31/10/2016
Điền Phương Thảo
30-10-2016
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 có hơn 1 triệu người kê
khai tài sản và không phát hiện ra người vi phạm dù xác minh hơn 400 trường hợp
(1).
Quả là một tín hiệu đáng mừng (?) cho đất nước trong công tác
thẩm tra phòng chống tham nhũng. Vậy mà ai đó nói rằng “tham nhũng đã trở thành
quốc nạn” , “vì giờ nó liên quan đến hầu hết mọi người làm việc cho nhà nước”,
nào là “ra ngõ đã thấy tham nhũng” và nó đã “như con rắn 100 đầu, đập đầu này
nó có đầu kia”.
Trong bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, cố vấn Ngô Đình Nhu đã đánh giá
bản khai lý lịch của chiến sĩ tình báo Nguyễn Thành Luân “chỉ là một tờ giấy
trắng” với “hai nghĩa: nó quá thật, quá đủ dẫn tới nghĩa thứ hai là chưa có chữ
nào cả”. Nghĩa là “nó thật đến mức nó nói láo”.
Để có thể hoạt động tốt trong lòng địch, tất nhiên chiến sĩ tình
báo Luân phải chuẩn bị cho mình một bản lý lịch rất minh bạch, không để lộ một
sơ hở nào. Cũng vậy, khi kê khai tài sản, các cán bộ, công chức, đảng viên cũng
phải kê khai sao cho tài sản của mình “trắng trẻo không tì vết” là điều dễ
hiểu.
Thiết nghĩ, điều xã hội và người dân cần ở đây là tính trung
thực của các cán bộ, công chức, đảng viên chứ không phải là có bao nhiêu đầy tớ
nhân dân kê khai tài sản, thu nhập. Nếu các giao dịch bằng tiền mặt không
qua ngân hàng thì làm sao kiểm tra? Chưa kể từ xưa đến nay, nhà nước không
quản lý nguồn gốc đồng tiền từ đâu có và nó sẽ di chuyển đi đâu, giờ mới thực
hiện việc kê khai, thử hỏi làm sao phân biệt được tiền nào là do cha mẹ để lại,
tiền nào là do cán bộ làm ra ?
Theo một bài viết đăng trên trang báo Vietnamnet.vn vào ngày 24/07/2014 cho biết “chỉ đến
khi bị trộm viếng thăm, khối tài sản khủng trị giá hàng chục, hàng trăm cây
vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục nghìn đôla… được giấu kín của nhiều quan chức
mới bị lộ”.Thậm chí một “ siêu trộm” còn thừa nhận tại tòa án rằng “vào nhà đại
gia, quan chức lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột
nhập vào cho mất công ?”
Vậy ra “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Nên chăng ban thẩm tra phòng
chống tham nhũng cứ lấy số liệu từ những vụ trộm này, có khi xã hội sẽ biết tài
sản thật của các đầy tớ nhân dân mà không cần tốn giấy mực, công sức để thực
hiện bảng kê khai?
(1) http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khong-phat-hien-ai-vi-pham-trong-1-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-2016102814115756.htm
Có quan chức nào kê khai nhà cửa là của họ đâu
31/10/2016 03:10 GMT+7
- Quan chức có anh nào kê khai đó là nhà cửa tài sản của họ đâu, toàn kê là của người khác thôi, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nói.
VietNamNet trao đổi với Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, TTCP Phạm Trọng Đạt và Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Lê Thị Thủy về đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Bà Thủy cho biết vẫn đang tranh luận vì bàn về đối tượng khó quá.
Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Lê Thị Thủy
|
Lúc đầu dự thảo đề án chỉ tính xây dựng theo hướng kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Sau các cuộc hội thảo, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị quy định kiểm tra, giám sát cả cấp ủy các cấp nữa.
Ngay cả khi mở rộng thì cũng có ý kiến khác nhau. Nếu làm ở cấp huyện cấp tỉnh thì cấp xã lại không có. Khi đó ở cấp xã, bí thư chi bộ cũng không phải kê khai tài sản. Đến cấp uỷ huyện thì hơi loãng.
“Mình thì muốn đi theo hướng của nước ngoài, tập trung làm trên trước dưới sau, trong trước, ngoài sau. Tức là chỉ tập trung ở nhóm cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nhưng giờ vẫn có quan điểm khác là muốn làm đồng loạt. Vì vậy cần phải họp để xin ý kiến, định hướng của TƯ”, bà Thủy nói.
Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ cũng nêu thêm khó khăn nữa là nhóm cán bộ cấp vụ của các bộ, ngành vẫn đang tranh luận không biết nằm vào đâu cho hợp lý.
“Một bên sợ rộng quá, kiểm soát không có hiệu quả, một bên lại lo hẹp quá lại bỏ lọt đối tượng phải quét nên cũng khó quyết”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, việc kiểm soát sau kê khai tài sản hiện nay còn ở một chừng mực. Kê khai tài sản là 1 trong 9 biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nếu làm được thực chất, kiểm soát được sẽ thúc đẩy các giải pháp khác tốt hơn.
Bà Thủy nêu cách làm của các nước là cứ đưa tài sản kê khai lên trên mạng, chỉ cần tra là ra bản khai. Tuy nhiên bà cũng lưu ý, vấn đề là phải đi sâu vào bản chất việc kê khai. Còn bản khai trên mạng chỉ là công khai phần nổi.
“Ví dụ tôi có tài sản 100 triệu đồng thì tôi kê ngay nhưng không thể rõ được 100 triệu đó nằm ở đâu, do đâu có. Các nước cũng không công khai những việc này với quan điểm bảo vệ bí mật cá nhân cũng như đảm bảo an toàn”, Bà Thủy phân tích.
Bà cho rằng, bản kê khai của mình yêu cầu công khai rất đầy đủ, rõ ràng từng mục một, nhà thế nào, đất thế nào, xe cộ, tiền mặt thế nào… và công khai theo quy định.
Tuy nhiên, vấn đề là cần kiểm soát được việc kê khai thế nào, đúng hay sai thì còn ở một chừng mực và giờ đang phải bàn khuôn chuẩn đối tượng để kiểm tra, giám sát thế nào cho hiệu quả.
“Khi có đối tượng rồi thì ra được cái đuôi ngay”, bà nhấn mạnh và cho biết UB Kiểm tra TƯ đang thảo luận để ra được quy định vừa phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo hiệu quả.
Dự kiến từ nay đến cuối năm phải xong đề án này để trình xin ý kiến Ban Bí thư và bao giờ cũng phải có 2 phương án.
Người nhà quan chức cũng phải kê khai
Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt
|
Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cũng cho rằng số lượng kê khai nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là đối tượng kê khai có đúng không, chính xác không và kê khai rồi thì có quản lý được không, có cơ chế giám sát được không, có biết tăng giảm thế nào không.
“Kê khai mà không quản lý được, kê khai mà không công khai thì kê làm cái gì”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Đạt, phải có cơ chết giám sát và quản lý được tài sản của người kê khai, chứ bây giờ kê thế nào biết thế ấy. Chính vì vậy, người dân không nắm được nên không phát hiện ra được gì, ngay cả cơ quan nhà nước cũng không phát hiện được.
Điều quan trọng không phải là 1 triệu, 2 triệu, hay mấy trăm nghìn người kê khai mà phải biết được nguồn gốc tài sản đấy từ đâu.
“Tôi đề nghị kê khai tài sản của cả những người thân trong gia đình những người có chức vụ quyền hạn. Vì quan chức có anh nào kê khai đó là nhà cửa, tài sản của họ đâu, toàn kê là của người khác thôi. Người khác trên 18 tuổi phải chịu trách nhiệm chứ”, ông nhấn mạnh và cho rằng sau này sửa luật PCTN sẽ lưu ý vấn đề này.
Thu Hằng - Ảnh: Phạm Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét