Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Bắc Giang: Đón hơn 300 thương nhân Trung Quốc sang mua vải Lục Ngạn

DNVN - Đến Lục Ngạn, Bắc Giang những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6, lúc thời tiết miền Bắc đang nóng đỉnh điểm cũng là thời điểm vùng vải thiều lớn nhất Bắc Bộ nhộn nhịp không khí thu hoạch vải vụ sớm. Tỉnh Bắc Giang đã làm thủ tục đón hơn 300 thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn mua vải, đảm bảo các biện pháp phòng dịch Covid-19.

85.000 tấn vải Lục Ngạn cần thị trường tiêu thụ trong 2 tháng
Dọc theo con đường vào Lục Ngạn, từ sáng sớm, hai bên đường là những chiếc xe máy chở những thùng vải thiều chín đỏ rực tới các điểm cân thu mua vải dọc hai bên đường. Tại mỗi điểm cân, không khí làm việc cũng vô cùng tất bật. Hàng chục công nhân hối hả xếp đá, xếp vải vào các thùng xốp, đóng kín rồi chất ra hai bên đường để xe đến chở đi. Con đường tỉnh lộ vào Lục Ngạn những ngày này mật độ xe khá dày đặc, vào buổi sáng hoặc chiều thường bị tắc xe cục bộ do lượng xe tải trọng lớn vào chở vải đi các nơi.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Quyên (thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn), hiện gia đình anh đang có 300 gốc vải trồng theo chuẩn GlobalGap trên diện tích đất 1ha, với khoảng 90% sản lượng cây ra quả, dự kiến năm nay thu hoạch được khoảng 15 tấn vải, được trồng trong khu vực an toàn. Hiện giá bán vụ vải sớm (vải u trứng) dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
“Mọi năm vụ vải sớm giá rất cao, khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, năm nay giá giảm chỉ bằng 50%, nhưng mức giá này vẫn đảm bảo nông dân có lãi, không bị lỗ. Năm nay thương lái Trung Quốc vẫn được tạo điều kiện sang mua vải, và những khách hàng cũ ở trong nước đến mua, nên việc tiêu thụ vải khá thuận lợi, nông dân chưa gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19”, anh Nguyễn Văn Quyên cho biết.
Anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang chia sẻ với phóng viên.
Anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang chia sẻ với phóng viên.

Do sản lượng vải Lục Ngạn xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc là chủ yếu, nên tưởng chừng vụ vải năm nay người dân Lục Ngạn sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhưng những khó khăn này đã được chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn sớm lập phương án để tháo gỡ, giúp cho việc tiêu thụ vải được thuận lợi.
Ông Lâm Văn Mật, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2020, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên tỷ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 65% diện tích. Tổng diện tích trồng vải toàn huyện được duy trì 15.290 ha, trong đó vải chín sớm khoảng 2.000 ha, chiếm 13%; vải thiều chính vụ khoảng 13.290, chiếm 87%. Dự báo sản lượng vải tại Lục Ngạn năm nay đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn, vải chính vụ trên 65.000 tấn.
Thời gian thu hoạch vải năm nay sẽ chia làm 2 đợt: Vải chín sớm thu hoạch từ ngày 25/5/2020, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 - 30/7/2020. Tính đến ngày 29/5/2020, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được 415 tấn vải chín sớm, tập trung tại các xã: Phượng Sơn, Tân Mộc, Giáp Sơn, Phì Điền…
Thương nhân Trung Quốc được hỗ trợ tốt nhất khi đến Lục Ngạn mua vải
Do đặc điểm mùa vải năm nay rơi vào đúng thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, ngay từ giữa tháng 3, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng 3 phương án hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19.
Vải Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Australia, trong đó thị trường Trung Quốc tiêu thụ số lượng lớn nhất. Do đó, UBND huyện Lục Ngạn đã chủ động có phương án, kịch bản hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm vải thiều được sản xuất để xuất khẩu đi các nước. Theo đó, UBND huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Bộ Công an cho phép 309 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh và thực hiện các biện pháp chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế. Sau thời gian cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày, căn cứ kết quả xét nghiệm Covid-19, các thương nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành cách ly y tế và được hoạt động giao dịch, thu mua vải thiều bình thường tại địa phương.
Một vườn vải sạch trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap.
Một vườn vải sạch trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap ở Lục Ngạn.
Trên địa bàn huyện có 29 khách sạn, nhà nghỉ với 338 phòng, 454 giường, sức chứa tối đa 750 khách. UBND huyện đã bố trí 5 khách sạn, nhà nghỉ để đón thương nhân nước ngoài đến cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày.
Trước đó huyện Lục Ngạn tổ chức phương tiện và lực lượng đón các thương nhân Trung Quốc tại Cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để đưa về các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện để thực hiện cách ly tập trung đủ thời gian 14 ngày. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện đã chủ động chuẩn bị phương án tổ chức cách ly, các điều kiện về lực lượng và chuyên môn y tế, cơ sở vật chất, hậu cần, an ninh trật tự... đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch cho các thương nhân Trung Quốc.
“Các thương nhân Trung Quốc được hỗ trợ tốt nhất để tới Lục Ngạn mua vải. Đến nay, hơn 300 thương nhân Trung Quốc đã sang Lục Ngạn và đang thực hiện cách ly y tế 14 ngày tại các khách sạn. Các lực lượng y tế, công an, bộ đội đã vào cuộc để hỗ trợ các thương nhân thực hiện biện pháp cách ly chống dịch. Huyện xác định bảo vệ các thương nhân sang Việt Nam là bảo vệ chính mình. Tất cả các năm trước, huyện đều có phương án hỗ trợ thương nhân đến mua vải và hỗ trợ nông dân trồng vải tìm thị trường. Nhưng năm nay việc hỗ trợ thương nhân và người dân được thực hiện trong điều kiện đặc biệt hơn, và đến nay mọi việc đang diễn ra rất thuận lợi”, ông Lâm Văn Mật chia sẻ.
Đối với sản lượng vải xuất khẩu đi Nhật Bản nhưng do như dịch bệnh Covid-19 nên chưa thể xuất khẩu được trong năm nay, UBND huyện Lục Ngạn dự kiến đưa sản phẩm chất lượng cao vào chuỗi dịch vụ du lịch, các kênh phân phối, bán lẻ của các siêu thị lớn ở trong nước và các nước ASEAN.
Mở rộng quy hoạch vùng vải sạch đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap
Lục Ngạn có thể nói là vùng vải có chất lượng cao, lớn nhất cả nước. Huyện Lục Ngạn đã triển khai các chương trình để quy hoạch vùng trồng vải thành nơi sản xuất vải sạch, đạt chất lượng cao theo quy chuẩn của Việt Nam và Quốc tế. Theo đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 11.000 ha, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap (chuẩn xuất đi toàn thế giới) khoảng 100 ha.
Lục Ngạn đang duy trì diện tích 217,89 ha vải thiều của 394 hộ sản xuất tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp 18 mã số xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đồng thời, phía Trung Quốc đã cấp 36 mã số đối với toàn bộ vùng trồng vải thiều Lục Ngạn và 229 doanh nghiệp, HTX, cơ sở được công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu chính ngạch quả vải thiều tươi vào thị trường Trung Quốc.
UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cấp 18 mã số cho 99 hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với tổng diện tích 98 ha tại 6 xã: Hồng Giang, Quý Sơn, Giáp Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp, Nam Dương (vượt 53 ha so với kế hoạch), dự kiến sản lượng đạt khoảng 900 - 1.000 tấn. Trong đó đã tập trung hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật cho 38 hộ với diện tích 50 ha tại 4 xã: Nam Dương, Quý Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp. Hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích 50 ha, với mức kinh phí hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha để xây mới, cải tạo nâng cấp kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thí điểm màng bao quả..
Đến nay đã có 3 doanh nghiệp đăng ký mã vườn trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản: Công ty A.meii 3 mã, diện tích 15 ha (thôn Chão, xã Giáp Sơn 5 ha; thôn Ngọt, xã Hồng Giang 05 ha; thôn Hóa, xã Tân Sơn 05 ha); Công ty Chánh Thu 4 mã, diện tích 15 ha (thôn Vành Dây 5 ha, thôn Số 3, xã Quý Sơn 5 ha; thôn Hóa, xã Tân Sơn 5 ha); Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu 1 mã, diện tích 5 ha tại thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn.
Để cho ra những trái vải đạt chất lượng ngon, sạch, an toàn, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức được 71 lớp tập huấn, tổ chức cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ký cam kết thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly. Trong đó: Phòng Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật cho toàn bộ nông dân tham gia vùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Trung tâm Dịch vụ- Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã tổ chức được 64 lớp tập huấn về sản xuất vải thiều theo quy trình VietGap, GlobalGap.
Đỗ Quyên

Không có nhận xét nào: