Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc

 Gạo Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh baodatviet.vn 
Chạy theo số lượng, gạo Việt Nam không đủ chất lượng để xuất khẩu sang châu Âu hay châu Mỹ, mà vẫn phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 1,35 triệu tấn gạo sang Trung Quốc trị giá 613,8 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Nông thông cũng cho biết, xuất khẩu gạo tháng 10 vào Trung Quốc sẽ tăng hơn so với các tháng trước đó, ước tính đạt 368.000 tấn, như vậy sau 10 tháng là 4,2 triệu tấn, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chạy theo số lượng, gạo Việt ngày càng yếu thế trên thương trường Ảnh: Ngọc Trinh - nld.com.vn
Chạy theo số lượng, gạo Việt ngày càng yếu thế trên thương trường Ảnh: Ngọc Trinh – nld.com.vn
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang) cho báo Trà Vinh biết giá gạo nội địa trước đó tăng mạnh khiến đối tác phía Trung Quốc ngưng nhập nên đã ảnh hưởng đến thị trường nội địa và làm giá giảm mạnh trở lại.
Mặt khác các hợp đông xuất khẩu gạo đến Philippines và Indonesia (hợp đồng từ 2015) đã hoàn tất cũng là nguyên nhân khiến giá gạo nội địa trong nước giảm trở lại.
Diễn biến thị trường cho thấy giá gạo Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Cách đây chưa lâu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) còn hồ hởi thông báo giá lúa gạo đang chuyển biến tích cực nhờ Trung Quốc tăng thu mua lúa gạo Việt Nam.
Từ năm 2012 đến nay Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, chiếm 50%, năm nay dù lượng xuất khẩu đến Trung Quốc giảm nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Do gạo Việt Nam chưa đạt chất lượng cao để xuất sang châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản, nên vẫn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhiều lô hàng bị ép giá.
Lý giải cho việc này, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho báo Đất Việt biết: “Từ trước đến giờ Việt Nam chỉ chú trọng số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng, cũng không phân biệt được trong số 140 doanh nghiệp thuộc VFA doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu kiểm soát được hạt gạo của mình mà không đấu trộn nhiều giống lúa với nhau. Bởi vậy các doanh nghiệp cứ mạnh ai nấy chạy, tìm được nhà nhập khẩu nào thì cứ xuất, miễn là có lời.
Doanh nghiệp Việt không quan tâm đến chuyện xuất như vậy thì sang năm có xuất được nữa hay không, họ chỉ nghĩ đến chuyện xuất một mẻ dăm ba nghìn tấn lời được bao nhiêu tiền bỏ túi chứ không nghĩ đến tương lai lâu dài của hạt gạo Việt Nam”.
Ngọn Hải Đăng
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: