Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Vì sao Mỹ mất dần đồng minh ở châu Á ?

Philippines và Trung Quốc dường như đang được sự quan tâm nhiều của báo chí Pháp, nhất là từ khi Manila đang nhăm nhe chia tay đồng minh lịch sử Hoa Kỳ. Mỹ đang để mất một ván đấu trong cuộc đọ sức với Trung Quốc trong vùng châu Á Thái bình Dương

media
Tổng thống Mỹ, Obama và các lãnh đạo khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS. Ảnh ngày 08/09/2016.
REUTERS/Soe Zeya Tun
Trên mục « Ý Kiến » của Le Figaro có bài viết đáng chú ý về những xáo động địa chính trị ở châu Á từ chuyến đi thăm Bắc Kinh của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Bài viết mang tiêu đề : « Mỹ để thua hiệp đấu ở châu Á ».

Trong chuyến thăm chính thức Bắc Kinh hôm 20/10/2016, tổng thống Philippines đã hùng hồn tuyên bố quyết tâm « ly dị với hoa Kỳ » để xích lại gần Trung Quốc. Trước đó không lâu, ông Duterte đã xa gần thông báo ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ và đề nghị quân đồng minh rút dần khỏi Philippines.

Tác giả bài viết đặt câu hỏi « những tuyên bố như vậy của tân tổng thống Philippines phải chăng đang báo hiệu một sự thay đổi hoàn toàn ván bài địa chính trị ở châu Á ? »

Bài báo nhắc lại một thực tế là đầu thế kỷ 21 này được đánh dấu bằng một cuộc đọ sức của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ nhằm kiểm soát vùng Thái Bình Dương. Qua những diễn biến gần đây trong khu vực, có thể nói lúc này « Washington chưa thua cả trận đấu nhưng họ vừa thua một hiệp đấu quan trọng ».

Từng một thời gian dài (từ 1898 đến 1946) là thuộc địa của Hoa Kỳ rồi sau đó trở thành đồng minh của nhau trong cuộc đối đầu với Liên Xô và hiện tại là trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, cho đến giờ Philippines hầu như nằm hoàn toàn trong sự bảo hộ của Mỹ.

Tổng thống George W.Bush, hồi năm 2003, từng xếp Philippines vào danh sách « các đồng minh chủ chốt ngoài NATO». Đến năm 2012, tổng thống Barack Obama đánh giá Philippines là trọng tâm của chính sách « xoay trục về châu Á », một ưu tiên chiến lược của chính quyền Obama.

Chiến lược xoay trục nhằm chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc này thực hiện được phải dựa vào mối quan hệ đồng minh thì mới có thể tái bố trí các lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tác giả ghi nhận, cánh tả Philippines mà ông Duterte là lãnh đạo, từ lâu nay vẫn thù ghét Mỹ, gán cho nước Mỹ cái danh chủ nghĩa đế quốc hậu thuẫn cho chế độ gia đình trị ở Philippines.

Vì quá mệt mỏi và chán ghét với cái kiểu nền dân chủ liên tiếp được thống trị bởi các tập đoàn gia đình, cử tri Philippines đã chấp nhận một ứng viên dân túy, chuyên quyền như Rodrigo Duterte, một người không thuộc giòng tộc quyền quý nào ở quần đảo này. Tính cách thô lỗ của ông, thể hiện ngay cả khi đã lên làm tổng thống, lại khiến dân chúng hài lòng.

Riêng trong quan hệ với Trung Quốc, tác giả bài viết nhận thấy có hai sự việc chính khiến tổng thống Duterte ngả nhanh về Bắc Kinh. Trung Quốc hứa đổ tiền ồ ạt đầu tư vào Philippines, chính quyền Trung Quốc khẳng định ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte và sẵn sàng hợp tác với Manila trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Washington công khai chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy của chính quyền Duterte là cuộc chiến đẫm máu, là vi phạm nhân quyền. Theo tác giả, « chỉ trích của Mỹ đã không làm suy chuyển một ly vấn đề Nhà nước pháp quyền ở Philippines mà chỉ làm cho Hoa Kỳ mất đi một trong những đồng minh lâu đời nhất ».

Đây có thể sẽ là một trong những bài học đạo đức đắt giá cho Hoa Kỳ. Nhất là khi vào lúc này hoàn cảnh của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương trở lên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện liên minh Nga-Trung, mà bằng chứng là những cuộc tập trận chung gần đây của hải quân hai nước.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là một đồng minh lịch sử của Hoa Kỳ, nay cũng đang xích lại gần với Bắc Kinh. Lý do cũng bắt nguồn từ việc Washington lên án cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 22/05/2014. Một lần nữa, thái độ của Washington, về nguyên tắc không có gì đáng trách, nhưng cũng không thể tái lập được nền dân chủ mà chỉ thúc đẩy tập đoàn quân sự Thái xem lại mối quan hệ đồng minh của họ với Washington.

Sự kiện Thái Lan dự kiến đặt mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc, khiến Lầu Năm Góc hết sức thất vọng.

Từ những sự việc trên, tác giả bài viết đi đến kết luận : « Để trở lại cuộc chơi châu Á, đối ngoại Mỹ giờ đây phải đi kèm với ngoại giao kinh tế, dựa trên cơ sở phát triển chung và đầu tư….. Người Mỹ sẽ phải bỏ đi những bài học đạo đức để tập trung vào những điều cốt lõi trong quan hệ ngoại giao : Tương quan lực lượng, lợi ích, kết quả.»

Philippines : Con nghiện đổ xô đi cai nghiện để bảo toàn mạng sống

Vẫn liên quan đến Philippines, nhưng về đề tài cuộc chiến bài trừ ma túy của chính quyền Duterte. Nhật báo Libération có bài phóng sự dài mang tựa đề như một mệnh lệnh sinh tồn : « Tại Manila : Cai nghiện hay là chết ».

Bài phóng sự của Libération nhắc lại, kể từ khi lên làm tổng thống ngày 30/06/2016, ông Rodrigo Duterte đã thực hiện lời hứa tranh cử sẽ bài trừ trừ tận gốc nạn ma túy ở trong nước. Kết quả là hơn 4.400 người liên quan đến buôn bán, sử dụng ma túy bị tiêu diệt, khoảng 800 nghìn người ít nhiều liên quan đến ma túy ra đầu thú.

Chiến dịch trấn áp bài trừ ma túy tàn bạo chưa từng có ở đất nước này đã khiến những người dính dáng đến ma túy sơ hãi thực sự.

Bài phóng sự đưa người đọc đến với những con nghiện ma túy ở Manilla. Tương lai của họ giờ đây không còn sự lựa chọn nào khác là đi cai nghiện, tránh xa ma túy mới hy vọng giữ được mạng sống. Và trước nhu cầu sống còn của người nghiện như vậy, các bệnh viện các trung tâm cai nghiện đang được dựng lên liên tiếp ở thủ đô Manila cũng như nhiều nơi khác ở Philippines. Quân đội cảnh sát giờ tiếp tục được huy động để quản lý các cơ sở cai nghiện như vậy.

Bài viết đưa ra một con số để so sánh, trước ngày 01/07/2016, ở Philippines chỉ có 10 nghìn chỗ cho người cai nghiện. Khả năng này giờ đã quá tải với con số 800 nghìn người đã ra khai báo có nghiện ma túy. Vì thế trong những tuần qua, chính quyền Duterte đã thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm cai nghiện mới ở nhiều địa điểm trong thủ đô.

Mặc dù vậy, Libération nhận thấy, vấn nạn ma túy ở Philippines không thể giải quyết một cách nhanh chóng hay triệt để được, và càng không thể bị xóa hẳn bằng cách hành quyết các con nghiện, vẫn được tổng thống Duterte ví như những « con gián phải dẫm nát ». Một bầu không khí hoang mang sợ hãi đang bao trùm những người nghiện ở Philippines.

Trung Quốc : Quyền lực của Tập Cận Bình chưa phải là tuyệt đối

Tiếp tục với thời sự châu Á. Hầu hết các báo Pháp đều quan tâm đến hội nghị trung ương 6 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc hôm qua (24/10/2016). Một kỳ họp được giới quan sát cho là một bước chuẩn bị cho Đại hội đảng thứ 19 vào năm tới. Đó sẽ là đấu trường tranh giành quyền lãnh đạo đất nước Trung Quốc.
Le Figaro ghi nhận mục tiêu của hội nghị qua hàng tựa « Tập Cận Bình xếp đặt những người trung thành trong đảng ».

Theo tờ báo, ông Tập Cận Bình vẫn cố thể hiện mình là vị lãnh đạo có nhiều quyền hành nhất kể từ sau Mao Trạch Đông, nhưng uy quyền của ông không phải tuyệt đối ở đất nước Trung Hoa. Một số lãnh đạo, nhất là ở xa Bắc Kinh vẫn có xu hương không chịu khuất phục hẳn ông Tập. Vì thế mà chủ tịch nước, kiêm tổng bí thư đảng muốn nhân kỳ hội nghị trung ương lần này để đưa mọi người trở lại khuôn phép đảng do ông nắm.

Nhân vật số 1 Trung Quốc, trên nguyên tắc sẽ còn tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một khóa nữa, đến năm 2022 và thậm chí có tin nói ông ta còn muốn duy trì vị trí hiện nay dài hơn 10 năm. Nhưng chưa có gì ngã ngũ, trong lúc này, đảng vẫn là một đấu trường lớn của quyền lực.

Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động đã tạo ra cho ông ta rất nhiều kẻ thù. Những người này vẫn tiếp tục kháng cự. Cách thức ông ta thâu tóm quyền lực đứng đầu mọi thể chế chính khiến không ít người tức giận. Chưa kể các chính sách kinh tế của ông Tập đang gây tổn hại không nhỏ đến lợi ích của những lãnh đạo địa phương.

Le Figaro trích dẫn chuyên gia Trung Quốc học Jean Pierre Cabestan, thuộc đại học Hồng Kông nhận định : « Tập Cận Bình sẽ vừa tìm cách khóa đảng để củng cố quyền lực đồng thời phải làm sao cho bộ máy hiện nay đáp ứng tốt nhất sự lãnh đạo của ông ».

Còn nhà sử học độc lập ở Trung Quốc, Trương Lập Phàm (Zhang Lifan) thì nhận xét, thách thức của hội nghị trung ương này với ông chủ tịch nước là tạo được một Ban chấp hành Trung ương thống nhất quanh ông ta, cho dù không dễ gì có thế thay thế những người thân cận của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân bằng những người của ông Tập.

Để đạt được mục đích, lãnh đạo đảng và Nhà nước Trung Quốc đã dành kỳ họp trung ương này để thắt chặt kỷ luật đảng. Kỷ luật vẫn luôn là vũ khí để loại bỏ các đối thủ hữu hiệu nhất từ trước đến giờ ở Trung Quốc.

Theo Le Figaro, Tập Cận Bình sẽ rất cần đến sự hậu thuẫn của Ban chấp hành Trung ương, nơi mà hiện tại ông ta chưa có được mấy đồng minh thực sự. Một năm trước Đại hội đảng, cuộc chiến khốc liệt giữa các « tộc trưởng » trong đảng đang bắt đầu mở ra ở đấu trường đỉnh cao quyền lực.

Lý do gì vẫn đông người Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump

Chuyển qua khu vực châu Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý của cả thế giới đang tới gần. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết với tựa đề : « Ba lý do để bầu cho Trump ».

Trong cuộc chạy đua vào nhà Trắng, đến lúc này chưa thể nói ai thắng ai thua. Nhưng có điều chắc chắn là vẫn có hàng chục triệu người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Donald Trump. Đằng sau sự lựa chọn mà người châu Âu không hiểu nổi, vẫn có những lý do thực sự nghiêm túc.

Tại sao ở một cường quốc, một trong những cái nôi của dân chủ như nước Mỹ mà một ứng cửa viên nổi tiếng bằng những phát ngôn miệt thị phụ nữ, bài ngoại, dối trá và thậm chí là dốt nát, lại có thể thu hút được hàng chục triệu người ủng hộ ? Theo Les Echos, lý do thứ nhất cho sự thành công của Trump đó là sự phủ nhận của dân chúng với hệ thống chính trị, một hệ thống đầy rẫy những lạm dụng quyền lực và không ít dối trá. Người Mỹ ngày càng hoài nghi các thể chế chính trị, kinh tế, truyền thông.

Thứ hai, thành công của Donald Trump dựa trên nỗi sự của người dân Mỹ : Sợ làn sóng người nhập cư tràn lan, sợ sản phẩm Trung Quốc ; Họ coi đó là cỗ máy đánh cắp công ăn việc làm của họ. Trump đã rao giảng liên tục điều đó cho cử tri Mỹ và đã thuyết phục được học chỉ có ông ta người duy nhất dám chống lại các mối đe dọa đó.

Cuối cùng nhiều người Mỹ hy vọng có một vị tổng thống tỷ phú, có thể trở thành mạnh thường quân khi đất nước khó khăn.

Anh Vũ



(RFI)

Không có nhận xét nào: