“Chúng ta không nên cho những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành thép của Việt Nam nữa. Thay vào đó, nên dành quyền đầu tư vào ngành thép cho những nhà đầu tư trong nước,” Phó chủ tịch Hiệp hội Thép nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng đã đến lúc cần phải dành quyền đầu tư vào ngành thép cho những doanh nghiệp thép trong nước.
Nói tại hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP về đầu tư” ngày 27/10, ông Sưa cho rằng, hơn 20 năm trước, khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, Chính phủ đã mở rộng cửa để đón chào các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành thép, chính sách đó đã góp phần phát triển ngành thép như hiện nay. Thế nhưng, cho đến nay các doanh nghiệp thép của Việt Nam đã có thời gian dài để tích lũy nguồn vốn, kinh nghiệm, và nhân lực, và họ đã có đủ khả năng để đầu tư vào những dự án quy mô lớn có công suất 4-5 triệu tấn thép/năm.
“Phải nói thực là chúng ta không nên cho những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành thép của Việt Nam nữa. Thay vào đó, nên dành quyền đầu tư vào ngành thép cho những nhà đầu tư trong nước,” ông Nguyễn Văn Sưa nói.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam. Ảnh: NT. |
Lý do được ông Sưa đưa ra, thứ nhất, ngành thép là một ngành quan trọng, người Việt Nam phải giữ vai trò chủ đạo của ngành này. Thứ hai, mặc dù tạo ra lợi nhuận và công ăn việc làm, nhưng ngành công nghiệp thép lại là ngành để lại hậu quả lớn về môi trường với những tác động tiêu cực. Trong bối cảnh Việt Nam không có đủ điều kiện tài nguyên cho ngành thép phát triển lớn, nếu phát triển ngành thép lớn mạnh, Việt Nam sẽ phải nhập quặng thép và than cốc từ nước ngoài. Như vậy, Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả về môi trường, cho nên cần có tính toán rất kỹ trên cơ sở nghiên cứu rất sâu về tính cạnh tranh cũng như lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp thép.
“Do vậy, trong thời gian tới nhà nước nên ứng xử với những nhà đầu tư trong nước thuộc lĩnh vực thép phải ưu đãi hơn so với nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù theo cam kết TPP, nhà nước phải đối xử với nhà đầu tư nước ngoài ít nhất ngang bằng với nhà đầu tư trong nước,” ông Nguyễn Văn Sưa nói.
Trả lời kiến nghị trên của ông Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế, VCCI – cho rằng, sau sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, chúng ta cũng đã hiểu được tác động của ngành thép đối với môi trường như thế nào, nhưng những kiến nghị của Hiệp hội Thép chỉ phù hợp khi Việt Nam chưa ký các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
“Ông bà ta có câu “con đã mọc răng rồi còn nói năng gì nữa”, nếu như trước đây Hiệp hội Thép lên tiếng mạnh mẽ thì có lẽ đã khác, nhưng giờ đây, cam kết của chúng ta là không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài khi hội nhập kinh tế,” ông Trần Hữu Huỳnh nói.
Theo bà Đinh Ánh Tuyết - Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, Luật sư thành viên CLB Luật sư thương mại và quốc tế - việc hiểu rõ về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các Hiệp định Thương mại tự do khác là rất quan trọng với doanh nghiệp, bởi suy cho cùng đối tượng được hưởng lợi từ TPP và các FTAs chính là doanh nghiệp. TPP quy định Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư phải có nghĩa vụ với các nhà đầu tư nước ngoài, do vậy doanh nghiệp cũng nên kiến nghị để được đối xử không kém thuận lợi hơn so với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Luật sư Đinh Ánh Tuyết cho rằng, quá trình đưa ra các kiến nghị về chính sách, doanh nghiệp và Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp cần phải hiểu rằng những kiến nghị đưa ra có phù hợp với thông lệ quốc tế, có phù hợp với nghĩa vụ của nhà nước Việt Nam theo các Hiệp định thương mại đã ký kết hay không.
“Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết hơn 60 Hiệp định tự do thương mại song phương và khoảng 10 Hiệp định tự do thương mại đa phương,” luật sư Đinh Ánh Tuyết nói. “Những cam kết hội nhập buộc Chính phủ không thể ban hành một quy định pháp luật không phù hợp với các cam kết quốc tế. Do vậy, để đưa ra được kiến nghị có tính khả thi, doanh nghiệp và Hiệp hội cần phải đưa ra kiến nghị như thế nào cho phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký cam kết.”
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, trong cam kết TPP, có những nguyên tắc đáng lưu ý, như nguyên tắc Đối xử quốc gia. Theo đó, Chính phủ không được đối xử với nhà đầu tư nước ngoài kém hơn so với đối xử với nhà đầu tư trong nước. Nguyên tắc này lập ra là để không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, nhưng bản chất của nguyên tắc lại không hẳn như vậy. Theo đó, trong cam kết TPP hay trong bất kỳ một cam kết nào về đầu tư, người ta chỉ quan tâm đến nhà đầu tư của đối tác, chứ không quan tâm đến nhà đầu tư nội địa. Đây chính là các vấn đề khiến các nhà đầu tư trong nước cần quan tâm.
Hay nguyên tắc không được phân biệt đối xử giữa những nhà đầu tư TPP với những nhà đầu tư thuộc các khu vực khác, đồng thời không được can thiệp vào quá trình đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư TPP. Ngoài ra còn có những nhóm nguyên tắc về bảo hộ tài sản, ứng xử khi xảy ra xung đột vũ trang, bạo loạn dân sự, hay ứng xử khi nhà đầu tư muốn chuyển tài sản ra nước ngoài... Những nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các thành viên tham gia TPP nói chung, cũng như liên quan đến ứng xử của cơ quan có thẩm quyền đối với nhà đầu tư TPP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét