Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Ông Nguyễn Đình Cung: "480 tỉ đô la không phải là nguồn lực để tái cơ cấu"; BT Bộ KH-DT: Huy động trong dân 6 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế?

Thứ Sáu,  28/10/2016, 16:32 (GMT+7)
Tư Giang thực hiện
Ông Nguyễn Đình Cung. Ảnh: TL
(TBKTSG Online) - Con số 480 tỉ đô la Mỹ trong đề án Tái cơ cấu kinh tế đang gây tranh luận nhiều chiều, làm lu mờ tinh thần chính của đề án quan trọng đang được Quốc hội xem xét. TBKTSG Online trao đổi với Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung về xung quanh vấn đề này.
TBKTSG Online: Con số 10 triệu tỉ đồng (480 tỉ đô la Mỹ) trong đề án Tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 đang gây tranh cãi nhiều chiều. Nên hiểu con số đó như thế nào, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Tôi giải thích rất sơ lược thế này. Trong kế hoạch 2016-2020, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32-33% GDP, dự kiến tổng GDP vào khoảng 30 triệu tỈ đồng. Với tỷ lệ đầu tư/GDP như vậy, thì có khoảng 10 triệu tỈ đồng sẽ đưa vào đầu tư trong nền kinh tế. Đó (con số hơn 10 triệu tỈ đồng) là nguồn lực để đầu tư, chứ không phải nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế.
Vấn đề cấp bách đặt ra là tái cơ cấu kinh tế như thế nào, trên quan điểm gì, chứ không phải là nguồn lực ở đâu. Cần cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước. Ví dụ, Nhà nước nên bán vốn trong Vinamilk chẳng hạn, lấy tiền đó đầu tư cho Long Thành. Như vậy, vừa có thêm nguồn lực đầu tư, vừa khơi thông dòng chảy vốn trong nền kinh tế. Bản chất của tái cơ ấu kinh tế là làm cho nguồn lực hiệu quả hơn, chứ không phải bỏ thêm nhiều vốn để thúc đẩy tăng trưởng. Đó mới là cách tiếp cận chính của đề án tái cơ cấu kinh tế.
TBKTSG Online: Ông có thể giải thích rõ hơn luận điểm này của đề án?
- Đề án Tái cơ cấu kinh tế đưa ra 3 kịch bản và nhiều giải pháp nhưng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tới 2 điểm chính thôi. Đó là thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước, và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Về bản chất, đó là cách phân bố lại nguồn lực bằng cơ chế thị trường. Nhà nước phải đối diện với một nguyên tắc cơ bản trong kinh tế học: nguồn lực thì luôn luôn khan hiếm, và vì thế nguồn lực phải được đầu tư vào nơi tốt nhất, có hiệu quả nhất, chứ không phải được đầu tư một cách vô tội vạ theo cơ chế xin-cho như hiện nay.
Chúng tôi đề nghị 2 điểm rất quan trọng là cổ phần hóa DNNN thực chất và ở quy mô lớn, và giảm bội chi xuống 3-4% GDP. Chúng tôi tính toán, nếu làm được hai việc này cùng lúc, thì tăng trưởng kinh tế sẽ thêm được 0,5 điểm phần trăm. Bình thường kinh tế tăng trưởng 6,5%, nếu thêm 0,5% thì tăng trưởng 7% là có thể đạt được.
TBKTSG Online: Vì sao Nhà nước giảm chi tiêu mà lại giúp thúc đẩy tăng trưởng?
- Nguyên lý cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là mở rộng thị trường. Thị trường và xã hội phải mở rộng, lớn lên song song với việc Nhà nước phải thu hẹp lại, hiệu quả hơn. Các thị trường như vốn, lao động, đất đai phải vận hành theo cơ chế thị trường. Tôi đặc biệt nhấn mạnh, thị trường đất đai phải chuyển đổi được thành vốn; thị trường sản phẩm và dịch vụ phải là thị trường cạnh tranh, chứ không phải là những thị trường méo mó sai lệch như hiện nay, khi những người kinh doanh hiệu quả thì không thể tiếp cận nguồn lực, còn những người biết chạy chọt thì ăn đủ. Để thị trường phân bổ lại nguồn lực là tốt nhất.
TBKTSG Online: Tăng trưởng đã chậm lại không như tính toán. Nhìn vào cách thức tăng trưởng hiện nay, đâu là vấn đề làm ông băn khoăn lo lắng nhất?
- Theo tôi, điều đầu tiên cần xem xét kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng theo cách thức như hiện nay nữa không, và nếu không thay đổi thì sẽ như thế nào.
Trong 30 năm qua, cứ sau mỗi 10 năm thì tăng trưởng GDP giảm 1%. Thập niên đầu tiên sau đổi mới tăng trưởng trung bình 8%, thập niên sau đó còn 7%, và đến nay tăng trưởng chỉ còn 6%. Câu hỏi đặt ra, nếu tiếp tục đà này, không có thay đổi về nhiều mặt, liệu tăng trưởng có xuống 5% ở thập kỷ tới? Sau những rủi ro nghiêm trọng vừa qua, chúng ta đặt trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô; nhưng khi tăng trưởng chỉ còn 5%, thì có ổn định được vĩ mô không?
Cách thức tăng trưởng hiện nay là gì? Chúng ta vẫn dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào, tăng cường khai thác tài nguyên, lao động, vốn chứ không chú ý đến những yếu tố năng suất, hiệu quả cần dài hạn. Vì thế, cách thức điều hành là sử dụng những công cụ vĩ mô đẻ thúc đẩy tăng tưởng, mà không thay đổi nền tảng của kinh tế thị trường. Chính sách tài khóa thì phải tăng huy động, tăng đầu tư, tăng chi tiêu; chính sách tiền tệ thì phải luôn mở rộng, sử dụng hàng loạt các gói tín dụng, các gói kích thích. Cách thúc đẩy tăng trưởng như vậy là chỉ tập trung vào nhà nước, tăng thu, tăng chi; rốt cuộc là phải đi vay trong nước, ngoài nước làm bội chi, nợ công tăng lên.
Cách thức tăng trưởng như thế chắc chắn sẽ tạo rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô, và bỏ qua các cải cách thị trường.
TBKTSG Online: Vậy Nhà nước cần làm gì?
- Cải cách phía Nhà nước không chỉ là cải cách DNNN, đầu tư công, khu vực dịch vụ công đang được bao cấp, mà đặc biệt là phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Nếu không làm rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, thì không sao tái cơ cấu ngân sách nhà nước được. Nhà nước cần thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Động lực cho tăng trưởng phải là cởi trói cho những nền tảng vi mô của kinh tế thị trường. Không thể tiếp tục cơ chế xin-cho phổ biến như hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Cải cách trong nước cũng phải đi cùng với hội nhập. Tiến trình này đòi hỏi không chỉ thay đổi tư duy, mà còn đòi hỏi sự quyết tâm và hành động vì nó động chạm đến quyền và lợi ích của nhiềm người liên quan.


Huy động trong dân 6 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế?

Dân trí Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn lực cần thiết để thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là hơn 10,5 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự kiến ngân sách Nhà nước chỉ “gánh” 1/3, còn lại khoảng 6 triệu tỷ đồng sẽ huy động trong dân - từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 >> Hơn 10,5 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020
 >> Năm trọng tâm, 10 nhiệm vụ ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Theo tờ trình của Chính phủ về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nguồn lực cần thiết để tái cơ cấu sẽ lên đến hơn 10.567.000 tỷ đồng (hơn 10,5 triệu tỷ) theo giá thực tế.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng nay (22/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để có 10,5 triệu tỷ đồng nói trên, phải cân đối chung nguồn lực của đất nước và nguồn lực của xã hội để tái cơ cấu chứ không thể chỉ dùng ngân sách Nhà nước.
“Chỉ dùng ngân sách thì không thể có hơn 10 triệu tỷ đồng, ngân sách không đủ. Chủ trương chung trong tái cơ cấu cũng là không dựa, không quá phụ thuộc vào ngân sách”, ông Dũng lưu ý. Theo đó, nguồn lực sẽ huy động cả từ nước ngoài và tư nhân trong nước.
Cho biết “chưa xác định chính xác, chi tiết” về tỷ lệ đóng góp của ngân sách Nhà nước vào con số 10,5 triệu tỷ đồng nới trên, nhưng theo ông Dũng, dự kiến cơ cấu có thể ngân sách sẽ gánh 1/3, còn lại 2/3 sẽ huy động từ các nguồn lực xã hội khác.
Giải thích cụ thể hơn, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho hay, 1/3 trong số hơn 10,5 triệu tỷ nói trên sẽ được lồng ghép trong chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. 2 triệu tỷ đầu tư công trong kế hoạch này nằm trong nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế.
Khoảng 6 triệu tỷ đồng còn lại nói nôm na là huy động trong dân. Do vậy, theo ông Nguyễn Chí Dũng, cần phải tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả.
“Điều chủ yếu là phải tạo được niềm tin cho người dân đối với Nhà nước và nền kinh tế để họ yên tâm đầu tư, làm ăn”, ông nói.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ phải tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch, cạnh tranh so với các nước khác, từ đó mới thu hút được nguồn tiền đổ vào. Đây chính là nỗ lực của Chính phủ trong thời gian gần đây khi tích cực cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường pháp lý an toàn, thân thiện và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là một nhiệm vụ khó khăn và cần có quyết tâm chính trị thực sự cao.
“Nếu không đủ quyết tâm sẽ vẫn cách làm cũ, không ăn thua. Ngoài ra, cần bộ máy triển khai công việc này. Có đề xuất là phải thành lập đội đặc nhiệm tái cơ cấu, dám cắt bỏ những gì bất hợp lý”, người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Thủ tướng cũng cho rằng, muốn tái cơ cấu nền kinh tế thành công thì cần phải có nguồn lực thực hiện. Đơn cử nợ xấu đang rất lớn, muốn giải quyết thì “phải bỏ tiền bạc ra”, bởi theo quy luật biện chứng thì “vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được”.
Bích Diệp

Không có nhận xét nào: