để cho Formosa khinh nhờn cấp tỉnh, rồi thừa cơ coi thường cả Chính phủ.
7. Xót thay cho Nghệ Tĩnh, một người – Võ Kim Cự - mang tai họa Formosa về. Hy vọng thay cho Nghệ Tĩnh, lại có một người – Trần Hồng Hà – có khả năng hóa giải tai họa Formosa? Phải chăng đó là sắp đặt của số phận?
Quê hương là nơi cha mẹ sinh ta ra. Nếu không làm gì được cho quê hương thì cũng đừng mang tai họa đến.
N.N.C.
Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét