Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Loay hoay tìm biện pháp xử lý nợ xấu

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC. Ảnh laodong.com.vn
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC. Ảnh laodong.com.vn
Chiều ngày 26/10, Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Văn phòng Quốc hội đã có buổi hội thảo “Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ.
Suốt nhiều năm qua, nợ xấu luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận, buổi hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả trong suốt 3 năm qua và tìm hướng đi mới trong việc xử lý nợ xấu.
Con số nợ xấu cụ thể là bao nhiêu?
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng dù đã có nhiều giải pháp nhưng nợ xấu còn rất lớn  “Nếu nợ xấu dưới 3% thì không có gì phải bàn, đó là tỷ lệ tốt. Nhưng dưới góc nhìn khác, cách tính khác, phải thẳng thắn thừa nhận, nợ xấu thực sự trong nền kinh tế là bao nhiêu? Theo tôi, từ lúc đề cập việc xử lý nợ xấu đến nay, chưa bao giờ nợ xấu thực sự của chúng ta dưới 10%”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc minh bạch về số nợ xấu là đòi hỏi đầu tiên của các đại biểu Quốc hội.
Xác định số nợ xấu cụ thể hiện nay là bao nhiêu? TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết: Tỷ lệ nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tháng 9 là 2,62%, cộng với khoảng 85% số nợ xấu mua về của VAMC (là số chưa được xử lý), tính sơ bộ sẽ là khoảng 7%.
Trong khi đó con số tính toán của Thuỵ Sĩ tính 8%, còn con số mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính là 11%.  “Phải chốt lại con số để biết quy mô số nợ xấu mà bao năm qua chúng ta đã dẹp qua một bên” Ông Lực nói.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó ban kinh tế của Quốc hội thì cho biết nợ xấu mà Chính phủ báo với Quốc hội gồm 147.000 tỷ đồng, cùng với 160.000 tỷ đồng ở VAMC, 140.000 đến 145.000 tỷ đồng có khả năng là nợ xấu trong báo cáo nội bảng của các ngân hàng.
Khó khăn của VAMC
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết: Từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng. Số nợ gốc là 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. Hầu hết tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này là bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên VAMC không có quyền chủ nợ đối với nợ xấu do mua bằng Trái phiếu đặc biệt, nên việc thu giữ hay phát mãi tài sản đảm bảo này để thu hồi nợ gặp khó khăn, việc xử lý bị kéo dài.
Bên cạnh đó việc định giá để phát mãi tài sản cũng khó khăn vì không có được sự thống nhất giữa các bên. Chưa có quy định để VMAC tổ chức đấu giá để thu hồi nợ.
Ông Hùng cho biết kết quả xử lý nợ xấu VAMC đã mua còn hạn chế do VAMC không đủ nguồn lực và thiếu các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý mang tính đặc thù để xử lý nhanh nợ xấu.
Loay hoay với biệ pháp xử lý nợ xấu
Về việc đề ra biện pháp xử lý số nợ xấu, TS Cấn Văn Lực cho rằng trước hết cần có đạo luật riêng về xử lý nợ xấu. Trong đó, tăng quyền của VAMC trong việc định đoạt tài sản đảm bảo, quyền bán nợ xấu, chấp nhận lỗ hoặc lãi.
Cần có cơ chế để phát triển thị trường mua bán nợ (ở Việt Mam chưa có). Kinh nghiệm xử lý nợ xấu ở các nước khác chính là dựa vào thị trường mua bán nợ. Cơ quan định giá mua bán nợ phải là cơ quan độc lập, khách quan, đảm bảo công khai minh bạch. Đối tượng tham gia thị trường cần rộng rãi, gồm cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giải pháp tối ưu là cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua bán nợ theo cách ủy thác vào một bên thứ ba tại Việt Nam,  đây là cách mà Hàn Quốc đã thực hiện.
Ông Lực cũng đề xuất có thể tạm ứng cho VAMC một khoản 5 đến 10 ngàn tỷ đồng để mua bán nợ, sau đó sẽ trả lại nhà nước.
Tuy nhiên ông Dương Quốc Anh, Phó ban kinh tế Quốc hội cho rằng ngân sách hiện nay rất khó khăn nên việc thực hiện phương án như thế khó khả thi. Ônh Anh đề xuất VAMC phân loại nợ, khoản nợ nào do Chính phủ bảo lãnh, chỉ định thì đề nghị ngân sách hỗ trợ xử lý.
“Còn như anh Lực đề xuất, không có nghìn (tỷ) nào đâu, rất khó, kể cả có 5.000 hay 10.000 tỷ cũng không thể xử lý được số nợ xấu khoảng 250.000 tỷ đồng”, ông Dương Quốc Anh nói.
Nói về nguyên nhân nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các doanh nghiệp và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng. Thủ phạm chính là nợ xấu doanh nghiệp. Nạn nhân chính là nợ xấu của ngân hàng. Và cuối cùng xét trên tổng thể thì nền kinh tế đầy yếu kém và rủi ro vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nợ xấu”.
Ngọn Hải Đăng
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: