Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Chính phủ vẫn nhập nhèm “đá lộn sân” lung tung trong “ kế hoạch tái cơ cấu” nền kinh tế ? ( Bài 2 ); VnEconomy: 450 tỷ USD cho tái cơ cấu kinh tế: “Chính sách tốt cũng cần truyền thông”; P. Trưởng Ban Tổ chức TW: "Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố thì ông Vũ Huy Hoàng cũng phải ra toà"

Bài 2: Năng lực bộ máy tham mưu của Chính phủ về chính sách kinh tế vĩ mô qua kế hoạch tái cơ cấu …
Phạm Viết Đào.

Bài liên quan:

>


Tại 1 phiên thảo luận của Quốc hội: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hạ quyết tâm chính trị: “Không dùng đến kinh phí tiền bạc thì không thể tái cơ cấu”?
Theo BT Bộ Kế hoạch-Đầu tư: Chính phủ dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương khoảng 480 tỷ USD).

Trong khi đó thì Vietnamnet gần đây đưa tin: Khối nợ khổng lồ 1,5 triệu tỷ của 'ông lớn' nhà nước vietnamnet.vn/vn/.../khoi-no-khong-lo-1-5-trieu-ty-cua-ong-lon-nha ( khoảng trên 7000 tỷ USD ) ?

Số liệu này cho thấy: “các ông lớn” nhà nước đã vay tiêu một khoản tiền lớn gấp 15 lần khoản tiền mà Chính phủ yêu cấu để tái cơ cấu nền kinh tế mà vẫn đang chưa đâu vào đâu…Vậy số tiền ném thêm 480 tỷ USD này có như muối đổ vào biển Đông ?

Dư luận băn khoăn: Quốc hội muốn phê chuẩn, gật cho Chính phủ 480 tỷ USD trong tài khóa 5 năm tới thì Chính phủ phải chỉ cho Quốc hội và cử tri thấy lấy từ nguồn nào và quan trọng cái 480 tỷ USD sẽ đem tái cơ cấu cấu khu vực nào, ngành nào và hiệu quả dự kiến tính toán như thế nào ?
Hàng năm Chính phủ vẫn bội chi ngân sách 5 % và như năm 2016, theo báo chí Chính phủ phải đi vay để trả nợ đúng hạn? Còn vay để phát triển thì sắp kịch trần rồi, vượt giới hạn quy định như Thủ tướng vừa phát biểu:…
Theo dõi ý kiến phát biểu tại diễn đàn Quốc hội của BT Bộ Kế hoạch-Đầu tư và theo dõi những diễn biến gần đây đối với dàn lãnh đạo Bộ Công thương cho thấy Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục kế thừa, tái sử dụng một bộ máy tham mưu không mấy hữu dụng: Quanh quẩn lại giữa vài ba dáng điệu; Tới hay lui cũng ngần ấy mặt người…( thơ Huy Cận)…
Phần 1 người viết đã chỉ ra những bất cập, nhận thức nhập nhằng giữa vai trò quản lý nhà nước về kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh của BT Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tham mưu số 1 của Chính phủ về các chính sách kinh tế…
Kỳ này người viết tiếp tục bàn tới vai trò của bộ máy “ quân sư’ của Chính phủ: Đó là Bộ Công thương và Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Bộ Công thương trong nhiệm kỳ vừa qua đổ bể ra bao nhiêu chuyện tai tiếng, tai ngược: Ban cán sự Đảng thì bị khiển trách; BT Vũ Huy Hoàng thì bị cảnh cáo không chỉ riêng vấn đề nhân sự mà đã chịu thất bại, kém cỏi trong việc vạch chính sách kinh tế vĩ mô…

Báo Dân trí đăng bài dài  “Ông Vũ Huy Hoàng và thất bại của mục tiêu công nghiệp hoá đã nêu những ý kiến đáng lưu ý đánh giá về sự tham mưu của Bộ Công thương:” ngành Công Thương gần 10 năm, thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, sự kém cỏi, lạc hậu ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở các ngành công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo...cho thấy, sự yếu kém công tác quản lý của ngành mà ông Hoàng cũng phải chịu trách nhiệm nhất định…”

Năm 2007 (ngày 23/4/2007) Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển…Quyết định này của Thủ tướng do Tổ công tác Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam, trong đó có các thành viên chủ chốt là lãnh đạo Bộ Công Thương.
Ban đầu, Tổ này đưa ra tới 12 ngành mũi nhọn; Nhưng sau này, vào tháng 3/2012, danh sách trên còn có 5 ngành để đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải…Kết cục, đến thời điểm hiện tại, theo tác giả bài: tất cả các mũi nhọn này đều thất bại, “tòe” ra…
Những ngành xếp vào diện “ mũi nhọn” này hiện trạng đều là những ngành công nghiệp lạc hậu, trì trệ, kém sức cạnh tranh, khiến tỷ lệ nhập siêu rất cao và không thể đảm bảo đạt các mục tiêu về công nghiệp hoá…

Trong khi Chính phủ đang phải gánh vác một cơ đồ kinh tế sập sệ, giật gấu vá vai, đang tính huy động 480 tỷ USD để xóa cái bàn cờ đi để sắp xếp lại ( tái cơ cấu) nhưng bắt đầu từ đâu và bằng cái gì thì mỗi vị nói một phách.

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang rối như gà mắc tóc về chuyện tái cơ cấu; dư luận xã hội đang sục sôi về Formosa thì Bộ công thương lại nhét, dúi vào quy hoạch cho bằng được Dự án thép Cà Ná, một dự án có yếu tố Trung Quốc và chủ dự án là người có quan hệ họ hàng với BT Trần Tuấn Anh khiến cho dư luận xã hội đã phải sửng cồ hô hoán, cảnh báo: 'Nhóm cá mập' Bộ Công Thương tiếp tục hoành hành - VOA www.voatiengviet.com/a/nhom-ca-map...cong-thuong.../3561410.html

Dư luận không thể không hoài nghi về bản kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế do chính phủ trình bày tại Quốc hội thấy nó mơ hồ, mông lung. Về nguyên tắc: Chính phủ chỉ được thò tay vào những công việc, những khu vực được pháp luật quy định và được phép chi, sử dụng lập kế hoạch những khoản tiền, nguồn thu do chính phủ trực tiếp quản lý; Còn tiền của xã hội, của các doanh nghiệp FDI thì không nên kể đến…

Thấy dư luận choáng váng, hoảng hốt, hoài nghi trước khoản tiền 480 tỷ USD như cái giá mà Chính phủ nêu lên để tái cơ cấu, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế TW, chắc là một trong những cơ quan tham mưu cho Chính phủ đã phát biểu với VOV.VN để trấn an dư luận: Con số 480 tỷ USD đề án đưa ra chẳng qua chỉ là sự ước lượng rằng, nếu khi cần phải huy động thì sẽ huy động, nhưng đó không phải con số để tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà đó chỉ là một con số giả định. Nếu đọc kỹ đề án này sẽ thấy, việc huy động nguồn lực chỉ đứng hàng thứ yếu, nhất định không phải là ưu tiên hàng đầu để tái cơ cấu nền kinh tế.”

Và ông đưa ra một lời giải cho bài toán tái cơ cấu:

Vấn đề của Việt Nam hiện nay để tái cơ cấu nền kinh tế không phải là ở việc huy động nguồn lực. Vấn đề trọng tâm cần xem lại là việc phân bố nguồn lực sai lệch và sử dụng nguồn lực hết sức kém hiệu quả, gây lãng phí.
Bởi lẽ, nếu cứ tiếp tục huy động thêm trong khi sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, lãng phí sẽ không những không làm cho thịnh vượng quốc gia tăng thêm, mà còn làm sói mòn nguồn lực quốc gia, kéo giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

(Tái cơ cấu nền kinh tế không phải ở việc huy động nguồn lực - VOV.VN)

Tóm lại, qua sơ bộ ý kiến ban đầu về bản kế hoạch tái cơ cấu, dư luận hiểu ý Thủ tướng: muốn tái cơ cấu thành công thi phải có nhiều tiền, phải hạ quyết tâm chính trị rất cao để ép Quốc hội huy động cho được tiền: không có tiền thì không thể tái cơ cấu; người chịu trách nhiệm tham mưu chỉ ra nguồn tiền là Bộ Kế hoach-Đầu tư thì tính nguồn tiền tái cơ cấu theo lối “ tính của trong giỏ” trong khi đó cua thì đang nằm trong các hang hốc ở ngoài đồng…
Còn ông Viện trưởng Viện quản lý kinh tế của Đảng thì lại cho rằng:Vấn đề của Việt Nam hiện nay để tái cơ cấu nền kinh tế không phải là ở việc huy động nguồn lực” mà ở vấn đề “ phân bổ nguồn lực đúng chố” ?
Công tác tham mưu các chính sách, quyết sách kinh tế vĩ mô cho Chính phủ giống như cơ quan tham mưu trước một trận đánh lớn: chuẩn bị điều bao quân, binh chủng nào, phối kết hợp ra sao, dàn quân đánh vào mũi hiểm yếu nào để tạo ra sự bùng nổ cục diễn chiến trường, tiêu hao được nhiều sinh lực địch mà quân mình ít tổn thất…
Lập luận của TS Nguyễn Đình Cung thì hiểu Chính phủ giống như “ông già Nooel”, muốn được suy tôn là thánh thiện thì phải biết chia quà cho đúng đối tượng trẻ em; Qua ý kiến này chứng tỏ TS Cung vẫn quan niệm việc tái cơ cấu quản lý nhà nước về kinh tế theo lối ban phát-xin cho thời bao cấp? “ Bắt phanh trần phải phanh trần; cho may ô mới được phần may ô” của những năm 60-70…
Cái gốc của việc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, trách nhiệm của quản lý nhà nước chủ yếu là: ban hành cho được các chính sách để khơi nguồn lực trong và ngoài nước để vực dậy nền kinh tế; tạo ra được các đầu tàu kinh tế…
Việc đầu tư ban phát đúng địa chỉ như TS Cung phát biểu chỉ là một trong các giải pháp nhỏ, mang tính chất khơi mào, chiến thuật mà Chính phủ cần phải làm. Nguồn lực kinh tế của một quốc gia về kinh tế phái dựa vào dân; dân giàu thì nước mới mạnh; Dân có ăn nên làm ra thì nhà nước mới thu được nhiều thuế, túi ngân sách mới to ra…
Nhà nước nào thì cũng phải tạo dựng ra các đầu tàu về kinh tế và tất nhiên dựa vào các đầu tàu kinh tế để có nguồn thu ngân sách; Để tạo nên được đầu tàu kinh tế thì phải tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi bằng chính sách khơi nguồn, tạo nguồn chứ không phải Chính phủ lấy cái thế, uy của mình đi vay tiền về ban phát cho tập đoàn này, tập đoàn kia…để làm một già Noel tháng thiện…

Vị bị dư luận báo chí truy:”Theo lý giải và phân tích của ông thì chúng ta sẽ cần phải phân bố và sử dụng nguồn lực như thế nào mới có hiệu quả?

TS. Nguyễn Đình Cung lại loanh quanh, đá bỏng bổng lên trời trong khi ông là chuyên gia kinh tế của Đảng, đứng đầu cơ quan tham mưu số 1 cho chính phủ: “Hiện nay cơ chế phân bố nguồn lực của chúng ta phần lớn vẫn là cơ chế hành chính xin – cho, trong khi thị trường đóng vai trò rất thứ yếu.” TS Cung nói tiếp:”Muốn thay đổi lại phân bố nguồn lực trước tiên phải xây dựng lại thể chế phân bố nguồn lực, trọng tâm là cải cách những thể chế của thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường vốn, đất đai, lao động và thị trường khoa học công nghệ…để những thị trường đặc biệt là đất đai và tài nguyên khoáng sản phải đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong phân bố và sử dụng nguồn lực…”
Tham mưu cho chính phủ về cung cách huy động nguồn lực, TS Nguyễn Đĩnh Cung cho biết một ví dụ:
“Lấy ví dụ, nước ta đang cần vốn đầu tư cho dự án Sân bay Long Thành. Nhiều người nói rằng dự án rất thiếu vốn và không biết huy động từ đâu, nhưng tôi lại thấy rằng vốn đang có rất nhiều ở trong nền kinh tế.
Cụ thể là chúng ta chỉ cần thoái vốn ở một số DNNN sẽ có vài chục tỷ USD, rất dễ dàng để tập trung vào dự án Sân bay Long Thành hoàn thành sớm trong thời gian ngắn từ 2 – 3 năm. Trên thế giới người ta đã làm thế rồi, tại sao chúng ta cứ chần chừ với câu hỏi phải huy động vốn ở đâu?”
Tham mưu của TS Cung là tham mưu theo kiểu làm ăn của dân chỉ trỏ, dân buôn chuyến, đánh quả; Mà Chính phủ thì không phải là liên đoàn những nhà đánh quả, dân buôn chuyến…
Với một bộ máy tham mưu cho Chính phủ: ông thì ú ớ Việt gian, ông thì háu và tạp ăn như cá mập, ông thì chỉ giỏi chỉ trỏ đánh quả theo lối buôn chuyến thì làm sao mà tái cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam…
Muốn tái cơ cấu lại nền kinh tế đang rơi vào cảnh ngộ bế tắc: “ bóc ngắn cắn dài”, “mỗi địa phương là một công quốc”, “trên bảo dưới không nghe”, các nhóm lợi ích đang hè nhau thao túng, chụp giật thì trước tiên phái “ tái cơ cấu” lại bộ máy, tổ chức của 3 bộ tham mưu hoạch định chiến lược kinh tế của chính phủ đó là: Bộ Kế hoạch-Đầu tư; Bộ Công thương và Bộ tài chính…
Phải cho nghỉ việc đội ngũ từ cấp vụ phó trở lên của 3 Bộ này để tái cơ cấu chọn tuyển lại; đuổi sạch bọn con cha cháu ông; đấy là đám tham mưu đểu cho chính phủ nhưng tham và tạp ăn như cá mập, “ăn không từ một thứ gì” như lời một đại biểu Quốc hội…
Muốn làm được điều đó, người trên phải gương mẫu, phải sạch như nghị quyết TW 4 vừa rồi; Thủ tướng quyết tâm mà không sạch, cũng nhập nhèm thì làm sao bảo được cấp dưới... Trên bảo dưới không nghe là do " thượng bất chính"...
Muốn tái cơ cấu về một nền kinh tế trước tiên phải tái cơ cấu bộ máy và con người ! Vẫn bộ máy ấy, con người ấy thì 480 tỷ chứ có nhiều hơn thế cũng chỉ là muối bỏ biển…

 ( Còn tiếp… )




Cho rằng, nếu còn đương chức Bộ trưởng Bộ Công Thương thì ông Vũ Huy Hoàng đã bị cách chức, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhận định, tuy ông Hoàng đã về hưu song có thể bị khởi tố trong vụ Trịnh Xuân Thanh.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố chiều qua (24/10), ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương bị đề nghị nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo do đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Sáng nay (25/10), ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đã có một số trao đổi với phóng viên Dân Trí về vấn đề này:

Thưa ông, mặc dù đưa ra nhận định rằng nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã "gây hậu quả nghiêm trọng", song vị Bộ trưởng đã về hưu này lại chỉ nhận mức độ kỷ luật cảnh cáo. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về mức kỷ luật này đối với ông Vũ Huy Hoàng?
- Đứng về trong Đảng thì chỉ có 3 hình thức kỷ luật thôi. Nhẹ nhất là khiển trách rồi nặng hơn là cảnh cáo, nặng nhất là khai trừ khỏi Đảng. Tại kết luận vừa rồi của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì ông Hoàng nhận mức kỷ luật cảnh cáo, cũng là mức kỷ luật tương đối, chứ chưa bị khai trừ.

Trong trường hợp của ông Hoàng, nếu như ông này còn đương chức thì sẽ bị cách chức, nhưng bây giờ ông ấy không còn chức nữa, thôi Ủy viên Trung ương, thôi Bộ trưởng rồi, giờ chỉ còn vấn đề ông Hoàng sẽ phải ra pháp luật nữa thôi!

Ông có thể nói rõ hơn?

- Nếu ông Vũ Huy Hoàng dính vào tham nhũng, dính vào sai phạm trong quy trình đề bạt công chức thì ông Hoàng sẽ phải ra tòa thôi. Trịnh Xuân Thanh ra tòa thì ông Hoàng cũng phải ra tòa, chứ không còn cách nào khác.

Đây mới chỉ là bước đầu kỷ luật trong nội bộ Đảng mà thôi, ông Hoàng bị kỷ luật cảnh cáo - là mức kỷ luật cao sau mức khai trừ.

Do liên quan đến Luật phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an sẽ phải vào cuộc. Nếu ông ấy liên đới, phạm tội thì ông Hoàng phải ra tòa. Vi phạm Luật phòng chống tham nhũng thì sẽ bị khởi tố.

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nêu yêu cầu đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo kiểm điểm, thi hành kỷ luật các tổ chức và cá nhân vi phạm theo quy định; thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong công tác cán bộ của Bộ Công Thương.

Trong khi đó, Kết luận cũng chỉ ra Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải (con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; điều động, đề cử tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Vậy số phận ông Hải sẽ thế nào, thưa ông?


- Đúng rồi, phải rút lại các quyết định sai trái trong công tác cán bộ nghĩa là các văn bản bổ nhiệm, điều chuyển kia đều không còn giá trị nữa. Nói cách khác là con ông Hoàng mất chức rồi.

Còn với một lãnh đạo đương nhiệm của Bộ Công Thương là Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng bị khiển trách, ông có bình luận gì không?

- Theo tôi trên cương vị Thứ trưởng dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, bà Hồ Thị Kim Thoa chỉ là người giúp việc, bà ấy chỉ làm tròn trách nhiệm. Tôi không bình luận về hình thức kỷ luật đối với bà này.

Trong vụ việc này, ông Vũ Huy Hoàng với tư cách là Bộ trưởng, là người đứng đầu một bộ, sai như thế là sai quá rồi! Nếu đương chức thì phải cách chức.

Nói với Dân Trí sáng nay, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết thêm, trong vụ Trịnh Xuân Thanh thì kết luận này của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới chỉ là bước đầu, vẫn còn những dấu hỏi đặt ra với những người liên quan khác, những bộ ngành khác.

"Vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến rất nhiều cá nhân và tổ chức. Kết luận này mới chỉ đưa ra những hình thức kỷ luật đối với một số cá nhân thuộc Bộ Công Thương, vẫn còn phải làm rõ vấn đề tại Bộ Nội Vụ, Ban Tổ chức Trung ương, và một số cá nhân có trách nhiệm khác. Cần phải có giải trình", ông Hùng nhận định. Do đó, riêng trong vấn đề Trịnh Xuân Thanh vẫn phải chờ những bước đi tiếp theo, không thể vội vàng.

Bích Diệp thực hiện
(Dân trí)

450 tỷ USD cho tái cơ cấu kinh tế: “Chính sách tốt cũng cần truyền thông”

“Tôi đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay”...

450 tỷ USD cho tái cơ cấu kinh tế: “Chính sách tốt cũng cần truyền thông”
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
NHẬT BÌNH
Trình Quốc hội kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực dự kiến cần hơn 10,5 triệu tỷ đồng theo giá thực tế, tương đương khoảng 450 tỷ USD. 

Trao đổi với VnEconomy về đề án này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay của Chính phủ, với các bước đi và hành động rất cụ thể.

Ông Hưng nói: 

- Tôi đọc báo gần đây thấy giật tít cần 10,5 triệu tỷ đồng hay 450 tỷ USD để tái cơ cấu nền kinh tế, với những bình luận rôm rả trên trang Facebook cá nhân của tôi, có phần đầy hoài nghi rằng, tiền lấy đâu ra nhiều thế?

Nhưng một chuyên gia kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam nói với tôi: “Đây là đề án có bước đột phá mang tính khả thi cao nhất mà Chính phủ đã đưa ra”.

Theo tôi, đây là đề án phân định rõ Nhà nước làm gì và tư nhân làm gì, chọn kịch bản áp lực nhất: GDP tăng khoảng 7%, bội chi ngân sách 4% GDP, lạm phát khoảng 3,5% và dùng mô hình kinh tế để lượng hoá tác động. 

Nhà nước không tập trung vào huy động nguồn lực - tức là giảm thiểu vai trò đầu tư kinh doanh của Nhà nước - mà tập trung vào chính sách để gián tiếp phân bổ nguồn lực, khu vực tư nhân sẽ là lực lượng quan trọng của quá trình tái cơ cấu.

Trong các giải pháp đáng lưu ý, có ưu tiên phát triển thị trường tài chính, xử lý nợ xấu, thí điểm phá sản ngân hàng, phát triển thị trường mua bán nợ và áp dụng Basel 2 cho các tổ chức tín dụng.

Phương án xem xét thí điểm cho phá sản ngân hàng thực chất không khác nhiều so với mua 0 đồng, vì trên nguyên tắc thì  cả hai phương án đều đảm bảo không gây thiệt hại cho người gửi tiền, khác biệt duy nhất là gắn trách nhiệm của các chủ ngân hàng bị phá sản với các khoản tín dụng liên quan và nợ xấu. 

Có đặt vấn đề tái cơ cấu thị trường đất đai, bất động sản, tuy nhiên chưa đặt vấn đề đánh thuế sở hữu bất động sản, nếu đánh thuế sẽ ngăn được việc đầu cơ tăng giá - là một trong các nguyên nhân chủ yếu của lạm phát và nợ xấu.

Đề án cũng thống nhất quản lý Nhà nước về kinh tế, từ Quốc hội ra nghị quyết đến các chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng các chỉ số để giám sát.

Cần lưu ý, con số 450 tỷ USD hay 10,5 triệu tỷ là tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm mà Nhà nước phần lớn tập trung chính sách gián tiếp phân bổ tăng hiệu quả sử dụng của các thành phần kinh tế, chứ không phải nguồn vốn Nhà nước huy động.

Với riêng thị trường chứng khoán, để thị trường này để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng hơn nữa, trở thành nơi đầu tư trung và dài hạn, thì nhà đầu tư cũng phải có tầm nhìn trung và dài hạn. Nhưng để làm việc đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh và minh bạch.

Tôi đánh giá, đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay, với các bước đi và hành động rất cụ thể mà Chính phủ đã đưa ra. 

Có thiếu chăng, là thiếu công đoạn truyền thông chính sách, để mọi người có thể hiểu và không tranh luận tiêu cực.

Không có nhận xét nào: