Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

THƠ CỤ HỒ CŨNG BỊ " BIÊN TẬP", " KIỂM DUYỆT" ?

Sáng 23/5, thảo luận dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hai đại biểu Quốc hội đã viện dẫn hình ảnh và ý thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm cơ sở cho lập luận của mình. Đó là đại biểu Bùi Văn Xuyền – đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình và đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai.
Ngay sau các phiên thảo luận này, nhiều báo đã trích dẫn lại ý kiến các đại biểu Quốc hội này và đưa các ý đó vào tít bài báo: "Đại biểu Dương Trung Quốc trích dẫn thơ Bác Hồ để 'bảo vệ' rượu, bia" (Báo Thanh Niên), "Không nên đổ lỗi cho các DN sản xuất rượu bia, coi họ như tội đồ" (VOV), "Ngành sản xuất rượu, bia đang bị xem là… tội đồ?" (báo Phụ nữ Việt Nam)
Đại biểu Quốc hội, xin hãy thận trọng khi trích dẫn hình ảnh, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.
Đại biểu Quốc hội, xin hãy thận trọng khi trích dẫn hình ảnh, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, ông có cảm giác như các đại biểu phát biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ và như thế ông thấy không công bằng vì ngành sản xuất rượu, bia hàng năm tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông Xuyền đã trích dẫn:…" Bác Hồ năm 1960 khi thăm nhà máy bia Trúc Bạch, Bác đã khuyến khích ngành sản xuất…".
Trên thực tế, những năm 60 của thế kỷ trước, Việt Nam không có nhà máy bia Trúc Bạch. Trúc Bạch chỉ là nhãn hiệu bia đầu tiên của Nhà máy Bia – Nước ngọt mà người dân vẫn quen gọi là Nhà máy Bia Hà Nội, trên đường Hoàng Hoa Thám (nay thuộc công ty cổ phần Bia, Rượu và Nước giải khát Hà Nội - Habeco). Trang web của công ty Habeco, phần giới thiệu về lịch sử không thấy nhắc chuyến thăm nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà máy này.
Đại biểu Quốc hội, xin hãy thận trọng khi trích dẫn hình ảnh, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 3.
Nhà máy Bia Nước Ngọt – 1957 (Nguồn: Trang Web HABECO)
Theo các trang web của Công ty cổ phần Cồn, Rượu Hà Nội (Halico) và Trang  tin Điện tử của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến thăm cán bộ, công nhân viên ngành sản xuất bia rượu, nhưng là đến Nhà máy rượu Hà Nội (nay thuộc công ty cổ phần Cồn, Rượu Hà Nội - Halico), trên đường Lò Đúc, vào năm 1959 và năm 1961.
Nhà máy này được khôi phục vào năm 1955, từ một nhà máy sản xuất rượu từ thời Pháp thuộc. Cần nhấn mạnh rằng, lúc đó, nhiệm vụ chủ yếu của nó không phải là sản xuất rượu mà mảng quan trọng hơn là sản xuất cồn phục vụ y tế, quốc phòng và dân sinh.
Đại biểu Quốc hội, xin hãy thận trọng khi trích dẫn hình ảnh, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc tết cán bộ, công nhân viên nhà máy Rượu Hà Nội – 1961 (nguồn trang web Halico)
Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm nhà máy, Người không chỉ động viên cán bộ, công nhân nhà máy tích cực sản xuất mà còn động viên tích cực nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật mới, đặc biệt là tìm nguyên liệu thay thế để tiết kiệm gạo cho dân đủ ăn, giảm độc tố để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trên cơ sở chỉ đạo này của Bác, năm 1960-1961, nhà máy thực hiện "cuộc cách mạng kỹ thuật" với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành sinh học người Đức, Trung Quốc; thay thế việc sản xuất rượu từ phương pháp Amyloza sang phương pháp Mycomalt để tăng hiệu suất thu hồi sản phẩm và đa dạng nguồn nguyên liệu.
Tết Tân Sửu, năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm, chúc Tết công nhân, chiến sỹ ở nhiều đơn vị, trong đó có nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà và một đơn vị công an vũ trang…
Có thể thấy, các cuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm ngành rượu, bia không thể hiện "tư tưởng" gì của Người về rượu bia. Ý nghĩa lớn nhất là động viên sản xuất (nhiệm vụ chủ yếu lúc đó là sản xuất cồn cho y tế, quốc phòng và dân sinh), tiết kiệm lương thực và an toàn thực phẩm cho người dân.
Vào giai đoạn những năm 1960, đất nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, mỗi gia đình, một năm, may ra được mua một, hai chai rượu dùng vào dịp Tết, bia thì phân phối từng ca, vấn đề tác hại của rượu bia đến sức khỏe con người, trên thực tế, gần như không đặt ra. Tuy nhiên, Bác Hồ đã ý thức rõ tác hại đó, yêu cầu nghiên cứu tìm nguyên liệu thay thế để tiết kiệm gạo cho dân đủ ăn, giảm độc tố để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Như vậy, ý nghĩa các chuyến thăm đó không mâu thuẫn, thậm chí là tương đồng với nhiều nội dung quy định của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia hiện nay.
Chính vì vậy, nếu đại biểu Bùi Văn Xuyền "cảm giác" các ý kiến các đại biểu khác coi ngành rượu bia như " tội đồ" thì việc viện dẫn các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới một nhà máy trong ngành rượu bia những năm 1960 cũng không thể thanh minh được gì. Thời điểm đó, nhà máy rượu Hà Nội khác hiện nay rất nhiều, cả về mặt hàng cung ứng và năng lực cung ứng.
Đại biểu Quốc hội, xin hãy thận trọng khi trích dẫn hình ảnh, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 5.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, một người chuyên nghiên cứu lịch sử, lại trích dẫn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chứng minh rằng, cách tiếp cận của các đại biểu khác về phòng chống tác hại rượu bia đã sai. Ông nói: "Ai cũng nhớ nằm lòng câu thơ của Bác Hồ "Trong tù không rượu, cũng không hoa", để nói con người bị tước đoạt tự do là không được ngắm hoa, không được uống rượu. Trong di cảo của Bác Hồ có rất nhiều bài thơ rất hay về rượu, "khi nghe tin thắng trận lâng lâng như được uống mấy chén rượu", nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này…"
Về hiện tượng, khi Bác Hồ bị tù đày, không có rượu, không có hoa thì đúng. Nhưng Bác Hồ không viết thơ để đánh đồng tự do với việc có rượu, hoa.
Xưa nay, các nhà thơ vẫn lấy cảm hứng từ cái đẹp và sự thăng hoa cảm xúc. Hoa là hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp. Và rượu là hình ảnh tượng trưng cho sự thăng hoa cảm xúc.  "Bầu rượu – túi thơ" là như thế.
Bác Hồ của chúng ta, trong bài thơ này, tự nhận mình là nhà thơ. Nhưng khác với các thi sĩ bình thường, Người không phụ thuộc vào rượu, vào hoa.  Tự do của "trăng treo ngoài cửa sổ" mới là cảm hứng của nhà thơ, nhà Cách mạng Hồ Chí Minh. Không song sắt nào ngăn cản được nguồn cảm hứng đó. Và "Người ngắm trăng treo ngoài cửa sổ - Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ" chính là sự tương tác của tâm hồn nhà thơ, nhà Cách mạng với nguồn cảm hứng. Đó thực sự là hình ảnh hiện hữu của một tư tưởng tự tại và tự do trong một cơ thể tù đầy.
Như vậy, việc viện dẫn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đặt vấn đề "uống rượu là văn hóa của cả nhân loại" và "tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này" là không phù hợp.
Đại biểu Quốc hội, xin hãy thận trọng khi trích dẫn hình ảnh, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 6.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, một nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam. Việc viện dẫn và suy diễn không phù hợp  hình ảnh, lời nói của Người dễ làm người dân hiểu không đúng về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, khi người trích dẫn lại là những nhân vật có tầm ảnh hưởng tới rộng rãi dân chúng như đại biểu quốc hội, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Trở lại với phát biểu của các đại biểu  Bùi Văn Xuyền và Dương Trung Quốc, có thể hiểu rằng, ý của các đại biểu là cần thận trọng trong việc xây dựng luật Phòng chống tác hại rượu bia, làm sao vừa phòng chống được tác hại của rượu bia, ngăn chặn sự lạm dụng rượu bia, vừa không đẩy ngành sản xuất rượu bia đến chỗ phá sản; đồng thời hướng người dân tới việc sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa. Đó là những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng. Tuy nhiên, cách trích dẫn và biểu đạt đã ít nhiều khiến nhân dân hiểu không đúng về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cách rút tít của một số báo cho thấy sự hiểu lầm đó trong dư luận.
Vì vậy, kính thưa các đại biểu Quốc hội, xin hãy thận trọng khi trích dẫn hình ảnh, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quốc Thắng

Duy Nguyễn

Không có nhận xét nào: