Chiến đấu cơ JH-7A của quân khu Thẩm Dương (Trung Quốc) bay lượn trên đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của VN) tháng 8.2015. Ảnh: Bộ Quốc phòng TQ
Trung Quốc vừa triển khai nhiều chiến đấu cơ J-11 và máy bay tiêm kích – ném bom JH-7 tới đóng trú phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ lần đầu tiên cử Hạm đội 3 đi tuần tra gần Hoàng Sa.
Ngày 25/10, tờ Đông Phương nhật báo (Hồng Kông) báo tin quân đội Trung Quốc vừa triển khai nhiều chiến đấu cơ J-11 và máy bay tiêm kích – ném bom JH-7 tới đóng trú phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thông tin trên không cho biết số lượng cụ thể nhưng giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang có ý đồ kết hợp chiến đấu cơ tại Hoàng Sa với các sân bay trên đảo Hải Nam cùng những cơ sở phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN để tạo thành “tam giác sắt” giám sát toàn bộ không phận Biển Đông.
Có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã xây xong đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, đồng thời sắp hoàn tất 2 công trình tương tự trên đá Xu Bi và Vành Khăn. Những bãi đá này thuộc Trường Sa nhưng đã bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo.
Thông tin trên được đưa ra vài ngày sau khi hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur tuần tra bảo vệ tự do hàng hải gần 2 đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc Hoàng Sa hôm 21/10. Giới chuyên gia nhận định với tờ South China Morning Post rằng Mỹ có thể sẽ tiếp tục điều thêm tàu chiến và máy bay quân sự tiến hành hoạt động tự do hàng hải, hàng không xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa trong vài tháng tới.
Đối mặt Hạm đội 3 của Mỹ tại Hoàng Sa
Ngày 25/10, hai nguồn tin Mỹ khác nhau đã khẳng định với Reuters, chiến hạm USS Decatur đã đến vùng Hoàng Sa để thách thức “yêu sách trên biển quá đáng” của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là khu trục hạm nằm dưới quyền chỉ huy của Hạm đội 3 Hoa Kỳ, đặt bản doanh tại San Diego, California.
Như vậy, đây là lần đầu tiên mà Mỹ cho Hạm đội 3 đến hoạt động tại Biển Đông, và cũng là lần đầu tiên một chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông lại không do Hạm đội 7 chuyên trách Châu Á-Thái Bình Dương và đặt bản doanh tại Nhật Bản tiến hành.
Các nguồn tin trên xác định việc mở cửa cho Hạm đội 3 tiến vào Biển Đông nằm trong mục tiêu tăng cường sức mạnh hải quân của Mỹ trong khu vực và thử nghiệm chiến lược mới, cho phép Hải quân Mỹ hoạt động trên hai mặt trận ở Châu Á cùng một lúc.
Một nguồn tin cho rằng: Cho tàu của Hạm Đội 3 đến hoạt động ở Châu Á có nghĩa là Hải quân Mỹ có thể thực hiện tốt hơn cùng một lúc các hoạt vừa ở vùng bán đảo Triều Tiên, vừa ở khu vực Philippines.
Việc Hạm đội 3 được biệt phái qua hoạt động tại Châu Á sẽ góp phần tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực. Là lực lượng chủ đạo lo việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ, hạm đội này hùng hậu hơn Hạm đội 7 rất nhiều.
Hạm đội 3 có hơn 100 chiếc tàu, trong đó bốn tàu sân bay, trong lúc Hạm đội 7 chỉ có khoảng 80 tàu, trong đó một tàu sân bay, là chiếc USS Ronald Reagan – theo RFI.
Một phát ngôn viên của Hạm đội 3 tại San Diego cho biết khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường Decatur là một trong ba chiếc thuộc Nhóm Hành động trên biển (Surface Action Group – SAG) đã được triển khai tới vùng Biển Đông từ cách đây sáu tháng.
Trong khi đó, chuyên gia Lý Kiệt tại Viện Nghiên cứu quân sự thuộc hải quân Trung Quốc còn cho rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng cách mở rộng hiện diện trên các đảo và “sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn”.
Như vậy sự đối mặt giữa “Tam giác sắt” của Trung Quốc với Hạm đội 3 của Mỹ tại Biển Đông sẽ khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét