Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Nợ công tăng nhanh gấp 3 lần GDP lên 2,6 triệu tỷ đồng; Hết thời Việt Nam được vay nợ nước ngoài với nhiều ưu đãi

Dân trí Trong khi các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép thì hiệu quả sử dụng vốn vay lại chưa cao. Thậm chí, một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay ODA gặp khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ như VEC có 55.400 tỷ đồng, SBIC có 63.200 tỷ đồng Chính phủ phải trả thay.
 >> Chính phủ dừng việc bảo lãnh vay tiền để đảm bảo nợ công
 >> Chính phủ báo cáo Quốc hội: Nợ công có thể vượt trần cuối năm nay
 >> Hàng chục nghìn tỷ đầu tư công “đắp chiếu”, nợ công không tăng mới lạ

Tăng trưởng kinh tế không theo kịp tốc độ vay nợ
Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) đưa ra đánh giá: Giai đoạn vừa qua, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Đây cũng chính là lý do khiến nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.
Dự kiến nợ dự phòng NSNN phải ứng trả thay cho SBIC trong 10 năm tới lên tới 63.200 tỷ đồng...
Dự kiến nợ dự phòng NSNN phải ứng trả thay cho SBIC trong 10 năm tới lên tới 63.200 tỷ đồng...
Nợ công tính đến năm 2015 là trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Ủy ban TCNS lưu ý, các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép. Nếu tính cả các khoản nợ khác của NSNN, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối NSNN và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
"Các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN về nguyên tắc thuộc nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của doanh nghiệp song trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ rất có thể sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ, tạo thêm áp lực cho NSNN", Ủy ban TCNS nhận xét.
Trước tình hình trên, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về mức dư nợ công sau khi tính cả các khoản nợ có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của NSNN. Đồng thời, tổng hợp, cung cấp số liệu liên quan đến nợ của DNNN, đánh giá sâu hơn về khả năng nợ xấu của DNNN có nguy cơ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ; số đã chuyển từ nợ dự phòng thành nợ chính thức của Chính phủ.
Nghĩa vụ nợ vượt giới hạn
Tỷ lệ nghĩa vụ nợ gồm cả đảo nợ đã vượt giới hạn cho phép. Theo đó, nếu tính cả nghĩa vụ trả nợ phải đảo nợ thì tổng nghĩa vụ nợ đã ở mức 27,4% tổng thu NSNN vào năm 2015, vượt mức trần 25%. Vay đảo nợ tăng nhanh, với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước thể hiện cơ cấu, kỳ hạn vay bất hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, không thu hồi được nguồn để trả nợ.
Ủy ban cũng cho rằng, một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh khó khăn trong trả nợ; một số dự án sử dụng vốn vay điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) lớn, kéo dài thời gian thi công, chưa đưa vào khai thác, vận hành như Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...
Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn về hiệu quả sử dụng vốn vay, cung cấp số liệu các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, dự án Chính phủ vay về cho vay lại không hiệu quả, khó khăn trong trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ, phải cơ cấu lại nợ, số tiền phải trả nợ thay; các dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, thi công kéo dài và nguyên nhân của các tồn tại này.
Việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA hiệu quả chưa cao. Ủy ban cảnh báo, một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay ODA gặp khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức khá cao, tác động trực tiếp tới các chỉ tiêu giới hạn nợ công.
Đây là những dự án thuộc ngành xi măng, giao thông, công nghiệp tàu thủy, giấy, thép, hóa chất như Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuyển từ vốn vay sang vốn NSNN cấp, chuyển thành nợ Chính phủ 55.400 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) dự kiến nợ dự phòng NSNN phải ứng trả thay trong 10 năm tới 63.200 tỷ đồng...
Một số dự án vay vốn với điều kiện vay bị ràng buộc, chi phối bởi phía cho vay trong việc lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp nguyên, vật liệu, thiết bị, vật tư,... dẫn tới chi phí thực hiện dự án cao, hiệu quả thấp, gây bức xúc trong dư luận.
Báo cáo của Ủy ban TCNS cũng nhận xét, một trong những định hướng được đề ra trong báo cáo của Chính phủ là cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ song số liệu về các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh giai đoạn 2016-2020 lại có xu hướng tăng là chưa thống nhất. Cụ thể, con số này tăng từ 501.000 tỷ đồng năm 2016 lên 650.000 tỷ đồng năm 2020, trong khi đó, con số này năm 2015 chỉ là 464.000 tỷ đồng.
Bích Diệp

Hết thời Việt Nam được vay nợ nước ngoài với nhiều ưu đãi


LĐO THÔNG CHÍ

Dự án đường sắt trên cao từ vốn vay ODA
So với khoản các khoản vay có thời gian 30-40 năm trước năm 2010, nay vốn vay từ các nước chỉ còn 20-25 năm. Ngoài ra điều kiện vay vốn cũng khắt khe hơn, cùng lãi suất cũng tăng lên rõ rệt gấp 3-4 lần


    Đó là nội dung ông Hoàng Hải- Phó Cục trưởng cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) trao đổi với báo chí vào chiều 25.10. Ông Hải cho biết, bình quân mỗi năm Việt Nam phải trả 1 tỉ USD gồm cả gốc và lãi từ nguồn nhà nước cho các quốc gia cho vay ODA. Phó Cục trưởng cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) cho biết thêm,  trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn và bắt đầu phải tiếp cận các với các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn.
    Cụ thể, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Bởi vậy, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Trong đó, từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn(giai đoạn trước 2010) đến vài năm trở lại đây, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011-2015). Mặt khác, nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Dự kiến đến tháng 7.2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.
    Trước bối cảnh trên, đại diện Cục quản lý nợ khẳng định, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, cụ thể phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc. “Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các chuyên gia WB để xây dựng các kịch bản trả nợ nhanh, đánh giá việc ảnh hưởng tới ngân sách,” ông Hải nói.

    Không có nhận xét nào: