Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Nếu vay vốn Trung Quốc làm cao tốc Bắc-Nam, phải cân nhắc các điều kiện

MAI ANH

(GDVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nếu vay Nhân dân tệ để đầu tư dự án lớn như cao tốc Bắc–Nam mà kèm theo điều kiện nhà thầu nước này, cần phải thận trọng.
Dù nằm trong dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, tuy nhiên dự án cao tốc Bắc - Nam đến nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Trong đó câu hỏi vốn thực hiện dự án, mức cần thiết của dự án đang được quan tâm nhiều nhất.
Tại buổi tọa đàm “Giải đáp câu hỏi nóng về đầu tư cao tốc Bắc –Nam”, vấn đề vốn thực hiện cao tốc Bắc – Nam được ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia phân tích chi tiết.
Theo đề án xây dựng, chi phí đầu tư dự án khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước lên tới 93.000 tỷ đồng.
Nhiều băn khoăn tại dự án cao tốc Bắc - Nam - ảnh nguồn: Báo giao thông
Theo ông Nghĩa, ngoài số tiền đầu tư 93.000 tỷ đồng sẽ do Chính phủ lo liệu, còn lại nguồn vốn nội địa chỉ có thể từ ngân hàng thương mại.
Áp lực lên ngân hàng thương mại sẽ là cả 93.000 tỷ vốn Nhà nước và hơn 100.000 tỷ vốn nội địa. Điều này sẽ tạo áp lực với các ngân hàng, vì không còn vốn cho các dự án khác. Cần có biện pháp tính toán phù hợp. Hiện, các ngân hàng cũng rất cảnh giác cho vay BOT vì nợ xấu rất nhiều. Vì vậy, vốn nội địa rất khó khăn.
Do đó, theo ông Nghĩa phải có hệ thống cơ chế hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài. Bởi, hiện các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam.
Trong vay vốn nước nước ngoài rủi ro lớn nhất tỷ giá. Để tránh điều này, ông Nghĩa cho rằng, vay USD cũng rất hay biến động vì bị lũng đoạn bởi giới đầu tư tài chính. Trong hoàn cảnh hiện nay, ông Nghĩa cho rằng chúng ta có thể chấp nhận vay đồng Nhân dân tệ để tránh rủi ro về tỷ giá.

Đề xuất giảm mức phí 2 trạm BOT trên Quốc lộ 5

Kiểm toán 14 dự án BOT và ngân hàng được mua lại giá 0 đồng

Đồng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu vay từ Trung Quốc nên vay bằng Nhân dân tệ thay vì USD để tránh biến động của cả hai đồng tiền.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng băn khoăn: Nếu vay bằng Nhân dân tệ liệu có phải kèm theo các điều khoản như ưu tiên nhà thầu Trung Quốc, ưu tiên mua vật tư thiết bị dự án từ Trung Quốc hay không?
Nếu kèm theo các điều kiện này phải cân nhắc.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia giao thông, đầu tư dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam nếu vay Nhân dân tệ Trung Quốc mà kèm theo điều kiện nhà thầu nước này cần thận trọng.
Thực tế nhiều dự án giao thông, dự án đầu tư trong nước không về đích đúng kế hoạch do năng lực nhà thầu Trung Quốc. Ở đây cần phân tách rõ việc vay vốn thực hiện dự án và vấn đề lựa chọn nhà thầu thi công.
Ở góc nhìn khác, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, các chủ trương đầu tư đường cao tốc cần thiết phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, nhưng thực tế hiện nay nếu thực hiện dự án đường cao tốc lớn như cao tốc Bắc Nam chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Thứ nhất, vốn thực hiện các dự án như đường cao tốc Bắc Nam dù dùng vốn nhà đầu tư trong nước, vay vốn ODA hay từ nguồn nào suy cho cùng cũng là nợ công của quốc gia. Trong khi nợ công chúng ta đang lớn, nếu tiếp tục đầu tư dự án đường cao tốc sẽ đẩy nợ công tăng cao đến một ngưỡng nào đó sẽ ảnh hưởng xấu nền kinh tế giống như một số nước Châu Âu.
“Phải hết sức cẩn trọng, đường cao tốc là cần thiết nhưng chỉ làm khi thực sự cân đối được tài chính. Nếu đưa vào thực hiện cao tốc Bắc – Nam ngay tôi cho rằng hơi mạo hiểm", ông Bùi Danh Liên cho biết.
Thứ hai, đường cao tốc áp dụng hình thức đầu tư BOT, BT. Trong khi thời gian qua, đầu tư BOT không đúng với định hướng, làm méo mó chủ trương. Vì thế, muốn thực hiện dự án đường cao tốc theo hình thức BOT mới, trước hết cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong vấn đề quản lý các dự án đầu tư BOT giao thông thời gian qua gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Việc quản lý kém các dự án đầu tư BOT thời gian qua không chỉ gây bức xúc mà còn gây gánh nặng cho đất nước. Cần phải xử lý dứt điểm, nghiêm khắc tồn tại cũ trước khi tiến hành dự án mới.
Thứ ba, đất nước đang khó khăn ngân sách, trong khi nhiều khoản phải chi tiêu có thể kể đến như khắc phục môi trường, chống biến đổi khí hậu, khắc phục thiên tai, địch họa. Kinh phí khắc phục vấn đề trên quan trọng hơn, cấp bách hơn.
“Cứ làm nhà đi vay tiền thì rất nguy hiểm, ai cũng đồng ý chủ trương xây dựng đường cao tốc nhưng đầu tư thời điểm nào, đầu tư lúc nào cần phải xem xét cẩn trọng”, ông Liên nói.
Mai Anh

Không có nhận xét nào: