Câu chuyện cái chợ
Ừ nhỉ, chợ quê ta thì có gì đặc biệt? Ngày ngày vẫn họp, ngày nào cũng đông, hoạt động cả năm chẳng ngày nào ngưng nghỉ, hàng hóa bày bán thì phong phú vô cùng, kẻ bán người mua đông như trẩy hội… Có thể ai đó nói như thế, và nghĩ vậy thì cũng là điều bình thường, nhưng nếu họ có mặt ở chợ vào một thời chưa xa lắm thì sẽ thấy có nhiều điều thú vị…
Điều đầu tiên là chợ quê ta không có tên, không như chợ ở các vùng xung quanh, chợ nào cũng có danh, ví dụ như chợ Thông, chợ Lựa, chợ Huyện hay chợ Viềng. Người nơi khác gọi theo địa danh là chợ Thuận Vi, người Nam Định bên kia sông thì gọi là chợ Gòi, một cái tên lạ lẫm mà trong chúng ta nhiều người cũng không biết. Còn dân quê ta thì cứ nôm na gọi là chợ Nhà, nào là đi chợ “nhà”, ra chợ “nhà” mà tôi cũng không hiểu chữ “nhà” này là tính từ hay danh từ trong ngôn ngữ nữa. Có lẽ chữ chợ Nhà đã là tên riêng của chợ, là cách gọi của ông cha ta từ lâu lắm rồi…
Chẳng ai biết chính xác chợ có từ bao giờ và lại nằm ở vị trí không được trung tâm cho lắm, người dưới Toàn Thắng, Tiền Phong hoặc khu dưới của Bách Tính, Thuận Nghiệp đi chợ thì hơi xa. Chợ xưa nhỏ hơn một chút so với bây giờ nhưng thông thoáng hơn, khu bên dưới còn là thổ cư của một số gia đình, giữa chợ có cái quán không biết được xây từ bao giờ, quán thứ hai xưa là một tòa nhà lớn được dùng để làm cửa hàng bách hóa của xã thời bao cấp. Các bờ tường cạnh đường cũng đã có từ thủa xưa, cửa hàng quán xá không có nhiều như bây giờ.
Chợ được họp gọn gàng chứ không tràn ra đường, nơi đó khi xưa để dành cho người thiên hạ đem rơm rạ đến bán. Chợ xưa không họp vào ngày đầu năm – tức mồng một Tết Nguyên đán, lúc đó chợ là thiên đường cho lũ trẻ vui chơi, lũ con trai thì đánh đáo bằng những đồng 5 xu, 2 xu có lỗ với đồng cái bằng chì tròn và nặng. Rồi những năm chiến tranh, thời Mỹ ném bom miền Bắc, chợ cũng phải sơ tán, dân ta họp chợ trên đường, khi thì dọc theo đường ra Trung Hòa, lúc dọc đường Chiến Thắng kéo dài vượt qua khu Chùa – tức khu ủy ban nhân dân hay trạm xá bây giờ. Mùa nước lũ chợ vẫn họp, người ta mua bán trên thuyền, hàng hóa vẫn đủ cả, cảnh tượng tựa như vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long…
Chợ Thuận Vi ta cũng có nhiều thứ độc đáo lắm, ví như một số loại bánh khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác, như bánh bèo hay bánh hấp chẳng hạn, đều là những thứ bánh rẻ tiền nhưng ngon đặc trưng, rất phù hợp với túi tiền của người lao động. Bánh cuốn Thuận Vi thì khỏi nói, chẳng người Bách Thuận nào khi sinh sống xa quê mà quên được món này. Tôi đã từng thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Vân Đình đã có tiếng tăm, nhưng chẳng nơi đâu sánh được với bánh quê mình. Bánh cuốn những nơi đó được mùi thơm của thịt nướng che lấp đi, chứ nếu ăn mỗi bánh chay thì chán ngắt; trong khi đó bánh quê ta chỉ cần thêm bát nước mắm chanh ớt là có thể ăn đến no chẳng cần đến chả thịt.
Tôi đi xa quê đã lâu, nhưng mỗi khi có dịp trở lại là luôn yêu cầu người nhà cho ăn những loại bánh của quê hương. Nào là bánh cuốn mềm vá béo ngậy; bánh tẻ thật ngon, khi bóc ra có màu xanh bắt mắt và ruột trắng tinh, khi ăn có cảm giác cứng giòn chứ không nhão; nào là bánh chưng; nào là bánh nếp có hình dáng như cái chóp nón ngộ nghĩnh, các cháu tôi từ Hà Nội về thấy lạ lắm, chúng gọi là bánh chưng Gù. Xưa chợ quê ta còn có loại bánh rất đặc trưng nữa, tuy không ngon lắm nhưng được cái bình dân, chỉ cần vài hào thôi là cũng lưng lưng cái bụng, đó là bánh đúc, được làm từ gạo hay ngô, khi ăn thì chấm với mắm tôm…
Mải miên man với các loại bánh trái mà tôi suýt quên điều hay nhất chỉ có ở chợ quê ta ngày ấy, đó là, trong khi các vùng quê khác dùng cân hoặc đôi khi là cái đấu gỗ để mua bán gạo cám, thì dân mình lại dùng cái bơ, gọi là bơ 8 lạng. Tôi chẳng biết một bơ có đủ tám lạng hay thừa thiếu mà chỉ thấy thú vị về cách mua bán bằng bơ này. Khi đong bơ người ta còn lấy tay be xung quanh cho gạo đầy thêm, người bán thì gạt xuống, kẻ mua thì cho thêm, nhìn tức cười lắm. Rồi cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ hỉ hả, chẳng thấy ai vì đầy vơi mà cãi cọ bao giờ. Đấy cũng là nét đẹp của văn hóa quê ta.
Chợ Thuận Vi, chợ quê ta khi xưa là thế đấy, ai bảo là không có gì đặc biệt, không có gì để nhớ?
Nguyễn Như Thạnh (Cộng hòa Séc)
Ngôi làng nguy hiểm nhất thế giới, cảnh tượng khiến du khách không thốt nên lời
Thế gian không thiếu những phong cảnh làm say đắm lòng người. Nhưng có một nơi sơn thủy hữu tình, cảnh sắc tuyệt đẹp đến nỗi người ta sẵn sàng mạo hiểm để được chiêm ngưỡng. Đó chính là làng Quách Lượng, nằm tại huyện Huy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Người ta vẫn nói rằng, để đi lên làng Quách Lượng được đã khó, nhưng chiêm ngưỡng nó còn cần phải có đủ dũng khí và lòng can đảm. Hãy cùng khám phá xem nơi đây có đúng như lời đồn đại đó không?
Ngôi làng được bao quanh bởi những ngọn núi lớn, thế núi dựng thẳng đứng, cao ngút ngàn tầm mắt. Trải qua niên đại 600 năm, Mẹ Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một kiệt tác giống như những “bậc thang dẫn lên Trời”, cấu thành từ 720 bậc đá cheo leo. Ngôi làng nằm trong “rãnh trời” tự nhiên này chỉ cách núi Tích huyện Lăng Xuyên (Trung Quốc) không quá 10 km.
Ngôi làng cao 1700 m so với mực nước biển, vậy nên vốn trời sinh đã có cái khí thế sừng sững, oai nghiêm.
Chỉ nhìn thôi cũng khiến người xem phải “thót tim”. Nếu thực sự đứng từ trên cao nhìn xuống, chắc hẳn không ít người sẽ cảm thấy nôn nao, chếnh choáng.
Anh chàng này chắc cũng đã phải trang bị một “tinh thần thép”!
Lý Bạch có bài thơ “Thục đạo nan”, nói rằng: “Đường đến nước Thục khó, khó hơn lên trời xanh”. Nhưng xem ra vẫn không thấm gì với đường lên ngôi làng này.
Có thể nói, sự can đảm của những thôn dân nơi đây còn cao hơn… độ cao của ngôi làng.
Nhiều năm trước đây, 13 thanh niên trai tráng đã mất 5 năm để hoàn thành con đường dài 1250 m, nối liền từ mặt đất lên đỉnh núi, phá vỡ thế cô lập của ngôi làng.
Để xuống núi, người dân chỉ có thể đi bằng “độc đạo” này…
Không có điện, cũng không có đồ cơ khí, 13 thanh niên đã dùng chính mồ hôi công sức của mình để khai phá con đường.
Người nơi đây mỗi ngày tiêu hết 1 hào (khoảng 350 VND), họ sống bằng nghề bán dê, bán thảo dược và cây chặt được trên núi.
Cây lê già đầu làng không biết đã ở đây bao nhiêu năm? Chứng kiến bao nhiêu vui buồn của làng Quách Lượng?
Một trong 13 chàng thanh niên năm xưa giờ cũng đã già, làm nghề buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày.
Kiến trúc của những ngôi nhà ở đây cũng mang phong cách rất mộc mạc, khoẻ khoắn.
Một góc sân của ngôi nhà. Chẳng ai có thể tưởng tượng được nơi đây cách mặt đất hơn 1000 m.
Phải khó khăn lắm khách tham quan mới tìm được một chút gì đó của nền công nghiệp hiện đại.
Người ngoài khó có thể biết được đây là vật gì? Một đầu to, một đầu nhỏ, ở tách biệt 1 khu đất…
Đứng từ trên cầu, người ta có cảm giác như đang cách biệt cõi hồng trần xô bồ và chật hẹp.
Con đường hình chữ “Chi” (之) là lối đi duy nhất lên núi.
Bức tranh sinh động này có lẽ sẽ khiến nhiều người cảm thấy nao lòng…
Hãy giữ lại trong tâm trí cảnh tượng hùng vĩ, nơi sơn cùng thủy tận…
Ngôi làng Quách Lượng nằm lọt thỏm trong vùng núi Thái Hàng, thuộc hệ thống núi tiếp giáp giữa 2 huyện Sơn Tây và Hà Nam, Trung Quốc. Trong hơn 10 năm trở lại đây, khu vực này mới có người biết đến.
Điều đặc biệt nhất của ngôi làng này, đó là con đường duy nhất đi lên đây có nhiều đoạn hầm được đào xuyên qua núi hoàn toàn bằng thủ công.
Đây được cho là con đường đáng sợ nhất thế giới.
Vượt qua những hầm đá này, bạn có thể được chiêm ngưỡng kỳ quan tuyệt đẹp được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 9 của Thế giới”.
Năm 1972, 13 chàng thanh niên không chút phương tiện hiện đại nào trong tay, đã mất 5 năm để khai phá con đường núi dài 1250 m, rộng 6 m, cao 4 m để thông ra bên ngoài.
Điều đáng nói ở đây là đá tại vùng núi này thuộc loại đá trầm tích, có độ cứng cấp 8,3, vậy mà họ lại có thể đào thủ công hoàn toàn như vậy. Thật đáng khâm phục!
Cả đoạn đường uốn lượn, gấp khúc liên tục.
Có đoạn đường thì bằng phẳng, có đoạn thì khúc khuỷu gập ghềnh.
Cứ cách một đoạn lại có một hầm nhỏ xuyên qua vách núi như thế này, người đi đường có cảm giác như được mở ra một cảnh sắc mới.
Nơi đây thực sự vẫn còn rất thô sơ, dường như nền văn minh bên ngoài khó có thể ảnh hưởng quá nhiều…
Vài chục hộ gia đình sống trong những ngôi nhà có tường được xây bằng đá núi, dính bằng vôi, cửa làm bằng gỗ…
Đặc biệt nhất là mái ngói được làm bằng những phiến đá ngọc tìm thấy trong núi, dưới làn sương mỏng, hiện lên trông vô cùng tinh tế.
Ngôi làng có tổng cộng 83 hộ dân, gồm 329 người, đa số đều là người Sơn Tây di cư lên.
Làng Quách Lượng còn có tên gọi khác là Ao Trời. Năm 1975, người dân nơi đây đã cải tạo lại con đập, tạo thành 1 hồ nước nằm ngay giữa Thiên – Địa – Nhân. Thật quả đúng như tên gọi!
Minh Xuân
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét