Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc
- Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Từ chủ nghĩa xã hội tới chủ nghĩa tư bản
- Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước
- Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua trộm cắp tràn lan
- Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc: Tại sao ĐCSTQ không danh chính ngôn thuận từ bỏ chủ nghĩa Marxist
Kể từ khi ông Mác (Marx) sáng tạo ra lý thuyết cộng sản của mình, Trung Quốc đã trở thành hệ thống kinh tế tư bản đầu tiên dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu sự thống trị của mình bằng cách loại bỏ chủ nghĩa tư bản – chuyển hình thức sở hữu tư nhân sang hình thức sở hữu nhà nước – nhưng đã không thể tạo ra một hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa thành công. Cuối cùng, họ đã phải chuyển về hệ thống tư bản, nhằm kéo dài sự cai trị của mình.
Trong khi cải cách sang sở hữu tư nhân, các quan chức ĐCSTQ ở tất cả các cấp, và gia đình của mình, đã trở thành các doanh nhân, chủ bất động sản và chủ sở hữu các tài sản tài chính rất lớn. Quá trình tích lũy của cải của họ đầy đen tối và tội ác. Do đó họ cần chế độ cộng sản để bảo vệ tài sản và cuộc sống của mình, và họ cũng cần sự độc quyền của chính phủ để tiếp tục tích lũy của cải nhiều hơn nữa. Vì vậy những người này ủng hộ mạnh mẽ cho hệ thống hiện tại của Trung Quốc, chứ không trợ giúp cho dân chủ hóa [ở Trung Quốc].
Chiếm đoạt sai trái, bất hợp pháp
Làm thế nào mà tầng lớp lãnh đạo của ĐCSTQ đã từ chỗ không có gì để sở hữu lại trở thành siêu giàu có trong một thời gian ngắn từ 20 đến 30 năm? Điều này là bí mật của ‘các nhà tư bản cộng sản’, và là chỉ dẫn cho việc hiểu được hệ thống ‘tư bản cộng sản’ và khuynh hướng chính trị trong tương lai của các nhóm lợi ích của ĐCSTQ. Về cơ bản, họ đã đạt được nó thông qua việc tham ô, biển thủ, chiếm đoạt bất hợp pháp các tài sản nhà nước, duy trì sự độc quyền của các ngành quan trọng, và bằng cách thao túng các chính sách để đạt được lợi ích và duy trì chế độ độc tài của mình.
Chiếm đoạt bất hợp pháp các tài sản nhà nước là nói đến việc tầng lớp lãnh đạo ĐCSTQ đã trực tiếp tiếp quản các doanh nghiệp nhà nước (SOE) nhỏ và vừa, và có được cổ phần miễn phí tại các SOE lớn, trong quá trình tư nhân hóa.
Duy trì những ngành độc quyền là nói đến các SOE lớn trong những lĩnh vực tài chính, năng lượng, điện, giao thông, viễn thông và các ngành khác, trong đó tầng lớp đỏ hoặc con cháu thế hệ thứ hai của họ, nắm giữ những chức vụ quan trọng. Một vài các doanh nghiệp này nằm trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Họ cung cấp một lượng lớn các khoản thu thuế để hỗ trợ cho chế độ [Trung Quốc] và giúp cho tầng lớp đỏ nhanh chóng trở nên giàu có, thông qua việc mua lại cổ phần, lại quả, và tiền thưởng.
Bằng cách gây ảnh hưởng và thao túng việc hoạch định – chính sách, tầng lớp đỏ và thân nhân của mình là những người đầu tiên tham gia vào nhiều dự án và các ngành kinh tế, từ đó đã dễ dàng kiếm được những lợi ích to lớn.
Duy trì chế độ độc tài là nói đến thái độ cực kỳ thù địch của tầng lớp đỏ đối với dân chủ hóa, và hy vọng của họ nhằm duy trì lâu dài quyền lực của chế độ đỏ, sao cho họ mãi mãi có đặc quyền và một lượng lớn của cải bất hợp pháp được bảo vệ bởi chế độ ĐCSTQ.
Các nhà tư bản đỏ
Khi một số lượng lớn các doanh nghiệp và sự giàu có của Trung Quốc nằm trong tay các nhà tư bản đỏ, hệ thống tin cậy duy nhất để bảo vệ cho họ không phải là nền kinh tế thị trường, cũng không phải là tinh thần thượng tôn pháp luật [hay pháp quyền], mà là “nền chuyên chính [hay sự độc tài] của giai cấp vô sản”, có nghĩa là họ luôn có quyền lực tuyệt đối trên tất cả các tầng lớp khác của xã hội.
Họ biết rõ ràng, rằng hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa truyền thống là không khả thi; họ có thể có được của cải một cách dễ dàng hơn nhiều so với của cải mà các doanh nhân ở các nước dân chủ kiếm được; họ cũng có một vị thế chính trị tuyệt vời mà không có cạnh tranh, và họ có thể ngăn chặn việc dân chủ hóa chính trị vốn có thể dẫn đến sự phá sản kinh tế và chính trị. Đây là bản chất của “mô hình Trung Quốc.”
Rõ ràng, dưới chế độ của ĐCSTQ, chủ nghĩa tư bản đỏ này sẽ không tự nhiên chuyển thành hệ thống dân chủ tư bản. Trong một thời gian dài, các học giả phương Tây đã tin tưởng rằng, sau tự do hóa kinh tế, tầng lớp lãnh đạo đỏ sẽ tự nhiên đi theo dân chủ và tự do. Sự chuyển đổi của Trung Quốc đã chứng minh rằng suy nghĩ này không những [rất] ngây thơ, mà còn sai lầm [nghiêm trọng].
Tuy nhiên, tầng lớp lãnh đạo đỏ cũng biết rất rõ về thực tế rằng, mô hình Trung Quốc phải đối mặt với các mối đe dọa liên tục từ [tầng lớp] thấp nhất của xã hội. Do đó, họ đã đang chuyển những tài sản cá nhân đến các nước phương Tây trong khi thu xếp cho các thành viên trong gia đình mình nhập cư vào các nước phương Tây, khi có nhu cầu. Điều này chỉ ra rằng tương lai của “mô hình Trung Quốc” thực sự rất mong manh.
Xét lại Marx
Vào đầu năm 1989, Viện Friedrich Ebert, một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Đức, đã bố trí cho một số học giả đến thăm Ngôi nhà Karl Marx ở [thành phố] Trier. Có ai đó đã viết bằng tiếng Trung Quốc [dòng chữ]: “Ông Mác, ông đã thực sự làm hại chúng tôi rồi”.
Bây giờ, có vẻ như tuyên bố này chỉ đúng có một nửa bởi vì chủ nghĩa Mác cũng đã bị tổn hại bởi mô hình Trung Quốc. Nếu như Mác có thể nhận xét về chủ nghĩa tư bản cộng sản hiện nay, ông có thể vừa bị làm cho phát cáu vừa hài lòng cùng một lúc. Bị phát cáu bởi vì những người cộng sản đã kết hôn với kẻ thù của mình để tồn tại; và hài lòng rằng một vài người cộng sản vẫn còn đó, bất kể là họ đã sử dụng những loại học thuyết chống lại chủ nghĩa Mác. Vì vậy, Mác có thể cảm thấy rằng ông đã không hoàn toàn trở nên không thích hợp.
Nhưng Mác sẽ vẫn bị làm cho bối rối bởi một mâu thuẫn rất lớn. Theo khuôn khổ lý thuyết của ông “nền tảng kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng” và “lực lượng sản xuất tiên tiến chắc chắn thay đổi một kiến trúc thượng tầng lạc hậu”. Tuy nhiên, mô hình Trung Quốc đã buộc Mác phải phá đổ hoàn toàn khái niệm cốt lõi của mình, và do đó phá đổ toàn bộ hệ tư tưởng Mác-xít, bởi vì dưới hệ thống tư bản cộng sản hiện nay, kiến trúc thượng tầng của “chuyên chính vô sản”, trên thực tế, dựa vào nền tảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản.
Vì vậy, vẫn còn câu hỏi lớn về số phận của kiến trúc thượng tầng còn sót lại của nền tảng kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ sẽ là cái gì. Phải chăng nó sẽ hoàn toàn bị lịch sử quên lãng? hay nó thực sự chứa đựng một bản chất “tiên tiến”, chắc chắn sẽ sản sinh ra một cuộc cách mạng cộng sản mới để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản cộng sản?
Cũng có khả năng, để học hỏi từ mô hình Trung Quốc, Mác có thể cần phải cập nhật lý thuyết của mình từ “nền tảng kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc” sang “thượng tầng kiến trúc quyết định nền tảng kinh tế.” Điều này sẽ không chỉ là một bài học khó khăn mà Mác phải đương đầu, mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng về ý thức hệ không thể tránh khỏi đối với ĐCSTQ.
ĐCSTQ vẫn tôn kính Mác vì ông đã cung cấp tính hợp pháp về tư tưởng cho giai cấp tư sản đỏ đặc quyền, cũng như cho sự tiếp tục và kéo dài thêm mô hình “chuyên chính vô sản”. Nghịch lý là ở chỗ, mô hình Trung Quốc bản thân nó lại chống lại chủ nghĩa Mác.
Bí quyết cho sự sống sót của ĐCSTQ là phải giữ cho được ngọn cờ của chủ nghĩa Mác trong khi xây dựng và củng cố hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, một hệ thống trái với chủ nghĩa Mác. Do đó, mô hình Trung Quốc là trái ngược với cả chủ nghĩa Mác và nền dân chủ.
Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại New Jersey. Ông tốt nghiệp Đại học Nhân Dân – nơi ông lấy được bằng thạc sĩ kinh tế học, và Đại học Princeton – nơi ông lấy bằng tiến sĩ ngành xã hội học. Ở Trung Quốc, ông Trình là một nhà nghiên cứu chính sách và là trợ lý của cựu Lãnh đạo Đảng Triệu Tử Dương, khi ông Triệu là thủ tướng. Ông Trình từng là học giả thỉnh giảng tại Đại học Gottingen và Princeton, và ông từng là tổng biên tập của tạp chí nghiên cứu Trung Quốc hiện đại. Các bài bình luận và chuyên mục của ông thường xuyên xuất hiện trên truyền thông tiếng Hoa hải ngoại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét