Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Việt Nam lại ‘tràn ngập’ ý tưởng… ‘thu phí’

“Đọc báo điện tử phải nộp phí”; “thu phí rác thải theo kilogam”; “thu phí cao tốc, BOT cả đời”;… là các vấn đề được dư luận tại Việt Nam quan tâm trong thời gian gần đây.
thu phí rác thải theo kilogam, đọc báo điện tử phải nộp phí, Việt Nam
“Đọc báo điện tử phải nộp phí”; “thu phí rác thải theo kilogam”; “thu phí cao tốc, bot cả đời”;…là các vấn vấn được dư luận tại Việt Nam quan tâm trong thời gian gần đây.
Truyền thông trong nước hôm 11/6 có đưa “cơ quan báo chí sẽ thu phí từ các nhà mạng và thu phí người đọc báo trong thời gian tới đây”.

Thông tin này được dẫn lại từ diễn đàn “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu”, do báo Nhà báo và Công luận tổ chức.
Một trong những lý do thu phí được cho là do dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến các cơ quan báo chí trong nước giảm nguồn thu trầm trọng (phần lớn các tòa soạn sụt giảm doanh thu từ 30-50%, thậm chí có nơi giảm tới 60%), nhiều nơi không có tiền để trả nhuận bút cho phóng viên, từ đó nảy sinh các vấn đề tiêu cực làm suy giảm uy tín của báo chí với xã hội.
Về vấn đề này, tài khoản Nguyên Hỷ bày tỏ: ‘Báo chí nếu đưa tin đa chiều, trung thực đến với đọc giả thì sẽ sống lại ngay ấy mà..!. Chứ cứ tiếp tục theo chiều hướng này… thì online hoặc báo giấy sẽ không bao giờ thu hút được cộng đồng đâu”.
Sầm Thị Minh Ngọc viết: “À, mấu chốt đây rồi. Không làm báo độc lập thì không vào đọc. Đọc facebook đủ rồi!”.
Hanh Phạm cho rằng: “Kinh doanh thông tin nó có nguyên tắc, ai cần thông tin sẽ chấp nhận trả phí miễn là tin đó giúp họ tạo ra giá trị (bán nội dung) và ai muốn đẩy/phổ biến thông tin đi cũng sẽ phải trả phí (bán tập hợp người dùng – tức quảng cáo). Nếu không có tự do báo chí thì không thể có nội dung tốt để người đọc chấp nhận trả phí. Còn nếu chú trọng vào quảng cáo thì báo chí quay lại tin lá cải, có khi phải trả phí cho người đọc chứ đừng mơ gì thu phí được người dùng?! Nước ngoài họ thu được phí vì báo chí tự do…”.
Nguyễn Đại Nam: “Không đùa được đâu đó, sẽ thu phí từ nhà mạng. Bạn có quyền từ chối có nghĩa là bạn sẽ không được truy cập bất cứ trang nào có máy chủ tại Việt Nam, đồng thời các trang quốc tế thì cá mập cắn, bạn mù luôn. Thâm sâu đó”.
Lê Đức Dương: “Càng ngày càng có nhiều cái oái oăm”.
Nghiêm Phúc: “Các ông viết sai tui đọc, tui cũng phải trả phí à”.
Hứa Vinh nói vui rằng: “Trả phí để đọc báo xem khi nào Cát Linh Hà Đông chạy được”.
Dinhngo Ch: “Bao lâu nay không thấy bàn việc gì ích nước, lợi nhà, chăm lo đời sống cho dân, mà toàn chỉ thấy làm sao tận thu hết cái này tới cái khác!”.
Ước Vọng: “Dân đã lười đọc sách rồi thì phải làm sao để tạo điều kiện cho dân tiếp cận với sách hơn chứ!. Bây giờ… thu phí đọc báo điện từ thì thôi rồi!”.
Bộ TT&TT Việt Nam thống kê, với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình (báo chí, phát thanh, truyền hình) nhưng trong năm 2019, mức thu chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của Facebook, Google ở thị trường Việt Nam. Điều này khiến các cơ quan báo chí phải xoay sở bằng nhiều cách, dẫn đến không ít cơ quan báo chí câu view với việc khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế.

Thu phí rác thải bằng kilogam

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà hôm 11/6 có nói về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) rằng, dự thảo luật xác định sẽ không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”, ông Hà nói.
Ông Hà nói thêm rằng hiện người dân chỉ phải chịu một phần kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhà nước sẽ chi trả phần chính. Nhưng khi đời sống người dân tăng lên, sẽ điều chỉnh dần dần để người dân trả cả chi phí này.
Thông tin này lập tức nhận được ý kiến trái chiều của người dân.
Facebook Bạch Hoàn cho rằng Bộ trưởng Hà đã đưa ra một đề xuất có thể nói là gây kinh ngạc, đó là thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng rác thải ra, tức cân ký, thải bao nhiêu kilogam rác thì đóng bấy nhiêu tiền.
Tài khoản này bày tỏ, “thứ nhất, việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ phá hoại động lực thu gom rác. Khi thu phí rác theo khối lượng rác thải ra, không thể tránh khỏi một bộ phận lớn thiếu ý thức bảo vệ môi trường sẽ không trung thực trong khối lượng rác.
Thay vì gom rác lại để giao cho các đơn vị thu gom, để tránh phải đóng nhiều phí, người ta sẽ quăng rác khắp nơi, ném ra đường, quăng xuống ao hồ sông suối, không dại gì mang rác gom vào thùng để chuyển cho các đơn vị xử lý tập trung. Và khi đó, thật khủng khiếp, rác sẽ tràn ngập khắp nơi. Cả đất nước sẽ trở thành một bãi rác.
Thứ hai, nếu thu phí rác thải theo kilogam, tức tính toán khối lượng đến từng hộ dân, theo từng ngày, sẽ kéo theo hệ lụy khủng khiếp, đó là một bộ máy cồng kềnh để thực hiện.
Thu phí rác thải theo khối lượng thì đương nhiên phải cân. Không cân thì biết đâu mà tính phí.
Muốn làm tới nơi tới chốn thì phải tự đi cân đo, dùng cân, dùng túi đo khối lượng… Và như thế, cả xã hội có khoảng 26,9 triệu hộ gia đình, mỗi ngày phải có một đội ngũ cân, đo, ghi dữ liệu của 26,9 triệu hộ gia đình, thực hiện 26,9 triệu lần cân, đo rác thải. Như vậy sẽ tiêu tốn biết bao nhiêu thời gian và nguồn lực của xã hội?
Việc Bộ TN&MT đưa ra đề xuất tính phí rác thải sinh hoạt theo kilogam của từng hộ dân, tôi cho rằng không có mục đích gì khác ngoài việc để tăng thu. Nhưng, tăng thu không có nghĩa là tăng hiệu quả. Bởi nó vừa tiêu tốn thời gian, tiền bạc của xã hội, vừa phá hoại động lực thu gom rác thải.
Như thế có nghĩa, đề xuất này không góp phần bảo vệ môi trường mà sẽ gián tiếp phá hoại môi trường. Nhưng, suy cho cùng, nó lại thống nhất với truyền thống thuế phí môi trường thu của dân không nhất thiết dùng để bảo vệ môi trường”.
Tài khoản Facebook Chau Doan viết: “Hãy nghĩ tới người đi đổ rác và đặc biệt là công nhân thu gom rác. Người thu gom rác giờ sẽ phải mang theo một cái cân, sẽ cùng người đổ rác xăm soi chăm chú vào cái cân, sẽ phải ghi vào sổ số cân rác và phải ký nhận và họ cùng nhau… phải ngửi mùi hôi thối của rác thải, hàng xóm sẽ xếp hàng chờ vào giờ ăn tối để đến lượt được cân rác của mình”.
Chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy bày tỏ: “Tôi ủng hộ cách tính tiền rác dựa vào số lượng mà mỗi người thải rác ra môi trường. Như thế sẽ đảm bảo sự bình đẳng và cũng hạn chế việc thải nhiều rác ra môi trường. Nhưng cách dùng CÂN để tính rác theo kilogam thì không khả thi.
Hãy học người Nhật tính rác theo THỂ TÍCH rác và CHỦNG LOẠI rác.
Có 4- 5 loại túi rác được bày bán ở siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi. Tùy loại túi rác mà giá thành khác nhau theo thể tích và theo chủng loại túi được quy định để bỏ loại rác gì. Thông thường túi đựng rác được bán với giá từ 50 yên (10.000vnd) cho 5 cái đựng rác là chai nhựa có khả năng tái chế, 100 yên là rác thực phẩm hữu cơ, 400 yên/ 5 cái là rác hỗn hợp với dung tích lớn khoảng 20 lít,… Ai bỏ sai loại rác và bỏ sai ngày thì người thu gom rác cứ bỏ đó cho đến thúi luôn. Người chủ nhà (chủ đất) cho thuê nhà có trách nhiệm đem cái túi rác bỏ sai quy cách đó đến tận cửa nhà khổ chủ trả lại. Ai sai vài lần sẽ thất kinh không dám vi phạm nữa.
Nên theo cách đó chứ đem cân thì ai cân được! Đặc biệt các siêu chung cư như Time hay Royal thì ai xếp hàng cân rác cho được?!”.
Tài khoản Huỳnh Quốc Vương“Cứ vài tháng lại đề xuất thêm 1 loại phí, lưng người dân đã còng xuống lắm rồi ông Bộ trưởng ạ. Chẳng hay Bộ trưởng hiện tại đã đóng được loại thuế nào rồi, theo tôi biết thì hầu như ông được miễn tất cả nên không thấy xót cho dân đen tụi tui à”.
Hoàng: “Chưa thu phí mà tệ nạn vứt rác bừa bãi ra hè phố, kênh rạch… đã nhức nhối từ lâu rồi! Ở khu phố tôi, phường đã gắn camera an ninh từ lâu. Dưới cái camera còn ghi rõ: vứt rác phạt 2.000.000đ. Nhưng rác thì cứ vứt, mà có thu được 1 xu tiền phạt nào đâu. Tôi tin chắc cái Nghị định “thu tiền rác” này sẽ bị phá sản!”.
Liên quan đến vấn đề môi trường, hôm 11/6 tại phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm về vấn đề này”. Thủ tướng khẳng định cần sửa luật để có người bị kỷ luật, bị xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trong vấn đề môi trường,…
Ngoài đề xuất “đọc báo điện tử phải thu phí”, “thu phí rác thải theo kilogam”, thì thời gian qua tại Việt Nam, chúng tôi thấy rằng đề xuất “thu phí chống ngập theo mét vuông”, “thu phí kiểm định xe máy”, “thu phí cao tốc, BOT cả đời” cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, cộng đồng mạng, phần nhiều là không đồng ý.
Hoàng Minh

Không có nhận xét nào: