Nguồn: Carl O. Schuster, “Battle for Paracel Islands”, Historynet, 06/2017.
Biên dịch: Lê Đỗ Huy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngày 11/01/1974, các sĩ quan Nam Việt Nam nhận được báo cáo về những động thái của Trung Quốc trên hai hòn đảo của Nam Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai ngày sau, Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn phái hai tàu khu trục Lý Thường Kiệt HQ-16 và Trần Khánh Dư HQ-4 tới thám sát.
HQ- 16 tới đảo Hữu Nhật (Robert Island) vào 16/1 và nhận thấy đảo này đã bị “ngư dân” Trung Quốc, từ hai thuyền đang neo tại bãi ven đảo, chiếm đóng. Chỉ huy tàu HQ – 16 lệnh cho những người Trung Quốc rời đảo và bắn thị uy để họ hiểu ý định của ông. Sau đó họ bắn và phá hủy các lá cờ Trung Quốc và một khu vực chế biến cá mà những “người đánh cá” triển khai 6 ngày trước đó. HQ – 4 tới Hoàng Sa ngày 17/1 và phái một đơn vị đặc nhiệm SEAL của Nam Việt Nam lên đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh (Money Island) gần đó để nhổ những cờ Trung Quốc. Ngày 18/1, hai tàu chiến của Nam Việt Nam đuổi một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc, buộc con tàu bị phá hủy nặng nề này phải rời vùng biển. Sau đó các tàu khu trục Trần Bình Trọng HQ-5 và tàu quét mìn Nhật Tảo HQ-10 tới Hoàng Sa.
Sài Gòn nghĩ rằng đã chặn được nỗ lực trong suốt 6 tháng liền của Bắc Kinh nhằm chiếm nửa phía tây của Hoàng Sa. Những “ngư dân” có vũ trang của Trung Quốc trước đó hầu như đã đẩy được các ngư dân Nam Việt Nam ra khỏi vùng biển Hoàng Sa, và ít nhất có hai tàu đánh cá Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động tại vùng nước mà Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhưng biến động gần nhất này của Trung Quốc lại là khởi đầu của một giai đoạn mới trong nỗ lực nhằm chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Lần này, những “ngư dân” Trung Quốc là thành viên của lực lượng Dân quân biển – một lực lượng bán vũ trang của Hải quân Trung Quốc.
Hai chiếc tàu cá gần đảo Hữu Nhật báo cáo về Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Ngày 16/1, Bộ Tư lệnh Hạm đội ra lệnh cho hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt đóng tại đảo Hải Nam tháp tùng lực lượng dân quân biển tới hiện trường, về mặt công khai là để bảo vệ ngư dân Trung Quốc, nhưng chủ yếu là để tập trung binh lực. Trung Quốc cũng hạ lệnh triển khai hai tàu quét ngư lôi. Bắc Kinh quyết định giải quyết tranh chấp tại Hoàng Sa bằng vũ lực nếu thời cơ cho phép.
Quần đảo Hoàng Sa gồm 130 đảo san hô, mỏm đá ngầm và bãi cát nằm rải rác trên 5.800 dặm vuông trên Biển Đông, cách gần đều cảng Đà Nẵng của Việt Nam (200 hải lý) và đảo Hải Nam của Trung Quốc (162 hải lý). Diện tích của toàn quần đảo (chỉ tính mặt đất) là khoảng 3 dặm vuông. Hầu hết các đảo hợp thành Nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) về phía đông bắc và Nhóm đảo Lưỡi liềm (Crescent Group) về phía tây, cách nhau khoảng 39 hải lý. Đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm An Vĩnh là lớn nhất trong các đảo thuộc Hoàng Sa, có diện tích khoảng 530 mẫu Anh.
Cho dù những tuyên bố chủ quyền của cả Việt Nam và Trung Quốc đều có từ các triều đại phong kiến xa xưa, gốc rễ của sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Nam Việt Nam gắn với những năm 1930 và các tham vọng của thực dân Pháp. Nước Pháp, cường quốc đô hộ Việt Nam từ 1858, đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 1932 nhưng từ đầu không quan tâm đến việc chiếm giữ các đảo này trên thực tế. Điều này thay đổi vào năm 1937 khi cuộc chiến của Nhật Bản với Trung Quốc – vốn bắt đầu từ năm 1931 với việc Nhật chiếm Mãn Châu Lý – leo thang khi Nhật tiến quân sâu vào lãnh thổ Trung Quốc. Người Pháp lo Trung Quốc hay Nhật sẽ chiếm các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) nên đã đặt một trại lính gồm khoảng 100 lính Pháp và Việt tại đảo Phú Lâm vào năm 1938 như một khu đệm để mở rộng chu vi phòng thủ cho các thuộc địa Đông Dương của Pháp.
Nhà cầm quyền Anh ủng hộ bước đi này của Pháp vì nó mở rộng phạm vi phòng thủ của thuộc địa Malaya của Anh. Cả hai cường quốc châu Âu này cho rằng cuộc chiến tranh của Nhật chống Trung Quốc chỉ là bước đi ban đầu của kế hoạch chiếm các thuộc địa của châu Âu ở Đông Nam Á. Nhưng thay vì răn đe hành động của Nhật trên Biển Đông, việc đồn trú tại Hoàng Sa của Pháp lại khiêu khích Nhật. Nhật cho một đơn vị nhỏ lính thủy đánh bộ đổ bộ lên đảo Phú Lâm chỉ một tháng sau khi Pháp cho quân đồn trú. Quân đồn trú trên đảo đầu hàng, không nố súng chống lại. Nhật sáp nhập Trường Sa và Hoàng Sa vào năm 1941, tuyên bố chúng thuộc Đài Loan, đảo đang bị Nhật chiếm đóng lúc đó.
Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật ngày 6 và 9/8/1945, Tokyo bắt đầu rút quân khỏi các quần đảo này. Chính phủ Quốc dân Đảng Trung Hoa chiếm nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite) hai tháng sau đó, và đặt một đồn trên đảo Phú Lâm vào tháng Giêng 1946. Pháp sau đó do không đẩy được quân Quốc dân Đảng ra khỏi Nhóm đảo An Vĩnh bằng một cuộc biểu dương lực lượng hải quân đành tuyên bố chủ quyền đối với Nhóm đảo Lưỡi liềm và đổ bộ một trung đội lê dương lên đảo Hoàng Sa (Pattle) để ngăn quân Quốc dân Đảng chiếm đóng đảo này.
Chính phủ Quốc dân Đảng lặp lại yêu sách đối với toàn bộ Biển Đông năm 1947, xuất bản một bản đồ đưa các yêu sách lãnh thổ vào khuôn khổ một “đường chín đoạn” dọc vành ngoài của Biển Đông. Năm 1949, quân Trung Cộng đẩy chính quyền Quốc dân Đảng ra Đài Loan. Nhật Bản từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951, nhưng không giao quyền kiểm soát của mình cho bất cứ một bên có yêu sách cụ thể nào khác, đẩy vấn đề sở hữu các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) rơi vào tình trạng không được giải quyết. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng họ thừa kế các yêu sách đối với Biển Đông từ chính phủ Quốc dân Đảng.
Mặc dù vậy Nam Việt Nam đã chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi liềm từ năm 1954 và đặt một lực lượng đồn trú nhỏ trên ba hòn đảo. Trung Cộng giành quyền kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh và đảo Phú Lâm vào năm 1956. Ngư dân Trung quốc đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan) năm 1959 nhưng phía Nam Việt Nam đã đuổi họ đi.
Khi Chiến tranh Việt Nam leo thang, Sài Gòn, tin tưởng vào sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ, đã rút các đơn vị đồn trú của mình. Tới năm 1967, sự hiện diện của Nam Việt Nam tại quần đảo chỉ còn một trạm khí tượng. Trung Quốc tỏ ra chấp nhận nguyên trạng.
Hai biến chuyển trong tình hình những năm 1970 đã thay đổi bàn cờ Biển Đông: các báo cáo về trữ lượng dầu tại thềm lục địa vùng này xuất hiện vào giữa năm 1972, và Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam chấm dứt sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Các lãnh đạo châu Á đột nhiên nhận thấy tranh chấp Biển Đông không chỉ là một vấn đề chính trị và hành chính, mà còn là vấn đề phát triển kinh tế. Nhóm thân cận với Mao tính toán rằng những phần thưởng về kinh tế lớn hơn những rủi ro xảy ra xung đột quân sự. Vả lại, những rủi ro đang giảm xuống.
Mao nhận thấy một chính phủ Mỹ đang rút chân khỏi Nam Việt Nam sẽ thiếu ý chí dấn vào một cuộc xung đột khác, lại đang mong được Trung Quốc hỗ trợ chống lại một Liên Xô đang ngày càng thách thức hơn. Nguyên thủ Trung Quốc kết luận rằng chế độ Sài Gòn khó có khả năng được Mỹ hỗ trợ, và sự tồn tại của nó cũng đang được tính bằng ngày. Nhóm thân cận với Mao cũng hiểu rằng Bắc Việt Nam vẫn còn cần viện trợ của Trung Quốc trong nỗ lực chiến thắng Nam Việt Nam, đồng thời đồng minh khác của Hà Nội là Liên Xô không có lực lượng trên địa bàn này để cản trở Trung Quốc hành động đối với các đảo (trên Biển Đông). Mao ra lệnh tiến hành một loạt những bước đi nhằm ép Nam Việt Nam từ bỏ Hoàng Sa.
Không biết các ý định của Bắc Kinh, Sài Gòn tuyên bố quyền kiểm soát về hành chính tại nhóm đảo Lưỡi liềm vào tháng 8/1973 và một tháng sau cho phép thực thi các hợp đồng thăm dò dầu khí tại các vùng nước quanh nhóm đảo này. Cuộc đột nhập đầu tiên của đội tàu đánh cá của Trung Quốc xảy ra vào cuối tháng 7. Một số “ngư dân” có vũ trang, và ít nhất một tàu trong số này là loại bọc thép, nhưng chúng rút ngay mỗi khi các đơn vị Hải quân Nam Việt Nam tới. Sài Gòn triển khai các đơn vị đồn trú có quân số khoảng một trung đội trên ba hòn đảo thuộc nhóm đảo này.
Tháng 10/1974, các tàu đánh cá lưới rà số 402 và 407 của Trung Quốc đưa thủy thủ đoàn đổ bộ lên đảo Quang Hòa, thiết lập một trạm cung cấp, hầm hào, và cắm cờ Trung Quốc khắp trên đảo. Nam Việt Nam bắt giữ một số tàu đánh cá Trung Quốc vào tháng 11 cùng thủy thủ đoàn của chúng. Các thủy thủ Trung Cộng bị đưa về Đà Nẵng nơi họ phải thú tội trên truyền hình về các hành động phạm pháp và các tội ác đối với nhân dân Việt Nam trước khi được thả. Nhưng những vụ tàu đánh cá Trung Quốc tấn công dân chài Việt Nam tiếp tục diễn ra. Cùng kỳ, Mao ra lệnh cho Hải quân Trung Quốc chuẩn bị hành động quân sự để hỗ trợ các ngư dân Trung Quốc.
Ngày 10/01/1974, một nhóm ngư dân Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá tại đảo Hữu Nhật thuộc nhóm đảo Lưỡi liềm. Nhóm này đã bị các dân chài Việt Nam phát hiện 3 ngày trước, nhưng họ không thông tin được cho nhà cầm quyền Nam Việt Nam cho tới khi về tới Đà Nẵng hôm 11/01/1974. Cùng ngày, Bắc Kinh ra tuyên bố nhắc lại chủ quyền không thể tranh cãi của nước này đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như bãi ngầm Macclesfield, một đảo san hô vòng cách quần đảo Hoàng Sa 70 hải lý về phía Đông.
Nhận thấy những ý đồ của Bắc Kinh, Sài Gòn cử các tàu khu trục HQ-16, HQ-4, HQ-5, và tàu quét thủy lôi HQ-10 chở đội đặc nhiệm SEAL đến đảo Hữu Nhật. Hai trong số các tàu khu trục trên là thủy phi cơ đời Thế chiến II được cải tiến, tháo bỏ các thiết bị hỗ trợ thủy phi cơ, còn chiếc thứ ba là tàu khu trục hộ tống được cải tiến. Tất cả chúng ở trong tình trạng kém, thường xuyên xảy ra các vấn đề về kỹ thuật và vũ khí, khiến tốc độ và hỏa lực đều bị hạn chế.
Đến nơi vào ngày 16/1, các tàu chiến của Nam Việt Nam đã nhanh chóng đuổi các ngư dân Trung Quốc đi. Tàu đánh cá (TQ) số 407 báo cáo sự việc HQ-16 tới lên Bộ chỉ huy dân quân biển tại Du Lâm trên đảo Hải Nam ngay sáng 16. Điện báo này về tới Bắc Kinh vài giờ sau.
Chiều tối hôm đó, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phái hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt mang số hiệu 271 và 274 đón một đại đội dân quân biển gồm bốn trung đội (mỗi trung đội 10 người) từ đảo Phú Lâm đưa sang Nhóm đảo Lưỡi liềm. Bắc Kinh cố gắng tăng viện cho quân của họ, nhưng giống như đối phương, tàu chiến của Trung Quốc cũng ở trong tình trạng tồi tệ.
Cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc – một cuộc thanh trừng chống các ảnh hưởng phi chủ nghĩa xã hội và các đối thủ của Mao – đã làm hư hoại gần như hoàn toàn các xưởng đóng tàu của nước này. Hơn 2 triệu nhà khoa học, kỹ sư, nhà giáo, công nhân lành nghề, cán bộ hành chính bị tù đày hoặc giết chết, gồm cả những người đã đóng và bảo dưỡng tàu bè của nước này cũng như mạng lưới đường sắt chuyển vật tư tới các xưởng đóng tàu.
Kết quả là tàu chiến tốt nhất của Hải quân Trung Quốc, các khu trục hạm loại Type 065 đã không thể khởi hành. Còn chiếc 271 vừa xuất xưởng và chưa hoàn tất việc chạy thử trên biển, và chiếc 274 với động cơ diesel ở tình trạng kém, không thể đạt tốc độ 18 hải lý/giờ. Vậy mà chúng vẫn nhanh hơn, được trang bị tốt hơn các tàu của hải quân Nam Việt Nam. Hai chiếc tiêm kích Thẩm Dương J-6, bản copy của MIG – 19 do Liên Xô sản xuất, yểm hộ đường không cho các tàu săn ngầm, nhưng không có năng lực hoạt động tầm xa đủ để trực chiến trên đầu các tàu khi chúng nhập cuộc sáng 17/1.
Vào rạng sáng 18/1, hai tàu Trung Quốc đã đưa được một trung đội dân quân biển lên đảo Duy Mộng, một trung đội khác lên đảo Quang Hòa tây, và hai trung đội lên đảo Quang Hòa. Các trung đội này lập tức tiến hành đào hầm hào và đặt mìn và bẫy phía trước trận địa của họ. Hai tàu rà thủy lôi loại Type 10 đóng ở Quảng Châu, mang số hiệu 389 và 396, được lệnh tăng cường cho các tàu săn ngầm loại Kronstadt mang số hiệu 271 và 274. Chúng cũng đến nơi vào cuối buổi sáng hôm đó.
Hai chiếc tàu chiến khác có thể hoạt động được lúc đó của Trung Quốc là hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam được điều từ Sán Đầu, cách đó khoảng 476 hải lý. Chúng tiến về Hoàng Sa với tốc độ tối đa, được tiếp dầu ở Trạm Giang, phía nam Hồng Kông, và tại Du Lâm. Các tàu chiến này được lệnh hỗ trợ các thuyền đánh cá của dân quân biển với điều lệnh chiến đấu “không gây sự; không bắn trước; nhưng nếu lâm chiến, phải thắng”.
Vào sáng sớm 19/1, hạm trưởng chia tàu của Trung Quốc thành hai nhóm: tốp đầu gồm 4 chiếc do các tàu săn ngầm Kronstadt dẫn đầu, và tốp sau gồm các tàu săn ngầm lớp Hải Nam vừa tới. Hạm trưởng được lệnh đáp trả mọi thách thức đối với các tàu đánh cá của dân quân biển và hỗ trợ các ngư dân trên các đảo nếu cần.
Hải quân Nam Việt Nam cũng chia thành hai tốp. Tốp đầu bao gồm các tàu khu trục HQ-4 và HQ-5. Tốp này chạy vòng quanh các đảo Quang Ảnh (Money) và Hải Sâm (Antelope) từ phía nam và tiếp cận đảo Quang Hòa. Tốp thứ hai gồm các tàu quét mìn HQ-10 và tàu khu trục HQ – 16, băng qua vùng đầm phá tại Nhóm đảo Lưỡi liềm từ phía tây bắc.
Hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt của Trung Quốc chiếm vị trí để theo dõi các tàu HQ-4 và HQ-5, trong khi các tàu quét mìn loại Type 10 bám theo các tàu HQ-10 và HQ-16. Hạm trưởng HQ – 16 dự cảm trận đánh sắp xảy ra – đã tăng tốc vượt lên các tàu quét mìn Trung Quốc, và 14 lính đặc nhiệm của Nam Việt Nam được đưa lên hai thuyền cao su để giành lại đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây. HQ-16 đâm mạnh và làm hỏng nặng tàu quét mìn 389; thủy thủ trên chiếc 389 bắn vào cầu tàu và ụ súng phía trước của HQ-16, giết hoặc làm bị thương hầu hết thủy thủ Nam Việt Nam trên đó. Cuộc giao chiến sau đó đã diễn ra theo như ý đồ của Trung Quốc.
Các lính đặc nhiệm, từng dự kiến có hải quân yểm hộ, nay phải một mình đối đầu với các tàu Trung Quốc. Họ lên bờ giữa ban ngày, đối địch với một lực lượng kẻ thù đông, cố thủ trong chiến hào trên cả hai đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây, nên nhanh chóng bị đẩy lùi. Họ cố trở lại các thuyền cao su dưới làn đạn kẻ thù, trong khi các tàu hải quân Nam Việt Nam dàn hàng ngang tiến thẳng vào đội hình địch, bắn vào buồng hoa tiêu của địch và tìm cách xoay chuyển thế trận thành một cuộc chiến của pháo tầm xa. Không may cho lực lượng Nam Việt Nam, họ không có được tốc độ, do đó các tàu cơ động hơn của Trung Quốc có thể quyết định khoảng cách giao tranh. Hạm trưởng Trung Quốc ra lệnh: “Tăng tốc tiến lên, đánh cận chiến, thọc mạnh”. Biết rằng các tàu của mình trang bị kém và sẽ bị áp đảo trong một cuộc đấu súng tầm xa, hạm trưởng Trung Quốc quyết định dùng chiến thuật “giáp lá cà”. Sau 10 phút giao tranh, chiến trường đã thu hẹp từ phạm vi 2, 3 hải lý xuống còn vài trăm mét.
Các tàu săn ngầm lớp Kronstadt bắn cấp tập vào HQ-4, trong khi các tàu quét mìn Type 10 tập trung hỏa lực pháo 37mm vào chiếc HQ-16, nhằm vào buồng hoa tiêu, trung tâm thông tin và các radar. Bị bắn hỏng nặng, chiếc HQ-16 phải thoái lui. Các tàu quét mìn chuyển sang bắn vào HQ-10, nhằm vào kho đạn ở đuôi tàu, gây một tiếng nổ khiến phần động cơ phía trước con tàu này tê liệt.
Các tàu quét mìn chỉ cách HQ-10 có khoảng mười thước, khiến các nòng pháo còn lại của chiếc tàu Nam Việt Nam này không thể bắn vào những con tàu thấp và nhỏ hơn của đối phương đang tiếp cận sát thân tàu. Súng bộ binh của thủy thủ Trung Cộng quét dọc ngang sàn tàu và buồng hoa tiêu, sát hại thuyền trưởng và hầu hết thủy thủ điều khiển tàu.
Chiếc HQ-16 bị hư hại cố tiếp ứng cho HQ-10 nhưng bị đẩy ra xa bởi hỏa lực của quân Trung Quốc. Nó phải rút về phía đông nam, trong khi HQ-4 và HQ-5 rút về phía nam. Hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam của Trung Quốc tới nơi khoảng trưa 19/1, bắn tiếp vào chiếc HQ-10 khiến nó chìm vào lúc 1h chiều.
Cùng lúc, Bắc Kinh lo ngại Sài Gòn sẽ tăng cường quân cho các đồn còn lại trên các đảo, gồm khoảng 2 đại đội bộ binh trên các đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa (Pattle), và Quang Ảnh, và các lính đặc nhiệm còn sống sót. Hạm đội Nam Hải pha trộn một đội hình chắp vá gồm tất cả những đơn vị nào còn có thể lên đường: một tàu khu trục, năm tàu phóng lôi, và tám tàu tuần tra loại nhỏ. Được tổ chức thành ba đội tàu đổ bộ và vận tải, các tàu này chở 500 lính thuộc 3 đại đội bộ binh, một đại đội dân quân và một nhóm trinh sát vũ trang.
Đội tàu này triển khai thành đội hình thuận cho xuất phát. Tốp đầu gồm bốn chiếc tàu tuần tra và các tàu lưới rà của dân quân biển mang số hiệu 402 và 407, mang theo một đại đội bộ binh 100 lính. Tốp hai gồm một đại đội bộ binh và đội trinh sát thủy – bộ được rải ra trên bốn chiếc tàu tuần tra và chiếc tàu quét mìn 389. Chiếc tàu khu trục Nam Ninh, vốn là một tàu hộ tống của Nhật trước đây, trở thành thê đội ba, chở một đại đội bộ binh và được bổ nhiệm làm soái hạm của chiến dịch này.
Tốp đi đầu tiến công đảo Hữu Nhật, bắn pháo vào những người giữ đảo để đẩy họ khỏi bờ biển, rồi đổ bộ lính bộ binh bằng các thuyền cao su và xuống ba lá. Hữu Nhật thất thủ sau 10 phút. Thê đội 2 tiến đánh đảo Hoàng Sa (Pattle), đẩy 30 lính giữ đảo về phía giữa đảo nơi họ đầu hàng sau một giờ giao tranh. Trong trận đánh trên đảo này, Trung Quốc bắt được viên thiếu tá Nam Việt Nam chỉ huy lực lượng đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa và viên cố vấn được phái tới từ Đại sứ quán Mỹ. Các lính đặc nhiệm trên đảo Quang Ảnh bỏ vị trí trước khi Hải quân Trung Quốc tiến công, trốn thoát được vài ngày trước khi bị bắt.
Cho đến cuối chiều 20/1, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc. Hơn 100 lính Nam Việt Nam bị giết hoặc bị thương, và 48 lính Nam Việt Nam và một sĩ quan liên lạc người Mỹ bị bắt, so với 18 lính Trung Quốc bị chết, 67 người khác bị thương.
Đây là một thắng lợi lớn của Hải quân Trung Quốc: một tàu phá thủy lôi của Nam Việt Nam bị chìm, ba tàu khu trục bị hư hỏng nặng, so với hai tàu săn ngầm, một tàu quét thủy lôi và một tàu đánh cá của Trung Quốc bị hư hỏng nặng.
Trung Quốc dành 2 tuần tiếp theo để gia tăng sự hiện diện hải quân xung quanh các đảo và củng cố phòng ngự, bao gồm cả việc triển khai một tàu ngầm lớp Romeo và ba tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Thành Đô, mang theo các tên lửa hành trình chống hạm loại Styx.
Về chiến thuật, các đơn vị hải quân Nam Việt Nam có hỏa lực mạnh hơn đối phương, nhưng họ không có một hệ thống radar điều khiển hỏa lực, do đó phải bắn qua lỗ ngắm, làm giảm đáng kể khả năng bắn trúng các mục tiêu cơ động nhanh như các tàu tuần tiễu của Trung Quốc. Mặc dù tình trạng kỹ thuật của tàu chiến cả hai bên ngăn cản họ hành động ở tốc độ cao nhất, các tàu của Trung Quốc vẫn đạt được tốc độ tới 7-10 hải lý/giờ, một ưu thế khiến họ có thể quyết định cự ly giao tranh.
Một khi đã đạt được cự ly cách các tàu của Nam Việt Nam nửa dặm, các vũ khí nhẹ, tác xạ nhanh của tàu Trung Quốc và sự linh hoạt tạo cho họ một ưu thế rõ ràng. Chiến trường được quyết định trong một khoảng cách chỉ 200 thước. Không gian chỉ huy, hoa tiêu và liên lạc của các tàu Nam Việt Nam đối mặt với hỏa lực tầm gần chính xác, và các pháo lớn của họ bị vô hiệu ở tầm bắn gần. Các tàu của Nam Việt Nam đành rút lui, để các đơn vị đồn trú trên các đảo không được hỏa lực hải quân hỗ trợ.
Nam Việt Nam đe dọa sẽ trả đũa nhưng nhận thấy cán cân lực lượng hải quân nghiêng về phía Trung Quốc. Hơn nữa, Sài Gòn có nhiều mối lo đè nặng. Cơ quan tình báo Sài Gòn đang dõi theo các đường vận tải và chuyển quân của Bắc Việt đổ theo hướng qua Lào và đông Campuchia. Việc dồn quân dọc biên giới Nam Việt Nam là một dấu hiệu gây lo ngại về ý định của Hà Nội.
Cùng lúc, Hà Nội phản đối động thái này của Bắc Kinh nhưng không hành động gì. Bắc Việt vẫn cần sự ủng hộ của Trung Quốc để tổ chức, động viên lực lượng của mình cho trận đánh cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát Nam Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4/1975, Hà Nội nhanh chóng giành quyền kiểm soát các đảo do Nam Việt Nam nắm giữ trên quần đảo Trường Sa. Những năm sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và duy trì tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này, cũng như với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam tuy vậy chưa bao giờ tìm cách chiếm lại Hoàng Sa. Nước này còn bị thua trong một cuộc hải chiến vào những năm 1980 khi Trung Quốc tấn công ba đảo đá san hô do Việt Nam kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong các cuộc giao tranh kể trên và trong các hành động gần đây, Bắc Kinh đã lặp lại các chiến thuật nó đã sử dụng vào năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa. Thứ nhất, cho các tàu đánh cá thâm nhập vùng tranh chấp, trong đó có cả các tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển, để xua đuổi lực lượng bên kia. Các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được triển khai gần đó nhằm hỗ trợ các tàu đánh cá nếu cần, còn xa hơn là các nhóm tàu hải quân để hỗ trợ các tàu Hải cảnh. Cả lực lượng hải cảnh lẫn các đơn vị hải quân đều không bắn trước, nhưng nếu chiến sự xảy ra, họ sẽ phải chiến thắng. Trung Quốc cũng thiết lập một sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm và đồn trú quân trên một số đảo san hô mà họ chiếm được gần đây tại Trường Sa.
Việt Nam cũng đáp lại bằng cách vũ trang cho các tàu đánh cá của mình và thiết lập quan hệ đối tác quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời tìm cách hợp tác quân sự với cựu thù Hoa Kỳ. Với 5 bên cùng tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc, Biển Đông đã trở thành một “điểm nóng” và kích thích một cuộc chạy đua vũ trang khu vực mà có người lo ngại sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới.
Carl O. Schuster là một sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu sau 25 năm công tác, với những năm cuối cùng phục vụ trong ngành tính báo quân sự. Hiện sống ở Honolulu, Schuster tham gia giảng dạy chương trình Ngoại giao và Khoa học Quân sự tại Hawaii Pacific University.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét